Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Nhật Diện Phật, Nguyệt Diện Phật

Nhật Diện Phật, Nguyệt Diện Phật

237
0

Mặt trời có khuôn mặt Phật; mặt trăng có khuôn mặt Phật / Ngày ngày gặp Phật; Tháng tháng gặp Phật! “Thông điệp tâm linh” ấy về sự hòa hợp giữa trần cảnhđạo tâm đến từ cùng một tác giả của “Thế giới quanh ta” mới đây (NXB Đà Nẵng, 2006), một tập sách gồm những bài viết về “thế sự” của một vị giáo sư chính trị học lão luyện và sắc sảo từ Paris. Dưới ngòi bút tài hoa đặc sắc của tác giả, “khoa học chính trị” vốn cực kỳ phức tạp đã trở nên mềm mại và đầy tính nhân bản của một tác phẩm văn chương chính trị là nhờ tầm nhìn và tấm lòng của một người trí thức mà định nghĩa về nó đã trở nên nổi tiếng: “trí thức là người làm những việc chẳng ăn nhập gì đến họ” (s’occupe de ce qui ne le regarde pas”, J. P. Sartre). “Tại sao họ xớ rớ vào những chuyện không liên quan gì đến họ như vậy? Ấy là tại vì họ xớ rớ vào chính chuyện của họ. Chuyện không phải của họ mà họ thấy là của họ. Cái thấy đó làm họ trở thành trí thức”.

 

Nhà văn Nguyên Ngọc, trong Lời giới thiệu cho tập sách, đã gọi người trí thức – theo định nghĩa ấy và như chính tác giả của nó – là “người xớ rớ uyên thâm”. Vâng, uyên thâm và còn sáng suốt, đáng yêu nữa! Tôi chợt nhớ đến Kant – cũng là một nhà trí thức bàn về chính trị – khi ông nói: chính trị học, đạo đức học rút cục không nhằm tạo ra những nhà đạo đức đi làm chính trị (xã hội sẽ nghẹt thở trong khuôn thước và thiện chí chủ quan của họ!) mà lo vun bồi những nhà chính trị có đạo đức. Vì họ biết chỗ cần dừng lại (“tri kỳ sở chỉ” nói như cụ Khổng) và vì họ biết nhìn và biết thấu cảm những gì rộng hơn, bền hơn những lợi ích trước mắt.
 
Lần này, quả là có “túc duyên văn tự” khi tôi được may mắn có mặt khi quyển sách chuẩn bị ra mắt. Vào một buổi sáng Sài Gòn mát mẻ, chung quanh cốc cà phê, Anh trao đổi với một số thân hữu về ý định tập hợp thêm một số bài viết rải rác trong nhiều thời điểm liên quan đến nhiều cảm thức của Anh về đạo Phật và đời sống tâm linh của người Phật tử thành một tập sách để bổ sung thêm vào danh mục một số quyển cùng loại đã in: “Thượng Đế, Thiên Nhiên, Người, Tôi và Ta” (Triết lý luật và tư tưởng Phật giáo), NXB TP. HCM, 2000; “Tôn giáo và xã hội hiện đại” (NXB Thuận Hóa/Phương Nam, 2006); “Nắng và Hoa” (tái bản, NXB Văn Hóa Sài Gòn 2006). Xin mở ngoặc để cho phép tôi được gọi tác giả Cao Huy Thuần bằng “Anh” với tất cả tình thân thiết, không chỉ vì tuổi tác (Anh từng là bạn học của anh ruột tôi tại trường Khải Định, Huế) mà nhất là về độ chín, độ sâu trong suy tư và trải nghiệm. Ngược lại, Anh không xem tôi như một đứa em nhỏ mà như một người bạn vong niên. Một vinh hạnh, nhưng lại buộc mình phải cố đi tới, phải cố ngước lên!
 
Trước hết về nhan đề tập sách. Anh đã dự tính cho nó một cái tên: “Nhìn Trăng”. Nhan đề hay, thơ mộng, gợi tưởng, nhưng các nhà làm sách e… khó bán, vì người đọc thường thích “mua” một cái gì “cụ thể”! Thì chọn “Thấy Phật” vậy, vì đó cũng là nhan đề của một bài trong tập. Anh hoan hỉ chấp nhận đề nghị, dù ai nấy đều thừa biết anh trân trọng chữ nghĩa đến mức nào: “học một chữ trong sách thì thấu rõ một chữ, nhìn chữ ấy trong sự vật trước mắt để thấu rõ thêm, và áp dụng chữ ấy vào đời, sống với nó”. (Tặng người quét chùa trên núi Túy Vân).
 
Chữ còn để ta “sống với” chứ đâu phải chỉ để “đọc”! Như thế, “Nhìn Trăng” hay “Thấy Phật” đâu có gì khác nhau? Một hình ảnh quen thuộc nhưng tuyệt đẹp trong Kinh chợt hiện trong đầu tôi lúc ấy: “Hoa khai kiến Phật ngộ vô sinh”. Thật lạ lùng, hoa nở, hoa tàn là vô thường, sao lại “ngộ” được trong ấy lẽ vô sinh và còn tận mắt thấy được Phật nữa?
 
Sau khi yên tâm trao đứa con tinh thần vào tay một người có thừa lòng yêu sách và quý chữ là nhà văn Phan Thị Vàng Anh, Anh quay lại tôi, bảo: “Nhờ Sơn viết mấy Lời giới thiệu cho tập sách!”. Trời ơi, sao tôi dám nhận? Sao tôi có thể viết? Tôi biết gì về Phật học đâu? Anh cười: “Thì không phải là Phật tử mới nhờ viết!”. Anh dành cho tôi sự ưu ái vì lòng Anh quảng đại, nhưng vô tình (hay hữu ý!) đang bày ra cho tôi một “công án”: chú em đắm chìm trong triết học Tây phương đã lâu, thử một lần “đảo nhãn” xem sao?
 
Hai tuần trôi qua, tôi mang “công án” trong đầu. Nặng nề, bế tắc. Nhận được bản thảo từ Huế gửi vào, tôi vội vàng cắm cúi đọc. Con người độc giả quán tính trong tôi trỗi dậy: thử xem lần này tác giả định “xớ rớ” vào chuyện gì? đặt ra những những vấn đề nào? Và v.v…Tới khi đọc mấy câu Anh viết về niềm vui hồn nhiên của hai mẹ con “nô nức” trẩy hội chùa Hương, bày nhau niệm “Quan Thế âm bồ tát” để “tha hồ đi mau” trong thơ Nguyễn Nhược Pháp mới thấy là mình dại: “Tôi, tạm gọi là trí thức, quen làm việc với cái đầu, tôi phải dùng cái đầu để nghĩ đến Ngài, tôi không gọi Ngài trực chỉ từ tâm mà kinh qua cái đầu, nếu Ngài đến với tôi chậm, chính là tại tôi.
Có thể tôi giảng vanh vách về Ngài, vì tôi là trí thức. Có thể tôi có cái giật mình triết lý khi đọc hai chữ “Quán Âm”. Quán là nhìn; âm là tiếng: có ai nhìn cái tiếng bao giờ đâu?” (Chùa Hương).
 
 
Tôi thở phào nhẹ nhõm! Té ra một người uyên thâm về Phật pháp như Anh cũng chia sẻ đồng đẳng với mình về “thân phận” trí thức phải “dùng cái đầu để suy nghĩ”, dù đôi lúc cũng trải qua những “cái giật mình triết lý”, nhưng rồi “cái đầu cứ loay hoay bận bịu nghĩ về thiêng liêng, thiêng liêng với tôi là hai, làm sao gặp nhau được?”. Đọc sách Phật học, gặp những chỗ khó hiểu, ta thường được cảnh báo và căn dặn: “Học cho lắm, đọc sách đắm say, có khi thành ra tối. Phật sờ sờ trước mắt cũng không thấy. Tâm bình dị, dạ chân chất, nhìn đâu cũng thấy Phật” (Tặng người quét chùa trên núi Túy Vân). Anh kể chuyện ông vua rơi mất viên ngọc quý xuống đáy hồ; người có biệt danh “Thần nhãn” không tìm được; nhưng người “Thất nhãn” lại tìm được ngay. Ấy là bài thứ 9 của Tứ thập nhị chương kinh. “Thất nhãn” lại hơn “Thần nhãn”, đó là điều không dễ hiểu. Ý kinh muốn nói gì? Anh giảng cho ta: “Tôi không có ý nhắn người quét chùa trên đỉnh Túy Vân đừng đọc sách… Chúng ta hàng ngày xin nguyện thấu rõ kinh tạng. Kinh nằm ngay trong sách chứ đâu, nhưng kinh cũng nằm trong lòng và trong cuộc đời, ngay trước mắt”… “Kinh nằm trong sách” vì, như Anh khẳng định, “không có ngôn ngữ thì không có tư tưởng" (Trên ghế nhà trường); muốn hiểu nó, phải tập trung cao độ, có khi đến vỡ đầu, phải bền bỉ, nếu không sẽ “loạn xà ngầu, tư tưởng không tìm ra được manh mối, tối om như nhà không đèn”; việc ấy được gọi là Định. Nhưng, Định không có nghĩa là cố thủ trong tư tưởng, nhất là trong ý định, như Matisse vẽ cây: “đầy ắp tình, đầy ắp cảnh, đầu ông còn đầy ắp cái ý định vẽ. Chưa vẽ mà đầu đã bị đóng khung trong ý định, làm sao bức tranh vọt ra? Phải mở cửa cho nó! Phải làm trống cái đầu. Cho nên Matisse chỉ vẽ được cây khi không có ý định gì trước”. (Vẽ cây, vẽ chim). Nghĩa là, đến một phút giây nào đó, phải biết “để cái thân ngoài cửa, như các người hồi giáo cất bỏ giày dép khi vào giáo đường”. Để “trở về lại với cái đầu trống trơn, cái đầu của đứa bé, cái sơ tâm, cái đầu chưa hề bị ảnh hưởng về bất cứ cái gì khác. Viết một câu văn cũng vậy, một câu thôi, không người cầm bút nào nảy ra được một ý hay, một từ mới, nếu không vứt bỏ đi hết những gì đã đọc, đã học” (nt).
 
Thật thế, “hãy nhìn quả táo trong bức tranh của Cézanne: một chút ánh sáng trên vỏ trái cây cũng mang cả một linh hồn. Ngắm những quả táo trong tranh, tưởng chừng như mình mới thấy quả táo lần đầu!… Cảnh đó vừa thực, vừa “thực hơn cả thực”. Thực, như quả táo hàng ngày. Nhưng thực hơn cả thực, vì quả táo bỗng có linh hồn”. “Bởi vậy, thơ hay thường đặt “tuệ” vào câu cuối, dồn tất cả sức sống vào câu cuối, tuồng như người đọc được bài thơ dẫn tưởng tượng và cảm giác phiêu du tận cùng non nước, và khi đi đến chỗ không đi được nữa thì cánh cửa bật ra, cả một rừng hoa mai hiện ra trước mắt”… “Tận cùng của “định”“tuệ”. Giống như hoa mai nở bừng. Giống như câu cuối của một bài thơ hay”. (Trên ghế nhà trường). Câu văn tuyệt diệu, nhưng có lẽ ta không nên để mình cuốn theo nhịp điệu mê hồn của… vô vàn những câu như thế trong quyển sách, mà không lưu ý đầy đủ đến một giòng trong câu trích dẫn trên kia: “trở về lại với cái đầu trống trơn, cái đầu của đứa bé, cái sơ tâm”… “Trở về lại” chứ đâu phải bắt đầu và kết thúc bằng “cái đầu trống trơn”! Tôi không thể ngăn mình nhớ đến một câu hầu như tương tự trong Kinh Thánh với lời bình của cụ Hegel, một “cái đầu” thuộc loại thượng thặng trong lịch sử triết học: “Sự hồn nhiên vô tội trẻ thơ đúng là cái gì hấp dẫn và xúc động, nhưng chỉ trong chừng mực nó gợi lại cho ta nhớ đến những gì đã phải được tạo ra bởi Tinh thần. Sự hợp nhất ấy, mà ta có thể nhìn thấy trong trẻ thơ như là sự hợp nhất tự nhiên, phải là kết quả của lao động và của sự đào luyện của Tinh thần. Đức Kitô bảo: … “trừ khi các ngươi hãy trở thành như trẻ nhỏ” … v.v… [Kinh Thánh, Mathiơ 18:3]; chứ Ngài không hề bảo rằng ta hãy cứ phải mãi mãi là trẻ nhỏ” (Bách khoa thư I, NXB Tri thức, 2008, tr. 123).
 
Vâng, “vấn đề” là ở chỗ đó! Tôi thường nghe câu chuyện Thiền giữa một thiền sư và một triết gia. Thiền sư rót trà mời triết gia, cứ rót mãi khiến trà tràn cả ra ngoài. Khi triết gia giật mình thì thiền sư bảo: ông cũng giống như tách trà ấy, đầy quá không rót vào được nữa! Lời giáo huấn thật thâm thúy, và, nếu tôi là vị triết gia kia, ắt sẽ đứng dậy đãnh lễ và thú nhận: quả là tôi “bị kết án” phải mang theo mình toàn bộ gánh nặng của “lao động khái niệm và sự đào luyện Tinh thần”. “Vứt bỏ hết những gì đã đọc, đã học” là một cách nói, bởi “tuyệt thánh khí trí” là điều bất khả thi, có chăng, chỉ xin được chỉ giáo để chuyển hóa chúng! Trong vô vàn tình ý lắng đọng trong quyển sách, tôi chỉ xin phép nhặt ra một ý, vừa sức và vừa ý với riêng mình: sự chuyển hóa. Chuyển hóa để gánh nặng của bao gạo trên vai trở thành máu thịt êm đềm nuôi dưỡng xác thân. Chuyển hóa để “sống trong xã hội, nhưng không dính tục lụy của xã hội. Từ bỏ hệ lụy, nhưng không từ bỏ xã hội. Như hoa sen sống trong bùn, nhờ bùn, nhưng không vướng bùn, chỉ thơm” (A la Hán). Chuyển hóa không hẳn là thăng hoa, “vì thăng hoa cũng vẫn còn là mình, vẫn là mình đó thôi”. Khó hơn là quên mình. “Nhưng bước đầu của việc quên mình không khó, ai mới yêu nhau đều biết, đều làm: vui với, buồn với, khổ với. Biết sống với chữ với, tức là đi bước đầu trong việc quên mình. Thói thường, vui với không khó, vì tiếng cười vốn dễ chia sẻ; khổ với mới khó, vì mấy ai chung được với nhau một giọt nước mắt, nhất là một giọt nước mắt thầm… Ai biết khổ với người khác, thì biết yêu nhau là thế nào, khỏi cần chữ nghĩa, triết lý” (Đám cưới).
 
“Sống với”, “khổ với”… cũng là niềm thao thức khôn nguôi của… bao thế hệ triết gia hiện sinh bên trời Tây xa lắc! Và cả trên bình diện nhận thức nữa với đầy rẫy những “chữ nghĩa, triết lý”, chẳng hạn nơi Heidegger, Gadamer với tư duy thông diễn học hiện đại. Các tôn giáo đều khuyên ta dẹp bỏ và ngăn ngừa “tà kiến”. Hơn ở đâu hết, thế kỷ Ánh sáng (còn gọi là phong trào Khai minh) Tây phương phê phán “định kiến”, vì nó là trở lực cho tư duy khoa học khách quan, lên án “quyền uy” vì nó là kẻ thù của lý tính tự do. Nhưng, Gadamer kêu gọi ta hãy thận trọng, vì không khéo, bản thân quan niệm ấy cũng trở thành một “định kiến không kém quyền uy”! Ông đề nghị cần phân biệt giữa “định kiến đúng nhờ đó chúng ta hiểu, với định kiến sai, khiến ta hiểu nhầm, ngộ kiến, ngộ giải. Việc phân biệt ấy vẫn phải dựa vào “nhận thức lý tính”, cho dù “nhiệm vụ này không bao giờ có thể hoàn thành trọn vẹn”. Nhưng lý tính nói ở đây không phải là một “quan tòa” đứng bồng bềnh đâu đấy bên trên “thế giới cuộc sống” mà là một lý tính có chân đứng vững chắc trong những bối cảnh lịch sử và xã hội nhất định. Và một lý tính như thế bao giờ cũng là một lý tính hữu hạn. Phong trào Khai minh có lý khi chống lại “định kiến và quyền uy”, vì “bao lâu quyền uy thế chỗ cho phán đoán của chính ta, nó là nguồn gốc của những định kiến”. Nhưng, không nên vơ đũa cả nắm, vì quyền uy vẫn có thể là một “nguồn suối của sự thật”. Bởi, theo ông, “một quyền uy đúng nghĩa không có gì chung với việc đòi phải vâng lời mù quáng; nó không sống bằng sự vâng lời mà bằng nhận thức. (Chân lý và Phương pháp, tr. 284). Một quyền uy dựa trên sự nhận thức thay vì sự vâng lời là quyền uy hướng đến những căn cứ bằng những căn cứ (“mit Gründen an Gründen”), nên ở đây không có bạo lực trần trụi, mà chỉ có “sự cưỡng chế mềm của luận cứ tốt hơn”. Việc thừa nhận một quyền uy như thế là “biểu hiện của một sự thức nhận”. Nếu quả vậy thì cần phải từ bỏ sự đối lập cứng nhắc giữa “gánh nặng truyền thống” và sự tự quyết của lý tính tự do. Vâng, bản thân các truyền thống cũng cần được hiểu như là một mômen của Tự do và lịch sử. Chúng không tự tồn mà do con người tiếp thu, chuyển hóa và đổi mới. Vì thế, Gadamer cho rằng ta vốn bao giờ cũng đứng bên trong một truyền thống, và “việc đứng ở trong đó không phải là một lối hành xử đối tượng hóa khiến cho những gì truyền thống nhắn bảo với ta cứ bị hiểu như là một cái gì xa lạ”. Ông đề nghị: thay vì lập trường “duy phương pháp luận nhận thức” kiểu Cận đại, ta hãy chọn cách “thay đổi viễn tượng”, để nơi đó có sự “hòa trộn giữa các chân trời”. Khái niệm “chân trời” – được yêu thích từ Nietzsche, Husserl cho đến Gadamer – là ẩn dụ về tính hữu hạn, về sự ràng buộc của tư duy trong một thế đứng nhất định, nhưng đồng thời chân trời cũng không cột chặt suy tư của ta như một định mệnh. một chân trời cũng có nghĩa là có thể mở rộng chân trời ấy. Hình ảnh đẹp về một “chân trời di động” nói lên tính cởi mở của đối thoại, lòng hân hoan đón nhận những cách nhìn khác, những không gian ý nghĩa mới, để hôn phối quá khứ với hiện tại, ta với người khác, hữu hạn với vô cùng.
 
Khá quen với những cuộc tranh biện ác liệt trong triết học, tôi bỗng thấy thèm được trở về tắm gội trong dòng nước trong trẻo, thanh tân, có thể giúp mình mở rộng được chân trời suy tưởng. Xin bạn đừng mắc sai lầm của tôi khi đến với Thấy Phật bằng tư thế chuẩn bị đương đầu với một cái gì hóc búa (“Hard Fact” nói theo kiểu Mỹ!). Tôi đọc được đâu đó rằng nếu ta nhìn con đường suy tưởng (hay con đường tu hành) như một bãi chiến trường thì chúng ta quả thực quá yếu đuối, bạc nhược, thấp hèn, bởi sự tiến bộ (hay tinh tấn) phải lệ thuộc vào mức độ đất đai chinh phục của mình và của người khác, đâu còn gì là sự giải phóng, sự tự do (hay sự giải thoát, Niết bàn). Cũng xin đề nghị bạn đừng “dại” như tôi khi đọc quyển sách một cách vội vàng, ham hố như nuốt trộng một món ăn ngon, “ngưu ẩm” một cốc cam lồ. Uổng lắm! Hãy xem nó như một chuỗi hạt, bắt đầu từ đâu cũng được, với tất cả sự an tĩnh và ung dung. Thêm cả sự vui vẻ nữa, vì tác giả cũng là một bậc thầy của sự hài hước, một U mặc đại nhân theo nghĩa thâm thúy của Ngài Chogyam Trungpa: “cảm thức về hài hước là sự nhìn thấy hai đối cực của một hoàn cảnh đúng y như thế, từ một cái nhìn bay lượn ở trên cao” (Sense of humour means seeing both poles of a situation as they are, from an aerial point of view). Nhìn từ đôi cánh chim ưng, nhưng không phải để vồ chụp, ắt sẽ thấy mọi việc nơi trần gian này đều đáng cười, đáng thương và đáng yêu biết mấy.
 
Sau cùng, một hình ảnh chắc chắn sẽ còn đọng lại lâu dài trong tâm cảnh của tôi khi đọc xong quyển sách này là hình ảnh của nước Bhutan: nhỏ, nghèo, nhưng dám đề nghị cả thế giới hãy lấy hạnh phúc làm thước đo phát triển. Thay vì đo bằng GDP (Gross Domestic Product / Tổng sản lượng quốc nội), hãy đo bằng GNH (Gross National Happiness / Tổng sản lượng hạnh phúc quốc gia), dựa trên bốn tiêu chuẩn: phát triển đồng đều trong xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng một chính thể có trách nhiệm. Hãy nghe anh Thuần bình luận: “Nếu muốn, Bhutan có thể trở thành như bất cứ nước nào trên thế giới, nhưng nếu muốn, không nước nào có thể trở thành Bhutan… Không vội vã, nên họ tự do. Và tự do là hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ đến từ bên trong. Cảm ơn Bhutan đã dám sống độc đáo với sự thật ấy” (Thênh thang trên xứ non cao). Cảm ơn Anh Thuần đã cho ta biết về Bhutan, và trên hết, về ước mơ hạnh phúc, mục đích của mọi mục đích.
 
Bùi Văn Nam Sơn
Phật Đản, 2009
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here