Trang chủ Thiền môn xứ Huế Giai thoại Nước đi đã quyết

Nước đi đã quyết

178
0

“Này các vị, thời trẻ ta đã từng làm kiếm khách, ta ít khi rút kiếm, nhưng đã rút ra là phải chém. Người đời gọi ta là kiếm vương. Ta cũng từng là kì thủ giang hồ; khi đã ngồi vào bàn, một quân cờ đặt xuống, không do dự, không dịch chuyển, như có sức nặng một quả núi đè lên, thế trận như dòng sông cứ thế trôi chảy cho đến chung cục. Người đời gọi ta là kì vương.

Nay ta không còn là kì vương, kiếm vương nữa. Ta đã ba mươi năm chí thú tinh cần tầm sư học đạo, thụ giữ giới luật, sở chướng đã trừ, mê lầm đã tuyệt. Giờ đây núi cũng là núi, sông cũng là sông đó thôi. Kì vương ấy, kiếm vương ấy nay đã trở thành kiếm đạo, kì đạo rồi…”.

***

Tôi sẽ cố gắng thuật lại câu chuyện như đã được nghe kể, nhưng nếu có chỗ nào khác đi, thì đó không phải là do tôi cải biên, nhuận sắc gì cả, mà chỉ là lo không có khả năng thuật lại đúng hoàn toàn mà thôi.

Lời của vị Pháp sư đang còn vang vọng, bỗng có một người thanh niên đầu tóc rối bù, dáng tiều tuỵ, xuất hiện đứng ngay dưới bậc thềm.

– Kính thưa Pháp sư tôn quý, con đã thấy hết nỗi khổ của cuộc đời, con muốn giải thoát những đau khổ; thế nhưng con không có khả năng hành trì được một cái gì lâu dài cả; có lẽ chẳng bao giờ sống lâu năm trong thiền định, học tập, thụ giữ giới luật, chắc sẽ thoái chí. Con thấy cùng đường rồi! Thưa Pháp sư, vậy thì có con đường nào ngắn nhất, dễ dàng nhất cho những kẻ như con?

– Có, nhưng hãy cho ta biết con đã có những sở tri gì, có những sở năng gì, hoặc có những sở thích gì.

Người thành niên đượm vẻ buồn rầu.

– Thưa Pháp sư, con chưa nghĩ là mình phải trở nên như thế nào. Công danh, sự nghiệp giữa cuộc đời này con không hề nghĩ đến. À, mà về sở thích thì có. Con thích đánh cờ nhất. Khi đánh cờ, tâm trí con dồn cả vào bàn cờ, không để sai sót.

–  Thế là còn tốt đấy! Nhưng con có tin tưởng vào ta không?

–  Con đã chọn lựa. Pháp sư tôn quý, Người đã được mọi người tín phục.

–  Không. Ta muốn hỏi niềm tin của chính con mà thôi.

– Con tin phục, hoàn toàn tin phục.

Pháp sư bèn cho gọi một vị tu sĩ trẻ và bảo mang theo một bàn cờ. Vị tu sĩ điềm đạm bước ra, tay xách bàn cờ.

–  Này, con nghe đây!

–  Bạch Thầy, con xin nghe.

– Bao nhiêu năm con theo Thầy học đạo; tình thầy trò giữa chúng ta không có gì đáng phàn nàn cả chứ?

– Dạ, đúng như vậy.

– Con còn có điều gì nghi ngờ nơi ta nữa không?

– Bạch Thầy, con tin tưởng, tuân phục Thầy tuyệt đối.

– Vậy thì con hãy nghe đây!

– Dạ vâng, con nghe.

– Con hãy chơi một ván cờ với người thành niên này. Và nghe đây nữa: nếu con thua, ta sẽ chém đầu con; nhưng ta hứa là sẽ được tái sinh vào cõi Cực lạc. Nếu con thắng, ta sẽ chém đầu người thanh niên đó. Suốt đời anh ta mãi mê trò chơi ấy mà không được tích sự gì thì chém đầu anh ta cũng phải thôi

***

Vị Pháp sư tay cầm đốc kiếm, đứng thẳng như một cây tùng trên đỉnh núi. Lời nói nghiêm khắc, rành rõ từng tiếng một. Hai người trẻ tuổi cảm thấy ớn lạnh. Liếc nhìn lưỡi kiếm đã rút khỏi vỏ, người thanh niên bất giác sờ tay lên cổ mình. Vị tu sĩ trẻ sau một thoáng động tâm, định thần lại, tuân phục Thầy tuyệt đối.

Chỉ mấy nước đi khai cuộc, người thanh niên đã sớm nhận ra là mình đang ngồi trước một cao thủ, lại từng được hun đúc cái đức trầm tĩnh của thiền môn. Thế cờ đã bị đối phương chiếm ưu thế, người thanh niên vả mồ hôi. “Không được, phải định tâm lại”, người thanh niên bỗng quên hết mọi việc trong đời, tâm trí trống không, chỉ còn có bàn cờ. Tài nghệ sắc sảo, sự thông minh tuyệt đỉnh đã trở lại; người thanh niên dành lại từng thế một, thế một. Nhưng vị tu sĩ vẫn tranh tiên, chiếm ưu thế, từng bước vững chãi, không một sơ hở. Người thanh niên hiểu ra rằng, không thể thế thủ được nữa, phải bức phá, vượt thoát lên: tung quân quyết chiến, can đảm, dữ dội. Vị tu sĩ trẻ vả mồ hôi, thế trận lung lay. Phát hiện được cái bối rối nhỏ đó, người thanh niên bèn xuất hư chiêu, dương đông kích tây, làm cho đối phương hoa mắt, rồi thận trọng rút về an toàn. Thế trận của vị tu sĩ yếu dần phải lùi về thế thủ, bị động.

Người thanh niên liếc mắt nhìn vị tu sĩ trẻ, khuôn mặt trong sáng, đôn hậu, bao năm tinh cần Giới luật…, cuộc đời có giá trị ấy mà sắp phải kết liễu. Nhìn người ngẫm đến mình: một đời du thủ du thực, vô tích sự, hư hỏng. Cuộc đời vô giá trị của ta nên hi sinh cho cuộc đời trong sáng kia! Người thanh niêm thầm nghĩ vậy, bèn khéo léo tạo ra những sơ hở hết sức tế vi, một nước, lại một nước nữa, cờ của vị tu sĩ lấy lại thế quân bình, rồi chiếm ưu thế tấn công. Người thanh niên biết mình sẽ thua, chỉ một nước nữa thôi; thanh thản chờ đợi nước thua – cái chết, với tấm lòng đã quyết.

Vị tu sĩ trẻ không dám chạm tay vào nước cờ định mệnh ấy, chuyển tay sang quân cờ khác, cũng vì lòng từ bi.

Thế cờ trở nên bất động, ngừng lại…

Người thanh niên nghĩ: đã quyết hi sinh thì phải như mũi tên đã rời khỏi cánh cung, phải bay đến đích, bèn đặt tay lên nước đi cuối cùng – đã quyết!

***

Một tia chớp sắc lạnh lướt qua đầu người thanh niên ấy; vị tu sĩ trẻ nhắm mắt, khẽ niệm Phật; định thần, thấy cái đầu tóc rối bù của người thanh niên đã được cạo sạch. Giọng Pháp sư ân cần, đầm ấm:

– Con đã học được hai điều của đạo Giác ngộ rồi đó. Ấy là tập trung ý hoàn toàn, và lòng từ bi vô hạn. Thôi con ở lại đây, sống trong tinh thần ấy. Con đường giải thoát của con đó.

Người thanh niên mỉm cười lạy tạ.

T.H.D
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here