Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Để người già không chơi vơi

Để người già không chơi vơi

130
0

Trẻ con đi thành bầy
Người lớn đi thành đôi
Người già đi một mình…
chơi vơi…
 
Bài thơ trên tôi tình cờ đọc được ở đâu đó và từ "chơi vơi" cứ đeo đẳng tôi hoài. Từ đó, tôi hình thành một thói quen, quan sát người già ở mọi góc cạnh, hoàn cảnh. Quả là người già mà đi một mình thì chơi vơi thật.

Theo bước chân của người già

Có ai trong những người còn trẻ dành một khoảng thời gian lắng lòng mình lại để nhận ra quy luật: "Ai trong chúng ta rồi cùng phải già" và “Muốn lúc mình già được đối xử như thế nào thì ngay bây giờ hay đối xử với người già như thế ấy". Lòng chúng ta hoàn toàn thanh thản khi cả nhà đi làm, có người còn khóa cửa lại, để ông bà già ở nhà (có khi chỉ còn một mà thôi) với một lu gạo đầy và thức ăn trong tủ lạnh. Đó là cách đối xử của những người được cho là tử tế, còn những người không tử tế thì sao? Thì… thôi, không còn phải kể ra đây làm gì. Lẽ nào cuộc sống của người già chỉ là có cái ăn?
 
Tôi đã từng lén theo chân của người già để rồi chạnh lòng biết rằng: người già cứ rong ruổi mãi ngoài đường mà không biết đi đâu. Sáng sáng, trên các nẻo đường ở Quận 1 – Quận 3 (TP.HCM), tôi thường gặp và trò chuyện với những người lớn tuổi có hoàn cảnh: chồng hoặc vợ đá qua đời, các con bận đi làm các cháu phải đi học, nhà chỉ còn ông (bà) thui thủi một mình. Không chịu nổi cảnh tù túng, cô đơn, ông (bà) bước ra đường dạo chơi, tha thẩn. Họ cứ đi như thế cho đến khi còm cõi không còn đi được nữa. Tôi giật mình khi tự nhận ra tuy chưa già nhưng mình cũng không còn trẻ nữa.

Lời giải cho bài toán người già

Có lời giải nào cho bài toán người già thôi chơi vơi không? Tôi đem tâm tư này trao đổi với người bạn lớn của mình và được nghe đáp lại: “Có đấy!" Người bạn lớn của tôi nói rằng: "Bài toán cho người già từ lâu đã được các nước đang phát triển và phát triển giải quyết. Có điều, cách giải của mỗi quốc gia mỗi khác. Nhưng để ta tìm hiểu, học tập và áp dụng được thì nên nghiên cứu mô hình này ở Trung Quốc – quốc gia này có nhiều đặc thù khá giống nước ta. Chủ trương mỗi gia đình chỉ được có một đứa con kéo dài nhiều năm đã hạn chế được mức sinh sản khoảng 200 triệu người và làm lợi cho Trung Quốc hàng trăm tỉ USD, đã góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng đồng thời, cũng để lại hậu quả là từ nay đến năm 2030, một cặp vợ chồng trẻ phải lo cho mười hai người già…"

Nhìn từ Quảng Đông

Nhân chuyến đi công tác, được sự giúp đỡ của Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM và Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Đông, tôi và cộng sự đến Quảng Châu để tìm hiểu và học tập nhằm tìm lời giải cho bài toán người già. Trong những ngày ở đây, chúng tôi đã được Nhà nước Trung Quốc đưa đi thăm nhiều nơi dành riêng cho người già với nhiều hình thức đầu tư khác nhau: Loại hình 100% vốn Nhà nước được dành riêng cho cán bộ về hưu.

– Loại hình lấy thu bù chi, còn thiếu bao nhiêu Nhà nước bù, dành cho mọi đối tượng tuổi từ năm mươi trở lên.

– Loại hình 100% vốn tư nhân thì kết hợp như một khu phố dành cho người già có bán phòng, thuê phòng, bệnh viện, nhà hàng, chỗ chơi và chổ học. Ai yếu quá thì có thể thuê riêng hộ lý để lo cho mình và “giúp việc nhà".

Chủ đề sinh hoạt, học tập gồm:

Anh văn, tin học, thư pháp, hội họa, nhiếp ảnh nghệ thuật, thể dục, thể thao, khiêu vũ, múa, thanh nhạc, đánh cờ, dạy dinh dưỡng và tự chăm sóc sức khỏe.v.v… Về mô hình hoạt động, thì giống như các Nhà văn hóa ở Việt Nam nhưng ở đây được gọi là trường vì sau khi học thì học viên được cấp bằng, đến một cấp nào đó cái bằng này đủ cho người học được công nhận là thầy và được dạy lại cho những người già khác ở trường này hoặc trường kia. Các giáo viên đứng lớp là những người thầy nổi tiếng nhưng cũng đã về hưu, họ lại được tiếp tục sống có ích với sở trường của mình. Còn người học thì được chọn lựa những môn mình thích mà lúc trẻ không có thì giờ để học. Mỗi trường có từ 1.800 người đến 2.200 người sinh hoạt thường xuyên, ở những môn cần phải viết, cách bố trí lớp học giống như trường cấp III của mình. Người dạy do không còn bị áp lực thời gian nên dạy rất thanh thản và nhiệt tình. Người học thì bây giờ mới được học môn mình thích cho nên học rất say mê. Tôi được đứng từ dưới lớp nhìn lên, từ trên lớp nhìn xuống và điểm nổi bật đập vào mắt tôi là mái đầu ai cũng bàng bạc điểm sương. Ông, bà ngồi san sát bên nhau, tôi thấy họ bình yên và tự tại khi được sinh hoạt trong cộng đồng cùng trang lứa của mình. Dù ở hình thức hoạt động do Nhà nước hay tư nhân đầu tư. Tôi đều bắt gặp cái chung nhất: Những gương mặt rạng ngời, những ánh mắt ấm áp và nụ cười luôn đọng trên môi. Nếu già mà an nhiên, tự tại như thế thì cho tôi được già với.

Cần một chủ trương

Người ta nói “Chăm già như chăm trẻ”, sau chuyến đi thực đã tìm ra lời giải của bài toán già: nếu chúng ta tổ chức được người già "đi thành bầy" như thời còn trẻ thì người già sẽ thôi không chơi vơi nữa. Cuộc đời là một chuỗi các vấn đề phải giải quyết, khi ra lời giải của bài toán này thì bài toán mới phát sinh có phần gai hơn. Thực tế ở nước ta, để người già được "đi thành bầy" thì không chỉ có ý tưởng, có tiền, có tấm lòng, mà còn cần có một chính sách từ cấp Trung ương, cần có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ từ trên xuống, từ dưới lên, từ ngành ngang qua ngành dọc để tạo môi trường sống vui khỏe, sống có ích thích hợp cho người già.

Một ý tưởng tốt đẹp chỉ thật sự có giá trị khi đưa vào thực tiễn và được chấp nhận. Chuyến đi  thực tế vừa qua của chúng tôi là bước khởi đầu thăm dò, tìm hiểu và học tập để phác thảo một mô hình đầu tư và kinh doanh lĩnh vực kinh tế nhân văn này. Chúng ta không thể để "người già đi một mình chơi vơi" mãi được! Cuối cùng, tôi xin thêm rằng tôi có nghĩ đến một câu chuyện “Thiền” khi lấy tựa đề cho bài viết này.

Chuyện như sau :

"Một bà già, già lắm rồi, mới có được đứa cháu ngoại đầu lòng. Một hôm, khi tắm cho cháu sơ sinh, bà ngắm nghía bàn tay bé tí của cháu, nước da mơn mởn như cánh hoa vừa hé, móng tay vừa mọc mỏng như một sợi mây, năm ngón mềm như nhung lụa, rồi bà nhìn bàn tay của mình nơi tay cháu, nhăn nheo, khô cằn như củi mục, cỏ cháy. Trước đây, bàn tay của bà đâu có khô mục như vậy; trước đây, bà cũng tươi đẹp như cháu của bà sẽ tươi đẹp.

Bà bâng khuâng… nhưng trong mộ chớp nhoáng sáng suốt, bà bỗng thấy hai bàn tay giống nhau. Cái khác nhau giữa bàn tay này và bàn tay kia là thời gian. Mỗi bàn tay có cái đẹp riêng của nó, hoàn hảo, vẹn toàn trong vẻ đẹp riêng; mỗi bàn tay có chức năng riêng của nó, hoàn hảo, vẹn toàn tùy thời, tùy lúc.

Và bà già chợt nhận ra bàn tay mình cũng đẹp, chỉ khác thôi! Đức Phật dạy rằng cuộc đời là vô thường, biến đổi. Chân lý đó hiển nhiên. Nhưng đạo Phật vượt lên trên nhận  thức đó, biết như vậy để chấp nhận nó trong màu nhiệm phong phú tràn đầy của nó khi nào nó đến.

Trẻ có cái đẹp của trẻ, già có cái đẹp của già. Giữa trẻ và già không có gì khác nhau. Cái khác là thời gian. Và mục đích của nhà trẻ không phải là kéo lui lại thời gian, mà làm thế nào để thời gian đang sống lúc nào cũng tràn đầy phong phú, mầu nhiệm.

T.T.N.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here