Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Quốc tự Thánh Duyên

Quốc tự Thánh Duyên

118
0

Vị trí tọa lạc

Chùa Thánh Duyên nằm cách kinh thành Huế khoảng chừng 60 km đường bộ về phía Đông Nam. Ngày xưa, để đến được chùa, du khách có thể đi bằng hai con đường: từ thành phố Huế đi về Thuận An, rồi từ Thuận An đi theo đường ven biển để về tới chùa; hoặc có thể đi từ thành phố theo đường quốc lộ về tới Đá Bạc, rồi từ đây lên đò máy sang phá Cầu Hai để đến núi Thuý Vân. Ngày nay, có cầu Trường Hà nối hai xã Phú Đa và Vinh Thanh, nơi tiếp giáp với thị trấn Phú Bài chừng 10 km qua đuờng quốc lộ dẫn vào thành phố, nên việc đi lại đã trở nên thuận tiện hơn rất nhiều.

Tam quan chùa Thánh Duyên

Về tên gọi núi Thuý Vân

Bia đá ghi ba chữ Hán "Thúy Vân Sơn", lạc khoản đề Thiệu Trị năm thứ I (1841)

Thuý Vân sơn hay Túy Vân sơn còn có tên gọi khác là Mỹ Am sơn hay núi Mũi Am – mũi đất nằm gần phá Cầu Hai, nơi tiếp giáp với cửa biển Tư Dung (Tư Hiền ngày nay). Tháng 3 năm Đinh Dậu, 1837, vua Minh Mạng rước Hoàng thái hậu đi chơi Thuý Vân sơn, nhận thấy núi này là “danh lam phước địa” nên vua đã cho đổi tên thành Thuý Hoa sơn. Qua hai lần đổi tên, năm 1841, vì kỵ huý tên mẹ là bà Hồ Thị Hoa nên vua Thiệu Trị đã cho đổi lại tên cũ thành Thuý Vân sơn, có nghĩa là núi mây xanh biếc. Vua cũng đã đề thơ, sai khắc vào bia đá dựng bên cạnh núi phía trước chùa và xếp Thuý Vân sơn vào cảnh thứ 9 trong 20 thắng cảnh của xứ Thần kinh.

Duyên khởi xây dựng chùa

Không phải ngẫu nhiên mà vua Minh Mạng chọn núi Thuý Vân để dựng chùa cũng như đã đặt tên chùa là Thánh Duyên. Bởi theo nhà vua: “Những danh lam thắng tích ta không có quyền để chúng lụi tàn, mất hết dấu tích, không lưu lại cho thế hệ mai sau. Huống gì quang cảnh nơi đây đều do Hoàng tổ của ta (Minh vương Nguyễn Phúc Chu) vì triều đình, vì thần dân mà tạo dựng, nhằm mục đích khuyến khích mọi người tu tâm, tích thiện, tạo phước điền”. Và tên chùa được đặt là Thánh Duyên chỉ vì: "Thánh tức thị Phật, Phật tức thị Thánh, hữu thị Thánh phương khai Phật pháp chi sùng thâm; Duyên bổn thị nhân, nhân bổn thị duyên, hữu thị duyên nãi khuếch thiện nhân chi quảng bị. (Thánh tức là Phật, Phật tức là Thánh, bởi có thánh hiền mới khai tỏ Phật pháp thâm sâu; Duyên vốn là nhân, nhân vốn là duyên, hễ có duyên tốt mới chuyển hoá nhân lành rộng lớn).

Bức hoành "Thánh Duyên tự" có lạc khoản Minh Mạng thập thất niên (1837)

Chính vua Minh Mạng đã ngự chế câu đối ấy và sai lồng chép vào nội dung văn bia để khắc vào bia đá “Ngự chế Thánh Duyên tự chiêm lễ”, nói về việc vua tuần du Mỹ Am sơn năm 1835, nhân thấy thế núi đẹp bèn cho đổi tên thành Thuý Hoa sơn. Năm sau vua hạ chỉ vào ngày tốt mùa thu, đào móng làm chùa mới trên dấu tích cũ, đặt tên là Thánh Duyên và làm câu đối khắc ở chùa. Đến tháng giêng năm Đinh Dậu, 1837, công việc trùng tu hoàn thành. Tháng 3 năm này, vua cùng Từ giá về dự lễ khánh thành chùa, đồng thời tổ chức lễ Khánh hỷ ngày sinh của mẹ là bà Thuận Thiên Cao Hoàng thái hậu, thọ 70 tuổi.

 

                                       Bia "Thánh Duyên tự chiêm lễ"                                     Bia "Vân Sơn thắng tích"

Ngôi chính điện

Chính điện thờ Phật là một ngôi nhà rường 3 gian 2 chái, cũng được kiến trúc hai tầng và mái lợp ngói liệt theo kiểu trùng thiềm điệp ốc. Hai bên đường nóc trên cùng trang trí hai hình rồng chầu ở hai đầu, chính diện là một đám mây hoá thành mặt rồng. Cù giao hai đầu đều được cách điệu hoá. Mặt tiền chùa có 5 cửa vào. Tả hữu mỗi cửa có 2 lá khép; 3 cửa giữa mỗi cửa có 3 lá. Bước vào chùa, phía chính giữa là bức hoành phi “Phật nhật trùng quang” có lạc khoản “Thành Thái thất niên thập nhị nguyệt tạo”. Quanh bức hoành, các hoa văn được chạm theo mô típ “lưỡng long triều nguyệt” truyền thống. Bên trên chính giữa điện còn có bức hoành khác cũng được thếp vàng lộng lẫy đề: “Ngự tạo phụng Thánh Duyên tự” cùng lạc khoản “Minh Mạng thập thất niên”. Các đố bản bên trên gần sát mái của toàn ngôi chùa là những hình chữ nhật, chạy đường viền, được chạm trổ rất công phu. Giữa lòng khung chạm khắc thơ do vua ngự chế; giữa những khung hình chữ nhật lại chen những khung vuông có khắc hình chữ “Phù” rất đẹp.

Chính điện chùa Thánh Duyên

Bên dưới thiết bàn thờ Phật cùng nhiều vị hiền thánh thiện thần khác. Cách thờ tự ở chùa Thánh Duyên có tính cách đặc thù, không trình bày theo truyền thống chùa Huế. Gian chính ở giữa thờ Tam thế Phật: quá khứ, hiện tại và vị lai; phía trước thấp hơn bàn thờ Phật là bàn thờ bài vị vua Minh Mạng; hai gian tả hữu lại có những bàn thờ ở trong cùng và ở bên trước. Hai bên có hai dãy sập để tôn trí thờ Thập Điện Minh vương, mỗi bên gần sát vách thờ 5 tượng; tiếp đến vào phía trong thờ 2 dãy tượng thập bát La Hán, mỗi bên 9 tượng. Dãy bên trái có tượng Bồ đề đạt ma toạ thiền, đối qua bên phải là tượng Địa Tạng ngồi trên con sư tử xanh.

Ban thờ Thập điện Minh vương

Tượng Thập bát La Hán

Chùa còn có nhiều tượng cổ có giá trị lịch sử và mỹ thuật cao. Có lẽ Thánh Duyên là ngôi chùa còn giữ được nhiều tượng đồng nhất trong các chùa ở Huế. Tại đây còn đến gần 70 pho tượng đồng, đặc biệt là bộ 18 tượng La Hán. Đây có thể xem là bộ sưu tập 18 vị La Hán bằng đồng tiêu biểu của thế kỉ 19. Dưới bàn tay tạo hình tài hoa của nghệ nhân, ta có thể đọc được những nét biểu cảm khác nhau trên khuôn mặt của các vị La Lán. 

 

Hai quả đại hồng chung có lạc khoản Minh Mạng thập thất niên (1837)

Bên hông chùa còn có quả chuông được đúc vào triều Minh Mạng. Chuông cao 0,79 mét, nếu kể cả 2 con bồ lao làm quai chuông thì chiều cao tổng thể là 1mét 28. Chuông có đường kính 0,69 mét, nặng 460 cân xưa. Trên chuông khắc 4 chữ Hán lớn “Thánh Duyên tự chung”, lạc khoản chú tạo là năm Minh Mạng thứ 17.

Hậu Tổ

Phía sau chánh điện là nhà tổ, thờ các thế hệ tăng cang và thập phương thiện tín của chùa.

Theo sách Châu bản triều Nguyễn, 2 vị cao tăng mà ta hiện biết sớm nhất được vua Tự Đức cấp giới đao độ điệp, phong làm tăng cang và cung thỉnh làm trú trì quốc tự Thánh Duyên là 2 Thiền sư có thế danh Ngô Văn Thạnh và Phan Văn Uyển. Ngoài ra, dưới triều Bảo Đại, Thiền sư Giác Nhiên và Thiền sư Mật Hiển cũng đã được vua cung thỉnh làm Trú trì tại chùa.

Chùa-Gác-Tháp – kiến trúc đặc trưng.

 Thăm chùa Huế, ta thường thấy các ngôi chùa thường được kiến trúc theo kiểu chữ “Khẩu”, chữ “Nhất” và bố cục được sắp đặt theo thứ tự trước tháp rồi sau mới đến chùa, tiêu biểu rõ nét nhất là chùa Thiên Mụ. Nhưng ở Thánh Duyên, chùa có một quần thể kiến trúc rất đặc trưng. Bố cục lại được sắp đặt theo trình tự: chùa, gác, tháp rồi đến đình. Các công trình kiến trúc cứ cao dần lên theo thế núi, những bậc cấp đi lên chùa do vậy trở thành những con đường nhỏ uốn mình dưới những rặng thông cổ thụ. Kiểu kiến trúc như vậy, ta có thể nói đây chính là phong cách đặc trưng của kiến trúc thời Nguyễn, tuy không ở đỉnh cao nhưng vẫn mang đậm nét chủ đạo của dòng kiến trúc này, đó là lối kiến trúc nhà rường, mái trùng thiềm điệp ốc theo hình thế núi, mái sau cao hơn mái trước, trông rất đẹp mắt.

Đường lên gác Đại Từ

Gác Đại Từ

Từ chánh điện, đi lùi về phía sau, tại đây có con đường gồm nhiều bậc cấp bằng đá được lót dựa theo triền núi sẽ đưa du khách đến viếng gác Đại Từ và tháp Điều Ngự. Ngày trước, để đến được tháp Điều Ngự, từ chùa chính, du khách phải đi qua 100 bậc cấp. Cứ mỗi 10 bậc cấp thì có 2 cây đèn dựng ở hai bên lối đi, gọi là “thập cấp nhị đăng”. Những cây đèn này dùng để soi đường về đêm cho vua đi trong những ngày vua về tại chùa tĩnh tâm.

Nằm giữa lưng chừng núi, cách chánh điện khoảng chừng 50 mét là Đại Từ các. Gác Đại Từ cũng là một ngôi nhà rường nằm trong tổng thể kiến trúc theo hình thế núi: chùa, gác, tháp. Gác Đại Từ được dựng lên giữa lưng chừng núi có ý nghĩa như một sự nối kết, tạo sự hài hoà cân xứng cho toàn thể kiến trúc của Thuý Vân sơn.

Gác Đại Từ

 

Nằm thấp thoáng dưới những rặng cây cổ thụ, gác Đại Từ cho ta cảm giác các công trình cứ nối tiếp nhau, không đơn lẻ, tưởng chừng như tất cả đều nằm trong hệ thống trật tự, hài hoà theo quy luật tự nhiên của phong thuỷ.

Gác được chia làm 3 gian: gian giữa thờ Phật, gian bên phải thờ đức Quan Âm và gian bên trái thờ Bồ tát Đại Thế Chí. Nằm ở phía trước, gần bên lối đi vào là chuông “Đại Từ các”, chu vi chừng 0,5 mét, nặng 127 cân xưa. Chuông được đúc vào năm Minh Mạng thứ 17, cùng niên đại với chuông ở chính điện.


Tháp Điều Ngự

Công trình cao nhất nằm trong tổng thể kiến trúc chùa Thánh Duyên là tháp Điều Ngự.

Tháp có 3 tầng, cao khoảng 13 mét theo hình chữ Tứ, đây là một lối kiến trúc đặc biệt và ít thấy ở nước ta. Nền tháp được lót bằng đá vuông. Ngày trước trên nóc tháp được dựng một pháp luân bằng đồng có mắc nhiều cái linh nhỏ xung quanh. Khi gió thổi pháp luân xoay, những cái linh phát ra tiếng nhạc, xa gần đều nghe rõ.

Ngày xưa, tầng trên cùng của tháp thờ Trung Thiên Điều Ngự Thích Ca Mâu Ni Phật và Tây Phương Cực Lạc Pháp vương; tầng giữa thờ Nhân Gian Điều Ngự Phước Bị Quán Sanh Vạn Thiên Chí Tôn; tầng dưới cùng thờ Địa Phủ Điều Ngự Minh Sát Sâm Nghiêm La Chủ Tể. Hiện nay do tháp đã bị xuống cấp nên lối thờ tự đó đã không còn.

Tháp Điều Ngự

Qua đó ta thấy tháp Điều Ngự đã có phần nào thể hiện tư tưởng “cư Nho mộ Thích” của các vua Nguyễn, đồng thời đã dung hợp được triết lý của 3 nền đạo học Nho, Lão và Phật, tức “Tam giáo đồng nguyên” mang sắc thái Việt Nam, có nét khác biệt với Tam giáo hiệp lưu của Trung Quốc.

Đứng trên tháp Điều Ngự nhìn ra khắp xung quanh ta sẽ thấy một vùng mây nước bao la thu vào tầm mắt. nếu có kính thiên lý vọng thì khi nhìn ra hướng đông, ta có thể thấy suốt biển cả, và nếu nhìn lên hướng bắc ta có thể thấy suốt tận kinh thành.

Điều Ngự là một trong 10 danh hiệu mà người Phật tử dùng để tôn xưng Phật. Nhưng Điều Ngự cũng có ý nghĩa là nơi để vua điều phục và chế ngự tâm. “Chế tâm nhất xứ vô sự bất biện”. Khi tâm đã được chế ngự vào một chỗ thì không có việc gì không làm được, đây chính là ý nghĩa của việc vua Minh Mạng cho dựng đình Tiến Sảng phía đằng sau tháp.

Đình Tiến Sảng

Đình Tiến Sảng trước hết là để nghỉ ngơi, hóng gió mát từ ngoài biển khơi, sau đó là để tĩnh tâm. Tương truyền, ngày xưa hằng năm vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 7, các vua Nguyễn thường về tại đình này để tĩnh tâm. Rất có thể chính phong cảnh rừng thiền nơi đây đã giúp các vua triều Nguyễn nghĩ ra kế sách hay trong việc khai phá bờ cõi về phương Nam và mở mang dân trí như lập phong, xã, thôn, làng… Và rất có thể sau những ngày tĩnh tâm, về lại triều đình, cả vua và quan đã tìm ra những chính sách hay trong việc trị quốc an dân. Có phải đấy là ảnh hưởng Phật giáo trong truyền thống dân tộc chăng? Và chúng ta, nếu đã có một lần lên tháp Điều Ngự ngắm cảnh rồi đến tĩnh tâm ở đình Tiến Sảng thì ta sẽ thấy cuộc sống diễn ra chung quanh ta với đầy đủ muôn màu muôn vẻ của bao con người, bao số phận. Và ta sẽ thấy đạo không hề xa đời, đạo và đời hoà quyện với nhau, hay Phật pháp không lìa thế gian.

   

Những cây thông hàng trăm tuổi ở chùa Thánh Duyên

Ca ngợi cảnh đẹp của đình Tiến Sảng trên núi Thuý Vân, Tùng Thiện vương, tức Nhất Đại Thi Ông, đã cảm tác nên bài thơ qua 2 câu tuyệt bút:

image
Đĩa men sứ vẽ chùa Thánh Duyên, núi Thúy Vân, hiện vật của Nhà Nghiên Cứu Trần Đình Sơn

        Tiến Sảng đình ba, Thiên Mụ nguyệt,
        Thuỷ hương lâm ảnh hữu nhân vô.
        (Sóng đình Tiến Sảng, trăng Thiên Mụ,
         Bóng non hương nước mấy ai hay?)

Nhất Đại Thi Ông đã mách cho chúng ta biết: Nếu muốn tìm nơi có vầng trăng đẹp nhất, ta hãy tìm về chùa Thiên Mụ. Và nếu muốn nghe nơi có tiếng sóng hay nhất, ta hãy tìm về đình Tiến Sảng trên núi Thuý Vân.

Chùa Thánh Duyên qua đĩa men sứ

Cảnh đẹp núi Thuý Vân bên cửa biển Tư Hiền được xếp hàng thứ 9 trong 20 thắng cảnh xứ Thần kinh kèm theo tranh vẽ minh hoạ được khắc in trong Ngự đề danh thắng đồ hội thi tập, xuất bản năm 1845 dưới triều vua Thiệu Trị. Và đặc biệt hơn, Nhà Nghiên cưu Trần Đình Sơn đã phát hiện ra hai đĩa men sứ: một  đĩa vẽ điện Phật, gác Đại Từ, tháp Điều Ngự và đình Tiến Sảng của toàn cảnh chùa Thánh Duyên cùng đĩa kia là Thuý Vân sơn. Nhờ có địa thế đặc biệt và phong cảnh kì tú vào bậc nhất nhì của nước ta, nên tháng 4 năm 1996, chùa được Bộ Văn hoá công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia.

Điểm thu hút mặc khách, tao nhân

Thánh Duyên Quốc tự, mặc dù nằm cách kinh thành Huế rất xa, nhưng luôn thu hút sự rất mực quan tâm trên từ các bậc cao tăng, vua chúa, dưới đến các quan lại, mặc khách, tao nhân. Bởi lẽ Thánh Duyên không chỉ có cảnh trí đẹp vào hạng nhất nhì của nước ta mà nó còn có không gian thoáng đãng và yên tĩnh, rất thích nghi với việc tham thiền, nhập định. Chính các bậc tao nhân tinh thông Tam giáo nổi tiếng như vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị, vua Tự Đức, Tùng Thiện Vương… đã nhiều lần viếng thăm chùa và đề thơ về cảnh đẹp Thuý Vân sơn.

Trong một lần viếng thăm chùa Thánh Duyên, vua Minh Mạng đã cảm tác nên bài thơ tứ tuyệt:

    “Đã có cung vua chùa Phật,
    Há không liễu biếc đào hồng?
    Cảnh như thế, người như thế.
    Không là sắc, sắc là không”.

Và vua Thiệu Trị cũng đã cảm tác nên bài “Thuý Vân sơn” tuyệt bút:

Đầm Cầu Hai – góc nhìn từ tháp Điều Ngự

Núi Thuý Vân:
Non biếc cao ngất,
Cây xanh ngát hương.
Ngoài ngắm đại dương,
Trong nhìn biển nhỏ.
Thiền lâm Tịnh độ, Phật nhật sáng soi trong tứ đại,
Ma không cổ tháp, pháp luân chuyển mãi chốn tam thiên.
Trúc biếc tùng già, đúng nơi Linh sơn Thứu lĩnh
Hoa vàng cỏ mịn, thật chốn Hương quốc Kỳ viên.
Thanh u trời Tự tại
Cực lạc cảnh Từ bi.

Vào tháng 5 năm Bính Tuất, đức Đệ nhị Tăng Thống, tức Thiền sư Giác Nhiên, Trú trì quốc tự Thánh Duyên kiêm Trú trì Tổ đình Thiền Tôn, cùng Thiền sư Mật Thể, Thiền sư Mật Nguyện, Thiền sư Mật Hiển và Thiền sư Bích Phong về thăm chùa Thánh Duyên. Thiền sư Bích Phong đã cảm tác đề thơ bằng chữ Hán có tựa đề “Thuý Vân Sơn” và tự Ngài đã dịch bài thơ ra Việt ngữ:

Thuyền từ xe pháp tới non tiên,
Núi Thuý cùng nhau chống gậy lên.
Quanh quất ngôi chùa sông rộng chảy,
Lờ mờ khóm lá nắng mai xuyên.
Cò bay cò lượn bên kia bãi,
Hoa nở hoa rơi tận mé triền.
Thầm niệm cùng thăm Điều Ngự tháp,
Lòng trần rũ sạch thảy bình yên.

Vâng lệnh các pháp huynh, chính Thiền sư Bích Phong đã tự tay viết bài thơ chữ Hán lên trên vách nhà Tăng phía sau chùa. Năm 2004, bài thơ hoàn toàn mất hết dấu tích do chùa phải bị triệt hạ để tu bổ.

Sinh hoạt hiện nay

Vào những thập niên đầu của thế kỉ 20, quốc tự Thánh Duyên đã từng là đạo tràng lớn của Giáo hội. Chùa một thời được Chư tôn đức trong sơn môn Tăng già Thừa Thiên dùng làm nơi tu học cho chư Tăng vào các mùa An Cư kiết hạ. Kể tử khi hội An Nam Phật học ra đời, khuôn hội Tịnh độ cũng đã được thành lập tại đây. Hiện nay chùa do Hòa thượng Thích Hải Ấn trú trì. Hòa thượng đã ủy cử Đại đức Thích Minh Chính thường trú chăm lo Phật sự tại chùa. Đạo tràng niệm Phật, đạo tràng Pháp Hoa và đạo tràng tu Bát quan trai được tổ chức định kỳ hằng 3 tháng, có chư tăng về truyền giới và thuyết giảng, giữ đúng chức năng là chốn quy ngưỡng tâm linh cho đông đảo thập phương thiện tín xa gần.

P.N.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here