Trần Nhân Tông – bậc Vĩ Nhân:
Những bậc minh quân nổi tiếng như: hoàng đế Aśoka (A-dục) ở Ấn Độ, Lương Võ Đế ở Trung Hoa và Trần Nhân Tông ở Việt Nam có lẽ được tôn kính như là những bậc Đại nhân. Họ không những chỉ là những con người bằng xương thịt mà xuyên qua những phép mầu tạo nên những kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc với một sự phát triển chuyển tiếp vô cùng qui mô đã làm kinh hoàng (gây sốc) và làm choáng váng những người bạn đồng hành cùng thời bằng những chiến công vô cùng vĩ đại của họ. Còn đối với những vị anh hùng quân đội, thì Ambedkar, một trong những chính trị gia nổi tiếng, cho rằng “‘Những kết quả miên viễn của họ trên bình diện lịch sử của nhân loại thì rất nhỏ’. Vì những con người vĩ đại như vậy, họ không lưu lại một ‘dấu vết trường cửu nào trên đặc tính của xã hội mà họ đã sống trong đó’, tuy “những chi tiết ghi lại về sự nghiệp và đạo đức của họ, nhưng chúng không ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội và hình thức không phải là chất men (sống động) để chuyển tiếp cho tất cả con người’” (1). Rõ ràng với AmBedkar, những anh hùng quân đội, như: Alexander, Attila, Caesar, Tamberlane, v.v… là những người anh hùng vĩ đại, nhưng đó không phải đặc tính trường cửu và bất diệt trong lịch sử của loài người. Đối với một số tư tưởng gia cho rằng “lòng nhân” (sincerity) là tín hiệu của sự vĩ đại; còn đối với một số khác thì cho rằng “trí năng” hoặc “trí tuệ” (intellect) là đủ để làm một con người vĩ đại. Thế nhưng đối với những quan niệm như thế theo Ambedkar thì chưa đúng; vì cho đến khi nào kết hợp cả hai “lòng nhân” và “trí tuệ” thì mới có thể giúp cho con người trở thành bậc đại nhân. Ambedkar nói: “Một con người trở nên vĩ đại vì vị ấy đã tìm ra một con đường cứu tinh cho xã hội trong những tình huống nguy khốn nhất của nó. Nhưng những gì có thể giúp cho vị ấy tìm ra được đạo lộ này? Ông ta có thể làm được như vậy là nhờ vào trí tuệ. Trí tuệ là ánh sáng. Không điều gì khác hơn trí tuệ mà có thể thực thi đối với bất kỳ sự hữu ích nào… nếu không có kết hợp nhu nhuyến giữa ‘lòng nhân’ và ‘trí tuệ’ thì không một ai có thể trở thành vĩ đại” (2). Đó là tín hiệu “khó trăm lần không dân cũng chịu; khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Vậy những yếu tố đó không phải là lòng nhân và trí tuệ chăng? Đó là chúng ta chưa kể đến sự nghiệp vĩ đại trong tính chất vi mô và vĩ mô của những truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Như đức Khổng Tử, người có lòng nhân và trí tuệ nhưng không phải là một người anh hùng, cũng không phải là một chính trị gia và càng không phải là một vị Thiền sư. Nếu xét những học thuyết chính thống như ‘Tứ Thư’ và ‘Ngũ Kinh’ cũng như các luật tắc về ‘Tam cương’ và ‘Ngũ thường’ của Nho giáo, thì đức Khổng Tử chỉ là một nhà Giáo dục, một nhà Đạo đức và một bậc Thánh nhân theo sự tôn kính của nhân dân Trung Hoa. Luận Ngữ của đức Khổng Tử cùng với một hệ thống giáo lý của Nho giáo, như thế đã đủ để thiết lập một xã hội trật tự và hài hòa giữa cá nhân, gia đình và nhà nước. Nhưng ý thức chính trị, xã hội và tôn giáo trong hệ thống Nho giáo thường bị những kẻ quyền lực lạm dụng Nho giáo làm công cụ thống trị với khuynh hướng độc tài, cho nên Nho giáo bị biến thái và mất chất. Ngược lại, những hiền thánh xưa kia cũng đã xuất hiện rất nhiều trong lịch sử của Nho giáo. Thế nhưng mấy ai dám khẳng định rằng những hiền thánh ấy đã ra khỏi ba cõi? Đức Khổng Tử đã thoát khỏi tam giới? Đối với Phật giáo thì có lẽ là không!
Đối với những bậc minh quân xưa nay, dĩ nhiên không giống như đại đế Aśoka ở Ấn Độ; vì đại đế Aśoka đã chiến thắng hàng vạn quân địch nhưng chưa có thể tự chiến thắng mình, mà có thể sánh với Lương Võ Đế (454-549) ở Trung Hoa thì có lẽ đúng hơn; vì vua Lương Võ Đế đã tự chiến thắng mình rất ưu việt, tuy rằng không thắng hàng ngàn quân địch để thống nhất đất nước trị vì thiên hạ. Trần Nhân Tông đã thật sự chiến thắng cả hai: chiến thắng hàng vạn giặc Nguyên và cũng đã tự chiến thắng mình; vì “chiến thắng chính mình là chiến công oanh liệt nhất”. Được một nền giáo dục Phật giáo toàn thiện từ những bậc minh quân chói sáng trước kia, mà nhất là Phụ hoàng của ngài, vua Trần Thánh Tông, vua Nhân Tông đã nghiễm nhiên trở thành một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm và đầy bản lĩnh, một vị anh hùng cái thế siêu quần, tinh thông và bén nhạy, một bậc minh quân tài đức song toàn vô cùng vĩ đại của dân tộc, của đạo pháp. Hơn thế nữa, được kết tinh và hội tụ cả ba dòng thiền: Vinitaruci (Tỳ-ni-đa-lưu-chi_594), Vô Ngôn Thông (860) và Thảo Đường (1055-1205); đặc biệt với sự dung nhiếp cả ba hệ tư tưởng: Thiền, Tịnh và Mật; tất cả những chất liệu ấy đã tưới tẩm và thấm sâu vào nội tâm của Trần Nhân Tông. Nhờ đó, chính Ngài đã thoát xác và tiêu hóa, lãnh hội và phát triển thành diệu pháp thượng vị và trưởng dưỡng thành một vị Thiền sư chơn chất lỗi lạc – dù thầy của ngài là Tuệ Trung Thượng Sĩ với một cuộc sống phóng khoáng, tự tại vô ngại, bất kỳ nơi đâu và trong bất kỳ tình huống nào. Nếu sánh ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ trong thời nhà Trần ở Việt Nam, thì vua Trần Nhân Tông chưa bằng mà chỉ có thể sánh với ngài Tịnh Danh (tức là ngài Duy Ma Cật) ở Ấn Độ mới bì kịp, mới sánh đặng.
Trần Nhân Tông – Chính trị vị nhân sinh:
Sự nghiệp chính trị và ngoại giao có nhiều xu hướng khác nhau. Tuy nhiên nó không ngoài hai khuynh hướng chính: chính trị vị nhân sinh và chính trị vị chính trị. Hẳn nhiên, khuynh hướng thứ nhất cũng khó có thể tránh khỏi những lợi ích tư hữu và ngọn cờ của danh vọng. Song những chính trị gia với khuynh hướng này nếu đặt lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên những lợi ích nhỏ, ích kỷ và hẹp hòi, không vì tham quyền cố vị, thì vẫn là những mũi nhọn cho đất nước. Đối với khuynh hướng thứ hai ở đây có lẽ chúng ta miễn bàn. Bởi những chính trị gia rơi vào khuynh hướng này thường đặt lợi ích cá nhân và gia đình lên trên quyền lợi của quốc gia dân tộc. Những người làm chính trị mà lạm dụng chính trị, thi hành việc ngoại giao với mưu đồ lợi dưỡng.
Đối với khuynh hướng thứ nhất, chính trị vị nhân sinh là những nhà chính trị lỗi lạc và hầu như mọi yếu tố đều đạt chuẩn. Những chính trị gia như thế rất hiếm tìm thấy trong mọi thời đại. Bởi mọi lợi ích của quốc gia và dân tộc được đặt lên hàng đầu, vì xem uy tín và thanh danh, quyền lợi của đất nước là trên hết. Có thế mới có thể quên mình vì nghĩa lớn, vì lợi ích lớn, không những rạng rỡ lịch sử dân tộc hôm nay mà còn là những tấm gương đáng được hậu thế noi theo.
Chính trị vị nhân sinh đã được thể hiện rõ nơi bậc minh quân chói sáng của thời Trần triều. Vua Nhân Tông đã hấp thụ được một sự giáo huấn cẩn thận về phương diện chính trị và ngoại giao ở nơi Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông và Thượng Hoàng Trần Thánh Tông. Xu hướng chính trị của vua Nhân Tông đã được biểu hiện rõ bằng sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân. Đó là khi giặc Nguyên xâm lăng Đại Việt lần thứ hai vào cuối năm 1282. Trước tình thế cấp bách và nghiêm trọng bởi sức mạnh của giặc từ phía Bắc tràn xuống, vua Nhân Tông đã triệu tập Hội Nghị Bình Than, gồm các vương hầu, văn võ bách quan bên sông Bình Than huyện Quế Dương (Bắc Ninh) để bàn kế hoạch chống giặc cứu nước. Đặc biệt tại Hội nghị này Trần Khánh Dư được phục chức Phó đô Tướng quân và sự xuất hiện của Trần Quốc Toản, tuổi trẻ nhưng chí lớn(3). Điều đáng lưu tâm ở đây là giống như Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi xưa kia, Binh Thư Yếu Lược của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, tức là Lời Hịch Tướng Sĩ, đã kích thích và nung nấu ý chí, làm tăng mạnh thêm khí thế chiến đấu của ba quân tướng sĩ. Nhờ sự kêu gọi của Trần triều và sự đoàn kết một lòng trên từ vua quan văn võ, dưới đến thứ dân, cả nước ai nấy đều một lòng, chuẩn bị lương thực và khí giới, tinh thần hưng phấn, sẵn sàng chiến đấu quyết tâm đánh giặc, vì nước hy sinh, bảo tồn bỡ cõi.
Đặc biệt, vào đầu năm 1285, vua Nhân Tông triệu tập Hội Nghị Diên Hồng, mời các bậc phụ lão, những đại biểu của dân, về Thăng Long dự hội, nhằm trưng cầu dân ý, tìm phương kế chống giặc. Kết quả Hội nghị này đã khơi dậy tinh thần tự chủ và quyền lợi của nhân dân, cho nên tất cả đều thống nhất và đồng thanh ‘quyết đánh’ (4). Bởi đất hẹp người thưa, vũ khí còn nông nổi, sánh sao đặng Mông Nguyên, vang lừng Âu sang Á, tinh nhuệ và bách thắng, không nước nào cản ngăn.
Nhấn mạnh tinh thần yêu nước, nêu cao quyền độc lập tự chủ, đả phá phong kiến độc tài, do đó cả hai Hội nghị này đã biểu hiện rõ tính dân chủ và sức mạnh đoàn kết của toàn dân; vì “khó trăm lần, không dân cũng chịu; khó trăm lần, dân liệu cũng xong”. Vẫn biết Trần triều còn ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng độc tài của chế độ phong kiến, nhưng việc trưng cầu dân ý, khơi dậy tinh thần tự chủ, yêu nước chống giặc ngoại xâm, giữ yên non sông gấm vóc, là một sách lược tài ba, làm nổi bật đường hướng lãnh đạo sáng suốt và bản lĩnh, hiên ngang và bất khuất của vua Trần Nhân Tông đã hết lòng vì nước vì dân, quyết hiến thân cho đạo pháp cho dân tộc. Chủ trương ấy đã nhấn mạnh đến tinh thần bình đằng và quyền tự chủ rõ rệt: không phân biệt dòng dõi hay sắc dân, không kể tôn giáo hay tín ngưỡng, dù ở thành thị hay những miền sơn cước, là người Việt Nam phải đứng lên chống giặc giữ nước; đó là đòn tâm lý chính trị sống động, dựa vào sức dân là chính, lấy dân làm gốc để làm vận mệnh sống còn cho dân tộc. Đặc biệt nhất là, song song với khí thế quật khởi và tinh thần bất khuất của hai Hội Nghị ấy, vị đại Hộ pháp nổi bật là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn xuyên qua Lời Hịch Tướng Sĩ, một Binh Thư Yếu Lược của ngài đã làm nức lòng ba quân tướng sĩ, vực dậy truyền thống chống ngoại xâm, nêu cao tinh thần yêu nước và chủ quyền dân tộc, quyết bảo tồn và giữ vững nền độc lập cho đất nước. Quả thật, Trần triều đã rất tinh tế và vô cùng nhu nhuyến, biết kết hợp cả ba: thiên thời, địa lợi và nhân hòa, là sức mạnh đoàn kết toàn dân thành một khối thống nhất, là thành công lớn trên mặt trận tư tưởng, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.
Đáng lưu ý nhất trong công cuộc phát động toàn dân tham gia kháng chiến là vua Trần Nhân Tông đã đạp đổ quan niệm bảo thủ cổ hủ và chế độ phong kiến độc tài, mở ra một cuộc cách mạng tư tưởng dân chủ bình đẳng và biểu hiện bản sắc văn hóa dân tộc đại đồng. Phải chăng đây là sự biểu hiện tinh thần vô ngã và vị tha trong thâm tâm của một bậc minh quân Phật giáo? Đó là một thành công lớn của vua Nhân Tông trong công cuộc đoàn kết toàn dân và cũng là chiến thắng lớn về lãnh vực tâm lý đối với toàn quân dân Việt. Chứng tỏ vua Trần Nhân Tông là chính trị gia tài ba, lãnh đạo gia sáng suốt và cũng là tư tưởng gia vĩ đại, mà chúng ta rất hiếm thấy ở những vị quân vương đời trước.
(còn nữa)
T.K.Đ
Chú thích
1. Jatava, D.R., Political philosophy of B.R.Ambedkar, National Publishing House, Jaipur and Delhi, 2001, tr. 14.
2. Jatava, D.R., Political philosophy of B.R.Ambedkar, … tr. 14.
3. Trần Khánh Dư, một tướng tài trong lần đại thắng quân Nguyên năm 1257, vì phạm tội cho nên bị lột chức, sau được mời tham gia kháng chiến. Đối với Trần Quốc Toản, tuy mới 15 tuổi, tuy không được tham dự trực tiếp hội nghị – đã tự mình đứng ra chiêu mộ được 1.000 nghĩa quân, giương cao cờ đại nghĩa “Phá cường địch, báo Hoàng ân”, kéo thẳng đến trận mạc để chống giặc cứu nước. Xem Phạm Văn Sơn, Việt Sử Tân Biên, … 1959, tr. 174-5; và xem Đức Nhuận, Đạo Phật & Dòng Sử Việt…, 1996, tr. 253-4; và xem Lê Mạnh Thát, Trần Nhân Tông Toàn Tập,… tr. 51.
4. Chúng ta đọc: “Tháng 12, Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu tập các bô lão trong cả nước về đãi tiệc , hỏi kế đánh giặc. Để trả lời câu hỏi của vua về việc có nên đánh hay không, các vị bô lão đã ‘muôn người như cùng một lời’, đáp lại ‘nên đánh’. Nhà sử học Ngô Sỹ Liên bình luận về hành động này, đã nói: “Thánh Tông muốn làm thế để xem sự ái hộ thành thật của hạ dân và muốn cho họ nghe dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên”. Đúng thế hội nghị Diên Hồng là một cuộc vận động tư tưởng lớn, nhằm phổ biến rộng rãi chủ trương nhất định kháng chiến của vua Trần Nhân Tông cả triều đình cùng quân đội tới toàn dân”. Lê Mạnh Thát, Toàn Tập Trần Nhân Tông,… tr. 54-5.
Nếu cứ vào đây thì Hội nghị Diên Hồng không phải do chủ Trương của Trần Nhân Tông nhưng do vua Thánh Tông phát động. Như vậy nếu cứ vào chủ trương của Trần Nhân Tông triệu tập Hội nghị Bình Than thì chắc hẳn Hội nghị Diên Hồng này cũng do Trần Nhân Tông đề xướng và tham mưu trực tiếp với Phụ vương. Nhưng có lẽ vì khiêm tốn bởi một mặt nhờ vào cái đức lớn của Thượng Hoàng Thánh Tông để triệu tập và đãi tiệc cho các bô lão, và mặt khác thì gián tiếp tác động tâm lý khiến những vị bô lão ngưỡng mộ Thánh Tông sủng ái cả hai vua mà dốc lòng ủng hộ chủ trương nhất định kháng chiến chống giặc của Trần Nhân Tông.