Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Hành trình về đất Phật (Tây du ký sự kỳ 4): Ngày...

Hành trình về đất Phật (Tây du ký sự kỳ 4): Ngày 28-6 – Dhamma Kaya Meditation Center

133
0

Người Thái gọi trung tâm này là Thamakai. Người trên xe hướng dẫn chúng tôi xuống xe trên xa lộ tại địa điểm phát âm như là Vân Khành (cách Ayutthaya 36km)  rồi lên xe taxi rẽ trái sang một đường nhỏ hơn để đến trung tâm. 

Taxi không đưa chúng tôi đến văn phòng mà lái vào con đường bên hông và cho chúng tôi xuống xe ngay giữa một khoảng sân rộng mênh mông như một sân vận động, phía xa xa thấy một khối kiến trúc như chiếc đĩa bay.   

 Thiền đường – phần mái màu vàng làm bằng các tượng Phật bằng titan dát vàng – có khoảng 300.000 ngàn tượng ở lớp ngoài và 700.000 tượng ở lớp trong. Phần dưới là các bậc ngồi giống như khán đài ở sân vận động là chỗ ngồi của chư tăng. Phật tử ngồi ở tầng dưới và trên sàn. 

Tượng Phật ở phần “mái” thiền đường
Thiền đường ban đêm (ảnh từ internet)
 
Phần giữa “sân” thiền đường – viên kim cương tượng trưng cho Phật pháp quí báu

Lúc ấy là 7 g. Chúng tôi đi lang thang rất lâu mà không thấy một bóng người. Sau đó đi ngang qua một khu vực có một nhóm sư và một nhóm thiền sinh đang ăn sáng. Nhưng không có ai để hỏi thăm đường.  Chúng tôi đi bộ dưới cái nắng chang chang suốt gần 2 tiếng đồng hồ ngang qua các khoảng sân rộng và 3 thiền đường có dạng chiếc đĩa bay. Cuối cùng mới gặp một thiền đường có cây cối và tường rào bao quanh. Nhưng người gác nhẹ nhàng bảo trong đó đang có khóa tu, người ngoài không được vào. Khi ấy phải đi ngược lại. Tôi bảo Claude đi vào bóng mát của nhà đỗ xe và rồi nhìn thấy trên tầng 2 có người. Chúng tôi quyết định đi lên đó, hóa ra đây là văn phòng điều hành trung tâm. 

Kiến trúc ở giữa sân  (giống như bệ phóng tàu vũ trụ). Hậu cảnh cũng là thiền đường, tầng dưới là nhà đỗ xe, tầng trên là sàn để ngồi thiền.

Một người phương tây nói tiếng Anh ra tiếp chúng tôi, tự giới thiệu tên là Howard Clary. Ông dùng một laptop mở ra và giới thiệu cho chúng tôi lịch sử thành lập trung tâm cũng như đồ án tổng thể và lịch các khóa tu thiền ở đây.

Kế đó ông gọi một cô nhân viên trẻ khoảng 30 tuổi ra tiếp. Cô này đưa chúng tôi xuống lầu và đưa lên xe hơi. Cô vừa lái xe vừa nói chuyện về trung tâm, vừa nói triết lý về cuộc sống và sự cần thiết của việc tập thiền. Cô đưa chúng tôi ra gần cổng, đến phòng tiếp tân và bàn giao cho một nhân viên nam khoảng 60 tuổi. Ông này đưa chúng tôi vào một phòng chiếu video trong vòng 15 phút. Trong phim có thuyết minh bằng tiếng Anh giới thiệu về trung tâm.

Sau đó, ông này tự giới thiệu tên là Harn. Ông nói lần sau đến hỏi nhân viên để gặp Uncle Harn. Ông đưa chúng tôi vào một thiền đường, nơi mà bất cứ giờ nào người ta cũng có thể vào ngồi thiền. Ông lễ Phật và để chúng tôi ngồi yên khoảng 5 phút. Sau đó ra hiệu cho chúng tôi ra ngoài và đưa chúng tôi lên xe hơi, lái đi khắp trung tâm. Ông đưa chúng tôi đi thăm ngôi thiền viện đầu tiên, tăng xá dành cho các sư lớn (khoảng hơn 800 vị), tăng xá, trường học dành cho các học tăng (hơn 600), nhà ăn cho các sư, cho nhân viên phục vụ, v.v.. Ông đưa chúng tôi đến tận thiền đường cuối cùng nơi chúng tôi gặp nhân viên bảo vệ không cho vào.

Ông Harn lái xe quay lại, đưa chúng tôi ra tận cổng và dặn lần sau đến dự một khóa xuất gia gieo duyên trong một tháng, sẽ được cúng dường y phục, thức ăn, được tham dự các khóa học giáo lý, các giờ tập thiền hoàn toàn không cần đóng góp tiền bạc.

Quả thật, sự tiếp đón những người khách xa lạ mà nồng hậu, chu đáo như thế này ở Việt Nam không tìm đâu thấy.

Trung tâm thiền này do một tu nữ gọi là Khun Yay (tên và pháp hiệu đầy đủ là KhunYay Maha Ratana Upasika Chandra Khonnokyoong) thành lập năm 1970 ( gọi là tu nữ là do giáo hội Phật giáo Thái Lan  không thành lập ni bộ, các tu sĩ nữ chỉ thọ tám giới, không được thọ giới tỳ kheo ni và mặc áp trắng giống như cư sĩ). Bà là đệ tử của một thiền sư danh tiếng tên là Phra Mongkol Thepmuni (1884-1959), trụ trì Wat Paknam Bhasicharoen ở tỉnh Thonburi. Vào năm 1916 ngài lập ra một tổ chức gọi là Dhammakāya Foundation , kêu gọi cải cách đường lối sinh họat của chư tăng, tránh rơi vào con đường vật chất hóa, lợi dụng sự cúng dường của tín đồ để mưu cầu lợi ích riêng tư, sống xa hoa, xa rời sự tu hành. Tổ chức này đã tạo ra một một phong trào chấn hưng Phật giáo, chú trọng việc hành thiền,  tuy rằng về mặt giáo pháp vẫn ở trong truyền thống Maha Nikaya, thuộc hệ phái Theravada.

Sau khi ngài viên tịch, tu nữ Khun Yay kế thừa, điều hành tổ chức này. Năm 1970, được một tín nữ dâng cúng lô đất rộng khoảng 32.000m2 nhưng nay đã mở rộng gấp 10 lần. Bà lập ra Wat Phra Dhammakaya để làm một trung tâm thiền học quốc tế. Năm 1977 diễn ra lễ đặt đá xây dựng thiền đường chính gọi là Memorial Hall of Phra Monkolthepmuni có sự hiện diện của Công chúa Maha Chakri Sirindhorn thay mặt vua cha.

Trung tâm này đã phối hợp với Pali Text Society để phát hành tam tạng kinh điển Pali dưới dạng CDROM năm 1995. Các học viên tiếng Pali của trung tâm vào năm 2000 được xếp vào loại giỏi nhất Thái Lan. Trung tâm cũng thành lập Đại Học Mở Phật Học tại California vào năm 2003. Trung Tâm được Thượng Viện Thái Lan và Tổ Chức Y Tế Quốc Tế tuyên dương vì những hoạt động kêu gọi chống thuốc lá và uống rượu. Trung tâm có chi nhánh ở hơn 18 quốc gia và một kênh truyền hình vệ tinh truyền bá Phật pháp khắp thế giới. Nhưng nổi bật nhất vẫn là hoạt động tổ chức các khóa thiền và các giới đàn cho mọi người, cả tu sĩ lẫn cư sĩ (có thể xuất gia trong 1 tháng), không những người Thái mà cho người từ khắp nơi trên thế giới.

Do sự mở rộng việc dạy thiền cho các cư sĩ, Phật tử và cả những người thuốc các tôn giáo khác cho nên số người đổ về đây thọ pháp rất đông. Một thiền đường với sức chứa 100.000 người cũng không đủ. Trung tâm đã xây dựng 3 thiền đường lớn như thế. Và những người điều hành cho rằng nay họ đã có thể cung cấp chỗ tu tập cho 1 triệu người cùng một lúc (khóa tu 1 ngày).
 

Ở Việt Nam việc giảng dạy Phật pháp trong các trường học  của giáo hội vẫn chỉ hạn chế trong vòng các tu sĩ. Phật tử đóng vai trò cúng dường, hỗ trợ cho chư tăng là chính. Việc tu học cho cư sĩ chỉ dừng ở đạo tràng tu giới bát quan trai tại chùa trong một ngày/ tháng. Không có một trung tâm tu học dành hẳn cho Phật tử tại gia. Chùa Hoằng Pháp ở Hóc Môn dường như là điểm sáng duy nhất nơi tu sĩ quan tâm và tổ chức tương đối tốt các khóa niệm Phật cho Phật tử tại gia bao gồm cả người lớn, thanh niên lẫn trẻ em từ khắp bốn phương tới  tu tập.

Trong tăng chúng thiền tập cũng chỉ là phương pháp tu hành của hệ phái thiền trong hệ thống chùa Trúc Lâm của Hòa Thượng Thích Thanh Từ hay trong các chùa hệ phái Theravada, hệ phái Khất Sĩ. Các tăng ni theo phái Tịnh Độ (đại đa số các chùa theo hệ phái này) ít hoặc không tập thiền.
 

Gần 12 giờ chúng tôi đi ra cổng, chợt thấy có nhà hàng ăn  nên ghé lại, nhưng ở đây không có bán thức ăn chay. Chúng tôi ghé vào cửa hàng bán thức ăn chế biến mua một gói cốm nếp, gói đậu phụng rang muối và mấy trái chuối. Sau đó ra đường đón xe buýt ra Vân Khánh rồi đón xe minibus về lại Ayutthaya.

Về đây chúng tôi lại thuê xe đạp đi ăn cơm lúc 3:30 g (vì họ đóng cửa lúc 4:00), đi dạo quanh vài nơi khác rồi quay lại guest house.

T.N.B

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here