Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Thế hệ "Chốn quê hương đẹp hơn cả"

Thế hệ "Chốn quê hương đẹp hơn cả"

141
0

Ông tự nhận mình thuộc thế hệ Quốc Văn giáo khoa thư (QVGKT), thế hệ những người nay trên "thất thập cổ lai hy" đã từng sống thời Pháp (trước 1945) và học bộ Quốc văn giáo khoa thư ở trường tiểu học, "thế hệ đã đem tài năng và trí tuệ phục vụ quê hương, xứ sở" buổi đầu cách mạng. Hầu hết họ đều có kỷ niệm thân thương đối với QVGKT của thời thơ ấu. Nhiều người thuộc lòng một số bài.

Kể cũng lạ! Mấy cuốn sách nhỏ in trong chế độ thực dân, mà sao những  người kháng chiến chống Pháp hay Việt Kiều nước ngoài ghét sự đô hộ của Pháp vẫn thích thú như vậy. Nhất là trong sách lại có một số bài ca ngợi người Pháp khai hoá Việt Nam. Ấy là vì, trong tiềm thức dân tộc, các học sinh gạt những bài này đi, mà chỉ nhớ đa số bài nói lên cái đẹp của đất nước, của con người và văn hoá truyền thống như: Chăn trâu, Tối ở nhà, Con cò mà đi ăn đêm, Học trò biết ơn Thày (ông Carnot), Ông Trần Quốc Tuấn, Thờ cúng tổ tiên. Đặc biệt bài Chốn quê hương đẹp hơn cả  được bà con ở xa nước hay nhắc tới. Sách QVGKT xuất bản từ 1925, tôi xin ghi lại sau đây bài ấy để các bạn trẻ hiểu được phần nào sự rung cảm của thế hệ QVGKT:

Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc làng xóm láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi:" Ông đi du sơn du thủy, thế tất đã thấy nhiều cảnh đẹp. Vậy ông cho ở đâu là thú hơn cả?"

Người du lịch đáp lại rằng "Cảnh đẹp mắt tôi trông thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động vui thú bằng lúc trở về chốn quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất cũ kỹ nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở  xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan, kể không sao xiết được.

 (Quốc văn giáo khoa thư – lớp dự bị (cho trẻ 7,8 tuổi)

Cùng với bài "Chốn quê hương…", vài bạn cùng học Ban Tú tài trường Bưởi với tôi, nay định cư ở Mỹ còn nhắc đến bài thơ của thi sĩ Pháp Du Bellay (thế kỷ 16). Bài thơ nói lên nỗi buồn nhớ quê hương trong khi tác giả sống ở La Mã, xin dịch ý như sau:

Hạnh phúc thay, ai như vua Uylich sau một cuộc lãng du huy hoàng./ Hay như dũng sĩ thần thoại, sau khi đoạt được tấm lông cừu vàng./ Thâu được nhiều kinh nghiệm và bao lịch lãm. Trở về sống với gia đình, cuộc đời còn lại./ Trời ơi! Biết bao giờ tôi mới được nhìn lại khói bếp tỏa ra từ xóm nhỏ của tôi. / Và biết đến mùa nào, mới thấy lại mảnh vườn căn nhà nhỏ của mình?/ Đối với tôi là cả một vương quốc, có thể còn hơn thế nữa.

Tôi ưa thích nơi tổ tiên tôi xây dựng./ Hơn là mặt tiền nghênh ngang của những lâu đài La Mã./ Tôi ưa thích đá ngói quê tôi hơn là cẩm thạch.

Tôi ưa thích sông Loarơ của xứ Gôlơ xưa hơn là sông Tibơ La tinh. Tôi ưa thích xóm nhỏ Lirê hơn núi Palatanh ở Ý. Và tôi ưa thích sự êm dịu  xứ Ăngiu của  tôi hơn là không khí biển của thành La Mã…

Cả bài thơ của Du Bellay và bài "Chốn quê hương…" của QVGKT đều nói lên tình cảm quê hương thắm thiết, dù cách biệt Đông Tây và xa nhau bốn thế kỷ. Ngày nay, các học trò cũ Nam Định, Yên Mô của tôi thuộc thế hệ QVGKT sống ở Mỹ, Pháp, vẫn thổ lộ nỗi niềm tha hương trong những lời thơ não lòng như:

Đêm qua xem tuyết rụng
Lạnh tận đáy tâm hồn
Buông màu tang não ruột
Tê buốt lòng tha hương
hay:
Ta nhớ từng miếng nắng
Ta nhớ từng hàng cây
Ta nhớ từng viên gạch
Ta nhớ từng dấu giầy
Thôn nào lữ thứ đêm nay
Hồn quê nửa giấc đã dài xót thương!

Thế hệ QVGKT thấm nhuần tình cảm, làng xóm quê hương rất có thể rung cảm đồng điệu với bài thơ của Du Bellay  hơn là thế hệ trẻ Pháp hiện đại đi du lịch như đi chợ. Tôi nói điều này vì nhớ đến nhận xét của một nghệ sĩ Mỹ đạo diễn một vở kịch của Shakespeare ở Việt Nam: Các diễn viên Việt đồng cảm với vở ấy hơn diễn viên Mỹ vì nội dung vở thời Trung cổ gần với xã hội nông nghiệp ta hơn.

Thế hệ QVGKT sang ở nước ngoài rung cảm với bài Chốn quê hương… Liệu thế hệ thứ hai, thứ ba, con cháu họ còn đồng cảm nữa không? Liệu lớp trẻ trong nước thời internet rung cảm đến mức nào? Hỏi những câu đó chỉ là để gút lại một câu hỏi day dứt: Làm sao giữ được hồn quê Việt?  

Theo Sức khỏe&đời sống

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here