Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Phật giáo dân gian xưa ở các chùa làng quê miền Thuận...

Phật giáo dân gian xưa ở các chùa làng quê miền Thuận Hóa

122
0

Chưa nói đến vấn đề kiến trúc; chỉ nói sơ về cách thờ tự, thì tín ngưỡng dân gian được thể hiện ở ngôi chùa làng thực ra là một tín ngưỡng “tam giáo đồng quy”. Ở đây chúng tôi chỉ nói đến phần Phật giáo dân gian được thể hiện ở ngôi chùa làng như thế nào mà thôi.

Trước hết, chùa làng là một ngôi nhà rường ba gian hai chái, mái ngói; thường được xây dựng ở chỗ đất cao ráo, có nhiều cây to bóng mát. Mỗi ngôi chùa làng thường có một “ông thầy chùa” chăm sóc việc hương đăng, và lo lễ Phật hàng ngày. “Ông thầy chùa” không phải là nhà sư xuất gia; ông chỉ là một người giữ chùa mà không băt buộc giữ giới luật như hàng Tăng sĩ Phật giáo. Làng trả công cho ông thầy chùa bằng cách để cho ông thu hoa lợi trong vườn chùa và có năm sào ruộng chùa gọi là “Tam Bảo tự điền”. Ngoài ra, mỗi chùa làng có một vị “Hội chủ” do số dân làng là tín đồ Phật giáo bầu lên để lo về mặt tôn giáo của dân làng.

Trong chùa, riêng về phần Phật giáo, người dân đã tạo và thờ tượng “Tam thế Phật”, gồm có Thích Ca, Di Đà, Di Lặc. Ba pho tượng này được sơn son thếp vàng và tôn trí trong khám đặt ở vị trí sâu nhất, chính gian giữa; tượng Quan Thánh (không phải Phật giáo) thờ ở gian bên phải và tượng Quan Âm thờ ở gian bên trái. Có làng thì trong chùa còn có tượng Hộ Pháp. Hai đầu chái còn có tượng Thập điện minh vương. Hai bên cửa lớn còn có tượng “Ông Thiện” và “Ông Ác”. Chùa làng nào cũng có hồng chuông và trống lớn; bàn kinh có chuông âu và mõ gỗ chạm hình con cá gáy, để “ông thầy chùa” đánh chuông gõ mõ tụng kinh hằng ngày. Buổi sáng và buổi tối, “ông thầy chùa” đều mang áo màu đen sáng, vạt áo và tay áo rộng, lên mở cửa chùa, thắp hương cúng Phật; rồi vừa ngâm kệ vừa thỉnh 108 tiếng chuông lớn; mỗi lần thỉnh một tiếng chuông thì ông lại kéo một thẻ tre ở bên trái qua bên phải, hay trái lại, hết xâu thẻ là đủ 108 tiếng; đều đặn ngày nào cũng thế. Cả ngay thì ông thầy chùa chăm lo vườn tược, và đi làm công việc đồng áng như mọi người dân.

Quanh năm 12 tháng âm lịch có đến hơn 50 buổi lễ được cử hành tại chùa làng. Riêng Phật giáo thì có những “ngày vía” sau đây: tháng Giêng: mồng một Nguyên đán, vía Di Lặc; tháng hai: ngày 19 vía Quan Âm; ngày 20 vía Câu Lưu Tôn Phật; ngày 21 vía Phổ Hiền Bồ tát; tháng ba: mồng sáu vía Ca Diếp Phật, ngày 18 vía Chuẩn Đề; tháng tư: mồng bốn vía Văn Thù Bồ Tát, mồng tám vía Thích Ca đản sinh, làm lễ “mộc dục”; ngày 28 vía Dược Sư, vị Phật chủ về ngành y; tháng năm : không có; tháng sáu: mồng ba vía Hộ Pháp, ngày 19 vía Quan Âm; tháng bảy: mồng ba vía Đại thế chí, ngày 21 vía Phổ An tổ sư; ngày 30 vía Địa Tạng đản sinh; tháng tám: mồng ba vía Câu Na Hàm Mâu Ni Phật, ngày 22 vía Nhiên Đăng Phật; tháng chín: mồng bốn vía Ca Diếp Phật, ngày 19 via Quan âm; tháng mười: mồng năm vía Đạt Ma tổ sư; tháng mười một: ngày 17 vía Phật A Di Đà đản sinh; tháng chạp: mồng tám vía Thích Ca thành đạo. Trong số ngày lễ Phật ở các chùa làng năm xưa, ta thấy không có lễ Vu Lan vào ngày rằm tháng bảy, không có ngày lễ xuất gia; nhưng lễ vía Phật Thích Ca đản sinh mồng tám tháng tư lại đã có cử hành lễ “mộc dục”.

Trong những dịp vía, của dâng cúng thường có hương, đèn, trầm, trà, hoa, quả, thường là những nãi chuối, bánh chưng chay gói bằng lá chuối; và có xôi, chè. Rất đặc biệt là không bao giờ có đồ cúng do thịt động vật nấu ra; không có giấy vàng bạc. Chính ông Hội chủ là người lo chu toàn các lễ vía này, có ông thầy chùa tham dự và hai người dân do làng cử đến để lo sắp đặt của cúng trên các bàn thờ.

Khi hành lễ đã có những sắc thái đặc biệt theo tín ngưỡng dân gian. Trong khi “ông thầy chùa” lên chuông mõ để tụng kinh cầu nguyện, thì ông Hội chủ đội khăn đóng màu tím hoa cà, và mang áo rộng xanh, vào lạy ba lạy trước bàn thờ Phật; và ông cũng đến lạy ở các bàn thờ khác, mỗi nơi đều lạy ba lạy.

Riêng ngày mồng một Tết Nguyên đán, cũng là ngày vía Phật Di Lặc, thì tại chùa làng làm lễ long trọng hơn. Vào lúc sáu giờ sáng, “ông thầy chùa” mang áo lễ màu xanh, may gần như kiểu áo tràng, lên hương đèn, đánh chuông trống lớn; rồi ông ngồi vào ghế gõ mõ, tụng kinh và thỉnh thoảng đánh chuông âu. Ông Hội chủ mặc áo đen, quần trắng, đầu đội khăn đóng, bên ngoài mặc áo rộng xanh, vào lễ ba lạy trước bàn thờ Phật  Sau đó đến các ông quan trong làng, các vị trưởng tộc đều ăn bận giống như ông Hội chủ, nghĩa là có khăn đóng và mang áo rộng xanh, đến dâng ba lạy lên Đức Phật nhân dịp đầu năm mới. Họ đều lạy theo kiểu truyền thống như lạy gia tiên hay lạy thần ở đình làng. Sau cùng ông Hội chủ vào lạy ba lạy, và buổi lễ chấm dứt. Người ta hạ xôi, chè, bánh chưng xuống và dọn thành cỗ chay để mời mọi người cùng hưởng lộc Phật vào dịp đầu năm mới. Ngày mồng hai và mồng ba Tết thì chỉ một mình ông thầy chùa lo nước trà và làm lễ dâng cúng Phật; cuối ngày mồng ba Tết, hoa quả thờ trong ba ngày Tết đều được triệt soạn.

Trong các ngày mười bốn, rằm hay ba mươi, mồng một hàng tháng, dân làng, kể cả phụ nữ, đều tắm gội sạch sẽ, mua sắm bông, chuối, và hương, trầm, đèn sáp, đem lên chùa làng nhờ “ông thầy chùa” đặt lên bàn Phật để cúng. Dân làng thì đàn ông mặc áo dài đen quần trắng, đầu đội khăn đóng vào lạy Phật ba lạy. Đàn bà thì bận quần trắng, áo thao hay áo lụa. Đứng trước bàn Phật, họ chấp tay hình búp sen, hai chân đứng thẳng, không cử động, uốn mình ngồi xuống chiếu; hai đầu gối xếp về một bên phải; hai bàn chân xếp về bên trái Họ cúi gập mình lạy ba lạy. Tay vẫn chấp, uốn mình đứng thẳng dậy, vái ba vái rồi đi lui, ra khỏi chiếu.

Cách cúng lạy Phật ở chùa làng với y phục truyền thống dân gian, hay với lễ phục trang trọng là cách cúng lạy tổ tiên ở nhà khi có kỵ, chạp; ở đình làng tế thần; hoặc ở từ đường; nhưng người dân đã biết lạy Phật thì chỉ có ba lạy. Nhìn cung cách lạy cúng Phật ở chùa làng, ta thấy người dân Việt Nam thời xưa tin Phật giáo và kính trọng Đức Phật với tâm hồn Việt Nam chính thống, chân thật và giản phác, mộc mạc, không phân biệt. Đạo Phật bình dân là vậy.

Mùa Phật đản 2554 (2010)

H.X.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here