Trang chủ Vấn đề hôm nay Hà Nội: Chùa Pháp Vân tổ chức tọa đàm về cứu trợ...

Hà Nội: Chùa Pháp Vân tổ chức tọa đàm về cứu trợ thiên tai tại cộng đồng

135
0
Tham dự buổi tọa đàm có PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; Ts.Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ; HT.Thích Hải Ấn, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; Thượng tọa Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân; bà Trần Thị Minh Nga, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Nguyễn Văn Long, Phó Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ cùng các vị chuyên viên thuộc Ban; bà Nguyễn Thị Hồng Cẩm, đại diện tổ chức Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam; Ni sư Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề, Trưởng ban Từ thiện Xã hội Phật giáo Hà Nội; Ni sư Thích Diệu Đàm, Trưởng Ban Từ thiện xã hội PG Thừa Thiên Huế và các diễn giả đại diện cho các tổ chức, ban ngành ở trung ương và Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biện là sự hiện diện của các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, tăng, ni cũng về tham dự chương trình. 

Toàn cảnh tọa đàm

Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của Biến đổi khí hậu (BĐKH). Các kịch bản về BĐKH tại Việt Nam cho thấy trong nhiều năm sắp tới, nhiệt độ trung bình của nước ta sẽ tăng 2-3 độ C, mực nước biển có thể dâng lên khoảng 1m… Theo kịch bản này, đến 2030, 10-12% dân số của nước ta chịu tác động trực tiếp của BĐKH, tổn thất về kinh tế sẽ là 10% GDP/năm. Trên bản đồ thiên tai của thế giới, Việt Nam là một trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất. Các loại thiên tai điển hình (bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, v.v)… diễn ra hàng năm, đã gây thiệt hại về người (từ 500-700 người/năm) và tài sản (thiệt hại về kinh tế từ 1 đến 1,5% tổng GDP quốc gia mỗi năm). 
 
Khai mạc chương trình, PGS.TS Trương Mạnh Tiến đã nêu: Việt Nam đã có các chương trình đáp ứng rủi ro thiên tai nhanh và hiệu quả do có được các kinh nghiệm quý báu trong phòng ngừa giảm nhẹ rủi ro thiên tai, khả năng huy động các nguồn lực cũng là một thế mạnh trong lĩnh vực này. Tuy vậy, các hạn chế về điều phối, nhận thức của lãnh đạo về cứu trợ nhân đạo theo hướng phát triển, cách quản lý có tính giải trình minh bạch. Những cố gắng của Việt Nam để giải quyết vấn đề cứu trợ thiên tai, ngoài khung pháp lý được chính phủ cho phép, trong những năm qua các chương trình hành động của Chính phủ Việt Nam về chiến lược quốc gia phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 đã được triển khai ở nhiều cấp độ và nhiều khía cạnh. Tham gia chương trình đó là sự ủng hộ của toàn xã hội trong đó vai trò của các tôn giáo và các tổ chức Hội có ý nghĩa rất tích cực. 
 
Chính phủ Việt Nam đã có khung pháp lý cho việc thực hiện các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai, cứu trợ nhân đạo cho người dân và địa phương bị tổn thương bởi thiên tai trong nhiều năm qua, tiêu biểu như: Chiến lược quốc gia phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020,  Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, Luật về phòng ngừa và ứng phó thảm họa, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện.
 
Vai trò của tôn giáo Việt Nam trong hưởng ứng việc cứu trợ tại cộng đồng với phương châm nhập thế và triết lý Từ bi (Phật giáo), Bác ái (Công giáo),… đã có rất nhiều hoạt động  giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có người bị thiên tai bão lụt hàng năm. Việt Nam không chỉ giúp người bị thiên tai trong nước mà còn giúp cả người bị thiên tai ở nước ngoài như người bị sóng thần ở Indonesia, động đất ở Nhật Bản, động đất ở Nepan,…

Ts.Bùi Hữu Dược phát biểu

Đánh giá về thực trạng của hoạt động cứu trợ thiên tai, Ts.Bùi Hữu Dược nhận định: Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam rất nỗ lực trong các hoạt động từ thiện xã hội nhân đạo, song ở một khía cạnh nào đó, có thể nhận thấy một số hạn chế như: đa số làm từ các chương trình tự phát, thiếu bài bản, thiếu sự hợp tác, điều phối tổng thể hiệu quả, làm ảnh hưởng đến việc cứu trợ thiên tai, khiến dư luận xã hội mất lòng tin. Để khắc phục điều đó, thông qua tổ chức Hội có nền tảng kiến thức, lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn để quy tụ tập hợp và định hướng cho hoạt động từ thiện đó thật sự hiệu quả. Cải thiện chất lượng hoạt động cứu trợ cộng đồng của tôn giáo Việt Nam trong giảm nhẹ rủi ro trong thiên tai. Muốn đạt được, mục đích trước mắt cần nâng cao nhận thức của lãnh đạo tôn giáo và các cơ quan liên quan về việc cấp thiết phải xây dựng kế hoạch cải thiện chất lượng cứu trợ thiên tai cho cộng đồng khó khăn tại Việt Nam.

Các đại biểu tham gia chương trình đã sôi nổi đưa ra ý kiến, nêu lên thực trạng hoạt động cứu trợ ở địa phương mình, với những mặt hiệu quả và hạn chế nhất định. Hội thảo đi đến thống nhất quy trình cứu trợ thiên tai hiệu quả: Từ khi xảy ra thiên tai, trong vòng 12 giờ sẽ tiến hành đánh giá thiệt hại, đánh giá nhu cầu của người dân và địa phương, sau đó lên kế hoạch cứu trợ, vận động tài trợ để tổ chức cứu trợ, cuối cùng là báo cáo tổng kết sau chương trình. 

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm sau chương trình

Để hoạt động cứu trợ phát huy đúng hiệu quả và mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp trong cộng đồng, phát huy đúng tinh thần tương thân tương ái, các cá nhân, tổ chức cần nghiên cứu các phương pháp thực hiện chuẩn chỉnh, đặc biệt nêu cao vấn đề đạo đức con người trong các hoạt động xã hội.  

Tường Vy

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here