Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Thiền sư Thạch Liêm (1633-1702)

Thiền sư Thạch Liêm (1633-1702)

173
0

Hòa thượng Nguyên Thiều được Nguyễn Phúc Chu cử về Quảng Đông thỉnh các bậc Cao tăng, nghe danh tiếng Sư nên đến am Trường Thọ thỉnh Sư. Sư khởi hành sang Việt Nam ngày 15 tháng giêng năm Ất Hợi, niên hiệu Khang Hy thứ ba mươi tư (1695). Đến ngày 28 tháng giêng, Sư đến Thuận Hóa và ngày mùng 1 tháng 2 ra mắt chúa Nguyễn.

Nhưng đọc Đại Nam liệt truyện tiền biên (Q.6) một trong những bộ chính sử do Quốc Sử Quán triều Nguyễn sọan; và bộ Hải ngoại kỷ sự của Đại Sán Hán Ông; có ba điều làm cho  người ta thấy rất là khó hiểu; nhưng ba điều khó hiểu này lại là nguyên nhân cho sự phát triển của Phật giáo Thuận Hóa về sau.

– Điều thứ nhất là Anh Tông Hoàng Đế (tức là Ngãi Vương Nguyễn Phúc Thái (1687-1691) thuờng phái Ngài Tạ Nguyên Thiều qua Trung Hoa cầu cao Tăng; nghe Thạch Liêm giỏi Thiền học, chúa Ngãi đã có lần bảo Nguyên Thiều đến Trường Thọ Am thỉnh cho được Hòa thượng Thạch Liêm. Lúc về, không có Ngài Thạch Liêm đi theo, Ngài Nguyên Thiều bị chúa Thái tỏ vẻ thất sủng.

Phải chăng, chúa Nguyễn Phúc Thái đã có ý muốn lập giới đàn truyền giới cho Tăng đồ ở Thuận Hóa?

– Điều thứ hai là vị Quốc Sư có húy là Hưng Liên, hiệu là Quả Hoằng. Vị sư này là đệ tử của Hòa thượng Thạch Liêm; vì sau khi về Trung Quốc, Ngài Thạch Liêm còn để lại một đệ tử có húy là Hưng Triệt; và chính chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) sau khi quy y với Hòa thượng Thạch Liêm, cũng được đặt Pháp danh là Hưng Long. Nhưng, Ngài Hưng Liên đã qua Nam trước thầy mình rất lâu, đã lập thảo am ở vùng Ngũ Hành Sơn – Quảng Nam. Khi thuyền Ngài Thạch Liêm trở về Tàu, đi ngang qua đấy Giám quan chỉ tay bảo rằng: “Đấy là núi Tam Thai, ngôi chùa trong ấy tức là đạo tràng của Quả Hoằng Quốc sư. Núi ấy có nhiều nham động như cửa ngõ, như cửa sổ, làm đường hang, làm nhà, làm phòng, như hình vung nồi, như hình chuồng câu v.v…thảy đều lung linh khoáng đãng; nằm ngồi được, ngồi gảy đàn, ngâm thơ được. Mỗi lúc nói lên có tiếng vang đáp lại….” (Hải Ngoại Kỷ Sự, tr.137)

Sư Quả Hoằng được Minh Vương phong làm Quốc sư? và phong từ năm nào? Sau đó vì sao lại rước Thạch Liêm về Thiền Lâm? Bao nhiêu câu hỏi này, dường như không thể trả lời được, vì ta thiếu hết cứ liệu, không có sách vở nào chép lại. Chỉ biết Hòa thượng Thạch Liêm về sau có ghé lại thăm đạo tràng này và dành đến ba trang sách để tả cảnh đẹp ở chùa Tam Thai; Quốc sư có sự sai lầm nhỏ là tiến cử người làm việc lên chúa Nguyễn Phúc Chu bất xứng nên chúa đã có ý trách Đại Sán Hán Ông. Do đó có thư dàn xếp của Thạch Liêm gửi chúa Nguyễn để chúa và Quốc sư đừng mất lòng nhau. (Sđd. tr. 212-213)

– Điều thứ ba là chùa Thiền Lâm vốn là của Khắc Huyền Lão Tổ khai sơn, Lão Tổ viên tịch vào năm 1706. Thế mà Ngài Thạch Liêm sang, Quả Hoằng quốc sư đưa về chùa Thiền Lâm; sau đó đại giới đàn cũng mở tại đây. Trong thời gian này, Khắc Huyền Lão Tổ đi đâu? Không có sách nào nói. Lúc này (1695), Khắc Huyền Lão Tổ đang còn, chính Hải ngoại kỷ sự của Đại Sán Hán Ông không hề có một chữ nhắc đến Lão Tổ là chùa sở tại mà Ngài đang ở? Với lại ở Thuận Hóa lúc đó đang có mặt nhiều Thiền Tổ nổi tiếng như các Ngài Giác Phong, Nguyên Thiều, Từ Lâm; có thể có cả các Ngài Minh Hoằng Tử Dung, Minh Hải Pháp Bảo… tại sao chúa Nguyễn không mời lập giới đàn, mà phải thỉnh cho được Ngài Thạch Liêm?

Hướng phát triển thứ nhất của Phật giáo Thuận Hóa dưới thời các chúa Nguyễn chính là Hòa thượng Thạch Liêm với phái Thiền Tào Động. Trước hết chúng tôi xin nói ít hàng về Trường Thọ Am, nơi Hòa thượng Thạch Liêm trú trì; sau đó nói tiếp tiểu sử và hành trạng của Ngài.

Theo sự sưu khảo của nhiều người đi trước, thì nguyên ở Quảng Châu có chùa Trường Thọ và ở Thanh Viễn có chùa Phi Lai. Hai chùa này đều do Thực Hành Hòa thượng trú trì. Khi Hòa thượng Thực Hành viên tịch, nhờ có người giới thiệu, Thạch Liêm giảng sư được vào làm tọa chủ Trường Thọ Am.

Trường Thọ Am tọa lạc cách phía Tây Nam thành Quảng Đông 5 dặm, từ khi Thạch Liêm giảng sư kế thế Hòa thượng Thực Hành để làm tọa chủ nơi đây thì càng ngày am càng trở thành hưng thịnh. Chùa có cảnh đẹp. Mé Tây có ao chảy thông với Châu Giang, nước khi đầy khi vơi ăn nhịp với nước lên nước ròng ở ngoài sông; phía Bắc có Bán Phàm Đình, phía Đông có Hội Không Hiên, trước hiên trăm hoa tươi tốt, cảnh trí đáng yêu; thẳng theo các bờ đều có trồng loại cây lệ-chi (cây vải) và long nhãn (cây nhãn); phía Nam có Hoài Cổ Lâu, phía dưới có Lục Ly Đường, cây nước trong xanh, phòng hiên u tịch. Chùa có tượng Thích-Ca niêm hoa, thếp vàng ngọc mã não xa cừ, nghiêm trang rực rỡ, lại có tượng đồng, nghe nói đúc từ đời Đường. (Trần Kính Hòa, Phần khảo cứu Hải Ngoại Kỷ Sự, Đại học Huế xb, 1963, tr.247-248)..

Xem thế thì ta thấy am Trường Thọ có cảnh đẹp thanh u biết dường nào. Người tu hành trong đó là Hòa thượng Thạch Liêm hiệu là Đại Sán Hán Ông, người ta còn gọi là “Thạch Đầu Đà”. Sách Đại Nam liệt truyện chép: Ngài người “bác nhã khôi ngô, phàm các môn tinh tượng, luật lịch, diễn xạ, lý số, triện lệ (cách viết chữ), đơn thanh (vẽ) môn nào cũng thông hiểu, càng sở trường về thơ.” (TKH, Sđd. tr.243). Giáo sư Trần Kính Hòa dẫn sách Hoa di biến thái (q.32) chép lời báo cáo của người chủ thuyền Quảng Đông, chuyến 36, năm Ất Hợi (1695): “Nói tóm tắt, Thạch Liêm tuy sinh quán ở Nam Kinh, nhưng cư trú ở Quảng Đông hơn 20 năm, trong khoảng ấy đức hạnh của ông rất thịnh sáng, bởi thế quan dân xa gần quy y rất đông. Trong bọn thương khách thuyền chúng tôi cũng có người đã từng đến Trường Thọ Am lạy Phật.” (TKH, Sđd. tr.244).

Vẫn ông Trần Kinh Hòa đã viện dẫn thêm một “báo cáo” của Tàu buôn Quảng Đông, chuyến 67, nhổ neo từ Quảng Đông ngày 16-6 Khang Hy thứ 35 (Bính Tý 1696) chạy đến Trường Kỳ – Nhật Bản vào ngày 13-7 năm ấy nói thêm rằng:

“Nói về Thạch Liêm thiền sư, cư trú Trường Thọ Am Quảng Đông, vì nổi tiếng đạo đức, nên mùa xuân năm ngoái Quảng Nam Quốc Vương rước đến Quảng Nam. Nghe đồn sau khi Thạch Liêm đến nước ấy rất được Quốc Vương tôn kính, hơn nữa, quan dân trong nước đều nhất trí quy y; tại Quảng Đông cũng thường được nghe tin tức. Nhưng Thạch Liêm từ mùa xuân năm ngoái ở luôn tại Quảng Nam, cho nên tín đồ Phật giáo tỉnh Quảng Đông, những người đã quy y với Thiền sư ấy, từ mùa xuân năm nay hằng phái thuyền đến Quảng Nam tiếp đón; chắc chẳng bao lâu nữa cũng sắp sửa trở về.” (Sđd. tr.270-271)

Theo chính sử, vào đời chúa Nguyễn Phúc Thái chúa đã phái Nguyên Thiều Hoán Bích ở chùa Quốc Ân sang Quảng Đông cầu danh Tăng; Ngài Nguyên Thiều có đến Trường Thọ Am để mời Thạch Liêm Hòa thượng; nhưng lần nầy Thiền sư Thạch Liêm không qua Nam.   

N.A

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here