Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Một lần qua sông

Một lần qua sông

111
0

Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương
Quy tâm nhật dạ ức Hàm Dương
Vô đoan cánh độ Tang Càn thuỷ
Khước vọng Tinh Châu thị cố hương.

Dịch xuôi:

Làm khách trọ Tinh Châu đã mười năm
Ngày đêm lòng đau đáu nỗi nhớ Hàm Dương
Tình cờ đi qua sông Tang Càn
Xa ngoảnh nhìn lại, Tinh Châu là cố hương).

Dịch thơ:

Quán khách Tinh Châu đã chục sương,
Lòng quê canh cánh nhớ Hàm Dương.
Tình cờ qua bến Tang Càn nọ,
Trông lại Tinh Châu tựa cố hương.(1
)
(Độ Tang Càn – Giả Đảo)

Tôi đọc Độ Tang Càn của Giả Đảo ở chốn xa quê. Và nếu bạn cũng đọc nó với tâm thế của một người sống nơi đất khách, có thể bạn sẽ thấy Giả Đảo không xa lạ gì. Cả bạn và tôi cũng thế, hình dung chúng ta đều cùng mang mang một nỗi niềm. Đó là tâm trạng chung của những kẻ sống trên mặt đất và nhớ bầu trời…

Con người thường là kỳ lạ như thế, không thể sống mà không vọng tưởng, không nhớ, không trông… Nhớ quá khứ, trông chờ tương lai, còn hiện tại mất hút đâu đó giữa chênh vênh tâm tưởng mong và chờ kia. Nhưng với con người, kẻ sống mà không vọng tưởng mới là lạ. Cứ phải nhớ tiếc, khổ đau vì một chuyện đã qua; hay âu lo, chờ đợi một điều gì chưa đến, cuộc sống như vậy, với con người, mới thật sự có ý nghĩa.

“Khách xá”, hai con chữ khô khốc đó cho ta hiểu trọn vẹn một ý nghĩa: chỗ tạm, cõi tạm, “cõi người ta”… trong tâm tưởng người tha hương. Thân ở Tinh Châu mà tinh thần không cùng ở, Ngày đêm lòng đau đáu một nỗi nhớ Hàm Dương. Dường như ngày ở Tinh Châu rất dài… Năm tháng trong lòng người xa xứ thường được tính từng tháng, năm… tưởng như rất cụ thể mà lại mơ hồ như thế.

Nói tới Giả Đảo, ta nhớ tới một thi sĩ đẽo gọt câu chư. Độ Tang Càn không như thế, không thấy dấu hiệu của sự đẽo gọt, chỉ bàng bạc một triết lý thiền sâu sắc, sâu đến mức, nó như một tâm lý tự nhiên của con người.

http://13.media.tumblr.com/XdhUyLGFup4qz1sbz2eij9B2o1_500.jpg

Con sông nào cũng là con sông của bến và bờ. Mà bến có khi là bờ, bờ có khi là bến. Thôi không gọi là bến, là bờ nữa, con người lại gọi là bờ bên này, bờ bên kia. Vẫn phân hai đó thôi. Bên này sông là quê người, bên kia sông mới là quê mình. Thế giới phân hai đó xác định được là nhờ có cái ta làm tâm điểm. Cho nên, tuồng như không phân hai thì cái ta phải lơ lửng, phải tan chảy, phải là không…, khí vị ngậm ngùi của một cái ta trong khoảnh khắc đốn ngộ, vì vậy, sẽ rất người, rất đời thường, thường như một tình cảm chân thực tự nhiên của con người: Mười năm ở quê người là Tinh Châu, lòng không lúc nào thôi nhớ đến quê hương Hàm Dương, không ngờ qua sông Tang Càn rồi, xa nhìn lại Tinh Châu là quê cũ. Thế thôi.

Mà đâu là Tinh Châu, đâu là Hàm Dương? Cái địa danh Tinh Châu ở Sơn Tây, Hàm Dương của Thiểm Tây chỉ là một nét nghĩa mờ, thậm chí không cần biết tới. Cái cụ thể đã thoát thân làm cái trừu tượng. Nhưng cái trừu tượng lại mang ý nghĩa rõ ràng nhất. Không ai trong chúng ta cảm thấy xa lạ với ý nghĩa “ở Tinh Châu mà nhớ Hàm Dương” ấy của Giả Đảo. Thứ tình cảm đau đáu trong lòng ngày đêm kia, một ngày rồi cũng tìm về cho thỏa nhớ trông.

Một lần qua sông, bỗng dưng thấy năm tháng ở quê người sao mà đằng đẳng: “trải mười sương”! Thời gian sống mà như chỉ là thời gian của tâm trạng.Một lần qua sông, chợt thảng thốt nhận ra mình cũng chưa hiểu hết mình, cũng xa lạ với chính mình, ngay cả cảm giác trong lòng Tinh Châu là cố hương, mình cũng bị đánh lừa bởi cái gọi là: Ngày đêm lòng đau đáu một nỗi nhớ Hàm Dương…! Tưởng là xa lạ mà hóa thân quen, tưởng là quê người mà hóa ra từ lâu trong lòng đã là máu thịt… Phải chăng: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn?(2) Mà không phải bấy nhiêu đó, nhận ra quê người Tinh Châu là quê hương của lòng mình, thật ra, đó chính là chỗ ảo diệu vô cùng trong tâm trạng của con người: có nhớ nơi khác thẳm sâu (Ngày đêm lòng đau đáu nỗi nhớ Hàm Dương), mới có lúc nhớ cái đã quên từ sâu thẳm (Tinh Châu là cố hương). Cứ ở đây mà trông kia đi, rồi sẽ có một cuộc ra đi để trở về tình cờ nào đó khiến cho ta ngạc nhiên: ta đã yêu lắm thứ mà chính ta cứ ngỡ là xa lạ. Cuộc biệt ly sẽ làm sáng rõ tất cả. Tinh thần thực tiễn trong nhận thức sống của dân tộc Trung Hoa là ở chỗ đó, cái mà chúng ta thường nói Phật giáo Trung Hoa chính là Thiền được Trung Hoa hoá cũng là ở đó.

Cho nên, “qua sông” một lần là để một lần thấy ra cảm giác thật của lòng mình. Một lần qua sông, một khoảnh khắc đốn ngộ. “Độ”, từ ngữ Trung Hoa này gợi cho chúng ta nhớ đến Bát nhã tâm kinh. Không ngẫu nhiên chút nào khi ta liên hệ “độ” trong Vô đoan cánh độ Tang Càn thủy với “độ” trong “độ nhất thiết khổ ách”: vượt qua, qua. Lại thêm từ “cánh”, cánh là rồi, là xong, là rốt ráo…, là như “giai không”. Cánh độ: qua rồi, qua tất cả rồi, một sự vượt thoát, vượt lên, đi qua rồi. Câu kinh “yết đế, yết đế…” của Bát nhã như có ai hát lên ở đây.

Phải thấy năm uẩn đều là không thì mới vượt thoát mọi khổ ách. Phải đứng ra khỏi năm uẩn mới thấy năm uẩn là không phải ta. Cho nên ta hiểu tại sao phải một lần qua sông! Cứ hiểu như Govinda trong Con đường mây trắng: “Muốn nhận rõ kích thước một ngọn núi ta phải đứng xa nó; để thu nhận dạng của nó vào lòng ta phải đi quanh nó; để hiểu vui buồn của nó ta phải biết quan sát nó trong mọi thời khắc của ngày của năm: lúc mặt trời mọc và lặn, giữa trưa và trong sự tĩnh lặng nửa đêm, trong những ngày mưa tối và dưới bầu trời xanh, trong tuyết mùa đông  và giữa những cơn bão…”. Nhưng nào phải là một sự trù tính sẵn, một kế hoạch định sẵn. Tự nhiên vậy thôi, xa quê tự nhiên nhớ quê, nhưng cũng tự nhiên qua sông, tự nhiên ngoảnh đầu trông lại… và thực tại vỡ òa…

http://hobac.vnweblogs.com/gallery/4347/44736-620006.JPG

Lịch sử Thiền Trung Quốc bàng bạc những sự “đột nhiên” khai mở thú vị như thế. Nó cũng là tâm thế sống của dân tộc này. Họ thực tiễn mà không đến nỗi là thực dụng; họ không bao giờ đánh đổi kiếp người nhọc nhằn mưu sinh của họ trên mặt đất này, dưới bầu trời này bằng một kiếp sống khác, chỉ mong kéo dài thêm mà thôi… và họ đã tin là con người có thể “trường sinh bất tử” được. Họ thích thú nhận diện cuộc sống, nhận diện những tâm lý mới mẽ, kỳ lạ mà hết mực tự nhiên trong chính con người họ. Cho nên văn nhân Trung Hoa kiên nhẫn đưa vào thơ của họ những hình ảnh, những khía cạnh rất tầm thường mà đầy nhân tính, trần gian tính vô cùng ý vị của cuộc sống. Nó có nghĩa rằng, ta không thể bỏ qua quan niệm về nhân sinh và thế giới của người Trung Hoa khi tìm hiểu thơ văn, nghệ thuật của họ.

Dù đến ngày nay, người ta vẫn còn hoài nghi độ thật hư  về nụ cười của Tôn giả Ca-diếp và cành hoacủa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong hội chúng Linh Sơn(3), Phật giáo Trung Quốc vẫn  là thứ Thiền Ấn Độ được Trung Quốc hóa, điều đó không ai chối cãi được. Khổ đau, hạnh phúc, bình an cuộc sống …. được diễn tả trong thơ Đường rất ư làcụ thể, giản dị: một sợi khói chiều, một cánh cổng sài khép nhẹ, một cánh chim lẻ loi bay lạc, thiếu phụ soi gương thấy đầu bạc… Và chính vì thế giới khách quan, nội tâm cũng như ngoại giới, được miêu tả như là một quá trình nhận thức, nó lấy cái cụ thể, hữu hình để biểu hiện cái trừu tượng, cái vô hình… nên sức gợi của thơ Đường là rất lớn. Nói như Will Duran: “Nó không biện luận, nó gợi cho ta hiểu thôi; nó nói ít, làm thinh nhiều hơn”.

Cũng vậy, thơ văn của họ không diễn giải một thứ giáo nghĩa tôn giáo nào, kể cả thiền tông, mặc dù giữa chúng đã thẩm thấu lẫn nhau, chuyển hóa cho nhau. Với người Trung Quốc, chính vẻ đẹp cuộc sống chân thực, giản đơn, tĩnh lặng… là thiền; khả năng “thõng tay vào chợ” là sự rốt ráo của thiền. Cho nên thiền không còn phải câu thúc trong hơi thở, trong thế ngồi, trong sự tĩnh lặng của mái chùa…, mà thiền được nhìn thấy qua thiên nhiên muôn màu muôn vẻ: một chiếc lá rụng, một dòng nước trôi…, nhiều lắm là một tiếng chuông không trụ xứ vọng lại, một nhà sư  không nói lời nào…

Đời người chẳng phải là một trải nghiệm, một (hay nhiều) công án sao? Có quá không khi nói rằng, ở một mức độ nhất định, bài thơ như là sự biểu đạt của một công án hay một sự “liễu ngộ”? Qua sông như thế thì trong chúng ta, ai là người đã được một lần qua sông? Biết bao giờ ta mới có một lần qua sông như thế?  

Đ.V.T.T.

Chú thích:

(1)     Lê Nguyễn Lưu, Đường thi tuyển dịch, NXB Thuận Hóa, Huế, 1997, tr. 1114
(2)     Thơ Chế Lan Viên
(3)     Thuật ngữ thường dùng: “niêm hoa vi tiếu”

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here