Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Anh thư nước Việt (Hình tượng người Phụ Nữ theo dòng chảy...

Anh thư nước Việt (Hình tượng người Phụ Nữ theo dòng chảy văn học)

122
0

Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn,
Thuận trai thuận bạn mới tát cạn Biển Đông
.

Không thể nào xem thường ý nghĩa nội dung và hình thức nghệ thuật hòa quyện đến mức nhuần nhuyễn của hai câu hát nhẹ nhàng, thanh thoát ấy đong đưa theo nhịp đẩy của bốn tao nôi lắc lư êm dịu như hình ảnh của một con lắc chuyển truyền tình mẫu tử thiêng liêng và tình trai gái trong những vụ mùa của nền văn minh lúa nước lấy nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp làm nguồn sống chính đáng thuận theo lẽ trời nuôi đất dưỡng.

Chúng tôi còn nhớ rõ như in trong tâm tư, trong buổi lễ quan trọng tốt nghiệp khoá I Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Thành Phố Huế năm 2001, giáo sư Cao Huy Thuần như đã khai thị cho các Học Tăng tân khoa đầu tiên hiểu rõ  thêm về ý nghĩa của hai câu hát ru bất hủ và lâu đời lâu kiếp ấy trong dòng văn học truyền khẩu thời xa xưa sâu thẳm của người Việt. Thầy Thuần diễn giải nói về chuyện tu và học Phật với Tăng Ni sinh: Đời nay tát chưa cạn, chưa sạch thì đời sau tiếp tục; kiếp sau, kiếp sau nữa kế tục theo lối truyền đăng tục diệm sẽ dứt khoát tát cạn. Một lối ví von, tỷ dụ của diễn giả thật dí dỏm, khó nào quên, không những đối với học Tăng, học Ni mà còn đối với khán thính giả đủ mọi thành phần tuổi tác và đẳng cấp xã hội ở chốn đất cũ Thuận Hoá – Phú Xuân – Huế.

Đạo lý sáng trong là vậy, là như thế. Tiền nhân ta từ thời Lạc Việt đã ân cần chỉ rõ đường đi nước bước cho các thế hệ con cháu nhiều đời sau theo đùng tinh thần phương hướng của kim chỉ nam:

Vè, choái cắm sẵn chi li,
Cứ theo đường ấy mà đi tới cùng.

“Đường đi nước bước” ấy chính là con đường sáng, đường chính nghĩa, hợp lẽ với trời đất. Trời là cha, là núi; Mẹ là đất, là sông, là biển: Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình.

Ngày mẹ ru con ngủ, con còn tập nói bí ba bí bỏm; tai con đã nghe lời mẹ dặn linh diệu ấy nhập tâm đi vào cõi thần thức. Dân ca Việt Nam linh thiêng, bất khả tư nghì. Làm sao chúng con phân tích hết lời trọn ý được: Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý. Nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn viết ca từ sâu lắng: Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Rồi một ngày Đông, trời quá lạnh, Mẹ nằm độc thoại lời hát ru ấy với cái tâm tự tại chẳng trách ai, mẹ đọc đi đọc lại như đọc kinh vậy, dẫu mẹ không biết chữ mà mẹ hiểu nghĩa, con được mẹ thương cho đi học gần, học xa. Mỏi sức, tàn hơi, Mẹ ra đi như luồng gió nhẹ thổi. Mẹ thật an lòng nghe con hát lời ca linh diệu ấy để tiễn mẹ qua bờ sinh-tử. Mẹ ơi, con tin mẹ yên lòng thoả dạ, trả tấm thân tứ đại về với đất trời. Còn thần thức của mẹ sẽ đi hoá kiếp, sẽ kết tụ thành linh khí cho đời sau, kiếp sau mẹ sẽ tát cạn Biển Đông theo ý chí của loài chim Tinh Vệ ngậm đá vá trời làm nên những kỳ tích: Hộ quốc tý dân như những Nữ Thành Hoàng, những Bà Trưng, những Bà Triệu, rồi còn nhiều bà Ấu Triệu nữa theo cùng với dòng lịch sử dân tộc.

Hình tượng người Phụ Nữ theo dòng chảy lịch sử – văn hoá là thế ấy, là thế đó. Sách đời – sách trời đã ghi tạc lời son sắt với núi sông, với giòng tộc, với gia nương, với con đông cháu đủ. Nhờ vậy mà người Việt, lòng Việt có những danh ngôn: dâu hiền rể thảo; dâu chánh lễ, rể người dưng, tạo dâu như tạo nồi đồng… Từ nồi một để nấu nước cúng cho đến nồi bảy, nồi lớn nhất để mẹ Việt Nam hướng dẫn con dâu, con gái, gái làng nấu cơm nấu canh phục vụ trai bạn trong các vụ mùa, trong các lễ hội làng nước quanh năm và nhất là khi Tết đến xuân về… Hôm nay, tiêu biểu nhất, mới nhất tại đất Thuận Hoá xưa là Lễ Hội Đền Huyền Trân và Lễ Cầu Quốc Thái Dân An do nhà nước cho phép phục hồi một cách quang minh chính đại. Hạnh phúc biết nhường nào. Chúng tôi trong khoảnh khắc này lại hiểu sâu lắng hơn về ý nghĩa vừa là

hoạt cảnh công chúa Huyền Trân xuất gia

phương danh vừa là bút hiệu SÀO NAM của nhà yêu nước Phan Bội Châu theo đúng sự tích “Chim Việt đậu cành Nam.” Chim Việt là chim Lạc, chim Hồng, chim Nhạn, chim Hạc, thậm chí là cái Cò, cái Vạc, cái Nông hoặc là Hải Âu canh giữ biển cạn và biển khơi của thềm lục địa.

Sau phần trưng dẫn về hình ảnh của người Mẹ, của Mẫu từ, của Anh Thư, chúng tôi liên nghĩ tới hình ảnh Mẹ Âu Cơ, có chồng là Lạc Long Quân đã định phận bờ cõi Lĩnh Nam:

Xưa Bàn Cổ vị phân thiên địa,
Đến Thiên Hoàng mới rẽ chín khu,
Bờ cõi giáp Ngô,
Tinh phân Dực Chuẩn, dư đồ Việt Nam
Người thuở trước đứng làm tôn chúa,
Mới xưng là vua Lạc Long Quân…
(Hát sử chốn cửa đình)

Ranh giới định phận, định phận giữa hai nước có sông liền sông, núi liền núi và cả trên Biển Đông thì trời đất, sao, mây đã phân rõ rạch ròi. Nhất thiết không ai phạm đến ai như lời dân gian nói: Lành ở một nơi, lọ ở một nơi, cà tơi ở một đàng.

Dưới thời Tự Đức, Phó bảng Đỗ Huy Uyển (1820-1895) làm quan đến chức Biện lý (tức Tá lý vào thời Đồng Khánh), người tỉnh Nam Định, đã từ quan về làng La Ngạn dạy học. Nhà nho nổi tiếng đất học Non Coi Sông Vị đã viết trong lời chúc hổ nhân kỷ niệm 50 năm ngày sinh của vua Tự Đức: Sơn Xuyên Công Phúc, Tinh Vân Trình Tường; có nghĩa là: núi sông dâng phúc, sao và mây trên trời đã trình rõ điều lành. Núi sông, tinh vân làm chứng, như là chứng nhân về mặt pháp lý ở cõi trần gian. Điều này đã khớp đúng với sách Bình Ngô đại cáo của danh thần Nguyễn Trãi:

Xét như nước Đại Việt ta
Thật là một nước văn hiến
Bờ cõi núi sông đã riêng
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần mỗi đời dựng nước,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương.
(Viện Sử học dịch, 1976)

Phương Bắc “có Đế”, phương Nam “có Đế”, “có Hoàng”. Vua ban lịch và ấn ngọc khắc vào điển lệ của phương Bắc. Đó là tinh thần, khí phách của Lý Thường Kiệt, của Trần Nhân Tông, của Lê Thái Tổ, của Quang Trung Nguyễn Huệ được các nữ sử chăm lo truyền dạy cho các công chúa, công nương và kể cả cung nga thị nữ hầu cận chốn cung môn mà Đoàn Thị Điểm, bà Huyện Thanh Quan là những điển hình.

Trên núi hình chim bay thú chạy
Có rồng vàng quẩn quanh non nước.

Chim và thú thì đủ loại ở núi rừng và biển cả nước Việt. Nào được sản sinh tại địa phương như hạc, cò, sếu…, nào loài chim thiên di theo biến đổi thời tiết. Rồng và rắn cũng vậy, đủ loại, dữ có, hiền có, chúng sống trên cạn, dưới nước, dưới sông dưới biển, hang động đối với chúng là nhà, đối với người hang động, nhất hang động linh thiêng tiếp giáp ở chốn núi cao ăn thâm mà đâm ra biển cả:

Đi bộ thì khiếp Hải Vân
Đi thủy thì khiếp sóng thần hang Dơi

Vượt qua vũ môn thì cá gáy, liu điu cũng hoá rồng. Rồng bay phượng múa ở cõi Tiên tức chốn Thiên thai có Tiên nữ đánh cờ. Loan Phụng hoà minh ý chỉ vợ chồng hoà thuận. Hội Long Vân ám chỉ việc tinh chọn người tài qua tuyển cử và khoa cử. Anh hùng, Anh thư, Hào kiệt khi sống giúp đời, khi chết trở thành thần thánh đóng vai trò “Hộ Quốc Tỳ Dân.” Vào thời cổ đại và trung đại nam nữ bình đẳng, nhiều dân tộc anh em theo chế độ mẫu hệ là chuyện khác thường so với ngày nay. Đặc biệt thuở vua Hùng dựng nước 18 đời vua theo mối xa thư, người Việt không quá nặng nề câu chấp chuyện “môn đăng hộ đối”. Chọn rễ là người có tài, có chí hướng theo lối truyền thuyết “Sơn Tinh – Thuỷ Tinh.” Công chúa lấy kẻ nghèo đóng khố qua chuyện “Dầm Dạ Trạch”, hoặc được bán gã lên miền cao, ra nước ngoài mà Huyền Trân công chúa là một điển hình:

Hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm
Một gái Huyền Trân của mấy mươi.

Hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm
Một gái Huyền Trân của mấy mươi.
(Thái Xuyên)

Tất cả chỉ “vì lợi cho dân” theo đúng châm ngôn “lấy dân làm gốc”. Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Trong “đắng cay muôn phần” mới thấy rõ chất ngọc của Huyền Trân mang chủng tử từ đất xứ Tây Vực. Tiền nhân ta mở thoáng, rộng đường “phản biện” để biết lắng nghe tiếng lòng của dư luận quần chúng. Kinh – quyền là hai lối khai mở đường “tấn thối”, nhất thiết không đi vào ngõ cụt. Tư tưởng “trung dung”, “trung hoà”, “trung đạo” không còn là riêng của bất cứ một dân tộc nào, mà đã trở thành tinh hoa của nhân loại tiến bộ:

Ở đời muôn sự của chung
Hơn nhau hai tiếng anh hùng mà thôi.

Người Bách Việt, Lạc Việt, Việt Nam khôn khéo, thông tuệ, bất khuất, sáng tạo. Chịu thương chịu khó không ai bằng người phụ nữ Việt Nam xưa nay. Tú Xương khéo khen vợ tảo tần:

Quanh năm buôn bán ở ven sông
Nuôi đủ năm con với một chồng.

Ông Tú Vị Xuyên cũng biết an ủi, khen vợ mà không nịnh vợ theo lối ga-lăng nịnh đầm của phương Tây vào buổi giao thời thay cũ đổi mới. Còn bà Tú cũng khéo khen chồng mà lại ngầm ý trách chồng khéo nhẹ nhàng:

Rằng hay thì thật là hay
Không hay sao lại đỗ ngay Tú tài.

Việt Nam và các quốc gia lân bang vùng Ấn Hoa có những mẫu chuyện na ná như nội dung các truyện Tấm Cám, Quan Âm Thị Kính, Mai An Tiêm, Anh hùng lỡ vận lên rừng đốt than, cảnh Tiên, cõi Trần, các truyện về Mẫu, Thiên Mẫu, Mẹ Hiền… ấy là của chung nhân loại, cùng một cốt truyện, mỗi dân tộc, mỗi quốc độ nhìn mỗi cách. Không riêng gì là “của một ai”, “của một giống giòng nào”, dù là Ấn, là Chàm, là Hoa, là Miên, là Thái, là Lào, là Tây, tà ta: vàng, đen, trắng nước da không che tấm lòng, một câu trong nội dung ca từ “Vui Liên Hoan Thế Giới”.

Xưa và nay người Bách Việt, Lạc Việt, Việt Nam khôn khéo tinh tế, thông tuệ đạo hạnh, sáng tạo, biết hòa nhập theo nhịp điệu, hơi thở trong lành của thời đại mà vẫn giữ cốt lõi của sắc dân tộc, giữ được và ngày lại ngày làm giàu thêm vốn ngôn ngữ.

Vua chúa Việt Nam biết chọn và dùng những đại thần trí tuệ, mưu lược, lịch lãm trong bang giao nên các sứ thần nước Việt mỗi khi tiếp sứ nước ngoài hoặc đem chuông đi đánh xứ người đều làm rạng danh quốc thể. Đáp trả vế đối của sứ thần láng giềng, tỏ ý trêu ghẹo phụ nữ Việt Nam: An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh. Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đáp trả ngay: Bắc Quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất. Người Trung Quốc, cụ thể là Tiến sĩ Lão Sùng Quang đến Phú Xuân năm 1849 làm lễ bang giao đọc thơ của Mai Am công chúa, con gái của vua Minh Mạng cũng nễ tài sáng tác của người đẹp nước Việt mang chủng tử “cành vàng lá ngọc”. Thơ của Mai Am cũng sánh đôi kịp theo tứ thơ và thi pháp của các nữ sử Trung Hoa như thơ của nàng Ban Cơ vậy. Gái nước Nam đối đáp với sứ thần Trung Quốc chẳng thua kém gì những đấng mày râu Trần Bình Trọng, Trần Nhật Duật, Phật Hoàng Trần Nhân Tông và trước nữa là Mạc Đỉnh Chi xấu người mà văn hay chữ tốt.

Dễ dầu gì mà Mạc Đỉnh Chi đạt được danh hiệu “Lưỡng quốc trạng nguyên”. Cụ Tiên Điền Nguyễn Du đi sứ dưới triều vua Gia Long mang về “Thanh Tâm Tài Nhân thi tập” đã sáng tạo thành truyện Thuý Kiều khiến người nước bạn phải sững sờ, sửng sốt về tài sáng tạo của thi hào nước Việt được thế giới tôn phong là Danh nhân Thế giới. Cần chánh điện học sĩ (không phải Đại học sĩ như nhiều người nhầm lẫn) Nguyến Du chỉ đỗ đạt ở mức tầm thường Tam trường thi Hương mà khác nào là “Trạng thơ” nước Nam. Ông sống bình dị, nếm đầy đủ mùi mặn, lạc, chua, cay lẫn ngọt bùi mới, được vua sai đi sứ, đọc TIỂU THANH KÝ mới lấy được bút hiệu Tố Như:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.

Người đẹp Trung Quốc Tố Như chịu đựng đầy nỗi oan khiên đã được Nguyễn Du đánh bóng lên nước. Thế giới ngày nay tôn vinh Nguyễn Du lẽ nào không truy tìm bút hiệu của đại thi hào Nguyễn Du. Năm 1965, chỉ 200 năm sau năm sinh của Tố Như tiên sinh (1765) thế giới đã tôn vinh Nguyễn Du thanh danh nhân thế giới. Không đọc kinh Kim Cương đến ngàn lần vạn biến thì làm sao Nguyễn Du tiên đoán được điều ấy. Văn chương vượt qua vũ môn triết học để hoá rồng vàng bay khắp năm châu bốn biển theo bản dịch Truyện Kiều ra các ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật và Quan thoại nữa. Đó là điều kỳ diệu của văn chương chữ nghĩa như cảm nhận của Tiến sĩ Lão Sùng Quang khi đọc thơ và bút đàm với Nhất đại Thi Ông Tùng Thiện Vương ở Tiêu Viên bên dòng sông Lợi Nông nắng đục mưa trong vào năm 1849 ở đất Phú Xuân văn vật:

Đọc đến câu bạch âu Hoàng diệp
Cả người ớn lạnh đến hơi thu”
(Ưng Trình dịch)
(Độc đáo bạch âu hoàng diệp
Mãn hoài tiêu sách đái thu hàn)

Tùng Thiện Vương và anh vừa là thầy của Tam Khanh: Trọng Khanh (Quy Đức công chúa); Thúc Khanh (Diệu Liên công chúa) còn được tôn phong là Mai Am công chúa và Quý Khanh (Thuận Lễ công chúa) với tác phẩm “Huệ Phố thi tập” sánh cùng với “Diệu Liên thi tập” của người chị và “Nguyệt Đình thi thảo” của Quỳ Đức công chúa. Sở dĩ Tam Khanh trở thành thi hào nổi tiếng chỉ vì văn chương của “Ba nường thơ” bên giòng Lợi Nông biểu cảm được ý nghĩa “Phát ra ở tình, dừng ở lễ” như nhận định của Tuy Lý Vương. Thật đúng là: Thi Đáo Tùng Tuy Thất Thịnh Đường.

Thầy, “Đức Thầy” là tiếng gọi rất thân thương của Tam Khanh đối với anh ruột của mình là Thi Ông Tùng Thiện Vương, thầy dạy vua Tự Đức làm thơ. Chính vua Tự Đức đã gỡ mối oan khiên cho Tùng Thiện Vương trong vụ binh biến năm 1866 gây chấn động kinh thành Huế do Đoàn Hữu Trưng khởi xướng. Vua Tự Đức thâm hậu biết dùng ân trả oán cho chú ruột mình không quản nổi người con rể Đoàn Hữu Trưng.

Các nữ thi nhân nước Việt sau thời Tam Khanh, có mấy ai đuổi kịp thi tài của ba chị em một nhà Tiêu Viên với hội thơ “Tùng Vân”. May ra đã có một thế hệ các nhà thơ nữ nổi tiếng: Sương Nguyệt Anh, Cao Ngọc Anh, Đạm Phương với bút hiệu 4 chữ Đạm Phương Nữ Sử, sư bà Diệu Không, sư bà Thể Quán:

Sông, núi, người, trời đều chẳng khác
Hoà đồng vạn vật ấy tâm không.
(Diệu Không thi tập)

Nhân dịp Tết Canh Dần, 2010. Phật lịch 2553; ở núi Ngũ Phong, phường mới An Tây thuộc thành phố Huế được nhà nước tổ chức hai lễ lớn: QUỐC THÁI DÂN AN và LỄ HỘI ĐỀN HUYỀN TRÂN, nữ thần đại khai canh, khai khẩn xứ Thuận Hoá vuông ngàn dặm từ bờ Nam sông Hiếu kéo dài đến tận bờ Bắc sông Thu Bồn thuộc tỉnh Quảng Nam. Hai lễ hội truyền thống tại đền thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông và đền thờ Huyền Trân Công Chúa, Ni sư Hương Tràng; chúng tôi kính chúc mọi người, mọi nhà một năm mới an khang thịnh vượng, thân tâm an lạc, mọi sự như ý.

Xưa núi Ngũ Phong có Tiên hiện xuống nên dân gian và cả cung đình mới tôn phong là xứ Thiên Thai – một Bồng Lai tiên cảnh. Mộng kinh sư, là phái mạnh thì đều có phương danh Mộng Hùng, là phái yếu thì có phương danh Giáng Tiên như người xưa đã truyền dạy cho hậu duệ các đời sau.

Cái chủng tử từ truyền thuyết Con Rồng – Cháu Tiên lại bừng sáng lên ở đất Thuận Hoá – Phú Xuân – Huế giữa cảnh đất nước Quốc Thái Dân An và lại mở hội thảo khoa học PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG DI SẢN VĂN HOÁ DÂN TỘC tại khách sạn Hương Giang. Mội khối việc làm đầy ý nghĩa tỏ lòng tri ân tiền nhân của chính quyền, các đoàn thể và nhân dân tỉnh nhà, mở đầu cho kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chúng tôi lên bút để phát tâm cúng dường một nén tâm hương. Không thể nào không va vấp những khuyết nhược điểm, kính mong quý vị rộng lượng tha thứ.

Cầu nguyện năm mới Canh Dần và mãi mãi về sau "QUỐC THÁI DÂN AN".

Cố đô đầu xuân Canh Dần, 2010
L.Q.T.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here