Trang chủ Phật học Vu lan – Truyền thống của đạo Hiếu

Vu lan – Truyền thống của đạo Hiếu

178
0

Cứ mỗi năm đến ngày Rằm tháng Bảy, tất cả người con Phật đều nhớ đến trách nhiệm báo ân báo hiếu đối với hai đấng sanh thành. Hàng Phật tử khắp năm châu bốn bể cùng nhau long trọng tổ chức đại lễ Vu Lan, nương vào uy đức ngôi Tam bảo, cầu nguyện cho cha mẹ còn sống được an lạc trong chánh pháp, cha mẹ đã qua đời siêu sinh về các cõi lành. Thương cha kính mẹ được coi như truyền thống tốt đẹp lâu đời của mỗi người dân Việt. Tình thương đối với cha mẹ luôn luôn là mối ân tình thiên liêng nhất.



Từ thuở xa xưa đến nay, tấm gương hiếu hạnh của Tôn giả Mục Kiền Liên vẫn mãi mãi soi sáng, làm thắm đượm nhân tình. Sau khi thành đạt đạo qủa A La Hán, ngài Mục Kiền Liên dùng thiên nhãn quan sát khắp, thấy mẹ mình bị đọa đày làm loài quỷ đói. Ngài là hàng đệ tử thần thông đệ nhất, tin rằng sẽ cứu được mẹ qua cơn đói khát đày đọa tấm thân. Ngài với hai tay cầm bát cơm vừa đưa ngang miệng, thì than ôi, cơm hóa thành than hồng, không thể ăn được! Tôn giả chính mắt chứng kiến cảnh tượng này, lòng đau khổ vô cùng. Tôn giả trở về xin Phật mở lương từ bi cứu độ mẹ Ngài. Phật dạy: “Mẹ ông đã nhiều kiếp gieo nhơn xan tham keo kiệt, nên nay phải chịu qủa báo làm loài quỷ đói. Một mình ông không thể cứu được. Phải nhân ngày Rằm tháng Bảy, tổ chức cúng dường Phật và chúng Tăng mười phương, nhờ vào uy lực và sức chú nguyện của Phật và chúng Tăng mười phương thì mẹ ông mới có thể siêu thoát được”. Sau đó, Tôn giả Mục Kiền Liên vâng theo lời Phật dạy, đến ngày Rằm tháng Bảy đem phẩm vật đến cúng dường chúng Tăng mười phương. Mẹ của Ngài nhờ uy đức phước lực của chúng Tăng và lòng chí thành chí kính của Ngài, sớm được thoát khỏi nỗi thống khổ của loài quỷ đói, siêu sinh về cõi lành. 


Từ đó, ngày Lễ Vu Lan được tổ chức long trọng để hàng Phật tử câu hội về ngôi Tam bảo, cúng dường đức Phật và chúng Tăng, cầu cho cha mẹ còn sống được thân tâm an lạc, sau khi mạng chung được sanh về cõi lành. 


Về phương diện giáo dục đạo đức của đạo Phật, một điểm đáng ghi nhận là giáo dục về hiếu đạo. Hiếu đạo là nền tảng đạo đức của đạo làm người cho ra người. Chúng ta có thể trang trải tình thương đến tất cả mọi loài mọi vật, nhưng điểm xuất phát làm nền tảng phải từ sự hiếu kính cha mẹ. Một người có thể thương đủ thứ người, tình thương đó trùm hết muôn loài vạn vật, nhưng nếu không thương kính cha mẹ thì tình thương đó e thành giả dối, vì không có gốc rễ, không được lập cước từ căn bản. Cho nên hiếu đạo xưa nay vẫn thường được đề cao trong phạm vi luân lý đạo đức. Nếu chưa thực hiện hiếu đạo ngay trong đời sống gia đình đối với cha và mẹ thì chưa thể xứng đáng là một con người. Người xưa có câu: “Thiên kinh vạn quyển, hiếu nghĩa vi tiên”. Ngay như người xuất gia học đạo, vẫn còn phải cưu mang bốn ân nặng là ân cha mẹ, ân chúng sanh, ân quốc gia và ân Tam bảo. Trong bốn ân thì ân cha mẹ vẫn còn là mối ân tình sâu đậm với mỗi người xuất gia tu Phật. Trong “Cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông, viết: 






Tụng kinh niệm Bụt 
Chùa Thánh khẩn cầu 
Tam hữu, Tứ ân 
Ta nguyền được trả 


Vì công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ quá là cao dày, nên Kinh Thi có câu: “Phụ hề sinh ngã, Mẫu hề cúc ngã, Ai ai phụ mẫu, sanh ngã cù lao. Dục báo thâm ân, hiệu thiên vãng cực” (Cha sanh ra ta, Mẹ nuôi nấng ta, Thương cha mẹ lắm, vì sinh ta nhọc nhằn, đến khi muốn báo đáp ân sâu, thì than ôi, trời cao không cùng!). 


Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ quá là lớn lao, như trời cao. Khi người con muốn đền đáp ân sâu thì lúc đó như trời cao vói không tới. Từ khi cưu mang đến mở mắt chào đời, trưởng thành và lớn khôn, cha mẹ phải chịu biết bao là khổ sở, nhọc nhằn. Thế mà khi sức sống đã truyền hết cho con thì cha mẹ hơi tàn sức tận, rồi trở thành “người thiên cổ”. Ai có lớn lên từng nếm mùi cay đắng, thấm gót phong trần thì mới thấm thía cái ơn của cha mẹ mình. Một người biết đến điều ân nghĩa, chắc chắn không dám vội quên cái ơn của cha mẹ. Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, có hai hạng người, ta nói là không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Đó là mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm như vậy suốt một trăm năm, cho đến khi cha mẹ trăm tuổi. Như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ để trả ơn cho mẹ và cha. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội và dù tại đấy, mẹ cha có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ để trả ơn mẹ và cha …” (Kinh Tăng Chi 1, 75). 





Ca dao Việt Nam có câu: 
Công cha như núi Thái Sơn 
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra 
Một lòng thờ mẹ kính cha 
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con 


Vậy người cha, nổi bật là đức nghiêm. Có nghiêm mới giáo dục con cái có đạo đức, có văn hóa, sau trở thành người đủ tài đủ đức, nên tính đức người cha sừng sững, vòi vọi như núi Thái Sơn. Còn tính đức của người mẹ thì muốn con có cuộc sống no ấm, đủ đầy. Người mẹ lại thường gần gũi, an ủy, vỗ về con cái hơn, nên tình nghĩa của người mẹ, nó đậm đà, da diết như suối nguồn bất tận.  Suối nguồn tình thương của người mẹ, nó dịu dàng, đầm ấm, âm thầm tuôn chảy không bao giờ dừng nghỉ. Nên trách nhiệm người con là phải “một lòng thờ mẹ kính cha …”. 


Phật dạy trong kinh Nhẫn Nhục: “Cùng tột điều thiện không gì hơn là hiếu, cùng tột điều ác không gì hơn là bất hiếu”. 


Một kẻ đã bất hiếu với cha mẹ là kẻ đã vong ân bội nghĩa, kẻ đã vong ân bội nghĩa thì không còn sự xấu ác nào ở trên thế gian mà họ không dám làm, kẻ ấy đã quyên cội nguồn. 


Có gì sung sướng bằng khi chúng ta còn cha còn mẹ. Mỗi khi mùa Vu Lan về, chúng ta được cài lên áo chiếc hoa hồng tươi thắm. Sự hiện hữu của cha mẹ trong gia đình khác nào sự hiện hữu của các thiên thần. Còn cha còn mẹ là còn Phật trong nhà, nên Phật dạy: “Cha mẹ tại đường như Phật tại thế“. Muốn đạt được tâm Phật, không gì hơn giữ gìn tâm hiếu; muốn đạt được hạnh Phật, không gì hơn giữ gìn hạnh hiếu, nên Phật dạy: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Vì mải lo kính thờ Phật bên ngoài mà quên kính thờ Phật trong nhà, nên có câu: “Phật trong nhà không thờ, thờ Thích Ca ngoài đường“. 


Phật dạy: “Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên. Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường”.


Phạm Thiên, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Các đạo sư thời xưa, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. đáng được cúng dường, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỳ kheo, là mẹ cha đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời” (Phật thuyết như vậy, Cat, 7-503). 


Ân sâu nghĩa nặng của cha mẹ có thể kết thành những vần thơ tuyệt tác nhất. Và tự nhiên, hạnh hiếu được coi là đức tính cao đẹp nhất, được đề cao nhiều nhất trong mọi thời đại, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Dùng bút mực để diển tả trong ân của cha mẹ vẫn còn mãi với kiếp sống con người. Vậy thì, đã là một tử theo chánh đạo, chúng ta phải báo đáp ân sinh thành dưỡng dục của cha mẹ thế nào mới xứng đáng? Muốn báo hiếu đầy đủ nhất phải gồm hai phần: vật chất và tinh thần. 


1. Về đời sống vật chất thì phải lo hầu hạ, phụng dưỡng cha mẹ những nhu cầu cần thiết, để cha mẹ được thảnh thơi an dưỡng trong tuổi xế chiều. 


2. Về đời sống tinh thần phải thường xuyên khích lệ trợ duyên cho cha mẹ học hiểu chánh pháp, biết tránh ác làm lành, giữ gìn ba nghiệp lành, tiến đến giải thoát an vui vĩnh viễn. 


Đức Phật dạy: “Những ai đền ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng, dâng cúng với của cải, vật chất, tiền bạc thì không bao giờ đủ để đáp đền ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỳ kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin Tam bảo thì khuyến khích có lòng tin Tam bảo, đối với cha mẹ sống tà giới thì khuyến khích vào chánh giới, đối với cha mẹ gian tham thì khuyến khích bố thí, đối với cha mẹ tà kiến thì khuyến khích vào chánh kiến. Cho đến như vậy, này các Tỳ kheo, là đền đáp xứng đáng cho mẹ và cha” (Tăng Chi 1, 75). 


Có một Thiền sư, tuy bản thân xuất gia, nhưng vẫn giữ tròn hiếu đạo cho đến khi cha mẹ khuất bóng: 





Giang sơn còn nặng gánh tình 
Trời chưa cho nghỉ thì mình cứ đi 
Khi nào trời bảo thôi đi 
Giang sơn cất gánh, ta thì nghỉ ngơi 


Trong mùa Vu Lan năm nay, hàng Phật tử chúng ta nghiêng mình kính cẩn trước Phật đài, thề nguyền sẽ noi gương hiếu hạnh của đức Mục Kiền Liên, làm tròn trách nhiệm một người con chí hiếu chí kính, biết nhớ ơn và đền ơn đối với hai đấng sinh thành, càng nghĩ đến tất cả chúng sanh trong pháp giới đều được thoát khổ, đến bờ an vui giải thát.


HIẾU LÀ LẼ SỐNG (Thích Thông Huệ)


  
Cứ mỗi lần mùa hiếu hạnh trở về là mỗi lần gợi lên trong mỗi chúng ta  cảm xúc trào dâng về mẹ và cha. Vu Lan báo hiếu đã nghiễm nhiên trở thành lễ hội văn hóa của cả dân tộc, lễ hội văn hóa của tình người, của lòng từ bi ban vui và cứu khổ. Có thể nói, ngày lễ Vu Lan có tác dụng rất lớn đến quan điểm về cuộc sống của nhân sinh
.
Nho giáo có câu: “Thân giả dã, phụ mẫu chi di thể dã”. Nghĩa là, thân thể của ta chính do cha mẹ để lại. Không những thế, mà tài sản và tri thức ta đang có đều được tác thành từ công ơn to lớn của cha mẹ. Vì vậy, mỗi mùa Vu Lan về là chúng ta càng thương kính cha mẹ nhiều hơn. Hiếu đạo là chuẩn mực đạo đức của một con người, là căn bản đạo đức cho sự ổn định của gia đình và phát triển xã hội. Đã mang thân con người thì nhất thiết ai cũng mang nặng cái ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Thời đại văn minh, thời đại công nghệ thông tin, truyền thống giữ gìn hiếu đạo vẫn phải được đề cao. Như một nhà khoa học đã từng nói: “Khoa học không lương tâm chỉ là sự hũy hoại tâm hồn”.

Trong chúng ta, ai cũng có những cung bậc của tình phụ tử, tình mẫu tử. Hiếu đạo là chuẩn mực đạo đức có giá trị chung cho toàn thể nhân loại. Giáo dục hiếu đạo góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và ổn định trật tự xã hội.


Những biểu hiện suy thoái đạo đức từ căn bản bất hiếu mà ra. Con cái không phụng dưỡng cha mẹ, học trò chửi mắng thầy cô giáo, đệ tử nói xấu thầy đều là biểu hiện hành vi vô đạo đức. Chúng ta không biết ơn thì không bao giờ nghĩ đến việc báo ơn. Chúng ta ai cũng chịu cái ơn liên hệ của cộng đồng xã hội theo lý duyên sinh. Vì ý thức sâu sắc sự liên hệ hỗ tương duyên sinh mà nhà Phật đề cao tinh thần biết ơn và đền ơn. Chính hai nhân tố này nói lên phẩm cách giá trị của một con người.


Nếu cha mẹ lo cho chúng ta về phần thể xác, thì thầy cô giáo cũng chính là cha mẹ chăm sóc nâng đỡ mình trong công tác văn hóa, tri thức. Còn Thầy dạy đạo tạo dựng cho mình hành trang vững vàng trên lộ trình tâm linh. Do vậy, ân nghĩa thế gian và ân nghĩa xuất thế gian người phật tử ai cũng cưu mang và tìm cách đáp đền. Chính ngày Vu Lan và nội dung báo hiếu đã góp phần trong công tác văn hóa tư tưởng, thúc đẩy xã hội phát triển hòa nhịp giữa vật chất, đạo đức và tri thức. Cũng vì thế, hiếu đạo được xem là nền móng giáo dục căn bản của kinh điển nhà Phật. Các vị Bồ Tát vào đời giáo hóa chúng sanh là nêu cao tinh thần biết ơn và đền ơn. Vì thấu tột lý duyên sinh mà các Ngài phát đại nguyện độ khắp muôn loài chúng sanh. Trong Kinh Vu Lan Bồn Sớ có bốn câu kệ: 





“Khể thủ tam giới chủ
Đại hiếu Thích Ca Văn
Lụy kiếp báo thâm ân
Tích nhân thành chánh giác”.
 
(Cúi đầu đảnh lễ Bậc giáo chủ ba cõi
Ngài là Bậc Đại hiếu Thích Ca Văn
Đã trải qua nhiều kiếp báo thâm ân
Do nhân duyên đó nay thành Chánh Giác).


Như vậy, tiền thân quá khứ của Đức Phật Thích Ca đã thể hiện vô số công hạnh hiếu đạo, nay đủ thời tiết nhân duyên mới thành Chánh Giác. Sau khi thành đạo dưới cội Bồ Đề, Đức Phật nhìn thấy tất cả chúng sanh trong quá khứ, hiện tại đều là cha mẹ của nhau. Hiểu được điều này, thì dù chúng ta phải bôn ba, ngược xuôi với dòng đời để kiếm tìm từng miếng cơm manh áo, tạo dựng sinh kế, lo những điều phải lo, làm những điều phải làm, nhưng hãy thu xếp quỹ thời gian để sớm hôm phụng dưỡng cha mẹ, đáp đền ơn sâu. Sự hiện diện của cha mẹ là một niềm hạnh phúc, việc đền đáp ân sâu nghĩa nặng của cha mẹ là điều may mắn hạnh phúc không gì hơn.


Ngày nay trong xu thế khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa đạo đức đang được quan tâm, thì tự nhiên ngày lễ hội Vu Lan có tác dụng rất lớn đến quan điểm về cuộc sống nhân sinh trong tinh thần biết ơn và đền ơn. Việc giữ gìn giềng mối đạo đức, nêu cao hiếu đạo vốn là căn bản đạo đức của đạo làm người, mang đậm tính nhân văn. Chúng ta sống như thế nào để ngày nào cũng là ngày Vu Lan, chứ không riêng chỉ có rằm tháng Bảy. Cầu chúc tất cả chúng ta đều sống trong mùa Vu Lan miên viễn, đem hiếu hạnh dâng lên cúng dường Đức Từ Phụ nhân ngày Đại lễ Vu Lan năm nay./.



CẢM NIỆM VỀ TỨ ÂN (Thích Thông Huệ)

Ðức Phật, trước khi dạy môn đệ làm Hiền Thánh, cũng rất xem trọng tư cách làm người. Con người khi sống trong xã hội là “sống cùng, sống với”, không ai có thể đơn độc mà tồn tại và phát triển. Nói khác đi, mỗi người chúng ta đều chịu nhiều ơn nặng, từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt. Ðạo Phật đề cập đến Tứ trọng ân (ơn cha mẹ, ơn Thầy Tổ, ơn Tổ quốc và ơn chúng sinh), và ngày Vu lan là dịp tôn vinh những ân tình ân nghĩa ấy.


Trong cuộc sống, không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc còn cha mẹ, và không có bất hạnh nào lớn hơn bất hạnh của kẻ mồ côi. Hình ảnh người cha lao động cần mẫn sớm hôm, người mẹ dịu hiền chăm chút các con từng miếng ăn giấc ngủ, đã từng là – và mãi là – những cung bậc êm đềm của bài hợp xướng gia đình. Căn bản đạo đức cũng bắt đầu từ sự giáo dục của gia đình, vì cha mẹ là chuẩn mực của các con từ lúc còn thơ ấu. Và mãi mãi về sau, dù ở lứa tuổi nào, chúng ta cũng thấy cha mẹ là chỗ dựa tinh thần vững chắc. Có thể lúc ta thành công trong sự nghiệp hay hạnh phúc trong cuộc sống lứa đôi, ta không cảm nhận rõ điều này. Nhưng khi gặp cảnh ngộ không may, khi bị sóng đời dập vùi tơi tả, khi hoàn toàn mất niềm tin đối với người xung quanh, ta mới chợt hiểu rằng, nơi một góc trời xa yêu dấu, cha mẹ vẫn là chiếc nôi ấm cho mình ru giấc ngủ sâu, là vòng tay êm xóa tan hết nơi mình mọi buồn đau hận tủi. Ân sủng thiêng liêng ấy, tình cảm bao la bất tận ấy, ta có thể tìm được nơi đâu, ngoài cha mẹ của mình?


Ðêm khuya trăng rụng xuống cầu
Cảm thương cha mẹ dãi dầu ruột đau.


Người con xa quê hương, vất vả mưu sinh, có lúc phải tạm quên cha mẹ. Cũng có khi do mải vui với vợ con bạn bè, nên tình quê bị lui xuống hàng thứ yếu. Nhưng một hôm nào đó, khi cuộc vui đã tàn, còn một mình ta trong đêm khuya vắng lặng, nhìn ánh trăng cô đơn dưới dòng sông, ta chợt nhớ về làng cũ. Ta chợt nhớ về hai đấng sinh thành tuổi cao sức yếu, ngày ngày tựa cửa trông ngóng tin con. Ðau lòng lắm khi thấy mình chưa đền đáp một phần nhỏ công ơn sâu dày của cha mẹ. Vội vã trở về mong chuộc lại lỗi lầm, thì hỡi ôi, cha mẹ đã không còn! Hối hận cách mấy, khóc than cỡ nào cũng không thể kéo lại thời gian đã mất. Nỗi đau này, niềm hối tiếc này đến bao giờ mới nguôi ngoai!


Mất cha con cũng u ơ
Mất mẹ con cũng bơ vơ một mình.


Không người nào muốn mình mất cha mẹ, nhưng vô thường nào có tha cho một ai? Vì thế, ngay khi cha mẹ còn sinh tiền, ta nên biết trân quý từng ngày sum họp, như quý viên ngọc vô giá đang cầm trên tay mà chắc chắn không thể giữ được vĩnh viễn. Sự trân quý ấy, kết hợp với sự biết ơn và thương kính chân thành đối với cha mẹ, là những điểm xuất phát của lòng hiếu thảo. Chúng ta biết ơn cha mẹ vì thân ta do cha mẹ mà có, nhờ cha mẹ mà trưởng thành. Chúng ta thương cha mẹ khi ta còn thơ dại, vì cha mẹ là nơi nương tựa vững chãi bình an nhất. Ta thương cha mẹ khi ta khôn lớn, vì biết mỗi ngày ta sống hạnh phúc ấm no là một ngày ta rút bớt sức lực của các Người. Ta càng thương cha mẹ khi ta có con cái, vì lúc bấy giờ ta mới thấm thía được sự hy sinh của cha mẹ đối với con. Rồi một hôm, nhìn kỹ dung nhan cha mẹ, hốt nhiên thấy Người đã quá già yếu, thì ngoài tình thương ta còn có sự lo lắng, vì biết thời gian sum họp chỉ còn tính từng tháng, từng ngày! Những người con hiếu thảo, thời gian qua đã có phước duyên phụng dưỡng cha mẹ, giờ càng cố tạo nhiều cơ hội làm Người vui lòng. Còn những người chưa từng nghĩ đến chữ hiếu, nay có kịp giật mình tỉnh ngộ, hay vẫn còn rong chơi đâu đó nơi phố chợ phù hoa?


Ngày nay, trong xu thế khôi phục và phát huy truyền thống văn hóa đạo đức, các quan hệ xã hội càng được đề cao. Trong đó, quan hệ thầy – trò được đặt lên hàng đầu. Phần đông gia đình phải bận rộn về sinh kế, nên việc dạy dỗ con em đều phó thác cho thầy cô. Vì thế, môi trường giáo dục chủ yếu về chữ nghĩa lẫn đạo đức là nhà trường.


“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Người dạy ta một chữ là thầy ta, dạy nửa chữ cũng là thầy. Nhờ thầy, ta mới tiếp cận với tri thức loài người, mới hòa nhập với đời sống văn minh, mới có nghề nghiệp ổn định. Ở thời đại hiện nay, khi thế giới ngày càng thu hẹp, con người càng xích lại gần nhau nhờ những phương tiện truyền thông và giao thông tiên tiến, tri thức lại càng cần thiết để bắt kịp và thích nghi với đà tiến hóa của xã hội. Do vậy, vai trò của thầy cô càng trở nên quan trọng không thể thiếu, đối với quan điểm thế gian.


Trên phương diện xuất thế gian, thầy dạy đạo còn có vị trí cao cả hơn, vì thầy dạy ta những phương pháp tu hành để trở thành người đạo đức, để thăng hoa đời sống tâm linh. Nếu ta biết ơn cha mẹ và thầy cô ngoài đời vì công sinh thành dưỡng nuôi và giáo dục ta trong một đời kiếp, thì ta càng nhớ thầy dạy đạo gấp nhiều lần hơn, vì thầy nuôi lớn thân huệ mạng bất sinh bất diệt của ta, dìu dắt ta trên lộ trình giác ngộ giải thoát.


Kinh Vu Lan Bồn sớ có 4 câu kệ:





Khể thủ Tam giới chủ
Ðại hiếu Thích Ca Văn
Lụy kiếp báo thâm ân
Tích nhân thành Chánh giác.


Chúng ta cúi lạy Bậc Ðại hiếu Thích Ca là Ðấng Giáo chủ trong ba cõi. Ngài đã trải qua nhiều kiếp báp đáp những ân sâu, nhờ tích chứa nhân lành nên ngày nay thành tựu đạo quả vô thượng. Ðức Phật là một tấm gương sáng chói về lòng hiếu thảo và sự trọng nghĩa trọng tình. Với trí vô sư, Ngài biết tất cả chúng sinh đều có liên hệ thân thuộc lẫn nhau, qua vô lượng kiếp luân hồi trong quá khứ. Do vậy, Ngài dạy chúng ta mở lòng thương bình đẳng và rộng khắp đến tất cả mọi loài, không sát sinh hại vật để thỏa mãn nhu cầu ăn mặc, giải trí cho riêng mình.


Trong đời hiện tại, mỗi cá thể cũng có tương quan hữu cơ với cộng đồng xã hội nói riêng và với vạn vật nói chung. Chúng ta chịu ơn tất cả mọi người, từ người nông phu gieo trồng lúa mạ rau trái cho ta ăn, người thợ dệt làm ra y phục cho ta mặc, đến biết bao ngành nghề khác phục vụ ta trong cuộc sống đời thường. Chúng ta cũng chịu ơn cỏ cây hoa lá chim muông tạo cho ta môi trường thanh sạch; và nhờ sự hiện hữu vô vị lợi của chúng, ta có thể học được nhiều bài học quý giá về cách sống trọn tình. Loài hoa nào cũng cố gắng nở hết sức để làm đẹp và tỏa hương cho đời, mà không hề giữ lại một chút gì cho riêng mình; loài chim mỗi sáng cũng cố gắng hót ca hết sức để tặng cho đời những âm thanh trong trẻo. Chúng không hề ganh ghét tị hiềm lẫn nhau, không hề phân biệt kẻ nhận lãnh là thiện hay ác, giàu có hay nghèo hèn. Những bài học ấy lúc nào cũng sẵn sàng trước mắt, nếu ta biết mở lòng ra đón nhận.


Chúng ta cũng mang ơn những vị lãnh đạo quốc gia đã vạch kế hoạch cho toàn dân được cơm no áo ấm, được yên ổn làm việc, học hành. Cuộc sống thanh bình hiện tại đã được đánh đổi bởi vô vàn hy sinh mất mát của quá khứ. Cuộc sống ấy được duy trì cũng nhờ sự đóng góp tích cực và thầm lặng của biết bao chiến sĩ, đang chiến đấu trên những trận tuyến tuy vô hình nhưng thật nhiều cạm bẫy gian nan.


Ngày Vu lan, với thông điệp nhắc nhở mọi người nhớ lại và tìm cách đáp đền những ân tình ân nghĩa đã cưu mang, đã góp phần trong công tác văn hóa tư tưởng, giúp thúc đẩy xã hội phát triển hòa nhịp giữa vật chất, tri thức và đạo đức. Bởi vì, một xã hội văn minh không phải nhờ sự phồn vinh vật chất, mà từ phong cách sống và lối cư xử giữa con người với nhau sao cho hợp với tình đời lý đạo. Cho nên có thể nói ngày lễ Vu lan là một lễ hội tình người, không chỉ có ý nghĩa đối với hàng tứ chúng con Phật, mà còn đối với toàn thể nhân loại nói chung – bây giờ và mãi mãi. (Giác Ngộ 238 Số đặc biệt Vu Lan Báo Hiếu PL2548 ra ngày 26-8-2004)


Thích Thông Huệ


Source: http://thuvienhoasen.org/vulan-81.htm

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here