Trang chủ Thiền môn xứ Huế LẾ HÚY NHẬT ĐỨC TỔ KHAI SƠN MÔN PHÁI TỔ ĐÌNH TÂY...

LẾ HÚY NHẬT ĐỨC TỔ KHAI SƠN MÔN PHÁI TỔ ĐÌNH TÂY THIÊN – DI ĐÀ TỰ

201
0





TỔ KHAI SƠN (1868 – 1928)

 

 

Tổ sư khai sơn môn phái Tây Thiên, húy Thanh Ninh, hiệu Tâm Tịnh, họ Hồ, thế danh Hữu Vĩnh. Ngài sinh ngày 18 tháng 5 năm Mậu Thìn (1868), Tự Đức năm thứ 21, tại làng Trung Kiên, Bích La, Triệu Phong, Quảng Trị.

Gia đình vốn nhiều đời theo Phật, thân phụ ngài là cụ ông Hồ văn Viên, Pháp danh Thanh Ý, tự Thành Tựu. Thân mẫu là cụ bà Đặng thị Cam, Pháp danh Thanh Lân, tự Thuận Trực. Ngài có hai người chị là Hồ thị Để và Hồ thị Thơ tức Túc, ngài là người con thứ ba và em là Hồ thị Liên, pháp danh Thanh Trực, tự Huệ Hương, ở Từ Hiếu,. Ngoài ra Ngài còn có người mẹ kế là Trần thị Thanh. Bà này có hai người con, thế danh là Hồ văn Ước, Pháp danh Trừng Quả, tự Tăng Nhi và Hồ văn Thôi tức Thơ, Pháp danh Trừng Hải, tự Tăng Nghiêm. Sáu chị em đều được dạy dỗ trong một gia đình thuần đạo Phật. Nhờ nhân duyên ấy, năm 13 tuổi, Ngài xin cha mẹ xuất gia, vào kinh đô Phú Xuân, được xuống tóc với Hòa thượng Diệu Giác – tức là ngài Hải Thuận, tự Lương Duyên, trú trì chùa Báo Quốc. Năm ấy thuộc niên hiệu Tự Đức thứ 33 (1880).

Năm Đồng Khánh (Đinh Hợi – 1887), ngài được Hòa thượng bổn sư cho thọ Sa-di giới có pháp danh Thanh Ninh, tự Hữu Vĩnh, đời 41 thiền Lâm Tế, đời thứ 7 thiền phái Thiệt Diệu – Liễu Quán. Năm Giáp Ngọ – 1894, Hòa thượng Cương Kỷ ở chùa Từ Hiếu cùng Hòa Thượng Diệu Giác ở chùa Báo Quốc được triều đình sắc chỉ khai mở Đại Giới Đàn ở chùa Báo Quốc, trong Đại Giới Đàn này ngài thọ giới Cụ Túc và được Hòa thượng bổn sư chứng nhận đắc pháp đại sư với bài kệ:

      

      

      

      

Hà thanh ninh mật tứ phương an

Hữu vĩnh tâm tâm đạo tức nhàn

Tâm tợ bồ đề khai tuệ nhật

Bao hàm thế giới như thị quan. 

Nguyễn Lê Châu dịch:

Sông trong yên lặng bốn phương an

Vĩnh viễn tâm tâm đạo ấy nhàn

Tâm tựa Bồ đề soi mặt nhật

Một bầu thế giới chứa muôn vàn.

Năm Ất Mùi – Thành Thái thứ 7 (1895), Ngài vâng lệnh Hòa thượng bổn sư đến chùa Từ Hiếu trên núi Dương Xuân để tham học và hầu hạ Hòa thượng Hải Thiệu – Cương Kỷ. Tại đây, Ngài đã cùng với Ngài Huệ Minh – đệ tử của Hòa Thượng Cương Kỷ, và cùng với các cư sĩ bảo trợ như Thái Giám Bùi Nhuận, Phạm Thượng đảm trách đại trùng tu am An Dưỡng trở thành ngôi chùa Từ Hiếu sau này.

Mùa xuân năm Mậu Tuất (1898), Hòa Thượng Hải Thiệu – Cương Kỷ viên tịch, Ngài lại được suy cử kế vị trú trì chùa Từ Hiếu. Tuy nhiên, 5 năm sau, khi nhận thấy pháp đệ Huệ Minh đã đũ khả năng đảm đương chùa Tổ, Ngài liền giao trú trì chùa Từ Hiếu lại cho pháp đệ để đến ấp Thuận Hòa làng Dương Xuân Thượng và dựng một thảo am lấy tên là Thiếu Lâm am, năm Nhâm Dần, Thành Thái thứ 14 (1902). 

Với tinh thần “vạn pháp quy nhất, nhất quy hà x” của Tổ sư Liễu Quán, Ngài cùng một số đồ đệ lặng lẽ ẩn mình chốn thảo am giữa rừng tùng trăng rọi, quyết một lần đột phá cánh cửa huyền môn, dốc mình dưỡng bồi Luật học, tu trì giới-định-tuệ nghiêm mật, tham cứu tận cùng ý chỉ Thiền Tông. Ngài chủ trương tôn chỉ Thiền không đâu xa mà ở ngay trong cuộc sống này:

Ngài thường dạy:

      

      

      

      

Thiếu lâm thâm ẩn nguyệt tam canh,

Tịnh thính tùng phong lộng cổ tranh;

Nhất khúc  ngâm thành vô hạn cú,

Lương điền vạn khoảnh nhậm quân canh.

 

Am thiền khuya vắng trăng sáng tỏ,

Lặng nghe tùng gió gõ đàn tranh,

Chứa đựng đủ lời thành một tiếng.

Đất nhiều, ruộng tốt do người canh.

Từ đó, ngài thường lấy hoạt dụng của tâm để sống và tiếp tăng độ chúng, hàng vạn người nhờ đó mà hàm ơn tế độ:

      

      

Tài trúc, tài mai tiêu cựu nhật

Chủng qua, chủng dậu độ tân triêu.

Dịch nghĩa:

Cấy trúc, trồng mai vui ngày trước,

Gieo dưa, trỉa đậu độ ngày sau.

Năm Giáp Thìn (1904), Ngài đã xây dựng Thiền thất thành chùa Thiếu Lâm, phát huy tôn chỉ ‘Thiền-Tịnh song tu của thiền gia pháp phái Liễu Quán. Vào năm Tân Hợi, triều Duy Tân thứ 5 (1911) Ngài lại chú một ngôi tượng phật A Di Đà cao gần 2 mét và đổi tên chùa thành chùa Tây Thiên. Cũng vào năm ấy Ngài được Bộ Lễ triều đình sung cử về làm Trú trì Quốc Tự Diệu Đế, và vào ngày 10 – 3 năm Khải Định thứ 3 (1918), khi vị Tăng Cang Diệu Đế Quốc Tự viên tịch, bộ Lễ triều đình lại chuẩn bạt Ngài vào chức vị Tăng Cang chùa quốc tự này. Năm Giáp Tý (1924), nhà Vua cho mở Đại Giới Đàn ở chùa Từ Hiếu, ngài được Sơn môn suy cử làm Đàn Đầu Hòa Thượng để truyền giới cho hơn 400 giới tử. Môn đồ đệ tử xuất gia lẫn tại gia theo học với Ngài rất đông. Được biết, người về quy y với ngài rất đông; hàng đệ tử xuất gia đắc pháp của Ngài gần 50 vị, hy vọng sau này sẽ được sưu lục và bổ túc các vị đệ tử của Tổ còn khuyết lục... Hiện tại chúng tôi chỉ tìm thấy được tư liệu của 9 vị đệ tử của Tổ, như: Hòa thượng Giác Nguyên (kế thừa tổ đình Tây Thiên), Hòa thượng Giác Nhiên (Tọa chủ Tổ đình Thuyền Tôn), Hòa thượng Giác Tiên (khai sơn chùa Trúc Lâm), Hòa thượng Giác Viên (khai sơn chùa Hồng Khê), Hòa thượng Giác Hải (khai sơn chùa Giác Lâm), Hòa thượng Giác Bổn (trụ trì chùa Từ Quang), Hòa thượng Giác Ngạn (trụ trì chùa Kim Đài), Hòa thượng Giác Hạnh (khai sơn chùa Vạn Phước), Hòa thượng Đôn Hậu (trụ trì chùa Linh Mụ). 

Ngày mồng 6 tháng 3 năm Mậu Thìn (Bảo Đại thứ ba, 1928), hóa duyên đã mãn, Ngài an nhiên thị tịch, thọ 60 tuổi đời và 34 hạ lạp. Để cảm kích đạo phong cao cả của Ngài, triều đình sắc phong chùa Tây Thiên là ‘Sắc Tứ Tây Thiên Di Đà Tự’ vào năm Quý Dậu (1933). Và thiền sư Viên Thành – Tổ khai sơn chùa Tra Am đã truy niệm công hạnh và đạo phong của ngài bằng câu đối:

                  

            滿      

  “Tứ thập nhất đại Lâm Tế chấn thiền phong, đào chú công thâm, thùy thọ đương đầu khế bổng;

   Ngũ thập cửu niên Diêm Phù thùy hóa tích, trí bi nguyện mãn, nhi kim tát thủ hoàn gia”.

Nghĩa:

Lâm Tế đời bốn mươi mốt, giữ vững Thiền phong, nung đúc công sâu, ai người đảm đương hợp lẽ đạo.

Trần gian tuổi năm mươi chín, rủ lòng giáo huấn, trí bi nguyện đủ, mà nay thõng tay về chốn cũ.

Nam mô Lâm Tế Tứ thập nhất thế, Diệu Đế Tăng Cang, khai sơn Tây Thiên Tự, húy Thanh Ninh, tự Tâm Tịnh Hòa Thượng Giác Linh. 

 

* * *

Chín vị đệ tử được truyền thừa

1. HÒA THƯỢNG GIÁC NGUYÊN – TRỪNG VĂN (1877 – 1980), chùa Tây Thiên

Hòa thượng họ Đặng tên Ngộ sinh năm Đinh Sửu (1877), tại làng Phủ Trung, Tuy Phước, Bình Định, thân phụ là cụ Đặng Văn Gần, thân mẫu là bà Lê Thị Tộ. Năm lên 6 tuổi, ngài mồ côi cả cha lẫn mẹ nên đã được người cô nuôi dưỡng. Về sau, được Thái giám Nguyễn Đình Huề (hay Hữu) xin và đem về Huế làm con nuôi. Vì thế, ngài còn có tên là Nguyễn Đình Ngộ. Có vài lần được đi theo dưỡng phụ lên chùa Từ Hiếu, nhờ cơ duyên ấy, Hòa thượng xin phép dưỡng phụ được xuất gia tại chùa Từ Hiếu, cầu Tổ Tâm Tịnh làm Thầy, lúc đó là năm Tân Mão (1891), ngài tròn 15 tuổi,.

Năm Bính Thân (1896), ngài thọ Sa-di giới, được Tổ cho Pháp danh là Trừng Văn, tự là Chí Ngộ. Năm Quý Mão (1903), ngài theo Hòa thượng Bổn sư ra dựng thảo am ở ấp Thuận Hòa thôn Dương Xuân hạ, gọi là Thiếu Lâm am. Năm Canh Tuất (1910), ngài được thọ Cụ túc giới tại Đại Giới Đàn Phước Lâm Hội An, và cũng năm này Hòa thượng được Đắc pháp Đại sư với pháp hiệu Giác Nguyên. Năm Bính Dần (1926), vua Khải Định “Sắc Tứ” chùa Tây Thiên và cúng một pho tượng Di Đà.

Năm Canh Ngọ (1930), ngài cùng với chư vị tôn túc mở Cao Đẳng Phật học Đường Tây Thiên, thỉnh Hoà thượng Phước Huệ ở chùa Thập Tháp Bình Định ra làm chủ giảng. Từ năm 1949 đến 1954, Hoà thượng phát nguyện trì tụng lễ sám “Hồng danh vạn Phật” “Tam Bảo Kinh”. Khoảng năm 1963 đến 1966, mặc dầu tuổi cao, Hoà thượng vẫn nhiều lần tham gia cuộc vận động bảo vệ Phật pháp. Năm Đinh Mùi (1967) Hoà thượng lập “Tịnh nghiệp Đạo tràng Tây Thiên”, đến nay vẫn còn là nơi tu học cho các giới Cư sĩ.

Ngài hành trì Pháp môn Tịnh Độ, Ngài đã để lại cho đời quyết ngữ: “Niệm Phật là pháp môn tối diệu, tối huyền, chẳng có thuốc gì hay hơn thuốc Phật, chữa lành muôn bệnh nghiệp chướng lâu đời.” Nhưng niệm Phật bằng cách nào? Ngài dạy đơn giản: “Niệm Phật phải chuyên cần, mỗi bước mỗi niệm Phật, đi xe cũng niệm Phật, đi bộ cũng niệm Phật, có như thế mới đạt đến nhất tâm”. Có lẽ vì vậy Hoà thượng Bích Phong đã truy niệm:

然。

      西 

Phiên âm:    Xu bồi trượng thất kỷ kinh niên,

Y bát gia phong khế diệu truyền.

Ổi vũ ninh tri tâm lạc dã,

Phao chuyên đốn liễu tánh thường viên,

Tang thương kiếp hậu thành như thị,

Vinh nhục trường trung thính tự nhiên.

Hồi thủ lao đao tam giới mộng,

Thuỷ chung nhất niệm hướng Tây Thiên.

Từ Phương dịch:  

Tham thiền học đạo trải bao năm,

Y bát truyền gia khéo lựa tầm.

Khoai nướng thoả lòng vui lẽ đạo,

Gạch vơi sáng dạ rõ thâm tâm.

Biển dâu sau cuộc cờ sinh tử,

Quý tiện trong đời chuyện thế nhân.

Ngoảnh lại rồi thôi ba cõi mộng.

Tây Thiên chung thuỷ bạn tri âm.

Đầu năm Canh Thân, ngày mùng một Tết (16-2-1980) Ngài an nhiên viên tịch; thọ 103 tuổi, 70 Hạ lạp. Hoà thượng thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 42 tức đời thứ 8 Pháp phái Liễu Quán. Tháp Ngài được an trí trong khuôn viên Tổ đình.

Đệ tử xuất gia của Người có tất cả 4 vị

1.     Hòa thượng Thích Thiện Hỷ

2.      Hòa thượng Thích Thiện Giác

3.      Hòa thượng Thích Thiện Châu

4.      Hòa thượng Thích Thiện Lộc

***

2. HÒA THƯỢNG GIÁC TIÊN – TRỪNG THÀNH (1880 – 1936), chùa Trúc Lâm

Ngài họ Nguyễn, sinh năm Canh Thìn tức năm Tự Đức thứ 33 (1880), tại Giạ Lê Thượng, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế. Song thân đều mất sớm. Năm lên 15 tuổi, Ngài đến chùa Từ Hiếu, đảnh lễ Tổ Tâm Tịnh xin xuất gia. Năm Thành Thái thứ 12, Canh Tý (1900), 21 tuổi, Ngài được Tổ cho thọ Sa- di có Pháp danh là Trừng Thành, Pháp tự Chí Thông, hiệu Giác Tiên. Hai năm sau (tức năm 1902), ngài theo thầy về ở chùa Tây Thiên cho đến năm Duy Tân thứ 4, Canh Tuất (1910), thầy cho ngài thọ Cụ túc giới tại Đại Giới Đàn Phước Lâm, Hội An do Hòa thượng Vĩnh Gia làm Đường Đầu và được chọn làm Thủ chúng trong hàng thọ giới.

Vào khoảng năm Duy Tân thứ 7, Quý Sửu (1913), Tỳ kheo-ni, người quý phái họ Hồ, có pháp danh Thanh Linh, tự Diên Trường vừa dựng xong chùa Trúc Lâm ở Dương Xuân Thượng. Ni trưởng đã đến chùa Tây Thiên xin với Đại sư Tâm Tịnh cho thỉnh Ngài Giác Tiên về làm vị khai sơn tọa chủ chùa ấy. Từ đó Ngài bắt đầu thâu nạp đồ đệ, mở đạo tràng giảng kinh, đông đảo Tăng-Ni Phật tử khắp nơi lần lượt quy tụ về chùa Trúc Lâm theo học với Ngài.

Năm Bính Thìn (1916), Ngài được Bổn sư phú Pháp:

Phiên Âm:

Giác đạo kiếp không Tiên

Không không Bát-nhã thuyền

Quả nhân phù hạnh giải

Xứ xứ tức an nhiên.

Trí Không dịch:

Đường giác không kiếp trước

Thuyền Bát nhã chân không

Nhân quả hóa hợp giải

Ở đâu cũng thung dung

Năm Khải Định thứ 5, Canh Thân (1920), ngài Huệ Pháp mở Đạo tràng giảng kinh ở chùa Thiên Hưng, Ngài đã đưa đệ tử ra xin dự học và chính Ngài cũng thân dự nghe. Sau nhiều lần cùng nhau trao đổi Thiền lý, Đại sư Huệ Pháp rất tâm đầu với Ngài, đã ngợi khen Ngài là bậc túc căn thâm hậu, trí tuệ biện tài, đủ sức xiển dương Phật pháp cho kẻ hậu tấn. Học trò của Ngài đem ra theo học lớp Phật pháp này là các Ngài Thích Mật Khế, Thích Mật Thể, Thích Mật Hiển, và Thích Mật Nguyện… Năm Bảo Đại thứ nhất, Bính Dần (1926), Ngài được sắc chỉ Trú trì chùa Diệu Đế. Năm Kỷ Tỵ (1929), Ngài trùng tu chùa Trúc Lâm.

Năm Bảo Đại thứ 5, Canh Ngọ (1930), Ngài vào Bình Định thỉnh Đại sư Phước Huệ chùa Thập Tháp ra Huế mở Sơn Môn Học đường Trúc Lâm, các Hòa thượng Đôn Hậu, Quảng Huệ, Trí Thủ, Chánh Thống, Thiện Trí, Thiện Hòa, Thiện Hòa, Mật Khế, Mật Nguyện, Mật Thể, Mật Hiển, … đều đã được học từ Phật học đường này. Đặc biệt, cùng theo học trường này có cư sĩ Lê Đình Thám đang là y sĩ trưởng tại viện Pasteur – Huế. Sau đó cư sĩ đã quy y với ngài có Pháp danh Tâm Minh.

Năm Bảo Đại thứ 7, Nhâm Thân (1932), Ngài cùng chư vị Đại đức trong Sơn môn và Cư sĩ lập ra An Nam Phật học Hội. Và năm Quý Dậu (1933), vâng lời thầy ngài Mật Khế mở trường Tiểu học Phật học cho Sa-di các chùa tại chùa Vạn Phước, trường trực thuộc Hội An Nam Phật học. Năm Giáp Tuất (1934), Ngài lại cùng đệ tử Mật Khế tổ chức trường An Nam Phật học tại chùa Trúc Lâm, thu nhận năm mươi học Tăng. Cuối năm này, Ngài lại quy tụ được rất nhiều học Tăng có học lực và trình độ khá cao để mở ra cấp Đại học Phật giáo, cũng tại Trúc Lâm.

Giai đoạn này là cao trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung, nhờ vào đức hạnh của Ngài cùng tài uyên bác của Bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám, và sự hưởng ứng nồng nhiệt của các bậc thức giả học Phật như: Ưng Bàng, Nguyễn Đình Hoè, Nguyễn Khoa Tân, Viễn Đệ, Nguyễn Khoa Toàn, Ưng Bình, Bửu Bác, Trần Đăng Khoa, Lê Thanh Cảnh, Lê Quang Thiết, Trương Xướng, Tôn Thất Quyên, Nguyễn Xuân Tiếu, Hoàng Xuân Ba, Lê Bá Ý và Tôn Thất Tùng. Qua Hội An Nam Phật học và tạp chí Viên Âm, Ngài đã khéo léo dung nạp được rất nhiều ý kiến khác nhau để cùng lo phục vụ Phật pháp. Đối với phong trào chấn hưng của PGVN, Hoà thượng Giác Tiên là một trong những vị nòng cốt nói chung, và cuộc đời ngài là bài học không trang cuối cho Phật giáo ở Huế nói riêng.

Năm Bính Tý (1936), ngày mồng 2 tháng 10 Âm lịch, Ngài cho triệu tập các môn đồ tứ chúng về đầy đủ và tụng kinh Pháp Bảo Đàn, ngày sau tụng kinh Bát Nhã. Ngày 04 tháng 10 năm Bảo Đại thứ 11 (1936), sau khi sách tấn tu hành cho đại chúng, ngài an nhiên thị tịch, hưởng thọ 57 tuổi đời, 26 hạ lạp, và Tháp của ngài được tôn trí nơi phía tả khuôn viên chùa Trúc Lâm.

Hòa thượng có thảy 12 vị đệ tử xuất gia

            1 Thích Mật Tín – Tâm Chơn

            2 Thích Mật Khế – Tâm Địa

            3 Thích Mật trì – Tâm Hạnh

            4 Thích Mật Hiển – Tâm Hương

            5 Thích Mật Trí – Tâm Huệ

            6 Thích Mật Nguyện – Tâm Như

            7 Thích Mật Nhơn – Tâm Liễu

            8 Thích Mật Niệm – Tâm Trì

            9 Thích Mật Giải – Tâm Không

            10 Thích Mật Nhuận – Tâm Quảng

            11 Thích Mật Thể – Tâm Nhất

                       12 Thích Mật Tri – Tâm Tín

***

3. HÒA THƯỢNG GIÁC VIÊN – TRỪNG HUỆ (?-1942), chùa Hồng Khê

Ngài họ Đỗ, thế danh Khắc Dụng, người làng Bích Khê, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thân sinh Ngài là cụ ông Đỗ Thiện Chí, quan Thư lại bộ Hộ triều Nguyễn và thân mẫu là Nguyễn Thị Quốc. Tuy sống trong một gia đình có truyền thống Nho học, nhưng Ngài có duyên theo Phật. Năm 14 tuổi, Ngài xin song thân đến chùa Tây Thiên đảnh lễ cầu đạo với Tổ Tâm Tịnh, xin xuất gia và được Tổ ban cho Pháp danh Trừng Huệ, tự Chí Lâm.

Năm Canh Tuất (1910) Ngài thọ cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Phước Lâm do Tổ Vĩnh Gia làm Đường đầu. Sau đó được Bổn sư cho Pháp hiệu là Giác Viên.

Năm Tân Hợi (1911) Ngài được phép Tổ cho đi dựng một am riêng tên là Thệ Đa Lâm. Sau vì lụt lội, Ngài mới dời thảo am lên phía trên và đặt tên là chùa Hồng Khê nhằm Bảo Đại năm thứ 9 (1934). Ngài thường được thỉnh làm Tuyên luật sư và Pháp sư ở Trường kỳ: Bạch Sa – Quãng Ngãi, Giáo thọ sư ở Thanh Hóa, làm đệ thất Tôn chứng ở Đại Giới đàn Từ Hiếu năm 1924. Sau được cử làm Tăng Cang chùa Diệu Đế và giảng dạy Phật Pháp cho Tăng chúng ở Từ Hiếu vào những mùa An cư. Đệ tử xuất gia của Ngài có 3 vị:

(1) Hòa thượng Diệu Hoằng – Trú trì chùa Diệu Đế và Kim Quang;

(2) Thầy Đỗ Từ Trí, Pháp danh Tâm Kiên, Tự Phong Sương;

(3) Thầy Đỗ Tâm Chơn, Pháp danh Tâm Kiền, tự Phong Dinh.

Trước khi Ngài viên tịch, ngài đã giao chùa cho thầy Tâm Kiên nhưng sau đó thầy Tâm Kiên hoàn tục, lại giao chùa cho em là thầy Tâm Kiền (nghe thầy Phong Dinh nói lại 2 anh em của thầy là cháu gọi ngài Giác Viên là Bác ruột) duy trì cho tới nay. Năm 1942, Ngài viên tịch, thuộc đời thứ 42 phái Lâm Tế, đời thứ 8 phái Liễu Quán.

***

4. HÒA THƯỢNG TRỪNG BA – GIÁC NGẠN (? – 1964)

Hòa thượng có Pháp danh Trừng Ba, tự Chí Tân, hiệu Giác Ngạn thuộc đời thứ 42 dòng Lâm Tế Chánh Tông, đời thứ 8 phái Liễu Quán. Không rõ thế danh, chỉ biết Ngài họ Nguyễn và trên chúc bảng Tự chúng thờ tại Tổ đình Tây Thiên có ghi pháp hiệu của Ngài với đề khoản: “Tỳ Kheo Trừng Ba hiệu Giác Ngạn Đại sư Giác linh”. Nếu như  Ngài thọ giới cụ túc cùng với các huynh đệ vào năm Canh Tuất (1910), trong khi ngài viên tịch cuối năm 1963, thì ngài hưởng thọ phải hơn 75 tuổi đời và Trú Trì chùa Kim Đài ở làng Châu Chữ, Thừa Thiên – Huế tới khoảng 1960, sau đó ngài Thiện Hỷ kế tục.

 Tháp của ngài cạnh lối vào chùa Tây Thiên, có tấm bia khắc bằng chữ Quốc ngữ: “Lâm Tế Tứ Thập Nhị Thế Sa Môn Trừng Ba tự Chí Tân hiệu Giác Ngạn Nguyễn Công Giác linh”. Phần lạc khoảng có ghi: “Môn đồ Pháp lữ phụng lập – 1964”. Điều này cho thấy thời gian này đạo Phật đang bị gây nhiễu bởi chế độ Diệm, nên phần Tháp mộ của ngài giao cho chúng đệ tử cư sĩ phụng thờ.

Mùa Vu lan 2006, dưới sự chứng minh của Đại Lão Hòa Thượng Thích Khả Tấn, môn phái đã kiến tạo một ngôi bảo tháp 5 tầng ở phía trước chùa Tổ và thỉnh nhục thân Ngài vào an trí tại Bảo Tháp để thờ cho tới nay.

***

5. HÒA THƯỢNG GIÁC HẢI – TRỪNG NHÃ (?–1940), Chùa Giác Lâm

Ngài họ Nguyễn, thế danh là Văn Cẩm, sinh năm (Nhâm Ngọ?) tại làng Trung Kiên, Quảng Trị. Năm 16 tuổi xuất gia thọ giáo với Tổ Tâm Tịnh tại chùa Từ Hiếu. Năm 19 tuổi thọ Sa-di giới được Bổn sư cho pháp danh là Trừng Nhã, tự Chí Thanh. Năm 27 tuổi (Canh Tuất, 1910), Ngài được thọ Cụ Túc giới tại Đại giới đàn chùa Phước Lâm, Quảng Nam. Sau khi đắc pháp được Tổ ban pháp hiệu là Giác Hải.

Sau khi Tổ viên tịch, ngài đã về làng An Cựu Tây, xã Thủy An, huyện Hương Thủy lập nên một thảo am để tịnh tu lấy tên Duy Tôn nhằm ngày 16 tháng 3 năm Giáp Thìn – 1904. Thảo am Duy Tôn dần được trùng tu đến năm Kỷ Mùi, Bảo Đại thứ 4 (1929) được đổi hiệu là chùa Giác Lâm. Và năm Mậu Thìn – Bảo Đại thứ 3 (1928), Ngài được mời làm Đệ lục Tôn chứng Đại giới đàn tại chùa Từ Vân ở Quảng Nam – Đà Nẵng.

Ngài có cả thảy 7 người đệ tử xuất gia, nhưng chỉ có Đại Lão Hòa thượng Thích Khả Tấn – người đồng hương với Ngài – nối tiếp trú trì chùa Giác Lâm từ lúc Ngài vừa viên tịch. Thực ra không biết Ngài tịch ngày nào, nhưng bây giờ theo ngày kỵ của Ngài là ngày 12 tháng 2 thì ta có thể đoán ngày tịch của Ngài là ngày 13 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 15 (1940).

Hòa thượng Giác Hải thuộc thế hệ thứ 42 dòng Thiền Lâm Tế, thứ 8 dòng Thiền Liễu Quán. Đệ tử được truyền thừa trực tiếp từ Ngài có tất cả 7 vị, 5 vị khuyết lục chỉ còn lại 2 vị:

1. Thích Khả Lập – Tâm Tín

            2. Thích Khả Tấn – Tâm Hiếu

***

6. HÒA THƯỢNG GIÁC NHIÊN – TRỪNG THỦY (1878 – 1979)

Ngài họ Võ, thế danh Chí Thâm, sinh ngày 7 tháng 01 năm Mậu Dần (1878), tại làng Ái Tử, phủ Triệu Phong, Quảng Trị. Thân phụ Ngài là cụ ông Võ Văn Xứng, thân mẫu là cụ bà Trần Thị.

Gia đình Ngài có truyền thống theo Phật. Năm lên 18 tuổi (1896), Ngài vào chùa Từ Hiếu xin xuất gia, đảnh lễ Hòa thượng Tâm Tịnh làm Bổn sư. Năm 20 tuổi (1898), được Bổn sư xuống tóc cho thọ Sa- di giới, Pháp danh Trừng Thủy, Pháp tự Chí Thâm. Năm 32 tuổi (1910), Ngài thọ Cụ túc giới ở Đại Giới Đàn Phước Lâm, Hội An – Quảng Nam do Hòa thượng Vĩnh Gia làm Đường Đầu. Sau đó Ngài đắc pháp, hiệu Giác Nhiên và được Bổn sư phú kệ:

          

          

Giác tánh tự thiên nhiên,

Sắc không bất hiện tiền.

Vật ngại nhàn nhơn sự

Cần tu bổn lý thiền.

Nguyên Hồng dịch:

Tính giác vốn tự nhiên

Sắc không chẳng hiện tiền

Ngại gì trò thế sự

Siêng tu diệu lẽ thiền

Năm Canh Tuất (1910), khi Ngài được 32 tuổi, được Tổ cho phép đến Đạo tràng Thiên Hưng để tham cầu học đạo với Hòa thượng Huệ Pháp. Nhờ đây, lẽ thiền bừng ngộ, đạo hạnh của Ngài theo thời gian ngày càng sáng lạng. Hương thiền lan tỏa, khắp sơn môn đều ngưỡng mộ về đức hạnh của Ngài.

Năm Kỷ mùi (1919), Ngài được cung cử trú trì Thánh Duyên Quốc Tự, và sau đó lại được sắc chỉ của vua Khải Định cử làm Tăng cang ngôi quốc tự này. Năm 1932, Ngài là một trong những vị Tăng sĩ thạc đức sáng lập hội An Nam Phật Học tại Huế, và trở thành thành viên trong Hội Đồng Chứng Minh Đại Đạo Sư của Hội. Cũng trong thời gian này Ngài đã cùng với cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám sáng lập ra Viên Âm Nguyệt San để hoằng truyền chánh Pháp.

Cuối năm 1934, Ngài là một trong những sáng lập viên Phật Học Đường Tây Thiên, ngôi trường Đại Học Phật Giáo đầu tiên ở Cố Đô Huế. Trong đó, Ngài Phước Huệ ở Tổ đình Thập Tháp được cung thỉnh ra Huế làm Đốc giáo và ngài làm Giám đốc. Lớp này đã đào tạo các vị tăng tài như ngài Thiện Hòa, Thiện Hoa, Tâm Tịch, Trí Thủ, Đôn Hậu, Chánh Thống, Mật Nguyện, Mật Hiển, Vĩnh Thừa … Đến năm 1937, Sơn môn lại cung cử Ngài về trú trì Tổ đình Thiền Tôn, nơi mà ngài đã hai lần đại trùng tu ngôi Tổ Đình này và ở đây cho đến cuối đời.

Năm 1956, Ngài được Giáo hội Phật giáo Trung phần cung thỉnh vào chức vụ Viện trưởng Phật học viện Hải Đức – Nha Trang. Và từ năm 1958 đến 1962, Ngài giữ trọng trách Chánh Hội trưởng Tổng trị sự Hội Phật Học Trung Phần suốt 4 nhiệm kỳ liên tiếp. Lại nữa, khoảng thập niên 60, tuy Ngài đã hơn 80 tuổi nhưng đã cùng chung lưng đấu cật cùng với nhiều vị Tôn túc khác để tham gia phong trào đấu tranh: đòi hỏi tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo (năm Quý Mão – 1963) được thành tựu.

Hơn nữa, Ngài đã nhiều lần làm Đàn đầu Hoà thượng truyền giới cho đồ chúng xuất gia và tại gia qua các Đại Giới đàn: Giới đàn Hộ Quốc tại Phật học viện Trung phần, chùa Hải Đức, Nha Trang (1956); Giới đàn Vạn Hạnh tại chùa Từ Hiếu, Huế (1965); Giới đàn Vĩnh Gia tại Phật Học Viện Phổ Đà, Đà Nẵng (1970). Sau khi Hòa thượng Đệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết viên tịch vào tháng Giêng năm Quý Sửu (1973), toàn thể Tăng già đã cung thỉnh Ngài lên ngôi vị Đệ Nhị Tăng Thống để lèo lái con thuyền Giáo hội.

Ngài viên tịch vào ngày mồng 6 tháng Giêng năm Kỷ Mùi (1979), thọ 102 tuổi đời, 74 tuổi đạo. Ngài thuộc đời thứ 42 phái Lâm Tế, đời thứ 8 phái Liễu Quán. Đệ tử của ngài là:

6.1. Thích Thiện Siêu – Tâm Phật.

6.2. Thích Thiện Minh – Tâm Thị, người làng Bích la, Triệu Phong, Quảng Trị

6.3.Thích Thiện Giải – Tâm Tuệ, nguyên là Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Lâm Đồng; Trú trì chùa Phước Huệ – Bảo Lộc.

6.4. Thích Thiện Sanh – Tâm Thùy, (Bắc Ninh)

6.5. Thích Thiện Bình – Tâm Địa, người Long An, xuất gia tại Thiền Tôn, học Bảo Quốc, Chánh đại diện tỉnh Quảng Trị, hiện Trưởng BTS tỉnh Khánh Hòa, đang ở chùa Long Sơn, Nha Trang.

6.6. Thích Thiện Phước – Tâm Đức

6.7. Thích Thiện Xả – Tâm Đại.

6.8. Thích Thiện Tấn – Tâm Dũng, thế danh Thái Thanh Hùng, làng Cam Lộ, Quảng Trị. Xuất gia 1965 tại Thiền Tôn, thọ giới Cụ túc 1968 Hải Đức – Nha Trang. Đệ tử Thượng tọa Thích Viên Giác, trú trì chùa Từ Tân, Q. Tân Bình, tp. HCM; Thượng tọa Thích Viên Diệu, trú trì chùa Thiền Tôn, Canada.

6.9. Thích Thiện Chí – Tâm Trợ, thế danh Nguyễn văn Trác, xuất gia 1967 tại Thiền Tôn, thọ Cụ túc năm 1969 tại giới đàn Huệ Nghiêm do Hòa thượng Hành Trụ làm Đường đầu. Thầy Thiện Chí Trú trì chùa Quang Bảo, Phú Lễ, Quảng Điền. Đã viên tịch và tháp được tôn trí tại chùa Quang Bảo – Huế. Có 1 đệ tử Pháp danh Nguyên Đức, tự Thành Đạo 

6.10. Thích Liêm Chính – Tâm Vị, thế danh Đinh Phong, xuất gia tại Thiền Tôn, sau học tại Phật Học Viện Huệ Nghiêm, Sg. Thọ Cụ túc năm 1968 tại giới đàn Hải Đức, Nha Trang do Hòa thượng …? làm Đường đầu. Khai sơn chùa Mai Sơn – Trị An tại Đồng Nai và hiện đang trụ trì.

6.11. Thích Thiện Ý – Tâm Ngữ, thế danh Đỗ Chiếm Thạnh, sinh năm Bính Tuất (1947), xuất gia 1966 tại Thiền Tôn, thọ Cụ túc năm 1968 tại giới đàn Hải Đức, Nha Trang do Hòa thượng …? làm Đường đầu. Hiện đang trụ trì chùa Linh Phong, Q.3, tp. HCM. 

6.12. Thích Thiện Tánh – Tâm Lương, thế danh Trần Viết Dinh, xuất gia 1966 tại Thiền Tôn, thọ Cụ túc năm 1969 tại giới đàn Huệ Nghiêm do Hòa thượng Hành Trụ làm Đường đầu.

6.13. Thích Thanh Đàm – Tâm Thủy, thế danh Nguyễn Khoan, sinh năm 1952, tại Quảng Trị, xuất gia 1969, thọ Cụ túc năm 1973 giới đàn Phước Huệ – Nha Trang.

6.14.Thích Trường Minh – Tâm Trí, thế danh Hoàng Thanh Tuệ, sinh năm 1952 tại Huế, xuất gia 1969, thọ Cụ túc năm 1973 giới đàn Phước Huệ – Nha Trang, hiện đang tu học tại chùa Quan Âm, Canada.

6.15. Thích Phục Viên – Tâm Toàn, thế danh Lê Văn Chung, sinh năm 1957, xuất gia 1970, thọ Cụ túc năm 1977 giới đàn Ấn Quang, tp. HCM. Hiện mất tích, có lẽ vượt biên gặp nạn và đã viên tịch vào năm 1983.

6.16. Thích Trường Định – Tâm Ý, thế danh Võ thế Tâm, sinh năm 1950 tại Quảng Nam, xuất gia 1971, thọ Cụ túc năm 1977 giới đàn Ấn Quang, tp. HCM. Đã viên tịch.

6.17. Thích Trường Sanh – Tâm Thảo, thế danh Hoàng văn Dược, chùa Thiền Tôn – New Zealand.

6.18. Thích Trường Phước – Tâm Tại, thế danh Nguyễn Trãi, chùa Quan Ân – Canada.           

***

7. HÒA THƯỢNG TRỪNG THANH – GIÁC BỔN (? – 1949)

Chưa biết tiểu sử của Hòa thượng, chỉ biết ngài họ Nguyễn, là đệ tử của Tổ Tâm Tịnh, có Pháp danh Trừng Thanh, tự Diệu Nguyên, hiệu Giác Bổn thuộc môn phái Tổ đình Tây Thiên Huế. Ngày 14 tháng 1 năm Bính Dần (1926), Bảo Đại nguyên niên ngài được Bổn sư phú kệ:

                       

                       

Dịch âm:         Giác bổn chơn như tánh

                        Diệu nguyên thọ thử truyền.

Được biết ngài Thanh Vân – Tâm Thành (1857-1915) là Tổ khai sơn chùa Từ Quang và đương kim Tăng cang trụ trì chùa Diệu Đế. Nhưng gần cuối đời, ngài Thanh Vân về chùa Từ Quang để dưỡng bịnh và viên tịch tại đây, hiện tháp được tôn trí gần chùa Tường Vân. Do đó, rất có thể ngài Giác Bổn lúc này đang làm tri sự chùa Từ Quang và cũng từ đó ngài Thanh Vân giao cho ngài Bổn Giác trụ trì và trùng kiến chùa Từ Quang. Từ đây ngài làm cho chùa Từ Quang được phát triển cho đến ngày nay.

8. HÒA THƯỢNG TÂM CẢNH – GIÁC HẠNH (1880 – 1981)

Ngài thế danh Nguyễn Đức Cử, sinh ngày 13 tháng 6 năm Canh Thìn, Tự Đức thứ 33 (1880). Nguyên quán làng Ái Tử, phủ Triệu phong, tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là Nguyễn Đức Uẩn, thân mẫu là bà Lê Thị Lộc. Hòa thượng có 9 anh em, ngài là anh cả.

Năm 17 tuổi Hòa thượng xuất gia với Tổ Tâm Tịnh ở chùa Từ Hiếu. Ba năm sau, tức là vào năm Ngài được 20 tuổi, được thọ giới Sa-di với Ngài Huệ Nhật, đệ tử của Hòa thượng Hải Thiệu – Cương Kỷ, tri sự chùa Từ Hiếu và được Pháp danh Tâm Cảnh, tự Thiện Quyên. Năm Canh Tuất (1910), ngài được thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn Phước Lâm – Quảng Nam, Sau đó gia đình ông Hiệp Tá Đại Học Sĩ Nguyễn Đình Hòe lập một ngôi am nhỏ hiệu Phổ Phúc, tại đồi Bình An (Nam Giao – Huế). Sau nhiều lần ông bà đến chùa Tây Thiên cung thỉnh Hòa thượng làm trú trì am Phổ Phúc vào năm Ất Mão (1915) lúc Ngài được 36 tuổi.

Năm Bính Dần (1926), ngài đắc pháp với Tổ Tâm Tịnh, được ban Đạo hiệu là Giác Hạnh, kế thừa đời thứ 43 dòng Lâm Tế. Năm này ngài trùng tu chánh điện và đổi am Phổ Phúc thành chùa Vạn Phước (Huế).

Năm 1932, Hội An Nam Phật học ra đời, Hòa thượng được cung thỉnh làm chứng minh Đạo sư của hội. Năm 1933, ngài đã dùng nhà tăng của chùa (Vạn Phước) làm cơ sở cho trường tiểu học Phật giáo Huế. Năm Nhâm Ngọ (1942), ngài được cung thỉnh làm Yết Ma tại Đại giới đàn chùa Hưng Khánh tỉnh Bình Định do Ngài Chí Bảo làm Đường đầu Hòa thượng. Ngài tự nguyện đứng ra vận động tài chánh cho báo Viên Âm và chú nguyện đúc nhiều tôn tượng Phật và Bồ tát thờ nhiều chùa đến nay vẫn còn. Đến năm Ất Tỵ (1965), Hòa thượng giao chùa cho đệ tử trưởng là Hòa thượng Thích Tâm Hướng trú trì. Cùng năm này, ngài được mời làm Tôn chứng A Xà Lê giới Đàn Từ Hiếu.

Năm 1967, Hòa thượng vào miền Nam (Sài Gòn) tiếp nhận chùa Tuệ Quang. Năm 1970, Ngài cho xây lại chùa này, và năm 1973 đổi hiệu chùa là Vạn Phước – Sài Gòn. Năm 1973, Hòa thượng được GHPGVNTN cung thỉnh làm thành viên Hội Đồng Trưởng Lão Viện Tăng Thống. Cũng trong khoảng thời gian này ngài giao cho Hòa thượng Tâm Hướng trùng tu chùa Tịnh Độ – Huế.

Năm sau, 1981, Ngài thâu thần viên tịch vào ngày 7 tháng 10 năm Tân Dậu, Phật lịch 2525, tại chùa Vạn Phước, thọ 102 tuổi đời và 72 Hạ lạp. Ngài thuộc thế hệ thứ 8 dòng Thiền Liễu Quán – Thiệt Diệu, có 13 đệ tử, 8 người khuyết lục

            1. Thích Tâm Hảo – Nguyên Quang

            2. Thích Tâm Quang – Nguyên Mãn

            3. Thích Thanh Lương – Nguyên Địa

            4. Thích Tâm Niệm – Nguyên Trì

            5. Thích Chỉnh Túc – Nguyên Nghĩa

            6. Thích Tâm Hướng – Nguyên Nguyện

            7. Thích Tâm Thọ – Nguyên Truyền

            8. Thích Tâm Phước – Nguyên Lượng

            9. Thích Tâm Mãn – Nguyên Quả

            10. Thích Tâm Nguyện – Nguyên Lưu

            11. Thích Tâm Khiết – Nguyên Thành

            12. Thích Tâm Thành – Nguyên Chánh

                       13. Thích Tâm Trì – Nguyên Xướng

***

9. HÒA THƯỢNG TRỪNG NGUYÊN – ĐÔN HẬU (1905 – 1992)

Ngài thế danh là Diệp Trương Thuần, sinh ngày 13 tháng giêng năm Ất Tỵ (16-2-1905) tại làng Xuân An, tổng An Đôn, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là ông Diệp Văn Kỷ, nghề lương y, về sau ông xuất gia với Tổ Hải Thiệu, có Pháp danh là Thanh Xuân, tự Sung Mãn, đắc pháp với Tổ Tâm Truyền, hiệu là Phước Điền, khai sơn chùa Long An (Quảng Trị) và trụ trì chùa Sắc tứ Tịnh Quang. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Cựu, mất sớm khi Ngài vừa lên 9 tuổi.

Năm 19 tuổi, ngày 19 tháng 6 năm Quý Hợi (1923) được sự chấp thuận của phụ thân, Ngài vào chùa Tây Thiên đảnh lễ Tổ sư Tâm Tịnh, xin được xuất gia, có pháp danh Trừng Nguyên, Pháp tự Đôn Hậu. Một năm sau (1924), ngài được thọ giới Cụ túc tại giới đàn chùa Từ Hiếu, do Tổ Tâm Tịnh làm đàn đầu. Sau khi Bổn sư viên tịch (1926), Ngài đến học với pháp huynh Giác Viên ở chùa Hồng Khê. Năm 1927, ngài vào học với Tổ Phước Huệ ở chùa Thập Tháp – Bình Định.

Năm 1932, Hội An Nam Phật học mở trường tại Tây Thiên, Tổ Phước Huệ ra dạy ở Huế nên ngài cũng ra Huế và học ở trường này. Năm 1936, là giảng sư của Hội Việt Nam Phật học. Ngài đã đi giảng dạy khắp các tỉnh miền Trung, nhất là tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Năm 1940 và 1942, Ngài hai lần sang thuyết giảng ở một số tỉnh có đông Việt kiều tại Lào, đàm đạo với vua Sãi và tham lễ tại một số nơi ở vương quốc Phật giáo này.

Năm 1945, Ngài thay thế Bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám giữ chức Chánh Hội trưởng Hội An Nam Phật học (Thừa Thiên). Cũng trong năm này, Ngài nhận chức Trụ trì Quốc tự Linh mụ. Sang năm 1946, Ngài làm Chủ tịch Phật giáo Liên hiệp Trung bộ.

Năm 1947, Ngài bị Pháp bắt, tra tấn và suýt bị bắn chết, nhờ bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) can thiệp mới được thả. Năm 1948, Ngài làm cố vấn đạo hạnh hội Phật học Trung phần; Ngài được thỉnh làm Tuyên luật sư Đại giới đàn Báo Quốc – Huế (Năm 1949), năm này Ngài làm Chánh hội trưởng Tổng Trị sự Hội Phật học Trung phần.

Năm 1951, Ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng Giới đàn tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn, sau đó được Sơn môn Tăng già Trung phần mời làm Giám luật. Qua năm 1952, Giáo hội Tăng Già toàn quốc được thành lập tại Hà Nội, Ngài được suy cử làm Giám luật. Năm 1956, Ngài thành lập và làm Chủ nhiệm Liên Hoa văn tập. Năm 1958, Liên Hoa văn tập được chuyển thành Liên Hoa nguyệt san cũng do chính Ngài làm chủ nhiệm. Năm 1963, Ngài tham gia đứng trong hàng ngũ lãnh đạo phong trào đấu tranh chống chính sách kỳ thị, đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Đêm pháp nạn 20 tháng 8 năm 1963, Ngài bị bắt tại chùa Diệu Đế và bị đưa đi giam giữ. Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập, Ngài được cử làm Chánh Đại Diện miền Vạn Hạnh. Năm 1965, Ngài được cung thỉnh làm Yết ma A xà lê tại Đại giới đàn Từ Hiếu tổ chức tại Tổ đình Từ Hiếu – Huế.

Từ năm 1968, Ngài ra Hà Nội và cùng chư tôn Hòa thượng lo các hoạt động Phật sự tại Bắc kỳ và là thành viên của Ban Mặt Trận Tổ Quốc. Năm 1975, Ngài về chùa Linh Mụ – Huế và sau đó được mời làm cố vấn cho Ban chỉ đạo Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Năm 1976, Ngài đắc cử Đại biểu Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Từ năm 1976 – 1986, liên tục trong mười năm liền, Ngài giảng dạy kinh luật cho Tăng Ni ở Huế tại các chùa Linh Mụ, Báo Quốc và Linh Quang. Năm 1977, Đại hội kỳ VII Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tại Ấn Quang. Ngài giữ chức vụ Chánh Thư ký Viện Tăng Thống. Năm 1979, đức Đệ nhị Tăng Thống Hòa thượng Thích Giác Nhiên – viên tịch, Hội đồng Lưỡng Viện bèn cung thỉnh Ngài kiêm chức vụ Xử lý Viện Tăng Thống.

Năm 1981, Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam được tổ chức tại chùa Quán Sứ – Thủ đô Hà Nội, đã suy cử Ngài vào Hội đồng Chứng minh với chức vụ Đệ Nhứt Phó Pháp Chủ kiêm Giám luật Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 1977, 1981, và 1983, ba lần Ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng các Đại giới đàn tại chùa Báo quốc và Trúc Lâm – Huế.

Vào ngày 22/04/1992 (nhằm ngày 21 tháng 3 năm Nhâm Thân) Ngài an nhiên viên tịch tại Tổ đình Linh Mụ thành phố Huế, trụ thế 87 năm, 68 tuổi hạ. Có 24 đệ tử xuất gia: 

            1. Thích Giới Hương – Tâm Trực

            2. Thích Định Hương – Tâm Lương

            3. Thích Trí Lưu – Tâm Tường

            4. Thích Trí Chơn – Tâm Chánh

            5. Thích Trí Siêu – Tâm

            6. Thích Trí Thành – Tâm Nghĩa

            7. Thích Trí Tựu – Tâm Kiên

            8. Thích Trí Đạo – Tâm Lương

            9. Thích Thường Quang – Tâm Trí

            10. Thích Hải Đăng – Tâm Đạt

            11. Thích Hải Tâm – Tâm Phước

            12. Thích Hải Tạng – Tâm Hoa

            13. Thích Hải Chánh – Tâm

            14. Thích Hải Bình – Tâm

              ……………………………….

Nam mô Lâm Tế Tứ thập nhất thế, Diệu Đế Tăng Cang, khai sơn Tây Thiên Tự, húy Thanh Ninh, tự Tâm Tịnh Hòa Thượng Giác Linh. 

 

* * * 

BAN TƯ LIỆU MÔN PHÁI TỔ ĐÌNH TÂY THIÊN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here