Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Khủng hoảng thế giới dưới lăng kính đạo Phật

Khủng hoảng thế giới dưới lăng kính đạo Phật

149
0

    Vào ngày 4/11/2008, cử tri Mỹ đã bầu một vị Tổng Thống mới. Có thể nói đây là một cuộc cách mạng đã đến với nước này vì đây là lần đầu tiên người Mỹ đã bầu một người có gốc da màu lên chức vị quan trọng nhất trong chính quyền. Ý nghĩa lâu dài của sự đắc cử của Barak Obama còn quá sớm để biết được, nhưng trước mắt có thể nói là Obama đã thắng đối thủ McCain vì lý do lớn nhất là sự khủng hoảng tài chính và kinh tế ở Hoa Kỳ và thế giới. Cốt lõi của vấn đề là sự khủng hoảng thế giới ngày nay bắt nguồn từ các siêu cường châu Mỹ và Châu Âu với các nền kinh tế kếch sù tiên tiến trên thế giới. Nhưng chuyện khủng hoảng thế giới lại dính dáng gì đến đạo Phật vì một bên là kinh tế chính trị, bên kia là tâm linh đạo đức? 

Một vụ địa chấn kinh tế toàn cầu

    Trong thời gian kinh tế đi lên, với sản ngạch quốc gia và thu nhập cá nhân tăng, đa số người dân có việc làm, giá nhà cửa tăng dưới sức ép của cầu, các cơ quan cho vay tiền mở rộng cửa để tăng tiền cho vay. Tất cả thành phần kinh tế lớn nhỏ, cộng thêm sự lạc quan của quần chúng, níu nhau đưa nền kinh tế vươn lên. Nhưng cái gì có lúc lên quá cũng phải có lúc xuống, và cách đi xuống cũng tựa như cách đi lên, nghĩa là các bộ phận cùng kéo nhau đeo xuống dốc. Ở Mỹ trong các năm 2007-2008, chu kỳ kinh tế tư bản đã đến lúc giá nhà cửa giảm mạnh, thời kỳ mà người ta gọi là “bong bóng nổ” về địa ốc, đã khiến nhiều công ty lớn nhỏ rơi vào tình trạng khủng hoảng hoặc phá sản. Thêm vào đó, hàng triệu hộ gia đình bị vỡ nợ, không trả được tiền vay để mua nhà hàng tháng. Có hai nguyên do chính, thứ nhất là chính sách cho vay tiền năm đầu với lãi xuất tiệm tiến, rồi tăng dần trong các năm sau, thứ hai là tình trạng kinh tế bắt đầu suy thoái với nạn thất nghiệp gia tăng, thu nhập cá nhân giảm. Hậu quả là hàng triệu gia đình phải mất nhà riêng vì bị thu hồi, trong khi đó các cơ quan cho vay tiền bị thất thu trầm trọng, dẫn đến sự khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng và tài chánh nói chung qua hiệu quả giây chuyền. Điều nầy gây ra tình trạng tê liệt và khủng hoảng kinh tế.  Nói một cách giản dị, các ngân hàng và cơ quan tín dụng ngưng việc cho vay vì thiếu khả năng, thiếu vốn, hay chỉ vì lý do bảo thủ tự vệ. Tình trạng nầy cũng giống như một cơ thể bị huyết mạch ngưng trệ, máu không lưu chuyển giữa các bộ phận trọng yếu, như vậy sức khỏe sẽ sa sút và bệnh tật tất phải đến.  Nhưng huyết mạch ngưng trệ chỉ là một trong nhiều yếu tố chính khác, mà trong đó phải kể thêm yếu tố tâm lý, tức là sự thiếu tin tưởng vào tương lai và chính sách của chính phủ.  Điều nầy làm người dân phân vân nên tạm án binh bất động, nghĩa là ngưng mọi hoạt động từ chi tiêu đến đầu tư.

    Quan trọng hơn cả là biện pháp cứu nguy cho Wall Street nói chung với kinh phí trên 1.000 tỷ USD để thổi thêm sinh lực (tiền) cho các ngân hàng và mua lại các trương mục cho vay bị thất thu cho những công ty nào bị đe dọa trầm trọng. Tóm lại, cuộc khủng hoảng ở Hoa Kỳ ngày nay là một cuộc khủng hoảng về nợ, hay nói chính xác hơn là việc vỡ nợ. Thực ra đây chỉ là sự bột phát của một tình trạng đã âm ỷ kéo dài từ lâu mà nét chính là nước Mỹ đã dùng tiền để dành của thế giới (có nguồn nói là hai phần ba tiền tiết kiệm của thế giới) dùng vào việc tiêu thụ của mình. Từ đầu thập niên 1960 cho đến nay, công trái của Mỹ (tiền chính phủ Mỹ vay trong nước và nước ngoài) vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh, và vào tháng 11, 2008, đã lên đến mức đáng báo động 10,600 tỷ USD (khoảng 75% của GDP hay 3/4 của tổng thu nhập hay tổng sản lượng quốc gia), tương đương với  37,316 USD cho mỗi đầu người tính toàn dân số, hay 60,000 MK cho mỗi người dân có việc làm.  Trong tổng số nợ đó, tiền nợ của Mỹ đối với thế giới bên ngoài cũng tăng rất nhanh. Ngày nay khoảng một phần tư của tổng số quốc trái Mỹ là tiền nợ các nước ngoài, mà trong đó Nhật và Trung Quốc là hai nước đã cho Mỹ vay nhiều nhất. Trong khi chính phủ Mỹ tiếp tục tăng mạnh tiền vay trong và ngoài nước, người dân Mỹ cũng sống bằng vay mượn, cho nên tổng số nợ cá nhân vay tiền để tiêu dùng cũng gia tăng hằng năm. Theo thống kê ngân hàng trung ương nhà nước Mỹ, số nợ đó tăng từ 4.3 đến 5.6% hằng năm từ năm 2003 đến 2007. Riêng trong năm 2007, tổng số nợ đó đã lên đến mức 2,521 tỷ USD, và trong chín tháng đầu năm 2008 là 2,588 tỷ USD.  Phải nói đây là những con số tiền kếch sù mà dân Mỹ đã không ngần ngại vay mượn để thỏa mãn các nhu cầu vật chất của họ. Rõ ràng dân Mỹ lấy việc tiêu thụ làm ưu tiên hàng đầu trong đời sống hàng ngày. Triết lý hay châm ngôn của người Mỹ đã từ lâu là “kiếm tiền… kiếm tiền… kiếm tiền…” và “xài tiền… xài tiền… xài tiền…”

    Lí giải khủng hoảng qua tuệ giác đạo Phật

    Hiểu được các nguyên nhân gây ra suy thoái và khủng hoảng kinh tế thế giới là bước đầu tiến đến sự hiểu biết về tương quan giữa khủng hoảng và đạo Phật. Có hai khía cạnh của đạo Phật có khả năng giúp ta quán chiếu được nguồn gốc sâu xa nhưng rất cụ thể và rõ ràng về việc khủng hoảng: sự thiếu khôn ngoan và sự thiếu đạo đức. Tuy nhiên, trước khi đi xa hơn, ta cần nói ngay rằng sự phân chia hai yếu tố khôn ngoan và đạo đức chỉ là một cách nhìn, một việc làm nhằm giúp ích cho việc phân tích và giải thích. Nhưng nếu xét theo nguyên tắc nhất lý của đạo Phật, hai yếu tố đó thật ra chỉ là một vì cái nay đã nằm sẵn trong cái kia, nghĩa là không thể có khôn ngoan theo nghĩa tuệ giác đạo Phật nếu không có đạo đức và ngược lại, hay nói cách khác là thiếu chánh niệm. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngày nay có thể tóm lược khái niệm về tuệ giác bằng cách nói rằng các hành động thương mãi làm ăn thiếu sự cân nhắc hậu quả lâu dài cho mình và cho kẻ khác đều là hành động thiếu tuệ giác. Lòng tham vô độ cũng do thiếu khôn ngoan, thiếu tuệ giác, trái với tinh thần bát chánh đạo mà đức Phật đã dạy. Dùng ngôn ngữ nói hay quảng bá những tin tức không đúng gây đau khổ cho người nghe, hay làm người khác phải phạm các sai lầm dẫn đến sự mất mát trong đời sống hay thua lỗ trong việc làm ăn là không chánh ngữ. Các hành động đánh cắp và không tôn trọng quyền lợi vật chất và tinh thần của kẻ khác, hoặc tiêu xài quá mức hay phí phạm tài nguyên thiên nhiên như đi các xe hơi khổng lồ rất hao xăng không cần thiết và làm ô nhiểm môi trường, hiện tượng xẩy ra nhan nhản ở Mỹ, là thiếu chánh nghiệp. Lừa đảo, buôn bán các sản phẩm giả đã mất giá trị hay có độc hại và gây chết chóc như các khí cụ giết người, ma túy, v.v. là không chánh mạng.

    Theo thống kê, hiện Hoa Kỳ có 5% dân số thế giới nhưng xử dụng đến 23% tổng số nhiên liệu dùng trên toàn thế giới, và tác dụng làm ô nhiễm của riêng nước nầy đối với môi trường thế giới chiếm 51% tác dụng của năm quốc gia có dân số lớn nhất thế giới cộng lại.   Ngoài ra, kinh nghiệm khủng hoảng hiện nay cũng làm ta nhớ lại vấn đề cộng nghiệp (tai biến đã xẩy ra) và quan niệm về trung đạo trong đạo Phật (con đường mà thế giới, nhất là ở các nước tư bản tiên tiến chính thống, đã không đi theo). 

    Một đặc điểm cao quý trong quan niệm đạo đức của đạo Phật là đạo đức một cách tự nguyện và tuyệt đối, nghĩa là không cần có sự kiềm tỏa của pháp luật do người đời làm ra và áp đặt.  Tôi hành động như vậy vì tôi thấy như thế là phải, là đúng, nhờ tuệ giác và kinh nghiệm bản thân của tôi, chứ không phải vì luật lệ cho việc làm đó là phải. Tuệ giác là chính, luật lệ là thứ yếu và có thể không cần biết đến. Nền móng của đạo đức theo đạo Phật là sự khôn ngoan, là trí tuệ, chứ không phải là luật lệ hay quy ước xã hội. Tôi không lừa đảo hay ăn cắp là vì tôi thấy cử chỉ đó đúng, có chánh niệm, chớ không phải vì làm như vậy để tránh sự trừng phạt của pháp luật.

    Ăn cắp phải được hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa là làm bất cứ việc gì có lợi cho mình và có hại cho người khác. Dùng phát minh, sáng tạo hay thương hiệu của kẻ khác mà không bồi tiền cho tác giả là một việc ăn cắp. Ngoại tình, dưới nhãn quan đạo Phật, cũng là một sự ăn cắp vì đã vi phạm thân thể và lấy mất nhân phẩm của kẻ khác, mặc dù việc làm đó có thể không bị pháp luật cấm. Pháp luật ở nhiều nước cho việc ngoại tình là một “tội phạm không có nạn nhân” (victimless crime). Tây phương có khai triển quan niệm gọi là “zero-sum game” (trò chơi với hơn thua ngang nhau) để nói rằng trong một cuộc chơi nếu có người được ắt phải có người thua, hay hành động có lợi cho một người hay một đoàn thể tất yếu sẽ có hại cho một người hay đoàn thể khác.  Ví dụ khi anh và tôi đánh bạc, nếu tôi hơn anh một đồng thì anh phải thua tôi đúng một đồng, không thể khác được (zero sum: (+1) + (–1) = 0).  Có thể nói hành động ăn cắp là một zero-sum game, hay ngược lại, có thể dùng tiêu chuẩn của zero-sum game để phán xét có ăn cắp hay không. Hoa Kỳ là một trong những quốc gia có nền pháp luật mạnh nhất, nhưng điều đó không có nghĩa là không còn có rất nhiều kẽ hở trong luật pháp xứ nầy.  Mà nếu ta giả sử không có kẻ hở đi nữa – một ảo tưởng – thì việc ăn cắp theo đạo Phật vẫn có thể xẩy ra như thường, vì điều này không chỉ giới hạn vào các hiện tượng cụ thể mà còn lan qua các địa hạt tâm lý trừu tượng với ảnh hưởng tiêu cực của nó không kém quan trọng so với các tác dụng vật chất.  Ví dụ trong việc thương lượng mượn tiền, nếu người cho vay không nói rõ cho người đi vay biết những rủi ro ngầm hay không ngầm trong hợp đồng (ví dụ những món phí tổn “ngầm”, hay tiền lãi xuất tiệm tiến, v.v.), hoặc cảnh cáo về các hậu quả lâu dài của tình trạng mắc nợ, thì người cho vay đã làm một việc thiếu đạo đức theo đạo Phật dù rất có thể không bị luật pháp trừng trị. Thậm chí các nhân viên ngân hàng hay tín dụng, qua sự khuyến khích gián tiếp của cấp trên, không cần điều tra kỹ lưỡng khả năng trả nợ của người đi vay. Chính người đi vay, vì lòng tham, cũng muốn như vậy.  Khi số tiền cho vay lên đến bạc triệu hay bạc tỷ, tác hại của việc vỡ nợ khó mà lường được. Ta đã thấy các hậu quả như trên và sẽ còn thấy những bằng chứng cụ thể khác trong phần dưới đây. Ở các đại học hay xí nghiệp Mỹ, người ta có dạy hay bàn về khía cạnh đạo đức—ethics—trong nghề nghiệp, nhưng đây chỉ là những nỗ lực yếu kém hời hợt vì chủ yếu vấn đề kiểm soát vẫn dựa trên pháp luật.

 
Sự thiếu kiềm chế, thiếu đạo đức trong kinh doanh là yếu tố chính của cuộc khủng hoảng kinh tế

    Vậy có đúng khi nói rằng lòng tham vô đáy, sự thiếu kiềm chế, thiếu tuệ giác, thiếu đạo đức, chủ nghĩa cá nhân quá khích và sự thiếu tinh thần trách nhiệm là các yếu tố chủ động sâu xa của cuộc khủng hoảng ngày nay chăng? Nguồn gốc của đau khổ theo đạo Phật—tham, sân, si — đóng vai trò gì trong các đổ vỡ về mặt xã hội kinh tế? Xã hội Mỹ nói chung, về phía cung cũng như phía cầu, nhìn thế giới qua các cặp kính màu lạc quan, qua lăng kính của cận thị chỉ để nhìn gần chứ không phải nhìn xa. Hệ thống kinh tế tư bản thị trường Mỹ, từ người cho vay đến người đi vay, từ ông chủ xí nghiệp đến nhân công, khuyến khích việc nhìn thế giới bên ngoài qua các lăng kính đó. Đây là những yếu tố văn hóa xã hội đã ăn rễ từ lâu năm ở Hoa Kỳ và được củng cố bởi cuộc cách mạng truyền thông cận đại. Trong cơ chế tư bản thị trường, các thành công về tiền tài, vật chất, danh vọng được đánh giá cao. Địa vị xã hội được đo bằng nấc thang của sự giàu sang phú quý. Thậm chí, có rất nhiều người đồng hóa hạnh phúc với tiền tài. Thêm vào đó, sự cạnh tranh không giới hạn trong việc tuyển chọn nhân viên lãnh đạo xí nghiệp hay ngân hàng đã đưa đến tình trạng là có những vị tổng giám đốc có tiền lương và phụ cấp lên đến hàng chục, hàng trăm triệu USD mỗi năm.  Đây là những con số mà chính giới tư bản Châu Âu và Châu Á xem là kì cục và phi lý. Nhưng cơ hội làm tiền đầy dẫy như ở châu Mỹ hay châu Âu làm sao có thể ngăn chận lòng tham?   

    Đạo Phật là đạo của sự tỉnh thức, mà thành công của kinh tế thị trường thì hoàn toàn ngược lại, tức là dựa trên việc làm cho say đắm, làm cho mê mệt. Mỗi tiếng trống Bát Nhã là một tiếng “chày kình” làm giật mình, đưa con người ra khỏi giấc mộng, trở về với  thực tại, tỉnh thức, và sáng suốt; nhưng trái lại, mỗi hồi chuông Madison Avenue gióng lên là mỗi liều thuốc mê hồn chống lại sự tỉnh thức. Cơ chế thị trường càng tinh xảo bao nhiêu, tiếng gọi của quảng cáo càng thôi thúc, càng công hiệu bấy nhiêu. Con người trong hai thế kỷ vừa qua trong các nước công nghệ tiên tiến tư bản là con người bị điều kiện hóa gần giống như con chó của Pavlov, mỗi lần nghe tiếng chuông của Madison Avenue là rệu nước miếng! Và toàn cầu hóa đã quảng bá tình trạng nguy hiểm nầy khắp thế giới như đã thấy. 

    Đa số người dân xứ Mỹ, từ kẻ có tổ tiên nhiều đời đến người mới đến, thích nhìn vào lợi ích trước mặt mà không suy nghĩ kỹ về hậu quả lâu dài, lo cho mình hơn lo cho người.  Họ thích sống ồ ạt, sống vội vàng, sống lạc quan không bao giờ ngừng. Đã có một xe hơi còn muốn mua thêm nhiều chiếc xe nữa, đã có nhà vừa ở lại muốn mua thêm một nhà thứ hai, thứ ba, hay đổi sang nhà mới sang hơn, lớn hơn, mà trong khi đó tiền không có, nên phải đi vay để thỏa mãn sự thèm thuồng không cưỡng lại được. Tham lam sinh ra tham nhũng, là một căn bệnh trầm trọng của xã hội, và chính vì thế vấn đề tham nhũng rất khó bài trừ nếu vấn đề tham lam không có phần tâm linh kiềm chế, trong khi đó pháp luật chống tham nhũng đã tỏ ra hầu như bất lực dù bất cứ nơi nào.  Dĩ nhiên tham nhũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng thế giới.

    Trong khi đó, về phía cung, Wall Street và Madison Avenue (đầu não của dịch vụ tài chánh và quảng cáo của Mỹ) lại không ngừng bỏ ra những số tiền quảng cáo khổng lồ, kích động lòng tham và đam mê sẵn có, gây ra tình trạng mà một số nhà kinh tế gọi là kích thích “cầu giả tạo”. Những món nợ cá nhân và tập thể hết sức lớn viện dẫn ở trên chứng minh sự thành công rực rỡ của Madison Avenue nói riêng và của hệ thống kinh tế thị trường nói chung, và sự vỡ nợ và phá sản ngày nay cũng có thể hiểu được qua lăng kính đạo Phật, mà các yếu tố chính là sự thiếu khôn ngoan và thiếu đạo đức. Nếu lòng tham được sự hỗ trợ của sự thiếu đạo đức, thì thảm họa khó có thể ngăn chận được—thảm họa hôm nay và cả ngày mai.  Bao giờ tình trạng thiếu khôn ngoan và thiếu đạo đức còn, nguy cơ khủng hoảng còn, và nguy cơ nầy chỉ có thể giảm bớt nếu các bài học chánh niệm của đạo Phật được hiểu đúng và hành trì. Không có chánh niệm để trau dồi trí tuệ và đạo đức theo chiều hướng đạo Phật thì nỗ lực giải quyết khủng hoảng hôm nay chỉ có tính cách tạm thời, chờ đợi những cuộc khủng hoảng sẽ diễn lại trong tương lai. Thay đổi chính sách, pháp luật hay định chế, dù cho có rốt ráo mấy đi nữa, cũng sẽ chỉ là những sự thay đổi nông cạn bên ngoài mà không đáp ứng được nhu cầu thay đổi căn bản bên trong của từng con người—chính là cốt lỏi của vấn đề.

    Trước khi nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng, ngân hang Wachovia đứng hàng thứ năm trong toàn nước Mỹ; nhưng hiện nay, ngân hàng này đã bị phá sản. Trong thời gian hưng thịnh trước đây, Wachovia, cũng như nhiều ngân hàng lớn khác ở Mỹ, đã cho vay tiền một cách rất dễ giãi, thiếu thận trọng đến độ có thể nói là bừa bãi.  Như đã nói trên, muốn được tăng thưởng hay lên chức, ban điều hành cao cấp khuyến khích tình trạng vay mượn và đầu tư lỏng lẻo để câu thêm khách hàng và dịch vụ nhằm tối đa hoá thu nhập và lợi nhuận.  Hơn nữa, dân Mỹ xem nặng kết quả ngắn hạn, và đơn vị thời gian dùng đo lường hiệu năng là từng quý một.  Bổng lộc và chức vị của cấp lãnh đạo tăng khi tiền lời và trị giá cổ phiếu công ty hàng quý tăng.  Điều mỉa mai là khi công ty làm ăn tốt, ban lãnh đạo được tăng lương đã đành, nhưng khi gây họa cho công ty, thay vì bị phạt, ban lãnh đạo vẫn nhận được tiền “bồi thưòng” để bằng lòng rời bỏ công ty (Wachovia sẽ trả cho ban lãnh đạo 98 triệu USD trước khi nhóm này rời công ty).  Ở các công ty khác cũng như ở Wachovia, ban giám đốc thường họp trong phòng kín; việc bổ nhiệm, trả lương hay thăng thưởng thường do các thành phần trong ban giám đốc tự cấu kết quyết định với nhau (Đến đây ta không thể không nhớ câu thơ nhí nhỏm trong bài “Năm mới chúc nhau” của nhà thơ trào phúng lớn, Tú Xương:  “Bồng bế nhau lên nó ở non!”). Mặc dù các hành động thiếu trong sáng như thế có thể không vi luật, nhưng rõ ràng là chúng có những hàm ý và hậu quả của tình trạng tham nhũng cá nhân hay tập thể.  Mà đã tham nhũng tập thể thì may ra có trời mới trị được!  Vậy thử hỏi đâu là đạo đức, đâu là trách nhiệm? Tình trạng thiếu trách nhiệm, thiếu minh bạch và tham nhũng, dù là tham nhũng trá hình, có những tác hại kinh tế xã hội vô cùng rộng rãi và sâu xa, mà tác hại rõ nét nhất có thể nói là gây ra tình trạng hoang mang nghi ngờ, thiếu tin tưởng ở các công ty, ở các định chế và các cấp lãnh đạo. Thiếu tin tưởng đưa đến tình trạng tê liệt, là điều dễ hiểu.

    Các bài học đáng chiêm nghiệm

    Cuộc khủng hoảng thế giới ngày nay đã cho chúng ta một số bài học quý giá. Trước nhất là mô hình tối đa hóa lợi ích hay lợi nhuận của tư bản chính thống cần được xét lại và sửa đổi vì nó đã không đưa đến tối đa hóa phúc lợi xã hội và hạnh phúc cho nhân quần, là đối tượng của một nền kinh tế nhân bản.

    Thứ hai, các quốc gia đã và đang chạy theo kinh tế thị trường như Việt Nam phải đề cao cảnh giác trong việc điều hành kinh tế, mà trọng tâm phải là đạt đến một nền kinh tế nhân bản, có nghĩa là lấy hạnh phúc thực sự và lâu bền của đa số dân chúng làm chuẩn. Chủ nghĩa tư bản thuần túy là một con dao hai lưỡi: nó vừa là đầu tàu cho sự bột phát kinh tế và kỹ nghệ như Carl Marx đã nhận xét rất chuẩn, vừa là một cơ chế có lịch sử đào sâu hố cách biệt giữa các thành phần và giai cấp giàu nghèo, tức là đi ngược lại chiều hướng hòa nhập nhân bản.

    Bài học thứ ba là lý tương tức và tương nhập trong đạo Phật.  Trong đoàn tàu kinh tế xã hội, các toa tàu và đầu tàu nối kết chặt chẽ với nhau, nương nhờ vào nhau, nhịp nhàng lướt trên đường sắt, và nếu toa tàu nào gặp khó khăn thì cả con tàu phải ngừng hay đi chậm lại.

Thứ tư, một nền kinh tế nhân bản như vừa nói là một việc khả thi nếu ta nhận thức được rằng có một sự liên hệ mật thiết giữa giáo lý của đạo Phật và khủng hoảng kinh tế. Như một con tàu đi đêm không có đèn, chuyện trật đường rầy gây tay nạn, không cho tàu đến bến, là chuyện khó tránh được như ta đang phải đau khổ mà chứng kiến ngày hôm nay. Cũng như thế, một nền kinh tế thiếu đèn soi của chánh niệm, thiếu sự chỉ đường của trí tuệ và đạo đức cho mọi thành phần thì thế nào cũng có nguy cơ khủng hoảng, rơi rớt nửa chừng, đi tập tễnh khó mà đến đích. Chỉ dựa và đạo đức mà thôi để hoàn chỉnh guồng máy kinh tế xã hội thì tự nó có thể là việc làm thiếu thực tế mang tính không tưởng, nhưng có luật lệ mà thiếu đạo đức thì cũng hỏng việc như đã thấy rõ.

    Tóm lại một nền kinh tế thị trường thiếu sự dẫn đường của trí tuệ và đạo đức, vắng sự thức tỉnh của chuông chánh niệm cho mỗi cá nhân, thì không thể nào là một nền kinh tế nhân bản được. Nhờ có truyền thống tốt của văn hóa Á Châu, trong đó đạo Phật đóng vai trò then chốt trong nhiều thế kỷ hưng thịnh của đất nước, ta phải ráng công giữ gìn và bồi đắp cái vốn liếng vô giá mà tiền nhân để lại bằng cách tự giác hành trì theo trí tuệ và đạo đức, và khôn ngoan lựa chọn hướng đi đúng, trong trung dung hòa hợp, không nghiêng hẳn về bên trái cũng như bên phải, để hầu tránh được vết xe đổ, dù cho sự đổ nát đó có tính cách tạm thời đi chăng nữa. Thực sự, vấn đề không chỉ là việc tránh khủng hoảng vốn là một việc làm tạm thời, mà là xây dựng một xã hội công bằng, lành mạnh, lấy hạnh phúc thực sự lâu bền của con người làm cứu cánh.

    Nói cách khác, thử hỏi có phải bài học quý giá nhất của kinh nghiệm đau thương ngày nay, với các tiến bộ vượt bực của tri thức và học thuật là những con dao hai lưỡi, là tìm về “cội nguồn”, tức là trở lại với tình trạng cá nhân và xã hội trước khi bị các thế lực của vô minh (tham, sân, si, v.v.) dẫn nhân loại đi xa nguồn, giam hãm con người vào trạng huống mất gốc, mất thăng bằng, chao đảo? May thay, những lời Phật dạy hé mở cho ta một chân trời sáng lạng, một niềm tin và hy vọng…

V.X.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here