Đặc biệt ở chỗ là kinh được thuyết trong đại định; người nghe người hỏi cũng ở trong đại định, cho nên toàn bộ phong cảnh trong kinh được cân nhắc như là “thiền”.
Viên Giác là tuệ giác vẹn toàn. Điểm chủ yếu hơn cả Viên Giác là ‘bản giác’, là ‘thỉ giác’, là ‘cứu cánh giác’. Do đó, sự thể nhập Viên Giác chắc chắn sẽ không khác với sự thể nhập vào kinh Bát-nhã, mà quá trình chứng ngộ của Bồ-tát Quán-tự-tại là tuỳ thuận pháp theo khuynh hướng phủ định. Phủ định tất cả những gì thuộc về tri thức phân biệt nhị nguyên, như: sanh diệt, tăng giảm, cấu tịnh, v.v… mới có thể thể nhập vào ‘tánh không’ Bát-nhã. Thế nhưng, Viên Giác không phải bằng con đường phủ định triệt để như Bát-nhã mà bằng cửa ngõ của pháp, tuỳ căn cơ của chúng sanh mà có thể chứng ngộ, hoặc nhanh hay chậm, tức là phương pháp đốn tu đốn ngộ, tiệm tu tiệm ngộ, đốn ngộ tiệm tu, đốn tu tiệm ngộ qua ba phương tiện: cực tĩnh (xa-ma-tha), cực động (tam-ma-bát-đề) và cực thuần (thiền-na).
Những phương tiện tu tập để chứng ngộ và thể nhập vào tuệ giác của Viên Giác thảy đều là những phương tiện thiện xão, là những pháp môn vi diệu, mà nó có thể giúp chúng sanh đạt được công đức và trí giác không thể nghĩ bàn. Song, chỉ cần vận dụng tánh Viên Giác làm trí kim-cang để chặt đứt những tà niệm dấy khởi, biến thể tánh Viên Giác thành lửa tam-muội để đốt sạch những phiền não đang tiềm ẩn hoặc ngủ ngầm lâu đời trong tạng thức của mỗi chúng sanh. Chúng ta đã và đang vay mượn thể xác và hình hài từ tinh cha huyết mẹ và các duyên khác hợp thành; do đó, phải luôn trong từng niệm thắp đèn tuệ giác, diệt biển ái dục, khai phóng tâm linh, chuyển hoá nghiệp thức, đoạn diệt mầm móng của luân hồi sanh tử.
Phật giáo là Tôn giáo lớn của nhân loại, là hiện thân tối thượng của từ bi và trí tuệ. Điều nầy không những đã được khoa học chứng nghiệm, mà còn siêu vượt cả khoa học. Giáo lý mà đức Phật trình bày đã, đang và sẽ được mọi người trên thế giới biết đến. Kinh Viên Giác là một trong những “bảo pháp” vô giá bất khả thuyết, bất khả tư nghì. Do đó, được học Viên Giác là một thiện duyên lớn; cho nên, chúng ta phải luôn tự nhắc mình, chong đèn chánh niệm, dập tắt ái dục, phát đại thừa tâm, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức. Viên Giác là tánh linh siêu thức, tánh giác bình đẳng, thường hằng hiển hiện. Sống với Viên Giác thời nội tâm luôn an tịnh, không sanh không diệt, không cấu không tịnh, không tăng không giảm. Tu tập theo Viên Giác là quán chiếu các pháp và thấy rõ như thật thiên sai vạn biệt thảy đều là bình đẳng tướng, là thật tại tướng, là duyên sanh tướng, lập niệm vô trụ, tâm hành vô ngã, rưới nước cam lồ, thổi loa đại pháp, rộng độ hàm linh, thể nhập Phật trí. Đối cảnh không sinh tâm bỉ thử ân oán, đó là tinh thần biểu hiện cao cả của Viên Giác.
Để Phật pháp không bị đoạn diệt, trường tồn vĩnh viễn, tất cả người con Phật khi ‘đến với đạo là đến để thấy và để thực hành, chứ không phải đến để tin’; đến để hành Bồ-tát hạnh, chứ không phải đến để rêu rao mớ kiến thức phàm tình vị kỷ. Đến bằng nhiều hình thức như đọc tụng, thọ trì kinh điển, lễ lạy sám hối, học hỏi giáo pháp…, nhưng với hình thức nào đi chăng nữa thì phải đến như chưa từng đến, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng; hành mà như chưa từng hành; vì tâm thấy và biết như thật các pháp thảy đều là huyễn hoá, không có thật ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả. Đến như vậy là đến với tâm thành học đạo, tu đạo và cầu chứng đạo, mà mục đích chính là để hộ trì chân lý, hộ trì Chánh pháp. Đến như vậy mới thật sự là đến với Viên Giác.
Q.L