Trang chủ Thiền môn xứ Huế Tranh-Tượng-Pháp khí Những pho tượng đất sét chùa Nôm

Những pho tượng đất sét chùa Nôm

233
0

Những pho tượng đất sét chùa Nôm (Linh Thông cổ tự) tại làng Đại Đồng, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên là một minh chứng. Ngôi cổ tự này hiện vẫn còn lưu giữ được những giá trị tâm linh, với hơn 100 pho tượng làm bằng chất liệu đất sét, dù trải qua hơn 1.000 năm lịch sử.

An nhiên trước những trận “hồng thủy”

Nói đến tượng đất sét ở khu vực miền Bắc, có lẽ khi về chùa Nôm chúng ta mới cảm nhận hết sự phong phú và đa dạng, chính từ bàn tay của những nghệ nhân đã lao động miệt mài không biết mỏi mệt, để có những tác phẩm nghệ thuật được làm ra từ đất mẹ, đồng thời nâng cao giá trị văn hóa tâm linh, góp phần vào dòng chảy của thời đại gốm sứ Lý-Trần.

Hiện chùa Nôm đang tôn thờ hơn 122 pho tượng lớn nhỏ, gồm: bộ Tam thánh, Tam thế, Thập bát La-hán, Bát bộ Kim cương, Thập điện Diêm vương v.v…

 TT.Thích Đồng Huệ, trụ trì chùa, cho biết: Hiện vẫn chưa xác định được niên đại xuất hiện của những pho tượng bằng đất sét tại chùa, nhưng theo một số nhà khoa học, có thể chúng được tạo vào thời Lý-Trần, bởi thời kỳ này gốm sứ Việt Nam có được những thành tựu vượt bậc, sau khi giành được độc lập từ chính quyền đô hộ phong kiến Trung Hoa. 

Dù trải qua nhiều biến cố và thăng trầm theo dòng sử Việt, những pho tượng vẫn an nhiên vững chãi trước phong ba bão táp của cuộc đời. Bằng chứng là vào những năm 1971 và 1986, khi cả miền Bắc ngập chìm trong biển nước, những pho tượng cũng gánh chung số phận khi bị ngâm nhiều ngày trong bão lũ. Khi nước rút, người dân lại thấy những pho tượng uy nghiêm ngồi đấy, mà không bị hư rã, càng làm cho dân làng phát khởi lòng tin bất hoại đối với Phật pháp, như chính sự uy nghiêm vượt qua những trận “hồng thủy” của những pho tượng nơi đây.

Cũng theo Thượng tọa trụ trì, từ khi về nhận trách nhiệm trông coi ngôi chùa, thì vào năm 2000, miền Bắc lại bị lụt lớn trên diện rộng, kéo dài đến các tỉnh Bắc Trung Bộ, toàn bộ những pho tượng ở đây lại phải hứng chịu những trận mưa như trút nước, dưới lớp áo mưa bằng ni-lông từ bao phân u-rê được che phủ ở ngoài, nhưng không làm sao tránh cho khỏi ướt. Thế nhưng khi mưa lũ qua đi, các Ngài vẫn uy nghiêm đứng đấy cho “ngàn thu vang bóng”. Có lẽ do quá trình chế tác, những nghệ nhân đã dồn tâm lực, sức lực vào những tác phẩm nghệ thuật của mình, hay linh khí hội tụ về đây và che chở cho những kiệt tác này mãi được hiện hữu như chính niềm tin về Phật pháp của người dân nơi đây – Thượng tọa chia sẻ.

Những giá trị tâm linh cần được bảo tồn

Về nguyên vật liệu khi tạo tượng đất sét ở miền Bắc và Nam, theo tìm hiểu trên các phương tiện thông tin và các chuyên gia cho thấy, ngoài phần nguyên liệu chính là đất sét được phơi khô tán nhuyễn, sau đó sàng bỏ hết những tạp chất như rễ cây, các kim khí, thì còn có sự khác biệt về việc quy trình sản xuất và các phụ gia để chế tác.

 Điển hình như đối với những pho tượng ở chùa Đất Sét (Sóc Trăng), ngoài nguyên liệu là đất sét được làm sạch sau đó trộn với mạt cưa (nguyên liệu làm nhang) và keo ô-dước tạo thành một hợp chất để chế tác tượng, thì sau khi hoàn thành, các pho tượng được phủ bằng một lớp sơn nước kim nhũ và dầu bóng. Trong khi đó, những pho tượng đất sét ở chùa Nôm, ngoài nguyên liệu chính dùng chế tác, thì phần phụ gia có ít nhiều khác biệt.

ch Nom2.JPG

Tượng Cửu long sơ sanh bằng đồng mang dấu ấn đặc biệt của lịch sử làng Nôm

Theo TT.Thích Đồng Huệ, từ những nghiên cứu, phân tích trên các mảnh vỡ của những pho tượng cho thấy, ngoài nguyên liệu đất sét đã được chọn lọc và làm sạch, còn có vôi tôi, mật mía và giấy bản được nghiền nhỏ, tạo nên một hỗn hợp đặc biệt để nặn thành những bức tượng, sau đó được phủ ở ngoài bằng một lớp sơn ta, cho nên dù trải qua nhiều biến cố tượng vẫn bền chắc và như mới.

Thượng tọa trụ trì còn cho biết thêm, năm 1997, người dân tại đây đã cho sơn lại những pho tượng ở chùa, nhưng nước sơn hiện tại so với nước sơn trước chất lượng không bằng. Hướng sắp đến chùa sẽ phối hợp với các nhà khoa học để nghiên cứu và phục chế lại nước sơn đầu tiên, nhằm giữ gìn giá trị truyền thống vốn có của những tác phẩm này.

Nhìn những pho tượng cổ với giá trị hơn 1.000 năm tuổi vẫn còn uy nghiêm trên bệ, thế hệ ngày nay không khỏi tự hào về những kiệt tác từ sự lao động miệt mài và bàn tay khéo léo của cha ông. Chính từ cái tâm và cái tài của các nghệ nhân xưa mà những tuyệt tác đã được tạo nên và để lại đời, chúng ta cần phải trân trọng và bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc ấy.

 Được biết, làng Nôm trước đây có một thời là nơi sầm uất về nghề buôn bán đồng, nên có câu ca dao“Đồng nát thì về cầu Nôm. Con gái nỏ mồm về ở với cha”. Có thể nhiều làng đồng ở Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa hay phường đúc đồng ở Huế đều có nguồn gốc xuất xứ từ làng Nôm; nhưng có một điều đặc biệt là những pho tượng đất nơi đây vẫn được giữ lại mà không có một sự đổi thay nào, điều đó càng thể hiện nét đẹp trong việc bảo tồn, và giữ gìn những giá trị truyền thống của cha ông ta. 

ch Nom4.JPG

Bộ tượng Thập bát La-hán

ch Nom3.JPG

Bộ tượng Bát bộ Kim cương

Xã hội ngày nay đang trên đà phát triển, nhiều nhà nghiên cứu đã quay về tìm hiểu những giá trị cội nguồn, những khoảnh khắc lịch sử để tìm hiểu những giá trị sống của cha ông xưa. Bên cạnh những giá trị về đời sống vật chất, thì nguồn cội tâm linh cũng được quan tâm hướng đến. 

Thiết nghĩ, những pho tượng bằng đất sét tại chùa Nôm, ít nhiều cũng mang dáng dấp của một thời đại phát triển về nghệ thuật gốm sứ và đất nung, để có thể hòa mình vào dòng chảy lịch sử về một thời đại phát triển vượt bậc. Bên cạnh đó, những pho tượng nơi đây còn cho thấy giá trị đời sống tâm linh cũng được quan tâm, nuôi dưỡng và tinh thần nhập thế sâu, rộng của một thời đại hoàng kim (Lý-Trần) mà Phật giáo được cho là quốc giáo.

Bài, ảnh: Nguyễn Hạnh: nguồn: GNO

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here