Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Vai trò của Ni giới Phật giáo Thừa Thiên Huế (*)

Vai trò của Ni giới Phật giáo Thừa Thiên Huế (*)

134
0

A/ Dẫn nhập:

Sau khi GHPGVN được thành lập ngày 7 tháng 11 năm 1981, với sự thống nhất Phật giáo cả nước, ngay từ buổi đầu, Ni giới PGVN nói chung cũng như Ni giới Phật giáo Thừa Thiên Huế nói riêng đã nối tiếp và phát huy cao vai trò của Ni giới trong nhiệm vụ “Hoằng pháp lợi sinh, báo Phật ân đức”, đồng hành cùng dân tộc, có nhiều hoạt động tích cực góp phần xây dựng đất nước, trang nghiêm giáo hội và đạt những thành quả tốt đẹp.

Nhân dịp Đại lễ kỷ niệm và Hội thảo: “30 Năm thành lập GHPGVN”, để đánh dấu một giai đoạn lịch sử trọng đại của Đạo pháp và Dân tộc, đây cũng là dịp để Ni giới Phật giáo Thừa Thiên Huế khẳng định vai trò, sự dấn thân và thể hiện rõ tính hội nhập và phát triển của mình.

B/ Nội dung:

Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, với sự sáng suốt của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo Hội và sự hổ trợ của các cấp lãnh đạo chính quyền, các thế hệ Ni giới Thừa Thiên Huế đã tiếp nối công hạnh của các bậc Trưởng lão Ni và truyền thống của dân tộc Việt Nam, nêu cao vai trò của mình trong việc bảo vệ truyền thống văn hóa, giữ gìn nếp sống đạo hạnh nơi chốn thiền môn, phát huy những giá trị đạo đức tâm linh, truyền bá chánh pháp, dấn thân trong các công tác từ thiện xã hội, luôn làm tốt đạo đẹp đời, đem lại lợi ích cho tự thân và tha nhân.

Đoàn kết hòa hợp, duy trì mạng mạch Phật giáo:

Năm 1981, Phật giáo Việt Nam đã thống nhất 9 hệ phái Phật giáo từ Bắc chí Nam thành một Giáo hội duy nhất, đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ni giới Phật giáo khắp ba miền đất nước tuy có các truyền thống khác nhau nhưng đã đoàn kết hòa hợp, cùng sinh hoạt theo hiến chương của Giáo hội, có điều kiện tu học sinh hoạt Phật pháp ngày càng phong phú đa dạng hơn, thích ứng với thời đại, thực nghiệm và dấn thân trong các Phật sự góp phần phục vụ an sinh xã hội, đem tinh thần từ bi của Đạo Phật hòa vào đời sống của mọi người dân.

Hiện nay, Ni giới Phật giáo Việt Nam có ba truyền thống: Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ. Chư Ni cả ba hệ phái này đang sinh hoạt và phát triển dưới sự lãnh đạo của Trung ương Giáo hội. Phân ban đặc trách Ni giới, đều có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển đời sống tâm linh cũng như những hoạt động lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên, trong ba hệ phái, đặc biệt tại Thừa Thiên Huế, Ni giới Phật giáo Bắc tông chiếm số đông, Ni giới thuộc hệ phái Khất sĩ và Nữ tu Phật giáo Nam tông vẫn còn hạn chế. Mặc dù hơn ba mươi năm xây dựng và phát triển đất nước còn nhiều gian khó, nhưng nhờ sự đoàn kết và ổn định nên đã đạt được những kết quả tốt đẹp.

Thể hiện tính Phật giáo đồng hành cùng Dân tộc:

Trong sự đồng hành cùng phát triển của đạo pháp và dân tộc. Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã có các bậc Ni lưu có nhiều đóng góp tích cực đối cho đạo pháp và dân tộc. Nhất là từ đầu thế kỷ XX cho đến nay mới là một trong những thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của Ni giới trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ngoài việc thiết lập cơ sở tu học; đào tạo các vị Ni trẻ kế thừa, gầy dựng một hệ thống Ni bộ ngày nay noi gương sáng của Trưởng lão Ni Kiều Ðàm Di, quý Ngài còn ủng hộ nhiệt thành cho phong trào Chấn hưng Phật giáo nửa đầu thế kỷ XX; đòi quyền bình đẳng tôn giáo trong các phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo vào những năm (1963, 1966), tham gia các hoạt động xã hội. Ni trưởng Diệu Không là một trong những Ðại biểu của Ðại hội Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam lần đầu sau thời kỳ thống nhất đất nước tại Hà Nội, sau đó, một số Ni trưởng cũng tiếp bước tham gia vào các tổ chức xã hội như Ủy ban Mặt trận, các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước, các hội khuyến học…Đặc biệt, trong 30 năm qua, Chư Ni luôn dấn thân trong lãnh vực hoạt động nhân đạo, duy trì và phát huy cao hơn nữa các hội từ thiện cứu giúp người nghèo khổ và nạn nhân chiến tranh, bão lụt thiên tai, xây dựng nhiều cô nhi, ký nhi viện trên khắp mọi miền đất  nước, mở các viện dưỡng lão và các lớp học tình thương, khuyết tật vv…Từ những giá trị này cho thấy tinh thần nhập thế tích cực và đồng hành cùng dân tộc của Ni giới Phật giáo Thừa Thiên Huế trong quá khứ cũng như trong thời kỳ hội nhập và phát triển một cách thiết thực.

Giáo dục đào tạo thế hệ Ni trẻ kế thừa:

Sau khi nước nhà được thống nhất, đạo pháp cũng có bước chuyển mình mới. Cùng với các bậc Tôn túc lãnh đạo, quý Ni trưởng, Ni sư đã hỗ trợ việc vận động và thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mở trường Cao cấp Phật học ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện PGVN tại Huế, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và các trường Trung cấp Phật học.

Việc giáo dục đào tạo lớp Ni trẻ đủ đạo hạnh thừa kế trong thời hiện đại là rất thiết thực, nhất là Việt Nam đang trong xu thế hội nhập thế giới, cho nên quý vị lãnh đạo Ni giới đã luôn thao thức và thực hiện việc đào tạo giáo dục một đội ngũ Ni trẻ và Phật tử có đầy đủ kiến thức và tư duy mới để đem đạo vào đời, xứng đáng là những người con gái của đức Phật.

Trước nhiệm vụ lớn lao này, thiết nghĩ Ni giới chúng ta phải phát huy hơn nữa nhiệm vụ hoằng pháp lợi sinh. Nhất là vai trò đối ngoại, đòi hỏi con người thật sự hy sinh vì đạo pháp dân tộc, hội đủ điều kiện hoà mình cùng Phật giáo thế giới trong thời hội nhập, làm cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam ngày càng được xương minh. Có thể nói, sự hình thành một bộ phận Ni giới đủ tài đức và năng nỗ, có khả năng ra hành Phật sự ngày nay có được là nhờ sự trao truyền chánh pháp và truyền thừa đạo hạnh từ nhiều bậc Tôn túc giáo phẩm Tăng, Ni trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ðó là những tấm gương sáng về đạo hạnh và về tinh thần tu học nghiêm túc từ thời Hai Bà Trưng và qua nhiều thế hệ. Đặc biệt ở Huế có Quý Ni trưởng Diệu Hương, Diệu Không, Thể Quán, Thể Thanh, Diệu Trí, Viên Minh, Cát Tường, Diệu Tấn… đều là những vị Giáo thọ đầu tiên đào tạo Ni chúng tại các tự viện cũng như tại các Phật học đường. Qúy Ngài cũng là những bậc sáng lập những Ni tự, Ni viện đầu tiên ở miền Trung và miền Nam.

Nhìn lại suốt chặng đường 30 năm qua, đến nay Ni giới tỉnh Thừa Thiên Huế đã lớn mạnh, với 72 ngôi chùa Ni và tịnh thất, có 435 Tỳ-kheo Ni, 85 Thức xoa ma na, 73 Sa di Ni, 62 điệu tập sự. Ni viện Diệu Ðức vẫn là một trung tâm giáo dục của Ni giới tỉnh Thừa Thiên Huế, là cơ sở 2 trường Trung cấp Phật học tỉnh Thừa Thiên Huế, lớp sơ cấp có 50 Ni sinh, lớp Trung cấp có 165 Ni sinh. Có một số vị Ni sau khi hoàn tất chương trình sau đại học ở trong và ngoài nước cũng đã trở về phục vụ trong việc hoằng pháp và tham gia công tác giảng dạy tại Học viện và các trường Sơ, Trung cấp Phật học. Ni giới Thừa Thiên Huế có sự phát triển lớn mạnh như ngày nay là nhờ có sự sâu sát chỉ đạo của chư tôn đức và là một nỗ lực không ngừng nghỉ của Chư Ni  trong tỉnh Thừa Thiên Huế.

C/ Kết luận:

Kể từ khi thành lập Giáo hội đến nay, Ni giới Phật giáo Việt nam nói chung và Ni giới Phật giáo Thừa Thiên Huế nói riêng đã luôn không ngừng phát triển, trong sự đồng hành cùng dân tộc, chư Ni đã luôn nêu cao vai trò của mình trong các lãnh vực hoàng pháp, giáo dục,  từ thiện xã hội với những đóng góp thiết thực đem lại lợi ích cho sự nghiệp đổi mới chung của đất nước và Giáo hội. Thể hiện tinh thần nhập thế một cách tích cực qua tinh thần “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”. Qua đó, càng khẳng định được vị trí vai trò của Ni giới trong suốt quá trình đồng hành cùng dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả tốt đẹp, Ni giới Thừa Thiên Huế vẫn còn một số vấn đề hạn chế cần phải khắc phục.

Những ý kiến đóng góp:

– Ni giới Phật giáo Thừa Thiên Huế kính mong chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhà nước Việt Nam, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quan tâm hơn nữa cho sinh hoạt của Ni giới, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong vấn đề đào tạo lớp Ni trẻ kế thừa trong tương lai.

– Giáo hội và các Ban Ngành có trách nhiệm, đặc biệt là Phân ban Đặc trách Ni giới, cần xây dựng chương trình đào tạo chính quy, khoa học… cho Ni giới về công tác từ thiện xã hội trong nhiều lãnh vực như: khám chữa bệnh, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi – khuyết tật; chăm nuôi dạy trẻ; chăm sóc người già neo đơn; cứu trợ đồng bào gặp khó khăn v.v.. khắc phục tình trạng tự phát và thiếu đồng bộ như hiện nay trong công tác từ thiện.

– Ni giới chúng  ta phải thực sự đoàn kết cùng sánh vai với Ni giới toàn cầu để phát huy chánh pháp, được như thế thì Ni giới mới phát triển vững chắc. Hy vọng rằng chư Tôn thiền đức Tăng Ni, Quý vị Phật tử cùng toàn thể Quý vị đại biểu tham dự hội thảo hôm nay sẽ có những phát biểu ý kiến góp ý để cho Ni giới Phật giáo Huế ngày càng được phát triển tốt đẹp hơn.

– Ni giới rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, nhất là chư Tôn giáo phẩm Tăng Ni, các cấp lãnh đạo Chính quyền, bà con Phật tử trong và ngoài nước cũng như các tầng lớp xã hội, để có điều kiện thuận lợi trên con đường tu thân hành thiện. Và để Ni giới Phật giáo Huế thể hiện hơn nữa vai trò của mình, có nhiều cơ hội thuận lợi dấn thân và góp phần vào sự phát triển ngày càng lớn mạnh của GH cũng như sự củng cố và phát triển đoàn thể Ni giới, vào các hoạt động xã hội, làm tốt đạo đẹp đời theo phương châm: “Đạo pháp -Dân tộc, Chủ nghĩa – xã hội”.

NS.TN.N.M

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here