Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Không khí của những ngày này 40 năm trước: “Ngàn năm mới...

Không khí của những ngày này 40 năm trước: “Ngàn năm mới có hội này”

743
0

Không khí của những ngày này 40 năm trước: “Ngàn năm mới có hội này”

5 giờ sáng ngày 30-10-1981, chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni và Phật tử đại biểu từ TP.Hồ Chí Minh đã vân tập tại chùa Xá Lợi, quý vị điểm tâm sớm với chung trà đạm bạc, trò chuyện giây lát rồi lên xe vào phi cảng Tân Sơn Nhất.

Tại đây, các ông Phạm Văn Ba và Ung Ngọc Ky đã có mặt trong một lễ tiễn đưa ngắn, đầy niềm tin ở sự thành công của Hội nghị thật là chứa chan ân tình. Ân tình của Thành ủy, của Mặt trận đối với Phật giáo mà sự gắn bó đã từ lâu và qua 6 năm rồi lại càng keo sơn.

Chiếc Boeing 707 lướt gió chỉ trong 1 giờ 45 phút đã đến Sân bay quốc tế Nội Bài. Trên đường từ Nội Bài về Hà Nội, những vị mới lần đầu tiên về chốn Tổ đã tấm tắc ngợi khen những cánh đồng hợp tác lúa đang độ con gái lên xanh, những hàng cây thẳng tắp trồng vào các dịp sinh nhật Bác ở bên đường và những người nông dân đang chăm chỉ cày cuốc.

Không khí của những ngày này 40 năm trước: “Ngàn năm mới có hội này” ảnh 1

Xe qua cầu Long Biên, một vị Đại đức nhìn xuống dòng sông đỏ nặng phù sa, tâm sự với chúng tôi: “Dòng sông thật hiền lành này đã ghi bao chiến công, đâu bến Chương Dương, đâu Đông Bộ Đầu, đâu quân Tôn Sĩ Nghị chạy qua đây, nước sông cũng giết được giặc và đâu mồ chôn xâm lược Pháp? Nơi nơi của chốn Tổ đều ghi dấu vết ông cha và bao kỷ niệm anh hùng. Ô! Sao lần đi này làm tôi cảm kích không nguôi”.

Chùa Quán Sứ đã trang hoàng thật đẹp để đón tiếp các đại biểu. Chúng tôi chia nhau, quý Hòa thượng và phái đoàn Ban Vận động ở tại đây, số còn lại ở Nhà khách Chính phủ và quý vị miền Bắc thì về chùa Bà Đá, một di tích lịch sử của thủ đô.

Không khí của những ngày này 40 năm trước: “Ngàn năm mới có hội này” ảnh 2

Chúng tôi gặp quý Tăng Ni, Phật tử miền Bắc, lần đầu tay bắt mặt mừng mà tình đồng đạo và lòng yêu đất nước với những đóng góp vừa qua trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ đã làm cho nhau như quen biết ruột thịt tự ngàn đời.

Hòa thượng Thế Long, vị sư đã tổ chức cuộc lên đường cho một số Tăng sĩ trẻ thời chống Pháp tại chùa Cổ Lễ, hiện là Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, ra nghênh đón Hòa thượng Thích Trí Thủ và phái đoàn, những chiếc áo cà-sa từ khắp các nẻo đường đất nước quyện vào nhau, thật là cảnh “ngàn năm mới có hội này”.

Từ hòa trong giọng nói, nhanh nhẹn trong dáng điệu, Thượng tọa Thanh Tứ đã thu xếp sẵn chỗ ăn ở của quý vị trong phái đoàn một cách cảm động, chu đáo từ việc lo liệu một ấn bản về nội quy sinh hoạt cho đến bộ cờ tướng giải trí trong lúc nghỉ ngơi.

Sau một ngày nghỉ cho đỡ cơn mệt, các vị trong Ban Vận động dù có người tuổi cao sức yếu đã bắt tay vào việc liên tục: thăm viếng các đoàn đại biểu, kiểm tra danh sách và chuẩn bị cho Hội nghị.

Chiều 2-11 các vị miền Trung đã ra tới nơi: Quý Hòa thượng Mật Hiển, Giác Tánh, Trí Nghiêm và quý Thượng tọa Thanh Trí, Đức Tâm, Chánh Trực, Ni sư Diệu Không, nữ cư sĩ Nguyễn Đình Chi…

Lâu quá mới gặp nhau, chúng tôi, một số Phật tử vào ở Sài Gòn lâu, lại được dịp chong đèn kể lể tâm tình. Quý Hòa thượng Nguyên Sinh, Hòa thượng Tâm Ân nói chuyện 30 năm vận động bà con bổn đạo đánh Pháp đuổi Mỹ và sáu năm xây dựng hòa bình sau khi thống nhất đất nước.

Không khí của những ngày này 40 năm trước: “Ngàn năm mới có hội này” ảnh 3
Đại biểu tham quan Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ảnh: Tư liệu GN

Ngày 3-11, Hội nghị họp phiên trù bị công bố danh sách đại biểu sau khi đã thẩm tra, nghe phổ biến nội quy sinh hoạt và chia ba phân ban, chuẩn bị làm lễ khai mạc hội nghị.

Sáng 4-11-1981, Hội nghị chính thức khai mạc trong không khí trang nghiêm. Hội nghị được vinh hạnh đón tiếp cụ Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tới tham dự với tư cách Chủ tọa danh dự. Sau khi nghe Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban Vận động, đọc diễn văn khai mạc, cụ Hoàng Quốc Việt đã nói chuyện với đại biểu.

Cụ kể lại chuyện thời hoạt động bí mật trước 1945 chống Pháp, các đồng chí cách mạng đã được nhiều chùa chiền và bổn đạo che chở, và đạo Phật đã từ lâu gắn bó với dân tộc, nhất là từ khi Đảng ra đời. Cụ nhiệt liệt hoan nghênh công quả của các vị trong Ban Vận động và quý đại biểu với niềm tin rằng thống nhất Phật giáo sẽ mở ra một trang sử mới của Tăng tín đồ cả nước trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh và an lạc.

Không khí của những ngày này 40 năm trước: “Ngàn năm mới có hội này” ảnh 4

Với lời chúc Hội nghị thành công viên mãn, kết thúc bài phát biểu, cụ đã được tiếng vỗ tay tán thưởng vang dội hội trường và tiếp theo là bốn bánh pháo nổ giòn liên tục, gây không khí một ngày hội lớn vừa mở ra.

Tiếp theo, Thượng tọa Minh Châu, Chánh Thư ký Ban Vận động Thống nhất Phật giáo đọc báo cáo về quá trình hoạt động của các cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam từ trước cho đến ngày nay.

Sau phần khai mạc, hội nghị nghe giới thiệu toàn văn dự thảo Hiến chương và dự thảo Chương trình hành động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do quý Hòa thượng Trí Tịnh, quý Thượng tọa Minh Châu, Từ Hạnh thuyết trình.

Chiều ngày 4 và sáng ngày 5-11-1981, các đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước, Giáo hội Cổ truyền, Phật giáo Nguyên thủy, Khất sĩ, Thiên Thai Giáo Quán tông, các sư sãi Tây Nam Bộ, Hội Phật học Nam Việt đọc tham luận giữa những tràng pháo tay hoan nghênh ròn rã, ngắt khúc từng chặng một. Tất cả đều biểu dương công đức của Ban Vận động trong nỗ lực làm việc suốt gần hai năm qua để triệu tập hội nghị lịch sử này, tất cả đều nhất trí với phương hướng của dự thảo Hiến chương và Chương trình hoạt động, tất cả đều khẳng định tính gắn bó giữa Phật giáo và dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới, đặc biệt, tất cả đều bày tỏ lòng biết ơn đối với Đảng, Nhà nước và Mặt trận đã tận tình giúp đỡ và tạo điều kiện cho điều mà bao thế hệ Tăng tín đồ hằng mơ ước trở thành hiện thực: Thống nhất Phật giáo Việt Nam.

(Báo Giác Ngộ số đặc biệt 132-133, ngày 1 – 15-11-1981)

Sự kiện lịch sử của Phật giáo Việt Nam

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1126 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1126 – Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Sau khi đất nước được độc lập và hòa bình, thống nhất Phật giáo là nguyện vọng của tất cả Tăng Ni, Phật tử trong cũng như ngoài nước.
Lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, các tổ chức, giáo hội, hệ phái có mặt ở nước ta đã cùng một ý chí thành lập GHPGVN. Tròn 40 năm, những cảm xúc về sự kiện lịch sử ấy vẫn còn tươi mới, những nhận định và tầm nhìn vẫn nguyên giá trị.

Xin trích giới thiệu một số suy nghĩ của các bậc tiền bối, chư tôn đức tham dự đặt nền móng cho ngôi nhà Giáo hội. Trong bài, Giác Ngộ giữ nguyên giáo phẩm của chư tôn đức, chức vụ của lãnh đạo tại thời điểm tháng 11-1981.

Hòa thượng Thích Trí Thủ (trích Diễn văn khai mạc Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam, chùa Quán Sứ, Hà Nội, ngày 4-11-1981):

“Hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử 2.000 năm Phật giáo Việt Nam, chúng ta có được một hội nghị gồm đủ đại biểu của các tổ chức, giáo hội, hệ phái trong cả nước: Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ, và Phật giáo Khmer, Tăng Ni và nam nữ cư sĩ, già và trẻ, từ mọi miền đất nước Việt Nam đã vân tập về đây, trong một hội trường trang nghiêm và rực rỡ này, với một quyết tâm sắt đá: xây dựng hoàn thành ngôi nhà thống nhất Phật giáo Việt Nam”.

Sự kiện lịch sử của Phật giáo Việt Nam ảnh 1
Đại biểu các tổ chức, hệ phái thảo luận về chương trình hội nghị – Ảnh: Tư liệu GN

Thượng tọa Thích Minh Châu (trích Báo cáo về quá trình thống nhất Phật giáo Việt Nam tại Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam):

“Nay nước nhà đã được thống nhất, thời bước tiến tới tất yếu của chúng ta là phải thống nhất Phật giáo. Đây không những là nguyện vọng tha thiết của đồng bào Phật tử thương nước mến đạo, mà đây cũng là bước tiến tất yếu của bánh xe lịch sử trong cao trào của cộng đồng dân tộc Việt Nam đang xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Sự kiện lịch sử của Phật giáo Việt Nam ảnh 2
Đại biểu thảo luận về Hiến chương và đề cương Chương trình hoạt động của GHPGVN – Ảnh: Tư liệu GN

Có thống nhất Phật giáo mới đoàn kết được toàn thể Tăng Ni, Phật tử cả nước, và mới trở thành một sức mạnh, một sức mạnh để bảo vệ độc lập của Tổ quốc, một sức mạnh để xây dựng và phát huy đạo pháp. Có thống nhất, chúng ta mới tập trung đủ khả năng, đủ nghị lực để loại trừ những mê tín dị đoan, những tư tưởng tiêu cực và yếm thế đã làm vẩn đục và hoen ố tấm gương sáng chói của Chính pháp.

Một hội nghị mở ra trong bối cảnh đất nước đã hoàn toàn độc lập và thống nhất, trong sự mong đợi thiết tha bao đời của giới Phật giáo đồ trong và ngoài nước, với cảm tình và hỗ trợ chân thành của Đảng, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương cho đến địa phương”.

Thượng tọa Thích Trí Quảng (Thư ký Đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Tiểu ban Hiến chương):

Trước đây nguyên là Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở miền Nam (Phật giáo Ấn Quang) nên tôi cũng có hiểu biết là tình hình Phật giáo trong này có nhiều phức tạp, khó khăn trong nội bộ; dù đã một, hai cố gắng thống nhất nhưng cũng không đạt được ý nguyện hoàn toàn, vẫn còn nhiều hệ phái và tổ chức đứng ngoài. Vì thế mà khi ra đi tôi thấy nhiệm vụ của mình rất nặng nề, sợ gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, tôi cũng có lo lắng là mình chưa quen biết hết đại biểu các phái đoàn, khi tiếp xúc không biết phải làm sao.

Nhưng dù thấy có khó khăn, vẫn ra đi theo sự đề cử của Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo. Đó là do tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự sáng suốt của Hòa thượng Viện trưởng đã giao trách nhiệm cho tôi. Và do tôi đã đặt hết niềm tin vào hồn thiêng đất nước cũng như vào sự hộ niệm của chư Phật sẽ giúp tôi hoàn thành được nhiệm vụ. Như thế tôi ra đi với trọn vẹn niềm tin đó, chỉ biết rằng mình đi là với hết cả niềm tin của mình đem dâng hiến trọn vẹn cho Đất nước và Đạo pháp.

Quả nhiên khi đến với hội nghị, tiếp xúc với tất cả các đại biểu tôi mới thấy rõ rằng thành phần tham dự có khác nhau nhưng tất cả đều gặp gỡ nhau trong tình thương và Đạo pháp.

Riêng phần tôi được đề cử vào trong Phân ban 1 soạn thảo Hiến chương và thành phần nhân sự của Hội nghị cũng như sau đó được cử làm Trưởng ban Hoằng pháp của Hội đồng Trị sự của Giáo hội là một vinh hạnh lớn. Trong quá trình làm việc ở Hội nghị, tôi đã được Hòa thượng Thích Thiện Hào, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, giúp đỡ ý kiến khích lệ tôi rất nhiều”.

Sự kiện lịch sử của Phật giáo Việt Nam ảnh 3
Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận ký vào bản Hiến chương – Ảnh: Tư liệu GN

Thượng tọa Thích Giác Toàn (Ủy viên Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam):

“Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam, 9 tổ chức, hệ phái đã đồng tâm nguyện thành lập GHPGVN là một sự kiện trọng đại, khiến Tăng Ni, Phật tử hoan hỷ.

Trước ngày hội nghị, không phải không có những tín đồ Phật tử tỏ ý lo ngại, thắc mắc với những tâm tư riêng nhưng kết quả rực rỡ của hội nghị đã xóa đi hết những lo âu của mọi người. Trong hàng ngũ lãnh đạo Giáo hội, người Phật tử đã nhìn thấy nhiều khuôn mặt quen thuộc trước, những bậc giáo phẩm hết lòng vì đạo, vì đời.

Việc thông qua Hiến chương và đại cương Chương trình hoạt động của GHPGVN cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với Giáo hội càng cho thấy khả năng phát triển và đóng góp hiệu quả hơn của Phật giáo vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

(Giác Ngộ số đặc biệt, 132 – 133, 1 – 15-11-1981)

Sự kiện lịch sử của Phật giáo Việt Nam ảnh 4
Hòa thượng Thích Trí Thủ – Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng – Ảnh: Tư liệu GN

“Tôi rất hoan nghinh hội nghị mà quý vị đã chuẩn bị công phu từ non hai năm qua, thực hiện bao mong đợi của bao Tăng Ni, Phật tử, một hội nghị đã đánh dấu một giai đoạn lịch sử. Dân tộc Việt Nam ta cho đến nay qua bao sóng gió, vẫn hướng về phía trước, bảo vệ Tổ quốc. Chắc chắn rằng, trong sự nghiệp đó, đóng góp của đạo Phật và Phật tử sẽ càng trở nên quan trọng. Quá khứ đã chứng minh đạo Phật là một tôn giáo gắn liền với Tổ quốc và dân tộc Việt Nam qua quá trình dựng nước và giữ nước lâu dài.

Ở Việt Nam, nói đến tôn giáo là nghĩ tới một ngôi chùa, tới những điều quý báu đẹp đẽ. Chúng ta có thể rất khiêm tốn nhưng vẫn thấy cái gì đó đã làm cho dân tộc trải qua bao sóng gió của nhiều thế kỷ vẫn lớn lên. Sức mạnh của bản thân dân tộc, tài năng và trí tuệ của dân tộc, đã làm nên một bản lĩnh độc đáo mà trong đó có đóng góp của đạo lý nhà Phật và chưa bao giờ trong lịch sử, dân tộc ta vững mạnh như ngày nay”…

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng phát biểu tại buổi tiếp xúc với đại biểu Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam, 8-11-1981

Hồi ức: Sự kiện không thể quên

40 năm sau, nhiều vị đại biểu chính thức tham dự Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam vẫn tiếp tục đảm trách Phật sự trong các vai trò khác nhau
40 năm sau, nhiều vị đại biểu chính thức tham dự Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam vẫn tiếp tục đảm trách Phật sự trong các vai trò khác nhau
GN – 40 năm sau, nhiều vị đại biểu chính thức tham dự Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam, thành lập GHPGVN vẫn tiếp tục đảm trách Phật sự trong các vai trò khác nhau. 

40 năm sau, nhiều vị đại biểu chính thức tham dự Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam, thành lập GHPGVN vẫn tiếp tục đảm trách Phật sự trong các vai trò khác nhau. Nhắc đến Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo năm 1981, tất cả đều có cùng chia sẻ: Không thể quên sự kiện lịch sử này.

Hòa thượng Thích Như Niệm (Đoàn đại biểu Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM, giáo phẩm năm 1981 là Đại đức):

Tôi còn nhớ, đó là niềm ước vọng chính đáng, tâm huyết của tôn đức giáo phẩm lúc bấy giờ, nhưng bên cạnh đó cũng có bên tả, bên hữu, nhiều vị còn “niềm riêng nao

Hồi ức: Sự kiện không thể quên ảnh 1

núng”, lưỡng lự. Riêng tôi, kỷ niệm được tháp tùng cùng đoàn do Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất làm trưởng đoàn đại biểu chính thức là ký ức khó quên.

Bởi, lúc bấy giờ, tôi đảm trách “Ủy viên Kinh tài” trong Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.HCM nên được làm đại biểu chính thức của Hội nghị thống nhất tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội.“Sau hơn một năm tích cực vận động các tổ chức, hệ phái Phật giáo ba miền, Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam và chư tôn giáo phẩm đi đến quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội, diễn ra từ ngày 4 đến 7-11-1981 với 165 đại biểu.

Hội nghị thành tựu là ước mơ thành sự thật của Tăng Ni, Phật tử cả nước, mở ra một trang sử mới rộng mở hơn, làm nền móng vững chắc cho sự phát triển của GHPGVN sau này. Đó là 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo được về một ngôi nhà chung GHPGVN để đoàn kết, gắn bó cùng dân tộc, với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.

Đã 40 năm trôi qua nhưng tôi vẫn ấn tượng và nhớ mãi câu nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Các thầy là đệ tử của Phật có quy y, còn tôi là đệ tử của Phật chưa quy y”. Câu nói ấy của vị lãnh đạo nhà nước đã thể hiện sự đồng lòng, đồng hành, một hướng mở đầy niềm tin cho Phật giáo. Nếu hỏi tôi có kỳ vọng gì đối với GHPGVN hôm nay thì tôi vẫn có ước mơ như mơ ước của chư vị tôn túc thuở trước là Phật giáo phải đồng lòng, đoàn kết trong mọi hoàn cảnh. Tăng Ni phải đoàn kết để Tăng đoàn vững mạnh, để trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội, có đoàn kết thì có nội lực lớn mạnh, làm việc gì cũng thành tựu”.

Hòa thượng Thích Thiện Tâm (Thư ký Đoàn đại biểu Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam, giáo phẩm năm 1981 là Đại đức):

Là đại biểu được tham dự Hội nghị

Hồi ức: Sự kiện không thể quên ảnh 2

thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1981, tôi có nhiều cảm xúc, trong đó rất hoan hỷ khi được gặp gỡ tất cả các vị lãnh đạo của các tổ chức hệ phái Phật giáo, trong niềm vui thống Phật giáo trên cả nước.

Và đặc biệt đọng lại tới ngày hôm nay, trên con đường phụng sự Giáo hội 40 năm qua đó là lời phát biểu của Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Pháp chủ GHPGVN đầu tiên, trong Hội nghị tất cả mọi người đều đứng lên cung thỉnh ngài giữ cương vị Pháp chủ GHPGVN nhưng ngài nói nên tìm vị khác có đức độ có khả năng để lãnh đạo Giáo hội sẽ tốt hơn, vì Hòa thượng lớn tuổi, cho rằng sẽ không làm tròn nhiệm vụ.

Trong hội nghị lần 1, 2 và phải tới lần thứ 3, toàn thể Tăng Ni đứng lên tha thiết thỉnh ngài hoan hỷ nhận lời ở cương vị quan trọng này, ngài nói, tôi còn nhớ: “Nhiệm vụ này hết sức cao cả, cao quý, chư Tăng Ni và Hội nghị đã giao phó như vậy thì tôi từ chối cũng không được nên tôi xin chấp hành, nhưng tất cả mọi việc làm của tôi được thành tựu kết quả hay không là do Đại tăng chứ không phải do cá nhân”.

Vị thứ hai Hòa thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự đầu tiên, ngài cũng nói tương tự như vậy. Cả hai vị lãnh đạo lớn của Giáo hội điều khiêm tốn đứng lên từ chối, vì đây là việc lớn của Giáo hội, không phải cá nhân, nên tìm kỹ lại xem có ai có thể bố trí phụ trách công việc, để phụng sự cho Giáo hội. Chính sự khiêm nhường đức độ của nhị vị Hòa thượng làm cho tôi hết sức xúc động.

Phật giáo thống nhất thì người lãnh đạo phải có một tầm nhìn rộng vì sự nghiệp chung của Phật giáo chứ không phải vì cái riêng, cục bộ. Tất cả mọi việc làm của cá nhân là do Tăng sai. Ý thức được như vậy nên khi được phân công làm việc ở đâu tôi cũng luôn ghi nhớ lời dạy tấm gương của quý Hòa thượng, nên phân công gì tôi làm nấy và đều hoan hỷ, tất cả đều là Phật sự chung của Giáo hội.

Trên thế giới hiện nay tôi chưa thấy nước nào có sự thống nhất Phật giáo như ở Việt Nam. Tôi nghĩ đó là một phước báu lớn. Nên tính chất thống nhất Phật giáo là ở tính chất có hòa hợp. Ngày nay Giáo hội trên mọi lĩnh vực hoạt động phải làm cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam thấy tất cả mọi hoạt động đều là nhiệm vụ chung của mình, của Phật giáo”.

Hòa thượng Thích Thiện Xuân (Thư ký Đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, năm 1981 giáo phẩm là Đại đức):

Tháng 11-1981, Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam được tổ chức tại chùa Quán Sứ – Hà Nội. Lúc đó tôi 34 tuổi, tham gia phái đoàn với vai trò là đại biểu chính thức, Thư ký Đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam – đoàn do Hòa thượng Thích Trí Tấn làm trưởng đoàn.

Hồi ức: Sự kiện không thể quên ảnh 3
Hòa thích Thiện Xuân (thứ 4 từ đầu, lúc bấy giờ là đại đức) trong đoàn đại biểu dự hội nghị

Cùng với các phái đoàn khác, chúng tôi đã thảo luận, biểu quyết thông qua bản Dự thảo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Thảo luận và thông qua đại cương chương trình hoạt động của GHPGVN. Điều cá nhân tôi tâm đắc nhất là tại hội nghị này, đại biểu đã đề ra đường hướng mà sau đó đi vào Hiến chương: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức nhưng vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành biệt truyền đúng Chánh pháp.

Tôi ấn tượng bởi sự kiện lịch sử đó làm cho hàng giáo phẩm Tăng Ni và tín đồ Phật giáo đều phấn khởi vui mừng vô hạn, vì đây là đáp ứng nguyện vọng thiết tha mong mỏi của toàn thể Tăng Ni và đồng bào Phật tử. Đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất và Phật giáo cũng được thống nhất, đó là niềm vui chung, cảm xúc dâng trào khó có ngôn từ nào diễn đạt cho hết niềm vui lúc đó.

Một điều nữa mà tôi không quên, khi Hội nghị kết thúc, 165 đại biểu đại diện cho 9 tổ chức, Giáo hội, hệ phái Phật giáo đã đến Phủ Chủ tịch. Đích thân Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã ra trước phủ đón tiếp, bắt tay từng người, hỏi thăm sức khỏe từng vị, chia sẻ thân tình, thắm thiết. Ông Phạm Văn Đồng nhắc đi nhắc lại một câu nói, mà tôi không quên theo năm tháng, đó là: “Chúng tôi xem Phật giáo như người nhà”. Nhận định đó không chỉ là tình cảm, mà trên hết là sự ghi nhận, sự tin cậy, là niềm tin mà lãnh đạo dành cho Phật giáo – kết quả cho quá trình Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc.

Hòa thượng Thích Huệ Văn (Thư ký Đoàn đại biểu Thiên Thai Giáo Quán tông, giáo phẩm năm 1981 là Đại đức):

Hồi ức: Sự kiện không thể quên ảnh 4

Tôi rất vinh dự được Hệ phái Thiên Thai Giáo Quán tông, Trưởng đoàn là Hòa thượng Thích Đạt Pháp cử làm Chánh Thư ký đoàn. Tham gia đoàn đại biểu, tôi cũng được tham gia vào Ban Soạn thảo Hiến chương.

Ngày 5-11, Ban Soạn thảo Hiến chương họp thảo luận đề cương Hiến chương, Thượng tọa Thích Từ Hạnh, Phó Thư ký Ban Tổ chức Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam trình bày thông qua dự thảo từng chương, điều nội dung của Hiến chương – hoạt động của GHPGVN (1981-1987). Đặc biệt, Ban Biên soạn Hiến chương còn có sự tham gia của các vị trí thức Phật giáo yêu nước TP.HCM gồm: bà Luật sư Ngô Bá Thành, Cư sĩ Võ Đình Cường, Cư sĩ Tống Hồ Cầm…

Ngày 4-11-1981, Hội nghị đại biểu Phật giáo thống nhất Phật giáo Việt Nam lần thứ I diễn ra tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội. Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị tiến hành lễ bế mạc trong tinh thần đại hoan hỷ, đã suy tôn Hòa thượng Thích Đức Nhuận lên ngôi vị cao nhất là Pháp chủ; Hòa thượng Thích Trí Thủ được suy cử Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Thượng tọa Thích Minh Châu được suy cử Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự.

Chiều ngày 7-11-1981, sau lễ tổng kết bế mạc hội nghị thành công rực rỡ vào lúc 16 giờ 30 phút, đoàn đại biểu đến Phủ Chủ tịch thăm, báo cáo kết quả của Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo toàn quốc đến Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng. Tôi rất xúc động và còn nhớ tình cảm trong lòng tràn dâng, trân quý nhất khi cụ Phạm Văn Đồng ra đứng trước thềm Phủ Chủ tịch bắt tay chúc mừng từng đại biểu. Kết thúc buổi thăm lúc 17 giờ 30, đoàn chào ra về, cụ cũng đưa ra tận trước thềm cửa tiễn đoàn rất thân thiết.

Tôi còn nhớ bấy giờ trời thủ đô Hà Nội rất rét, lúc ấy thời tiết dưới 14 độ C nhưng tất cả chư tôn đức giáo phẩm trong đoàn ai cũng tươi cười vui vẻ, cảm nhận hết sức sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các cơ quan Trung ương, đặc biệt là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã dành trọn tình cảm cho đoàn.

Đó là ngày đặc biệt mừng GHPGVN vừa được chính thức thành lập, thống nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo vào ngôi nhà chung GHPGVN. Đó là ngày đầu mùa đầu đông, dù thời tiết rất lạnh nhưng chúng tôi thấy ấm áp đạo tình. Một ngày kỷ niệm không quên cách đây 40 năm, ngày đã mở ra trang sử mới cho GHPGVN”.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here