Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Nam Công thương cuộc-liên doanh đúc đồng đầu tiên ở Huế

Nam Công thương cuộc-liên doanh đúc đồng đầu tiên ở Huế

133
0

Quả là một điều lạ, đến nay, sau gần 90 năm cơ sở Nam Công thương cuộc ra đời, sinh hoạt và tồn tại ngót một thập kỷ (1925 – 1935) ở Phường Đúc – Huế, mà đến nay một vài vị có tham gia sinh hoạt, cùng hậu duệ các vị sáng lập viên ngày ấy vẫn không giải thích được một điều còn như là sự bí ẩn. Đó là không hiểu hết ý nghĩa cụm từ “Nam Công thương cuộc” mà quý vị tiền bối đã đặt tên cho cơ sở sản xuất của mình. Vì lẽ, đây là một tổ hợp tác chuyên sản xuất một số mặt hàng có chất lượng cao theo yêu cầu của phía đặt hàng, chứ không hề có tính cách kinh doanh mua bán ngoài thương trường. Vậy mà quý vị ngày ấy đã lấy cụm từ “Công thương cuộc” đặt cho cơ sở sản xuất đúc đồng của mình! Nên “Nam Công thương cuộc” vẫn còn là một bí ẩn về ý nghĩa, chưa minh giải hết để có thể hiểu được ý đồ chỉ đạo của các cụ ta ngày ấy.

Phải trải qua một quá trình lịch sử truyền thống của một địa danh lịch sử (1636 – 1774) – Chú Súng trường hay Trường đúc (Trường đồng) và một làng nghề đúc đồng truyền thống Phường Đúc hơn 230 năm qua, kể từ sau ngày Công tượng đúc đồng ở Phường Đúc được dời về Vũ Khố ở nội thành Phú Xuân, mà những con người của làng nghề ấy vẫn liên tục phục vụ các thời đại thăng trầm của các Chúa Nguyễn và vua Triều Nguyễn (1636 – 1945), mới sản sinh được những con người có tư tưởng tiến bộ trong ngành đúc đồng truyền thống Huế, để có thể khai sinh ra một Nam Công thương cuộc lừng danh một thời (đề nghị xem lại bài viết về Phường Đúc trong Nội san Liễu Quán, phát hành tháng 8-2007 để nắm rõ thêm mặt lịch sử của vùng đất này).

* Những con người nhen nhóm nên “Nam Công thương cuộc”:

Có thể nói, “Nam Công thương cuộc” là một cơ sở sản xuất đúc đồng tiến bộ, thực hiện theo yêu cầu của phía khách hàng. Được hình thành và hoạt động dưới hình thức liên doanh, phối hợp giữa những người có đầu óc cách tân sớm. Nòng cốt là giữa hai người bạn chí thân ở gần nhau, một ở Ấp Kinh Nhơn, một ở Ấp Bản Bộ. Cùng mang họ Nguyễn, nhưng xuất thân của hai dòng họ rất khác nhau và thân thế sự nghiệp của hai người cũng khác nhau rất xa. Thế mà họ đã chơi thân với nhau đến trọn đời và đã cùng phối hợp thực hiện nhiều công việc lớn lưu danh hậu thế!

+ Ông Nguyễn Hữu Tuân (1899-1967) (Thân sinh của ông Nguyễn Hữu Thông, GĐ. Phân Viện Nghiên cứu Văn hóa – Thông tin Miền Trung) là con cháu của vị Phú hộ trong vùng, đến độ ngày ấy đã có câu nói loan truyền trong dân gian: “Lúa ông Câu Khuyên, tiền ông Quản Lạc, bạc ông Bồ ghè”( ). Ông Quản Lạc vẫn còn để lại một ngôi vườn rộng và một ngôi nhà vườn thuộc loại cổ và đẹp nhất ở Phường Đúc, hiện ở tổ 17. Và ông Thông vẫn bảo lưu được với chiếc cổng xây vào nhà khá đẹp, chạm khắc tinh vi, mái lợp ngói…

Ông Nguyễn Hữu Tuân tục gọi là ông Nghè Đường, có trình độ Hán học lẫn Tây học, lại am hiểu Phật học … là thành viên Hội An Nam Phật học và là một trong ba vị Phổ Trưởng đầu tiên của Gia đình Phật hóa Phổ ở Huế. Hầu như suốt đời ông không hề làm lụng vất vả mà chỉ thích thú với Kinh sách thơ phú, hoa lá cây cảnh và chim chóc trong vườn, cũng có khiếu cầm kỳ thi họa. Do dòng họ ở lâu đời trên đất Phường Đúc nên đã yêu thích nghề đúc đồng truyền thống về kỹ thuật và tinh hoa, ông cũng có khiếu nắn tượng( ). Vì thế mà ông đã kết thân với ông Nguyễn Đình Toại, hậu duệ đời 10 của dòng họ Nguyễn – Kinh Nhơn.

Hai người đã bàn bạc, hoạch định phương án và khai sinh ra “Nam Công thương cuộc”, mà cơ sở sản xuất đặt ngay bên hông vườn nhà ông Nghè Đường, sát con lộ lên Long Thọ, nay là hai nhà số 311 – 315, đường Bùi Thị Xuân, Thành phố Huế.

– Ông Nguyễn Đình Toại (1899 – 1976) (tục gọi là ông Cữu Bính): Là con trai thứ ba của một người dòng họ Nguyễn – Kinh Nhơn, đúc đồng truyền thống. Ông Thân sinh có lúc là lính cận vệ của ông dượng làm Lãnh binh thời Tự Đức. Sau về mở lò đúc gia đình, đã được nhận chế tác một số sản phẩm đúc đồng ở Đại Nội thời Thành Thái, Duy Tân; và sản xuất mặt hàng chủ yếu là nồi đồng từ nồi một đến nồi bung như một số nhà khác. Hàng được lưu hành nhiều nơi, đến lúc dùng cháy hỏng, cũ đen không còn da màu hồng đẹp như lúc mới sản xuất thì được thu mua về làm phế liệu tái chế. Vì thế đã lưu truyền câu ca dao thú vị:

Ra đi mặt đỏ má hồng
Quê cha thì bỏ quê chồng lại theo
Bây giờ tuổi tác đã già
Quê chồng thì bỏ quê cha lại về.

Ông bà thân sinh ông Toại có đến bốn con trai và năm con gái. Người con gái đầu làm dâu ở Sơn Điền, làng Dương Xuân Thượng, có nghề đúc gốc Phước Kiều, Quảng Nam. Bà là thân mẫu ông Nguyễn Văn Thuận (Thoạn) ở thôn Hạ 2, Thủy Xuân, cũng là nghệ nhân đúc, vừa qua đời năm 2007 ở tuổi 91. Các anh và em trai ông Toại đều được ăn học, mà hai người anh có tục danh là ông Giáo và ông Thông, dạy học tư và làm thông ngôn thời Pháp, người em là ông Trợ Bích, liệt sĩ chống Pháp. Ông Toại ít có điều kiện ăn học bởi còn giúp gia đình làm lụng để anh em đi học nên chỉ học được qua loa chữ Hán, Quốc Ngữ và tiếng Tây. Là người vốn thông minh và cương trực, tinh thông nghề đúc đồng truyền thống lại có tính sáng tạo và tự chủ. Cũng nhờ thế mà ông Cữu Bính đã kết bạn thân với ông Nghè Đường, khá hợp tính nên hai người đã cùng sinh hoạt Hội An Nam Phật học và bàn chuyện làm ăn qui mô. Lắm lúc hai người cũng giận nhau vì bất đồng quan điểm và ý kiến. Nhưng rồi hai vị lại hòa với nhau để cùng chung chí hướng.

Ông Nghè Tuân vốn thông minh lịch lãm, quảng giao, tinh thông Nho học mà cũng am tường Tây học, yêu thích nghề đúc truyền thống về mặt thẩm mỹ và lý thuyết; lại có đầu óc cách tân và sáng tạo nên đảm nhận mặt tổ chức, quản lý và ngoại giao. Lại cũng khéo tay, biết tạo mẫu, nắn tượng… Ông Cữu Bính, người có ý chí, thích làm chuyện lớn khác người, đã ngót 30 tuổi vẫn chưa lập gia đình. Những năm đầu thập kỷ 20, thế kỷ XX đã tham gia chế tác triện vàng của vua và các cửa đồng của Lăng Khải Định( )… do tay nghề vững nên đảm trách mặt kỹ thuật sản xuất và đốc công của cơ sở Nam Công thương cuộc.

Một người cùng hợp tác ban đầu với hai sáng lập viên trên là ông Nguyễn Văn Mười (1904 – 1961). Là người có xấp xỉ lứa tuổi, tay nghề vững, cùng dòng họ với ông Cửu Bính, chỉ khác là thuộc Phái Nhất, lại có vườn nhà liền kề với ông Nghè Tuân, nên ông Mười đã cùng cộng tác từ ban đầu. Vài người vừa độ tuổi thanh niên và thiếu niên cũng được tham gia sản xuất hoặc học việc từ ban đầu. Đó là các ông Nguyễn Đức Vọng, em thúc bá ông Cữu Bính, cùng ông Nguyễn Văn Thí, cháu ngoại Họ Nguyễn – Kinh Nhơn và có nhà ở ngay trong ấp Kinh Nhơn, và ông Thuận (Thoạn) có nói ở trên, cháu gọi ông Cửu Bính bằng cậu.

* Một số sản phẩm đúc có tính đặc thù, còn để đời của Nam Công thương cuộc

Lúc đầu, cơ sở này cũng đã sản xuất mặt hàng gia dụng thờ tự như lư đèn, hạt đồng, cơi nước, độc bình, ống đũa… như một số lò đúc tư gia khác. Tiếp đến, đã nhận hợp đồng sản xuất đúc các sản phẩm có tính đặc thù với yêu cầu kỹ thuật cao theo đơn đặt hàng của khách.

1. Ngựa Xích Thố ở chùa Ông, đường Bạch Đằng, Huế.

Năm 1929, cơ sở Nam Công thương cuộc nhận sự đặt hàng của ông Thừa Bị, chế tác một con ngựa đồng rỗng ruột, được gọi là ngựa Xích thố của Ngài Quan Công (Quan Vân Trường) để thờ tại chùa Ông (nay là NPĐ Khuôn Hội Thuận Hóa) cạnh Quốc tự Diệu Đế. Ngựa sau khi chế tác xong nặng khoảng 4 tạ, cao hơn 1m80, bằng một con ngựa thường cưỡi được. Lông và da đen mướt, mắt tai mũi miệng, bờm và đuôi được làm nguội và chạm trỗ tinh vi.

Mẫu đất con Ngựa Xích Thố này do ông Tôn Thất Sa, người ở Phủ Cam, nhà tạc tượng đương thời tạo nên tại cơ sở đúc Nam Công thương cuộc. Để có được mẫu một con ngựa tốt và sống động, người ta đã cho chọn một con ngựa “bát thảo” cao to và béo tốt để làm mẫu sống. Một khoảng thời gian đáng kể, người chăm nuôi dẫn tới hiện trường con ngựa đã chọn, đứng yên để nghệ nhân quan sát các đường nét thực trên mẫu sống mà tạo mẫu đúng gần như thật, sinh động và đẹp. Thời gian thi công từ tạo khuôn sau khi đã có mẫu đất, rồi chuyển thể thành sản phẩm đồng và gia công nguội hoàn chỉnh để giao hàng, được tính đến sáu tháng. Những người tham gia chế tác bản phẩm ngựa xích thố này ngoài những người chủ chốt lo điều hành và đốc công là những người sáng lập Nam Công thương cuộc; còn có thêm ông Đá, anh ruột ông Mười, ông Xuyến và ông Thí (đều là bà con nội – ngoại họ Nguyễn Kinh Nhơn) cùng ông Thuận (tức Thoạn) lúc ấy mới 12 tuổi, được tham gia học việc.

Có vài giai thoại do ông Thuận kể lại. Trong quá trình gia công nguội để hoàn chỉnh sản phẩm, vì ông là người học việc còn nhỏ nên phải chui đầu vào bụng ngựa mà cầm cục đe đồng đỡ vào các vị trí cần thiết để thợ cả bên ngoài cầm búa nguội đệm (gõ nghiến) vào những nơi không được nhẵn ở ngoài da ngựa. Công việc phụ này khiến “ông thợ học việc” này không chịu nổi sự đinh tai nhức óc đến mấy ngày liền! Một chuyện khác có thật, được kể mà khó tin: Lúc ngựa đang để đứng và làm nguội đã gần xong, bà Nghè dạo ấy còn trẻ, nhằm lúc nghỉ trưa vắng thợ, bà bắt ghế leo lên lưng ngựa mà cưỡi… Hôm sau, bà đâm ra nói sảng như người mất trí ! Hỏi ra mới rõ sự việc. Vậy là người chủ chốt trong cơ sở bảo đặt bàn với “lễ bạc lòng thành” mà thành khẩn cầu khấn thì bà mới khỏi… Đến nay, Ngựa Xích Thố này vẫn được thờ tự và bảo quản tốt tại chùa Quan Công, đường Bạch Đằng, Huế.

2. Sáu vạn quan tiền đồng Bảo Đại

Năm 1931, Nam Công thương cuộc trúng được hợp đồng đúc sáu vạn quan tiền đồng Bảo Đại. Sở đúc tiền Bảo Đại đóng tại Vệ tiền nhì nằm cạnh cửa Ngăn (cửa Sập, năm 1968), sát bên trong Thượng Thành.

Hầu như mọi người có tham gia thi công đều phải ăn ở thường xuyên tại công xưởng này đến hơn một năm mới xong hợp đồng. Cách nay gần 80 năm thế mà những người chủ chốt đã nghĩ cách và bàn bạc thống nhất phương án đổ khuôn đúc tiền có tính hiện đại như ngày nay. Đó là tạo vật mẫu và hòm khuôn, chế tạo hỗn hợp cát – đất sét thích hợp rồi đóng khuôn, ghép “dâu” tức xâu khuôn thành chuỗi, tạo rãnh dẫn, ống rót… xong sấy khuôn và nấu đồng rót ra sản phẩm. Đương nhiên là cũng mất công sức và thời gian thử nghiệm mới thành công.

Quá trình sản xuất tiền Bảo Đại ở Vệ tiền nhì cũng không kém phần vất vả. Một trong số đó là được lệnh phá một số khẩu thần công nhỏ, nặng độ vài tạ đã bị hỏng làm nguyên liệu đúc tiền. Muốn phá bỏ thì phải vầy lò, nung đỏ súng rồi đem đập vỡ vụn mới tra vào lò nấu được.

Có một lần, đang nửa chừng đốt củi nung đỏ súng thì bỗng có một người trong nhóm thợ đốt lò đã hộ đồng lên, nhảy quanh lò mà bảo “Ai cho phép đốt lửa nóng lên chỗ ở của ta? Mau dập tắt đi!”. Mọi người có mặt đều hoảng sợ, dừng đốt lửa, đặt bàn thắp hương khấn vái và dời lò đi nơi khác mới yên. Khai quật lên thì ở dưới nơi đốt lò ấy có hài cốt người!.

Sau công tác đúc tiền này thì cả ông Nguyễn Hữu Tuân và ông Nguyễn Đình Toại đều được tặng Cửu phẩm văn giai. Về sau thì ông Tuân lại được dân gọi là ông Nghè. Thời gian này, sau gần 4 năm học việc đã thạo, ông Thuận cũng đã 16 tuổi và được lĩnh lương như những người thợ khác. Nhưng chuyện vui hơn là ông Thuận đã hoàn thành nhiệm vụ “chim xanh” đưa tin đi tin lại với một người bán hàng trên thuyền dọc ở bến Phu Văn Lâu – Thương Bạc, để cậu ruột của mình (ông Toại) chọn được người kết duyên phu phụ.

3.Voi bốn đầu đặt tại công viên Tứ Tượng năm 1932 (cạnh Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Huế)

Tượng Voi này có bốn đầu, bốn vòi, tám chân tỏa ra bốn phía tạo thành bốn nửa thân trước đâu lưng nhau và trên đỉnh tứ tượng có một lọng che. Bên trong rỗng và bốn vòi cong lên để phun nước. Tượng voi đặc trên một trụ xây ở giữa bồn nước, có ống dẫn nối với vòi nước máy xuyên lên đầu voi để bốn vòi voi phun nước ngược lên suốt ngày đêm rất đẹp mắt. Tương truyền để thợ bắt mẫu được chính xác và sống động thì hàng ngày đội giữ voi ở Hổ quyền (Long Thọ) trên đường dẫn voi đi ăn, được lệnh chọn một con béo tốt ghé lại một vài giờ để người tạo mẫu quan sát. (Có nguồn tin, “Voi bốn đầu” này do vua Lào đặt đúc tặng vua Việt Nam (?)).

Chỉ tiết rằng, sau cả hơn 60 năm “Voi bốn đầu” được bảo vệ nơi công cộng làm nơi thưởng ngoạn cho mọi người đến công viên dạo mát, qua bao biến cố xảy ra ở Huế mà vẫn không hề hấn gì, thì mùa hè năm 1990, tượng Voi bốn đầu quý giá này đã bị kẻ gian đánh cắp đem đi đâu không rõ. Lại ở ngay bên hông Cơ quan lãnh đạo Chính quyền Thành phố mà vẫn bị tháo gở. Chẳng biết kẻ gian chỉ vì tham lam bán được mấy cân đồng làm phế liệu hay với mục đích gì? Nghe đâu sau khi phát hiện bị mất cắp, cơ quan chức năng đến hiện trường lục kiếm thì có lượm được một phần cái vòi voi bị bỏ sót lại. Có lẽ “nó” đang được giữ tại Nhà Bảo tàng Huế. Và đáng buồn là sau đó chẳng tìm ra tung tích gì của hiện vật! Và nay thì được đắp lại “Bốn đầu voi nằm bẹp” bằng xi-măng, thật không giống xưa tí nào…

* Thay lời kết
Đến nay, những người ở độ tuổi 70 trở lên cư trú tại ba dãy xóm Kinh Nhơn, Bản Bộ và Trường Đồng vẫn còn hình dung nhớ lại được ở vị trí hai số nhà 311 – 315 Bùi Thị Xuân, Huế là nơi đặt xưởng sản xuất và trụ sở của Nam Công thương cuộc dạo ấy, có trụ cổng với bảng hiệu ghi bằng hai dòng chữ Hán và chữ Pháp to và rõ. Chỉ tiếc rằng những năm cuối của thập kỷ 30, thế kỷ trước thì sinh hoạt của Nam Công thương cuộc lặng dần mà cụ thể là đến nay vẫn không tìm thấy được sản phẩm đáng giá nào sản xuất vào cuối thập kỷ ấy còn lưu lại! Có thể rằng, do mặt điều hành quản lý và đốc công sản xuất… có vấn đề không điều phối được.

Nhưng dù sao đến nay vẫn còn lưu giữ được một số sản phẩm có trình độ kỹ thuật và thẩm mỹ cao, cùng uy tín của Nam Công thương cuộc vẫn còn vang vọng trong tâm thức những người có độ tuổi trên 70 ở Phường Đúc( ). Và một điều đáng nói hơn, là một “hậu thân” của Nam Công thương cuộc đã hình thành và tồn tại dài hơi hơn (từ cuối thập kỉ 40 đến cuối thập kỉ 60) với hình thức cộng tác, quản lí và ăn chia có tính bình đẳng, dân chủ và thoáng hơn, nhuốm màu sắc đạo vị của những người cùng chung tín ngưỡng tôn thờ Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni cùng sinh hoạt tu tập dưới mái chùa. Đó là Ban chú tạo chuông tượng Khuôn Hội Phật giáo Dương Biều; mà Trưởng Ban vẫn là ông Nguyễn Hữu Tuân và Phó Ban kỹ thuật vẫn là ông Nguyễn Đình Toại (thân sinh của Nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Sính). Các thành viên đều chủ yếu là Hội viên Khuôn Hội Dương Biều, có tay nghề chuẩn và tự nguyện tham gia, tỏa rộng cả địa bàn Phường Đúc và Thủy Xuân, Huế. Tầm hoạt động của Ban chú tạo chuông tượng khuôn Dương Biều đã lan ra khá rộng: Đúc hầu hết chuông đại hồng chung và tượng Phật thờ tự tại các chùa và Niệm Phật đường. Khuôn hội ở Thừa Thiên Huế, ra Quảng Trị, vào Quảng Nam – Đà Nẵng, Nha Trang… lên Đà Lạt (năm 1953), mà Trưởng đoàn vẫn là ông Nguyễn Hữu Tuân và Phó đoàn phụ trách kỹ thuật vẫn là ông Nguyễn Đình Toại. Kể cả việc đúc Đại Hồng Chung chùa Xá Lợi ngay tại chùa Long Thọ, Huế vào dạo ấy cũng thế.

Sau ngày đất nước thống nhất, Phật giáo phát triển đều khắp trên phạm vi cả nước, nhu cầu chú tạo chuông tượng để thờ tự khắp nơi đã tạo ra yêu cầu và cho phép hình thành cả con số chục cơ sở đúc ở Phường Đúc và Thủy Xuân; nhận hàng tại chỗ và tỏa rộng khắp nơi để đáp ứng được nhu cầu trước mắt và lâu dài. Thiết nghĩ, đó cũng là một sự truyền thừa qua bao thế hệ tính đến hàng trăm năm của những người thợ đúc – Phật tử Huế, góp phần nhỏ vào công việc phục vụ dân tộc và Đạo Pháp được trường tồn, vinh quang

Tâm Phùng-Nguyễn Văn Dật

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here