Trang chủ Phật giáo khắp nơi Người xuất gia "sinh là khổ" sao còn ăn mừng sinh nhật

Người xuất gia "sinh là khổ" sao còn ăn mừng sinh nhật

114
0

Biết khổ sao lại ăn mừng
 
Trao đổi về điều này, Đại đức Thích Minh Trí, chùa Phúc Lâm (Đồng Nai) cho rằng: “Như chúng ta đã biết, viêc người đời tổ chức lễ sinh nhật chỉ có mục đích duy nhất là mời mọi người cùng tới chung vui, tiệc tùng chúc tụng kỷ niệm cái ngày mình cất tiếng khóc chào đời.
 
Bên cạnh đó cũng có một số ít người lợi dụng dịp lễ này để được nhận "phong bì", quà cáp…

Người xuất gia không nên tổ chức ăn mừng sinh nhật như người đời (ảnh minh họa)

Trong khi đó, sự thật thứ nhất trong bốn sự thật cao quý (tứ diệu đế) –  mà Đức Phật đã chứng ngộ và giảng dạy cho đời – nói rằng sinh, lão, bệnh, tử là khổ.

Trong Cung Oán Ngâm Khúc, Ôn Như Hầu cũng nói: "Thảo nào khi mới chôn nhau/ Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra!". Rõ ràng, theo quan điểm của đạo Phật thì con người trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi là đau khổ.
 
Thử hỏi người xuất gia theo Phật, việc tổ chức lễ mừng sinh nhật rình rang cho bản thân mình giống như người đời liệu có phù hợp với mục đích giải thoát con người ra khỏi vòng luân hồi sinh tử của giáo lý nhà Phật không? Chắc chắn là không.
 
Bạn Tiến Thuận (TPHCM) cũng cho rằng: “Chưa nói vấn đề sinh ra là khổ hay không khổ mà với người đã xuất gia, sống nhờ vào tín thí thì cũng không nên dùng những đồng tiền đó mà tổ chức sinh nhật. Nếu có làm thì ngày hôm đó hãy ngồi ngẫm lại xem mình đã học và làm được những gì thì hay hơn.”
 
Chỉ nên tổ chức lễ Khánh tuế
 
Trong nhà Phật chỉ có lễ khánh tuế là được công nhận và thường được tổ chức sau 3 tháng an cư kiết hạ của người xuất gia.
 
Đây là lễ mừng một nhà tu tăng thêm một tuổi đạo, là dịp để các đệ tử bày tỏ lòng hiếu đạo đối với bậc tôn sư của mình bằng việc nỗ lực tu hành.
 
Trong buổi lễ này, các đệ tử thường ôn lại công hạnh tu hành của một vị cao tăng hay trưởng lão nào đó để lấy đó làm gương sáng cho mọi người cùng noi theo tu học hướng đến đời sống an lạc, giải thoát sinh tử trầm luân.
 
“Tôi nghĩ tu sĩ Phật giáo không nên tổ chức lễ mừng sinh nhật cho mình mà chỉ nên tổ chức lễ Khánh tuế đối với các vị trưởng lão đạo cao đức trọng.
 
Chỉ nên tổ chức lễ khánh tuế đối với các vị trưởng lão đạo cao đức trọng (Chư Tôn Đức đảnh lễ nhân lễ khánh tuế Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh)

Cũng xin nói thêm có thể sẽ có người thắc mắc là nếu tôi cho rằng người tu không nên tổ chức sinh nhật cho mình vậy tại sao Phật giáo lại có lễ kỷ niệm Đức Phật ra đời (Phật đản)?

Xin trả lời: Sự xuất hiện của Đức Phật nơi đời là vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời. Ngài là bậc đạo sư của trời và người, là vĩ nhân.
 
"Do đó, việc hàng năm những người con Phật lại tổ chức lễ kỷ niệm sự kiện xuất hiện của Ngài nơi đời, nhằm nhắc nhở mọi người nương theo giáo huấn của Ngài để tiến tu trên con đường giải thoát khổ đau là việc nên làm, cần làm” – Đại đức Thích Như Bình (chùa Khánh Hỷ, Đạ Huoai, Lâm Đồng) nhấn mạnh.
 
Riêng Đại đức Thích Nhuận Tâm, trụ trì Chùa Lá (quận Gò Vấp) thì cho rằng: “Thay vì tổ chức sinh nhật thì chúng ta hãy nhớ đến ngày mình xuất gia. Mỗi người tu hành hãy cố gắng nỗ lực, phục vụ đời, làm sao giúp cho càng nhiều người sống hạnh phúc và an lạc đó cũng là cách để mừng cho việc mình đã có mặt trên cõi đời này”.
 
Theo Kienthuc.net
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here