Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Vai trò, vị trí chùa Từ Đàm theo dòng lịch sử xứ...

Vai trò, vị trí chùa Từ Đàm theo dòng lịch sử xứ Huế

312
0

Đó là một bài hát nổi tiếng của người Phật tử miền Trung xuất hiện sau biến cố 1963; một bài hát nói lên được nhưng nỗi niềm của mọi người con Phật miền Trung và ngay các tỉnh miền Nam đối với ngôi chùa mà họ hằng yêu dấu; nó ghi khắc sâu đậm dấu ấn lịch sử của các giai đoạn chuyển biến lớn của Phật giáo Việt Nam, đó là giai đoạn Chấn hưng Phật giáo của những thập niên 1930-1940, giai đoạn thống nhất Phật giáo 1951và giai đoạn chống đàn áp Phật giáo vào thời chính quyền Ngô Đình Diệm 1963. Như vậy thì vị trí và vai trò của ngôi chùa Từ Đàm đã ăn sâu vào tâm khảm của mọi người Phật tử miền Trung cũng như miền Nam, mà mỗi khi nhắc đến Phật giáo xứ Huế thì không ai không nghĩ đến ngôi chùa lịch sử này.



I.   VÀI NÉT LỊCH SỬ:



Cách đây hơn 300 năm, vào đời chúa Nguyễn Phúc Thái (1687-1691), không rõ chính xác vào năm nào trong khoảng 10 năm: từ 1683 đến 1693, một vị Tổ từ Trung Quốc sang, vào đất Thuận Hóa và đến tại Hoàng Long Sơn, cắm tích trượng, dựng một thảo am để hoằng hóa Phật giáo Thiền Lâm Tế. Vị tổ sư đó chính là ngài Minh Hoằng Tử Dung, và thảo am của Ngài lúc đó là Ấn Tôn thiền thất, địa vực là chùa Từ Đàm hiện nay. Đến năm Quý Vị (1703) niên hiệu Chính Hòa thứ 24 đời Lê Hy Tôn ở Bắc Hà, nhằm vào năm thứ 13 đời Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) thì thảo am đã được sắc tứ trở thành ngôi chùa có biển hiệu đề Sắc tứ Ấn Tôn Tự. Biển hiệu chùa hiện nay đang còn. Chùa Ấn Tôn có mặt trên đất Thuận Hóa cho đến 173 năm sau. Vào năm Thiệu Trị nguyên niên triều nhà Nguyễn (1841) có lẽ vì kỵ húy Hoàng gia, nên nhà vua đã hạ chỉ đổi tên chùa thành Từ Đàm Tự, biển hiệu này cũng đang còn treo tại nhà Tổ chùa Từ Đàm. Mãi đến năm 1938 thì chùa Từ Đàm được chư Sơn môn nhường lại cho An Nam Phật Học Hội làm chùa Hội quán và được tái thiết theo đồ án như ngôi chùa hiện ta đang thấy. Hiện tại, trước tiền đường chùa Từ Đàm còn có biển đề “An Nam Phật Học HộiThừa Thiên Tỉnh Hội” do “Ninh Thuận tỉnh, Phật Học Hội cúng dường” vào tháng hai năm Tân tỵ (1941). Vào các thập niên 50 cho đến cuối thế kỷ XX, GHPG Thừa Thiên đã kiến thiết thêm cổng chùa, nhà thiền, tăng xá, nhà khách, nhà bếp; phần khác là “giảng đường” và văn phòng Tỉnh Giáo Hội.



Về cách thờ tự thì chùa Từ Đàm có nét đặc biệt từ năm 1940 đến nay là trong chùa chỉ thờ độc tôn một pho tượng đức Phật Thích-ca bằng đồng cao khoảng 1m30, ngự trên tòa sen, tay bắt ấn Tam-muội. Đây là công trình nghệ thuật của ông Mai Trang Nguyễn Khoa Toàn và nhà đúc tượng Nguyễn Hữu Tuân. Trong điện Phật có bức hoành đề Ấn Tôn tự; phía Tây sát chùa có nhà Tổ, trong nhà Tổ có một chân dung ngài Minh Hoằng Tử Dung là Tổ khai sơn Ấn Tôn tự và nhiều long vị khác của Chư Tổ, cũng như nhiều bài vị bằng chữ quốc ngữ của các đạo hữu quá cố của An Nam Phật Học Hội ngày xưa. Phía đông chùa có nhà thiền; trong vườn hoa trước thiền đường có một pho tượng bán thân của Bác sĩ Lê Đình Thám, người rất có công với cuộc chấn hưng Phật giáo Huế và miền Trung; tại văn phòng tỉnh GHPG Thiên Thiên Huế ở tầng dưới của nhà giảng có pho tượng bán thân của Ngài Thích Quãng Đức người đã vị pháp thiêu thân cúng dường mười phương chư Phật trong cơn pháp nạn 1963, tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt – Sài Gòn. Tại sân chùa Từ Đàm có một cây Bồ-đề thiêng rất lớn, chiết từ gốc Bồ-đề tại Bồ-đề đạo tràng Ấn Độ đem về trồng tại đây. Ngoài ra chùa Từ Đàm còn có một câu đối của nhà yêu nước Phan Bội Châu; một câu đối của Bác sĩ Lê Đình Thám hiện khắc ở các trụ trước mặt tiền đường… Tất cả những gì nói trên đây đều biểu hiện những nét đặc trưng trong kiến trúc và trong cách thờ tự; tuy mới thoạt nhìn thì có vẻ khác lạ, nhưng “nhìn” kỹ thì chùa Từ Đàm vẫn theo truyền thống tâm linh Châu Á và đặc biệt là Việt Nam ta có đầy đủ Phật, Tổ truyền Pháp đăng, có Hộ pháp…. một cư sĩ là B.S Lê Đình Thám, và một Tăng sĩ là Ngài Quảng Đức…. chuyển hiện vào thực tế chứ không phải chỉ là những pho tượng tượng trưng, và một cây thiêng có ý nghĩa đặc thù của Phật giáo.



II.VỊ TRÍ TRONG TRUYỀN THỐNG THIỀN TÔN:



Nguồn suối Phật giáo Lâm Tế ở Nam Hà đã xuất sinh từ vùng đất thiêng của Ấn Tôn Tự vào cuối thế kỷ thứ XVII đầu thế kỷ thứ XVIII, tại Nam Hà có một vị Đại sư đã xả thân đi từ Phú Yên ra Thuận Đô [1] tìm cầu pháp học đạo. Vị Đại sư ấy sơ khởi tìm đến tham lễ Giác Phong Lão Tổ ở Báo Quốc thảo am xin cầu học, sau khoảng hơn mười năm, Ngài đến chùa Thiền Lâm thọ Sa-di với Thạch Liêm Hòa thượng (1695), hai năm sau, Ngài lên Từ Lâm xin thọ Cụ túc giới với Từ Lâm Lão Tổ (1697). Khi đã trở thành Tỳ-kheo, vị Đại sư tìm đến tham lễ cầu học với Tổ Minh Hoằng-Tử Dung ở Ấn Tôn thiền thất (1699). Năm Nhâm Ngọ (1702) Tổ trao công án cho Ngài tham: “Vạn pháp qui nhất, nhất qui hà xứ” (萬法歸一一歸 何處). Mười năm sau, vào mùa hạ năm Nhâm thìn (1712) chư Tăng hai đạo Thuận Quảng về an cư kiết hạ tại Thiền Lâm viện, cung thỉnh Tổ Minh Hoằng Tử Dung làm thiền chủ. Trong kỳ an cư kiết hạ này, vị Đại sư trình kệ “Dục Phật” được Tổ ấn khả, truyền tâm ấn. Vị Đại sư người Đại Việt ở Nam Hà đắc đạo thiền Lâm Tế từ đó, và được kế truyền theo pháp kệ của tổ Minh Hoằng-Tử Dung, để có pháp danh là Thiệt Diệu, và pháp hiệu là Liễu Quán. Chính giờ phút này đạo mạch thuộc Ấn Tôn Từ Đàm tự ở Hoàng Long Sơn đã được trao truyền và tiếp nhận giữa sơ Tổ Tử Dung và đệ nhị tổ Liễu Quán để phát huy rực rỡ trên dải đất Nam Hà tức suốt từ Thuận Hóa vào Nam, từ thế kỷ thứ XVIII đến hiện nay. Bởi vì sau đó, Tổ Liểu Quán đã hoằng truyền giáo pháp và biệt xuất một dòng kệ 48 chữ: “THIỆT TẾ ĐẠI ĐẠO, TÁNH HẢI THANH TRỪNG, TÂM NGUYÊN QUẢNG NHUẬN, ĐỨC BỔN TỪ PHONG…” Tổ đã khai sơn chùa Thuyền Tôn, một Tổ đình lớn của Phật giáo Huế từ thời Lê Cảnh Hưng (1708) đến nay. Vào các năm Quý Sửu (1733), Giáp Dần (1734), Ất Mão (1735), tại Tổ đình Thuyền Tôn, và đến mùa xuân năm Nhâm Tuất (1742) tại chùa Viên Thông, Tổ đã khai bốn đại giới đàn truyền giới cho hàng vạn tín đồ. Trong số theo tu học với Tổ, có 49 Ngài cao đệ tử đắc pháp. Bốn mươi chín vị này đã tỏa ra, vân du hóa đạo khắp các tỉnh từ Thuận Đô vào tận vùng đất mới được các chúa Nguyễn tiếp nhận của Chăm-pa. Chỗ nào có dân mới từ Tiên Bình Thuận Hóa vào khai hoang lập ấp là dường như có các ngài đi theo để dắt dẫn, an ủi người dân mới tới nơi đất lạ xứ người. Riêng tại Thuận Đô, tức là xứ Huế hiện nay, thì sau khi Tổ Liễn Quán thị tịch vào mùa thu năm Nhâm Tuất (1742), có hai cao đệ tử nỗi danh ở lại Tổ đình để tùy duyên hóa độ nơi đây, đó là ngài Tế Mẫn Tổ Huấn và ngài Tế Hiển Trạm Quang; ba ngài ra Báo Quốc là Tế Ân Lưu Quang, Tế Nhơn Hữu Bùi và Tế Hiệp Hải Điện; sau ngài Tế Nhơn đã cùng với ngài Từ Chiếu vào Phú Yên. Riêng tại Huế thì ngài Tế Mẫn Tổ Huấn có hai đệ tử đắc pháp là ngài Đại Huệ Chiếu Nhiên và ngài Đại Nghĩa Trí Hạo. Ngài Đại Huệ Chiếu Nhiên truyền xuống cho hai đệ tử là Đạo Minh Phổ Tịnh, được bà Hiếu Khương Hoàng Thái Hậu mời ra trú trì Tổ đình Báo Quốc được đổi tên là Hàm Long Thiên Thọ Tự; và Ngài Đạo Tâm Trung Hậu ra trùng hưng tổ đình Ấn Tôn dưới thời Gia Long, dấu ấn của Ngài còn để lại trên quả chuông đồng thời Gia Long hiện chùa Từ Đàm đang bảo quản, từ ngài Đạo Minh Phổ Tịnh truyền xuống rất nhiều đệ tử đắc pháp, nỗi danh nhất là ngài Tánh Thiên Nhất Định khai sơn An Dưỡng Am, đến Tự Đức nguyên niên (1847) được xây dựng thành chùa và được Sắc tứ là Từ Hiếu Tự. Tổ Tánh Thiên Nhất Định có ba đệ tử sáng chói là các ngài Hải Thuận Lương Duyên, Hải Thiệu Cương Kỹ, Hải Toàn Linh Cơ [2]. Hằng trăm ngôi chùa Huế hiện nay, kể cả những ngôi chùa làng được tái thiết, đều do đệ tử hoặc pháp điệt của ba ngài này hoặc khai sơn, hoặc trùng kiến, hoặc kế thế trú trì, làm cho Phật giáo Huế long thịnh rực rỡ. Kể từ chư Tổ ngày xưa và nhiều thế hệ Tăng sĩ hiện nay đều có pháp húy theo dòng kệ của Tổ Liễu Quán, và đều hoằng hóa giáo pháp Lâm Tế Tử Dung – Liễu Quán vốn phát tích từ Ấn Tôn Từ Đàm vào thời các chúa Nguyễn. Phật giáo Lâm Tế Tử Dung Liễu Quán chẳng phải chỉ thực hiện việc tôn sư tuyền tâm ấn cho đệ tử mà thôi, mà Tổ Tổ tương truyền một nền giáo dục tại các chùa rất khác với nền giáo dục thời ấy; lại có nhiều điểm tương cận với giáo dục học hiện đại như dựa trên tâm sinh lý đối tượng để giáo huấn; tập động thân thể với khai mở trí tuệ quân bình không thiên về phần trí mà bỏ phần thể… chư Tổ và chư Tăng cũng đã đóng góp trong ngành kiến trúc chùa chiền, ngành mỹ thuật trong việc trang trí chùa tháp, đúc chuông chú tượng làm cho các ngành nề, mộc, sơn vẽ, chạm gỗ, chạm đá phát triển. Chư Tổ trong Phật giáo Huế cũng rất chú trọng đến kinh tế tự túc tự cấp. Tổ Đại Huệ Chiếu Nhiên đã thống suất tăng chúng chùa Thuyền Tôn về làm ruộng chùa ở xã Thần Phù; lúa dư ăn, còn nạp tô cho phủ chúa như là một hộ nông dân tập thể trong địa phương.



Lần thứ nhất chùa Từ Đàm đã có vai trò trọng yếu trong việc làm phát sinh cả một Thiền phái của người Đại Việt ở Nam Hà vậy.



III. VỊ TRÍ TRUNG TÂM  TRONG PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO:



Sử kiện đáng ghi nhớ là vào năm 1938 cho đến năm 1944, Vào lúc 10 giờ 30 sáng ngày 27 tháng 10 năm Bảo Đại thứ 13, nhằm ngày 18 tháng 12 năm 1938 T.L, An Nam Phật Học Hội làm lễ đặt đá để xây dựng chùa Từ Đàm theo đồ án còn lại cho đến nay mà hồi đó gọi là chùa Hội quán Hội Phật Học Thừa Thiên và cũng là trụ sở An Nam Phật Học Hội. Hội này được lập vào năm 1932, gồm có 5 vị Trưỡng Lão Hòa Thượng, mà Hòa Thượng Giác Tiên đứng đầu, và 17 vị cư-sĩ mà B.S Tâm Minh Lê Đình Thám đứng đầu, cuộc vận động chấn hưng Phật giáo đồng loạt xuất hiện khắp cả nước. Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật Học thành lập năm 1931, và đầu năm 1932 thì Hội này cho ra báo Từ Bi Âm; cũng trong năm 1932 này thì An Nam Phật Học Hội ra đời tại Huế và qua năm 1933, hội cho ra tạp chí Viên Âm để làm cơ quan ngôn luận truyền bá đạo Pháp theo đường hướng mới. Năm 1934 Hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập và năm 1935, hội cho xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ làm cơ quan ngôn luận.



Chúng tôi cần nói đến hai tiếng An Nam. Chữ này từ đời nhà Đường trở lui dùng để chỉ nước ta [3]. Nhưng từ khi Pháp lấy mất nước, thì chúng chia đất nước làm ba phần và gọi miền Bắc là Tonkin và dịch là Bắc Kỳ, miền Nam là Cochinchine và dịch là Nam Kỳ; còn An Nam chúng dành để chỉ miền Trung và dịch là Trung Kỳ. Như thế An Nam Phật Học Hội chính là Hội Phật Học của dải đất Trung Kỳ kể tử Thanh Hóa vào tới Bình Thuận.



Vai trò của Chùa Từ Đàm lần này quan trọng không kém lần thứ nhất; vì chùa Từ Đàm từ đây (1938) là nơi phát tích nguồn chấn hưng Phật giáo cho cả 13 tỉnh suốt dải đất miền Trung. Đặc biệt, hai Nho gia Huỳnh Thúc Kháng và Phan Bội Châu là những chí sĩ yêu nước sôi nổi lúc bấy giờ cũng đã nhiệt tình cổ vũ cho công cuộc chấn hưng Phật giáo. Vì thế hai vế đối mà cụ Phan đề ở tiền đường chùa mang nhiều ý nghĩa của chủ trương này:



Nghiệp duyên bình hiệp, niên niên bạch phát thôi; đối diện tức không, ninh bả thiều hoa phó lưu thủy



(業緣萍合|年年白髮催,對面即空寧把韶華付流水).



“Thế sự kỳ phân, xứ xứ hoàng lương mộng; hồi đầu thị ngạn, nguyện phiên bối diệp xuất ưu đàm.”



(世事棋分處處黃粱夢,回頭是岸願翻貝葉出優曇)



(Thân này bèo hợp, năm năm tóc trắng thêm; đối mặt liền không, há để tuổi xanh theo giòng nước?



Thế sự bàn cờ, xứ xứ đều mộng ảo, quay đầu là bến, nguyện phiên kinh Phật tỏa hương Đàm.)



Từ chùa Từ Đàm phát tích về cách kiến trúc kiểu mẫu kiến thiết chùa Hội quán và cách thờ tự độc tôn, việc chấn hưng Phật giáo lan truyền rất nhanh. Chỉ sau bốn năm hoạt động, tức là khoảng năm 1941 thì “…. ở Thừa Thiên cũng như khắp 13 Tỉnh Trung Kỳ, dân chúng tự động nhập hội, tự động cổ động tổ chức Hội ở khắp các địa phương…”[4]. Kết quả khắp dãi đất miền Trung có đến 10 tỉnh Hội, 30 chi Hội và ngót một nghìn Khuôn Hội Tịnh độ. “Không đầy 20 năm mà toàn cõi Trung Việt, đâu cũng có Tỉnh hội, Tỉnh hội nào cũng có các Chi hội, Chi hội nào cũng có Khuôn hội Tịnh độ. Khuôn Tịnh độ hầu hết đều có Niệm Phật Đường” (Sách đã dẫn, trg 32). Về mặt tinh thần thì Hội Phật Học đã thiết lập Phật Học Đường từ 1932, xuất bản tạp chí Viên Âm (1933); lập Phật Học Tùng thư tại chùa Từ Đàm để phát hành, soạn và in ấn Kinh sách (1938) và đi diễn giảng lưu động. Đặc biệt là Trường Ni học đã được thiết lập tại chùa Từ Đàm vào năm 1932, về sau chuyển đến chùa Diệu Đức. Sư bà Diệu Hương làm Giám đốc trường này từ ngày đầu. Tất cả mọi đồ án kiến trúc “chùa Hội quán” nhất là Niệm Phật Đường của các Khuôn Hội thì đều theo mẫu chùa Từ Đàm; thiết trí cách thờ tự độc tôn theo cách thờ ở chùa Từ Đàm Huế. Nếu so sánh với cách thờ tự ở chùa làng thì ta thấy Niệm Phật Đường trong sáng, nhẹ nhỏm và thoáng hơn nhiều! Hội Phật Học đặt Hội quán ở chùa Từ Đàm đã cùng với Giáo Hội Tăng già lập ra Phật Học Đường Kim Sơn (1944). Và “tinh thần ảnh hưởng của Kim sơn bây giờ tỏa khắp mọi phương trời, mọi tổ chức, mọi Phật sự (….). Người của Kim Sơn (tức Tăng sĩ của Phật giáo được đào tạo ở Phật Học Đường Kim sơn) cùng khắp Trung Nam Bắc, đem Kim ngôn đức Phật truyền bá khắp nơi dưới tất cả hình thức...” (Sách đã dẫn, tr 33). Lại có nhiều học Tăng từ Phật Học Đường Long Xuyên ra theo học, về sau trở thành các vị cao Tăng của Phật giáo Miền Nam như các Hòa thượng Thiện Hoa, Thiện Hòa, Hiễn Thụy, Bữu Ngọc v.v… Trong dân gian toàn vùng Trung Bộ từ Thanh Hóa tới Bình thuận, lến tới các tỉnh Di Linh, Đồng Nai thượng đều có những kết quả trong đời sống như bỏ các tập tục mê tín, không đốt vàng mã nữa, dân sống hòa thuận với nhau, không kiện cáo như thời trước. Tỉnh nào cũng có một Ban Trị Sự Tỉnh Hội, mỗi năm về họp tại chùa Từ Đàm Huế một lần để bầu Ban Trị Sự Tổng Hội.



Riêng với tuổi trẻ thì từ năm 1940, ở Huế đã có Ban Đồng Ấu rồi có đoàn Thạnh Niên Phật Học Đức Dục của Bác sĩ Lê Đình Thám lập ra, tụ hội được nhiều phần tử trí thức tân học thời đó để dạy Phật pháp cho họ. Năm 1943, có Gia đình Phật Hóa Phổ ra đời; đến năm 1951 đổi thành gia đình Phật tử. Đây là “một Tổ chức giáo dục thiếu nhi quan trọng và có sắc thái độc đáo, có thể nói đó là một trong những nét đặc biệt nhất của đạo Phật tại Việt Nam. Tại các nước Phật giáo trên thế giới chưa có tổ chức thiếu niên nào đông đảo và có tổ chức khéo léo như thế…” (Nguyễn Lang, VNPGS luận III trg 256). Tổ chức này đã đặt trụ sở tại chùa Từ Đàm, và lan rộng tới cả miền Nam lẫn miền Bắc. Ngoài Bắc các cư sĩ Nguyễn Văn Nhã, Lê Văn Lãm, Vũ Thị Đính đã tạo dựng cơ sở đầu tiên cho GDPH Phổ tại Hà Nội và Hải Phòng. Trong Nam các cư sĩ Tống Hồ Cầm và Nguyễn Văn Thục đã xây dựng các đơn vị GDPH Phổ trong phạm vi Hội Phật Học Nam Kỳ.



Hiện nay, bài hát “Từ Đàm Quế Hương Tôi” của Nguyên Thông như trên đã nói. Bài hát đã nhắc nhở đến một sử kiện quan trọng từ chùa Từ Đàm Huế xuất phát ra: đó là cuộc Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam vào năm 1951. Đây là một Hội nghị lớn mà tầm quan trọng của nó thật vô cùng lớn lao. Năm mươi mốt (51) đại biểu của sáu tập đoàn Tăng già và Cư sĩ cả ba miền đất nước về họp tại chùa Từ Đàm Huế để làm việc chung trong bốn ngày ròng rã; lại có hơn 300 Phật tử gồm có nhiều vị trong Giáo Hội Tăng Già Sơn Môn Thừa Thiên và các Khuôn Hội khắp tỉnh Thừa Thiên về dự thính. Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên lo sắp xếp nơi ăn ngủ, nơi làm việc từng tiểu ban, và nơi họp Đại Hội đồng và lo chương trình nhiều khóa lễ tại chùa Từ Đàm cho toàn Đại biểu dự Đại Hội. Sau thời gian bàn thảo, toàn Hội nghị để thống nhất Phật giáo Việt Nam đã ra bản Quyết nghị như sau:



Chúng tôi Đại biểu của các tập đoàn Phật Giáo sau đây:



Tăng già Trung Việt– Tăng già Bắc Việt– Tăng già Nam Việt, Hội Việt Nam Phật Giáo Bắc Việt, Hội Việt Nam Phật Học Trung Việt- Hội Phật Học Nam Việt; hội họp tại chùa Từ Đàm (Thuận Hóa) ngày 01, 02, 03, 04, 05 tháng Tư Phật lịch 2514 tức là ngày 6, 7, 8, 9, 10 tháng Năm, 1955 đồng công nhận Bản Điều Lệ Hội Phật Giáo Việt Nam rất hợp lý và biểu hiện sự thống nhất PGVN một cách cứu cánh. Để thực hiện bản Điều Lệ ấy, chúng tôi cùng nhau quyết nghị những khoản sau:



Khoản I. Cùng nhau lập một Tổng Hội y theo Bản Điều Lệ trên lấy tên là Hội Phật Giáo Việt Nam.



Khoản II  Cung thỉnh một ban chứng minh gồm có:



1. Hòa Thượng Mật Ứng (BV); Hòa Thượng Tuệ Tạng (BV)



2. Hòa Thượng Giác Nhiên (TV); Hòa Thượng Giác Tiên (TV)



3. Hòa Thượng Tuệ Chân (NV); Hòa Thượng Đạt Thanh (NV)



Để chỉ đạo phần Đạo Pháp cho Tổng Hội, chứng minh các Đai lễ và các sách báo của Tổng Hội.



Khoản III: Bầu một Ban Quản Trị Trung Ương gồm có:



1. Hội chủ: Hòa Thượng Tường Vân Thích Tịnh Khiết.



2. Phó hội chủ: Thượng Tọa Trí Hải; Đạo hữu Lê Văn Định.



1 Tổng thư ký; 2 Phó thư ký; 1 Chưởng quỹ và 1 Kiểm lý ngân sách 8 Ủy viên; 3 Ủy viên; 3 Ủy viên dự khuyết (tất cả đều có tên người giữ chức vụ nhưng đây lược bớt).



Khoản VI.  Gia nhập Hội Phật giáo Thế giới.



(Trích Viên Âm số 104 (08-04 Tân mão) năm thứ X, trang 3, 4, 5, 6, 7) Tây lịch là năm 1951.



Sau khi Hội nghị bế mạc thì có một bài hát của nhạc sĩ Lê Cao Phan, huynh trưởng trong Ban Hướng Dẫn GĐPT cấp tỉnh, đã vang lên những câu reo vui như: “Phật giáo Việt Nam thống nhất Bắc Nam Trung từ đây… Tiến lên vì Đạo thiêng…” v.v… nói lên được ước nguyện của Phật giáo đồ Việt Nam đã được các đại biểu ba miền thực hiện có thành quả tại dưới mái chùa Từ Đàm Huế. Từ đó Phật giáo khắp mọi miền đất nước đã sinh hoạt rất có qui cũ và chặt chẽ; và lá cờ Phật giáo Quốc Tế có 5 màu rực rỡ được treo lên ở chỗ nào có thờ Phật là có cờ Phật giáo tung bay; vì Phật giáo Việt Nam là một thành viên của Hội Phật giáo Quốc Tế. Và cũng từ đó, Ban Quản Trị Trung Ương của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam đóng trụ sở tại chùa Từ Đàm Huế.



IV.  VAI TRÒ BẢO VỆ ĐẠO PHÁP:



Một lần nữa ngôi chùa Từ Đàm Huế lại giữ vai trò xuất sinh của một sử kiện trọng đại: Bảo vệ Đạo Pháp. Sự kiện này tuy xảy ra trong vòng có mấy tháng; nhưng hậu quả vô cùng hệ trọng, làm đảo lộn cả chính trường miền Nam và đem lại cho toàn nhân loại trên Thế giới một nỗi lòng kính phục vô biên đối với Phật giáo Việt Nam nói riêng, và dân tộc Việt Nam nói chung.



Vào ngày Phật Đản năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm từ Sài gòn điện ra khẩn cấp buộc dân Huế hạ cờ Phật giáo; sự việc xảy ra vào chiều ngày 07-05-1963. Sáng hôm sau Phật giáo đồ Huế vân tập về làm lễ Phật Đản tại chùa Từ Đàm. Tối hôm đó (08-05-1963) xảy ra cuộc đàn áp đẫm máu tại đài Phát thanh Huế, vì chính quyền Ngô Đình Diệm không cho phát đi chương trình buổi lễ lúc ban sáng, mà đã nhiều năm GHPG Thừa Thiên Huế đã được quyền làm như thế. Quần chúng Phật tử đấu tranh đòi hỏi, chính quyền đàn áp, bắt giết.



Ngày 10-05-1963 các vị Lãnh đạo Phật giáo họp tại Từ Đàm hoạch định đường lối và phương pháp tranh đấu bảo vệ Phật giáo và đòi hỏi công bình xã hội. Một bản Tuyên Ngôn được soạn thảo, nêu ra năm nguyện vọng của Phật giáo đồ. Bản Tuyên Ngôn này được gởi tới Tổng Thống Ngô Đình Diệm qua trung gian ông Đại biểu Chính Phủ Trung nguyên Trung phần”… (Nguyễn Lang, sđd. trang 346).



Ngày 15-05-1963 tại chùa Từ Đàm, một Bản phụ đính của Tuyên Ngôn 10-05-1963 được công bố;



Ngày 25-05-1963 cũng tại chùa Từ Đàm, một Phụ trương của Bản Phụ đính được công bố; dưới tờ phụ trương có chư ký của “Đại diện 5 cấp Trị sự Phật giáo: Toàn Quốc, Trung Phần, Thừa Thiên”.



Từ đó, cuộc đấu tranh bảo vệ Đạo Pháp chuyển vào Sài gòn và đặt trung tâm tại chùa Xá Lợi. Khởi đi từ chùa Từ Đàm Huế, lan đến Sài gòn, nơi đóng Thủ đô của chế độ Ngô Đình Diệm; sau đó lan ra thế giới. Lúc đầu chỉ có Phật giáo đồ làm lễ với Chư Tăng ở chùa Từ Đàm, sau lan đến quần chúng: tiểu thương, binh lính; cuối cùng chuyển đến các trường Trung học và Đại học và trở thành cuộc đấu tranh của sinh viên toàn quốc đấu tranh cho chân lý và tự do tín ngưỡng. Chế độ quanh co chối cãi và cứ đàn áp, làm cho toàn xã hội miền Nam thời bấy giờ tê liệt, dẫn đến việc Liên Hiệp Quốc lập phái đoàn đến điều tra; chế độ Diệm đánh dẹp các chùa chiền vào khuya 20-08-1963 làm cho toàn dân, toàn quân phẩn nộ và quân lính nổi dậy làm binh biến vào ngày 01-11-1963, lật đổ luôn chế độ Ngô Đình Diệm.



Sau hai biến cố trọng đại nêu trên, ngôi chùa Từ Đàm đã trở thành trung tâm của mọi người con Phật; và vì thế khi nói đến Phật giáo xứ Huế người ta thường nghĩ đến nơi đây như là một trung tâm của Phật giáo, thậm chí có người còn cho Huế là thủ đô của Phật giáo Việt Nam vậy.



V. KẾT LUẬN:



Kể từ khi Tổ Minh Hoằng Tử Dung cắm tích trượng khai sơn Ấn Tôn thiền thất đến nay đã gần 300 năm. Lúc đầu là Ấn Tôn Tự rồi sau hơn 1 thế kỷ rưỡi trở thành Từ Đàm Tự. Khí thiêng sông núi un đúc, làm cho đạo mạch Ấn Tôn – Từ Đàm lưu trường. Tùy cơ duyên khế hợp của từng thời đại, chùa Từ Đàm đã thể hiện triết lý “Tùy duyên bất biến” của đạo Phật rốt ráo. Bởi vậy, nhìn theo góc độ tùy duyên bất biến ấy, ta thấy vai trò của chùa Từ Đàm thật là hệ trọng đối với mạng mạch Phật giáo Thừa Thiên Huế nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Tuy thời đại và hình thức có khác, song chiều sâu thì Từ Đàm vẫn là nơi phát xuất của những giai đoạn phát triển và bảo tồn Phật giáo. Vừa bảo tồn vừa phát huy Phật giáo Thừa Thiên Huế và nói rộng là cả miền Trung; chùa Từ Đàm rõ ràng đã đóng vai trò nơi chốn Tổ phát tích đạo mạch của vùng Hóa Châu xưa. Tuy không phải là nơi thắng cảnh vào hàng nhất nhì của chùa Huế, song khi chùa Từ Đàm đã làm trọn vai trò của mình hơn 300 năm, đã qua nhiều giai đoạn và dưới nhiều hình thức khác nhau cho hợp căn cơ của từng thời đại, thì lẽ dĩ nhiên chùa Từ Đàm đã, đang và sẽ có một vị trí tương xứng, nếu không nói là vị trí hàng đầu trong sự nghiệp truyền bá giáo pháp của đức Phật Thích-ca Mâu ni. Cho nên, chúng tôi xin kết luận bài này bằng một kết ý ngắn gọn là nếu ai đến Huế, muốn xem phong cảnh chùa tháp của Huế thì lên chùa Thiên Mụ, ở đó có đủ núi, sông, đồi, cây cao, chùa tháp cổ sái, bầu trời xanh có mây trắng nhẹ nhàng bay v.v… nhưng muốn hiểu vì sao người ta gọi Huế là “Thiền Kinh” tức là Kinh Đô chùa chiền, cũng tức là nói đến phong cách Phật giáo xứ Huế, tinh thần Phật giáo xứ Huế, thì nên về chùa Từ Đàm; nơi uyên nguyên dẫn xuất anh linh tú khí của cõi Hóa Chân xưa để giữ cho đạo mạch Phật giáo trong cõi lưu trường với thời gian vô tận vậy./.















[1]  Chữ trong bia ký tại tháp Tổ Liễu Quán






[2]  Thích Mật Thể, VNPGSL, bản đồ I, ở trang 219, Bản in của Minh Đức Đà Nẳng, 1960






[3] Thực sự đây là chữ do người đô hộ Trung Hoa đặt ra gọi là An Nam độ hộ phủ; còn quốc hiệu do các triều vua độc lập đặt ra thì lại khác; nhưng không hiểu sao trong thông tục lại cứ gọi là An Nam!






[4] Thích Kim Sơn, Viên Âm Nguyệt san số 89-90, số Đặc san về kỷ niệm lễ Vía Xuất gia và đệ Thập bát chu niên của Hội Việt Nam Phật Học, năm thứ 9 trang 27, Huế 1950

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here