Mục đích đạo Phật là giáo dục con người đầy đủ đạo đức, chuyển hóa họ từ xấu trở thành tốt, từ ác trở thành thiện, từ mê mờ trở thành giác ngộ. Vì thế, vấn đề đạo đức không thể thiếu được ở con người Phật tử. Bởi con người đầy đủ tài đức mới tạo nên kinh tế phát triển, làm tốt đẹp xã hội. Do đó, nên có thuyết Y báo và Chánh báo ở sau.
1. Chánh báo và Y báo:
Chánh báo: Là con người, y báo là nhà cửa sự nghiệp, nói rộng ra tất cả kinh tế xã hội…chánh báo là chủ, y báo là bạn. Chánh báo có tốt thì y báo mới tốt. Con người là chủ động tạo thành ngoại cảnh theo khả năng của mình. Nếu là con người bất tài, ác độc sẽ tạo thành ngoại cảnh đau thương. Ngược lại, nếu con người đủ tài đủ đức sẽ tạo thành ngoại cảnh sung túc vui tươi. Tài và đức hai cái không thể thiếu một được. Con người có tài nếu thiếu đức, chưa hẳn phục vụ tốt cho gia đình, cho xử sở. Thiếu gì người có tài khôn ngoan khéo léo lại làm đầu sỏ băng đảng trộm cướp khét tiếng. Nếu có đạo đức mà thiếu tài thì không làm gì lợi ich cho gia đình cho xã hội. Cho nên, chủ trương đạo Phật phải đào tạo con người phải đủ hai mặt tài và đức. Tài đức nằm đủ trong Pháp Ngũ Minh của đạo Phật. Một là Nội minh- thấu suốt giáo lý của đạo Phật. Hai là Nhân minh- thông suốt về phương pháp biện luận. Ba là Y phương minh- giỏi về y khoa. Bốn là Công xảo minh- nghề nghiệp tinh xảo. Năm là Thanh minh- giỏi về ngoại ngữ. Trong năm thứ minh này, nội minh thuộc về đạo đức; còn bốn thứ kia thuộc về tài năng. Một Tăng sĩ trước tiên phải có nội minh, còn bốn thứ sau tùy khả năng được bao nhiêu cũng tốt. Được vậy, Tăng sĩ mới làm tròn bổn phận giáo hóa của mình. Chính con người làm chủ ngoại cảnh, cho nên tạo con người tài đức là vấn đề bức xúc vô cùng trong khi đất nước ta còn nghèo thiếu.
2. Giữ năm giới
Nền tảng đạo đức trong Phật giáo là năm giới cấm, người nào phát nguyện vào đạo Phật trước phải giữ năm điều này.
Năm giới nghe qua thấy rất tầm thường và tiêu cực. Vì chỉ dùng chữ KHÔNG ở đầu: Không sát sanh, không trôm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và các thứ nghiện ngập. Thực sự không phải thế, chúng ta không cần làm những điều tốt, mà cần bỏ những tật xấu. Tật xấu chúng ta bỏ hết tự nhiên chúng ta trở thành người tốt. Như người làm nghề trộm cướp là xấu, nếu họ bỏ trộm cướp trở thành người tốt ngay. Không cần tìm cái tốt ở đâu đến, chịu bỏ hết thói xấu là người hoàn toàn tốt.
Hơn nữa, năm giới có tính công bằng và hợp lý. Vì chúng ta quý trọng sinh mạng mình thì phải tôn trọng sinh mạng người, nên không sát sanh. Chúng ta yêu quí tài sản mình thì phải tôn trọng tài sản của người, nên không trộm cướp. chúng ta muốn giữ hạnh phúc gia đình mình thì phải tôn trọng hạnh phúc gia đình người, nên không tà dâm. Chúng ta không muốn ai lừa đảo mình thì tôn trọng sự thật, không dối gạt người. Chúng ta muốn được thông minh sáng suốt, thì phải quí trọng trí tuệ, nên không uống rượu. Năm điều Phật răn cấm đây tạo thành một con người tốt, một gia đình hạnh phúc, một xã hội lành mạnh.
Người làm cha làm mẹ giữ được năm điều răn cấm này là tấm gương sáng để cho con cái noi theo. Sự giáo dục con cái được kết quả tốt là do tư cách, hành động của cha me. Cha mẹ vì hy sinh cho con cái nên phải hạn chế những thứ vui thích riêng tư có ảnh hưởng không tốt đẹp cho hạnh phúc gia đình. Vì tinh thần hy sinh ấy con cái mới yêu thương cha mẹ nhiều. Do con cái thương kính cha mẹ nên lời dạy dỗ được thấm nhuần, những lời dạy ngọt ngào thân thương của mẹ, những lời răn nghiêm nghị chân tình của cha khiến con cái thâm nhập tận tâm can. Con cái sống gần gũi bên cha từ tấm bé, mãi nhìn thấy gương tốt, nghe những lời hay của cha mẹ sẽ ghi nhớ đời đời. Cho nên, muốn dạy đạo đức cho con cái, cha mẹ hay gia đình là trọng tâm hun đúc nên. Cha mẹ không nên hời hợt khán trắng sự giáo dục đạo đức con cái cho nhà trường. Nhà trường giáo dục đạo đức cho học sinh kết quả rất khiêm tốn, nếu không được sự cọng tác của gia đình nhất là cha mẹ. Trong năm cấm giới “tà dâm” là cốt tủy nền tảng của gia đình. Mỗi gia đình tốt là tế bào lành mạnh, nhiều gia đình tốt hợp lại thành xã hội văn minh lành mạnh.
Năm giới còn có khả năng đem lại sự an ổn tinh thần cho mọi người. Hiện nay, chúng ta ra đường hoặc đến đâu trong lòng nơm nớp lo sợ. Chúng ta lo sợ cái gì, lo sợ người ta giết hại mình, lo sợ có kẻ rình rập móc túi giật đồ mình, lo sợ người ta lừa gạt mình. Nếu một xóm hay một làng, người dân trong đây đều giữ trọn năm giới thử hỏi bạn đến đây để có gì lo sợ không? Tinh thần gìn giữ giới luật trong đạo là biết tôn trọng luật pháp nhà nước, đây là điều kiện tiên quyết của người dân lương thiện.
3. Nhân quả
Nhận chân được giáo lý nhân quả con người sẽ có nhiều đức tính tốt, bởi nhân quả có tính chân thật, tính bình đẳng và tính khoa học. Vạn vật hiện hữu trên thế gian này đều chịu sự chi phối của luật nhân quả. Song, nhân quả không đơn thuần như một số người bình dân hiểu “nhân nào quả nấy”. Nhân quả vừa đa diện, vừa biến chuyển, không phải cứng nhắc một chiều. Ví như chúng ta có hạt giống lúa là nhân, chưa hẳn sẽ có bông lúa là quả. Vì giống lúa là nhân chính, cần phải gieo xuống, có đất nuoc ánh sáng và tác nhân chăm sóc, nhổ cỏ, bón phân, ngăn ngừa sâu bọ; những thứ đó là trợ duyên. Nhân chính và trợ duyên đầy đủ thì quả mới viên mãn. Nếu chỉ có nhân chính mà thiếu trợ duyên thì quả sẽ èo uột hoặc chẳng thành. Dù có trợ duyên, nhưng không đầy đủ thì kết quả sẽ suy giảm. Do đó, nhân phải cụ túc thì quả mới tròn đầy.
Đạo Phật nói nhân quả phần lớn là ứng dụng vào đạo đức nơi con người. Do biết rõ mọi sự việc xảy ra đều từ nhân mà thành quả, không một quả nào ngẫu nhiên mà có hay một thế lực thiêng liêng tạo ra, tất cả đều do con người gieo nhân rồi con người gặt quả. Biết rõ điều này, mỗi khi một việc tốt xấu xảy đến, chúng ta không vội mừng cũng như không hoảng sợ mà bình tỉnh suy tìm nguyên nhân chính nơi mình, là tránh được bênh hấp tấp vội vàng. Biết mình là chủ tạo thành nhân tốt xấu, khi gặp quả xấu đến, chúng ta can đảm nhận trách nhiệm, không oán hờn than trách. Mình gây nhân thì thọ quả là lẽ công bằng, nên luôn luôn cảnh giác không dám tạo nhân xấu, mà ngược lại hằng tạo nhân tốt là tỉnh táo sáng suốt, như nói: “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Một quả hình thành từ nhân duyên tạo nên, muốn biết cái nào là nhân chánh, cái nào là duyên trợ, chúng ta phải phân tích mới thấy rõ, đây là tinh thần khoa học. Tuy nhiên, muốn thông suốt nhân quả phải xuyên suốt ba đời, quả hiện tại là nhân qá khứ, nhân hiện tại là quả vị lai, không thể chỉ chặn một quảng mà hiểu suốt được.
4. Từ bi
Từ bi là tình thương hoàn toàn vị tha, cốt đem lại sự an vui và làm vơi cạn nỗi đau khổ của con người. Cho nên từ bi là nền tảng đạo đức của Phật giáo. Không có tình thương vị tha triệt để này, thì không có sự hy sinh bản thân mình để đem lại hạnh phúc cho dân tộc hay nhân loại. Những gương hy sinh cao cả đều phát xuất từ lòng từ bi. Từ bi là động cơ thúc đẩy con người làm mọi điều lành. Cho nên từ bi ví như dòng suối mát lành để cho mọi người tắm gội khi não phiền thêu đốt. Từ bi cũng ví như bình nước cam lồ mát mẻ ngọt ngào, cứu nguy cho những người đang bị lửa sân si cháy cổ. Chúng ta không nên lầm lẫn từ bi với ái. Vì ái là tình yêu vị kỷ bắt người lệ thuộc vào mình. Cho nên ái càng nặng thì sự trói buộc càng chặt, sự khổ đau càng lắm. Động cơ của ái là si mê, động cơ của từ bi là trí tuệ. Đứng trên lãnh vực trí tuệ hìn thấy người đau khổ nên thương xót là từ bi, cho nên từ bi là tình thương sáng suốt chỉ một bề đem lại an vui cho người. Tựa vào cội gốc si mê ích kỷ yêu thương người là ái. Ái chỉ làm đau khổ cho mình và người, nếu sự yêu thương bị ngăn chặn hoặc từ chối, thì yêu thương biến thành thù oán. Nếu yêu thương được thỏa mãn thì càng đắm mê mù quáng. Vì thế tình thương tròn đủ đạo đức chỉ là tình thương của từ bi.
5. Nhẫn nhục
Nói đến nhẫn nhục nhiều người cho là tinh thần khiếp nhược yếu hèn, cúi đầu cam chịu những điều nhục nhã. Sự thực không phải thế, nhẫn nhục nói đúng hơn là nhẫn nại, là một sức chiến đấu phi thường ở nơi mình. Kinh Pháp cú có câu: “Thắng một vạn quân không bằng thắng mình. Thắng mình mới là chiến công oanh liệt”. Chinh phục đàn áp người, nếu có thế mạnh, tài giỏi là làm được ngay. Song chiến thắng được nội tâm mình khi nóng giận xung đột, khi cái đẹp quyến rủ…là việc không phải dễ. Còn phải chiến thắng những cái đau đớn của thân thể, cái nhục mạ của người khác, thì chúng ta mới thực sự làm chủ được mình. Có làm chủ được mình, sau mới làm lợi ích cho kẻ khác. Nếu muốn làm lợi ích cho người, mà chúng ta không khắc phục được mình thì những điều lợi ích ấy sẽ không có lâu dài và thiết thực. Như ta muốn giúp đỡ người nghèo đói, săn sóc người bệnh hoạn, mà ta còn tự ái to, còn nóng giận nhiều, khi biết người ngèo đòi hỏi quá đáng, liền nổi giận bỏ cuộc không giúp đỡ, hoặc người bệnh hoạn, tỏ vẻ bất nhã với mình, liền chạm tự ái không thèm săn sóc. Vì thế, có nhẫn nhục mới có thể thể hiện được lòng từ bi. Chính nhẫn nhục là căn bản đạo đức không thể thiếu được. Có đức tính nhẫn nhục, chúng ta mới làm những điều lợi ích cho người thiết thực lâu dài.
6. Thiền định và trí tuệ
Thiền định và trí tuệ lẽ ra chúng tôi phải để riêng từng phần, song vì muốn đơn giản hóa nó, nên hợp chung lại. Tất cả chúng ta ai cũng biết, khi muốn giải quyết một vấn đề quan trọng, mà tâm ý mình cuồng loạn, rối bời thì không thể nào giải quyết được. Đòi hỏi chúng ta phải có những phút thinh lặng thì trong tâm não mới lóe ra ánh sáng giải quyết được. Nên nói: “tâm an thì trí sáng”.
Thiền định là những phương tiện làm cho tâm an. Những phương tiện này có nhiều loại, nhưng mục tiêu chủ yếu là chặn giữ tâm mình không cho tự do cuồng loạn. Bởi chúng ta ít khi làm chủ được tâm mình, nó chạy nhãy như con ngựa cuồng, trôi chảy như một dòng thác đổ. Điều đáng nghĩ thì suy nghĩ đã đành, có những chuyện không đâu mà cũng nghĩ vơ nghĩ vẩn, không một phút giây nào chịu dừng lặng, trừ những lúc ngủ mê. Không làm chủ được tâm mình thì khó gạn lọc được những tâm niệm hay, loại bỏ những tâm niệm dở. Cái dở bỏ không được thì làm sao đạo đức phát sinh. Bởi vậy chặn giữ gạn lọc tâm mình theo hướng mình muốn là nền tảng đạo đức. Vì tâm ý là chủ động của lời nói và hành động, chúng ta uốn nắn tâm theo đường lối thiện thì lời nói, hành động mới thuần thiện. Muốn giáo dục con người trở thành đạo đức, mà thiếu thiền định cũng khó thành công.
Trí tuệ không thể tách rời thiền định, như hồ nước trong thì vật chung quanh đều hiện bóng, ánh sáng phát sinh. Tâm ý dừng lặng thì trí tuệ sáng suốt. Kinh Tứ thập nhị chương nói: “Cột tâm một chổ không việc gì chẳng xong” (Chế tâm nhất xứ vô sự bất biện). Trí tuệ là cột trụ của đạo Phật. Trong pháp Bát Chánh Đạo, chánh kiến đứng đầu. Chánh kiến là nhận định đúng đắn, tức là trí tuệ. Có chánh kiến mới có chánh ngữ, chánh tư duy…Thế là trí tuệ dẫn đầu trong đời sốn đạo đức. Đến pháp lục độ, trí tuệ cũng đóng vai trò tối quan trọng, mặc dù nó đứng sau chót-Bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ. Có trí tuệ, bố thí mới viên mãn, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định cũng như thế. Do trí tuệ hướng dẫn các pháp tu mới đến cứu cánh, không có trí tuệ tu pháp nào cũng bị chướng bị kẹt. Trí tuệ là trọng tâm của đạo Phật, là cốt tủy của đạo đức. Song trí tuệ là thế nào? Trí tuệ là sự thấy biết đúng như sự thật. Thấy biết thân, thấy biết tâm, thấy biết cảnh đúng như sự thật bản chất của nó. Không bị hình bóng giả dối đánh lừa, không bị tình cảm giả dối mê hoặc. Cho nên trí tuệ là ngọn đèn, là cây đuốc soi sáng cho chúng sanh ra khỏi đêm tối vô minh. Trí tuệ đóngvai trò quan trọng như thế, nên mọi hành động đúng đạo đức đều do trí tuệ hướng dẫn.
Để kết thúc bài này, thiết nghĩ chúng ta cần tìm kiếm một nền đạo đức vững chắc để xây dựng bản thân, hướng dẫn đồng bào và nhân loại sống trong trật tự và hạnh phúc. Không gì hơn chúng ta phải đặt từng viên đá tảng trên của Phật giáo để xây dựng vững chắc cho ngôi nhà đạo đức. Xã định vị trí chủ đạo của con người với ngoại cảnh. Tuân hành giới luật của đạo và luật pháp của Nhà nước. Nhận định thông suốt nguyên nhân và kết quả mọi hành động của con người và sự hình thành của vạn vật. Con người phải có tình thương bất vụ lợi. Con người phải có sức kham nhẫn từ nội tâm đến ngoại cảnh. Con người phải bình tĩnh, điềm đạm và trí tuệ sáng suốt. Bao nhiêu điều kiện trên, chung hợp lại thành căn bản đạo đức của Phật giáo.
HT. T.T.T