Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Đài Thánh Tử đạo, dấu ấn mùa Phật đản 1963

Đài Thánh Tử đạo, dấu ấn mùa Phật đản 1963

142
0

Đức Đệ nhị Tăng Thống, Trú trì Tổ đình Thiền Tôn, tức Thiền sư Trừng Thuỷ Giác Nhiên, đã chứng minh hai buổi lễ long trọng này. Chư Tôn Thiền đức trong hàng Giáo phẩm lưỡng viện Trung ương đã về Huế tham dự lễ. Các quan chức đứng đầu chính quyền đương thời, từ cấp Phần, cấp Tỉnh, cấp Thành phố cho đến cấp Phường, Xã đều đã đáp lời mời của Giáo hội, hiện diện đông đủ và đặt vòng hoa tưởng niệm dưới chân Đài. Quần chúng và hàng vạn Phật tử các giới cùng bày tỏ niềm hoan hỷ, hãnh diện được tham dự buổi lễ cầu nguyện đất nước thanh bình, chư Thánh Tử Đạo siêu sinh Lạc quốc. Một trong nhiều ấn tượng còn đọng lại trong tâm thức của toàn thể mọi người dự lễ hôm ấy là bài diễn văn của Cố Hoà thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên kiêm Trưởng Ban Tổ chức Lễ Khánh thành Đài Kỷ niệm Thánh Tử Đạo, trong đó có đoạn: “… Lập Đài Kỷ niệm này, chúng tôi chỉ muốn cho mọi người Phật tử Việt Nam nhớ lại công đức của những người đã hy sinh… để tự mình đừng quên nhiệm vụ của chính mình đối với Dân tộc, đối với Đạo pháp”.

Để việc ghi nhớ công đức anh linh chư Thánh trở thành truyền thống, hằng năm, trước ngày Phật đản, vào chiều 14.4 âm lịch, Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên tổ chức Lễ nhiễu và đặt vòng hoa tưởng niệm tại Đài Thánh Tử Đạo. Mỗi lần tháp tùng theo đoàn, được đi nhiễu và ngắm nhìn Đài Kỷ niệm uy nghi tĩnh toạ giữa lòng đô thị Huế, dù có nhắm mắt tôi cũng không thể nào quên được người đã vẽ nên đồ án kiến trúc công trình này. Ông không phải là một kiến trúc sư nổi danh, cũng chẳng phải là người có uy tín lớn thời bấy giờ. Ông chỉ là một kỹ sư công chánh với tuổi đời chỉ mới 28 nhưng trong huyết quản đã mang sẵn hạt giống Phật: Kỹ sư Ngô Nẫm, người làng Ưu Điềm, tốt nghiệp trường Kỹ sư Công Chánh thuộc Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ, Trưởng Phòng Thiết kế Đô thị, về sau trở thành Trưởng ty Kiến thiết tỉnh Thừa Thiên. Đồ án thiết kế Đài Kỷ niệm được vẽ xong, Hoà thượng Thích Thiện Siêu (lúc này còn là Thượng toạ), Trú trì Tổ đình Từ Đàm, đã trực tiếp chuẩn lại bản thảo trước khi trình chư Tôn Giáo phẩm trong Hội đồng lưỡng viện Phật giáo Trung ương xem xét, góp ý để đi đến quyết định chọn bản vẽ cuối cùng.

Đài Thánh Tử Đạo nằm trên trục ngang phía trước Đài Phát Thanh Huế, theo trục đường dọc của bờ nam sông Hương, xuất phát từ cầu Trường Tiền đến Nam Trường Đình An Cựu(1) nối dài từ bến Cà phê Da Vàng cho đến tận cuối đường, tiếp giáp với Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán. Đài được dựng trước bồn hoa Đài phát thanh Huế, tính ra chưa đầy 140 mét vuông, cách bờ nam sông Hương bởi đường Nguyễn Đình Chiểu, con đường dành riêng cho người đi bộ, kể từ sau Festival Huế lần thứ hai, năm 2002.

Về cơ bản, Đài Thánh Tử Đạo được thiết kế gồm 3 phần: phần đế, phần thân và phần đỉnh. Phần đế được xem như phần mộ, gồm trụ đế và đài, có chiều cao 0m80, chu vi khoảng 9m91. Ba chân đế có dạng cuống sen, trông như hình trụ đá vua A-dục, vừa giống như ba cái bao lơn trong nhiều bao lơn ở hai bên đường đi bộ của cầu Trường Tiền ngày xưa. Toàn đế trông như ngôi mộ hình cổ ngựa.

Phần đài hoa dễ nhận dạng hơn, vì đó là cả một hoa sen gồm 8 cánh, biểu trưng cho Bát Thánh Đạo, mà cũng là biểu trưng cho 8 vị Thánh. Phần tiểu tiết này gồm 4 khối dẹp tựa như hình 4 viên trụ với độ cao lần lượt: 11cm+3cm+6cm+10cm chồng lên nhau. Chu vi vòng cầu thu hẹp dần hồi đến vị trí cao nhất chỉ còn 5m13, tượng trưng cho tính Viên dung. Chung quanh có gắn 36 nụ với hai nụ chính lồi ra, mỗi nụ bằng quả bóng bàn trông như chuỗi tràng hạt Bồ đề. Từ trên cuống sen, tức đài hoa, mỗi cánh vươn lên có chiều cao 0m67, bề ngang rộng 0m80. Cấu trúc mỗi cánh sen xoay đầu theo hình chéo lên trông như hai trang sách học trò đang còn lật dang dở, tượng trưng cho các Thánh đã tử vì Đạo lúc tuổi còn măng non mà tác giả muốn gửi gắm tình đạo, tình đời.

Phần thân được xây theo chữ Tứ với khối lăng trụ gồm 4 mặt, kiểu như hình tháp Điều Ngự của chùa Thánh Duyên ở núi Thuý Vân. Phần thiết trụ bên dưới được đúc hình vuông có cạnh 0m90, tiến dần lên trên cạnh thu hẹp lại còn 0m77 và chiều cao của tháp là 1m28. Mặt tiền tháp hướng ra ngã sáu của giao lộ, được dùng làm bia ghi lạc khoản “Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật lịch 2507, ngày 8.5.1963” ở bên trên, “Giáo hội Thừa Thiên phụng lập” ở phía dưới và ở giữa ghi pháp danh và thế danh 8 vị Thánh:

          Tâm Đồng – Đặng Văn Công.
          Tâm Thành – Dương Viết Đạt
          Tâm Thanh – Nguyễn Thị Yến
          Tâm Thông – Nguyễn Thị Phúc
          Tâm Hiển – Lê Thị Kim Anh
          Tâm Thuận – Trần Thị Phước Trị
          Tâm Chánh – Nguyễn Thị Ngọc Lan
          Tâm Tôn – Huyền Tôn Nữ Tuyết Hoà.

Phía sau bia tháp là bài minh bằng chữ Hán(2) được viết theo lối chân phương khắc sâu vào đá cẩm thạch:

          “Toàn thiện thay, Tám vị Thánh!
          Sanh là tuấn anh, chết thành Thánh linh.
          Sông Hương núi Ngự, rạng rỡ kết tinh.
          Chánh ngược triều Ngô thân dẫu gặp,
          Hồn mai nước Phật kiếp lai sanh.
          Thà cam nát thịt tan xương, giữ gìn Chánh pháp,
          Mặc kẻ báng Tăng huỷ Phật, họ phải hy sinh.
          Nhìn xưa rồi ngó lại nay, kẻ đại bi rồi mới là đại lực,
          Không sau mà chẳng có trước,
          Chỉ tranh đấu cho thấy uy danh.

Đây là việc xảy ra tại đài Phát thanh Huế, đêm Phật đản năm Quý Mão, Phật lịch 2507. Mùa đông năm Ất Tỵ, nay dựng theo chúng nghị, dựng lên Đài này, khắc ghi danh các “Vì Tử Đạo”, hầu tỏ lòng nêu việc thiện người xưa.

          Nói cũng dài dòng, chuông sớm trống mai ngồi nhớ lại,
          Hồn khi trở bước, chùa xưa cảnh cũ tới thăm cùng (3).

Bài minh gồm 11 hàng dọc. Phần lạc khoản chỉ một dòng duy nhất. Cộng tất cả có 13 dòng, được viết theo đúng quy cách, chữ nào quan trọng thì được “đài” lên cao. Đường chành ngang dưới tháp là một khối lăng trụ có bề dày 40cm. Phía trước có gắn 3 nụ lớn biểu trưng cho tinh thần Bi-Trí-Dũng. Tiểu tiết này chính là phần nối kết giữa đế và tháp. Đường chành trên cũng là một khối lăng trụ dày 14cm có hoa văn hình nhiều lá sen trông như hình đầu của một long vị. Đỉnh đài là một chậu hoa được trang trí bằng hình lá sen phủ ngược và 3 quả cầu lớn, vừa, nhỏ chồng lên khối trụ tháp có mặt tiền khắc bài minh vừa là bài vị 8 vị Thánh. Ba quả cầu chồng lên nhau biểu trưng cho tam bảo Phật-Pháp-Tăng. Chiều cao của phần đỉnh ước chừng 1m50. Phía trên cao và cũng trên cùng là pháp luân được đúc bằng gang ngã màu nâu sồng, biểu thị cho lý Duyên khởi hay 12 nhân duyên. Như vậy, tổng chiều cao của đài gồm 3 phần đế, thân và đỉnh vừa chẳn 6m.

Cửa chính của đài rộng 2m40, nằm theo thế toạ Khảm hướng Giáp, ứng với hướng Đông Bắc–Tây Nam kiêm 200 độ Bắc, một hướng lý tưởng của mộ phần thường gặp. Ngoài ra có hai cửa phụ: một tiếp đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu về phía bên trái, một tiếp đường Lê Lợi về phía bên phải theo hướng nhìn từ trong ra. Mặt bằng toạ lạc của Đài do Chính quyền cũ đồng ý nhường lại một phần sân Đài Phát thanh mà nay đổi chủ nhân mới là Công ty Du lịch Hương Giang. Ngày nay mái rêu phong của toà nhà Tây cũ đã được hạ thấp cho ngang bằng với độ cao của vách tường. Đứng từ Đài Kỷ niệm ta có thể nhìn bốn bề thông thoáng; thấy rõ Thương Bạc, Phu Văn Lâu, Kỳ Đài, bến thuyền du lịch Toà Khâm, chợ Đông Ba và các ngã rẽ của dòng Hương xuôi về Đập Đá.

Như thế, Đài Thánh Tử Đạo được xây trên một địa thế lý tưởng và được thiết kế theo đồ án rất đặc biệt. Có thể nói đây là một công trình kiến trúc đặc trưng được kết hợp hài hoà giữa mộ, đài và tháp của Phật giáo.

Đài Thánh Tử Đạo được kỹ sư Ngô Nẫm thiết kế không chỉ bằng đôi mắt mà tất cả các giác quan, và đạo tâm, để từ năm 1965 trở về sau, nơi tâm điểm của giao lộ ở phía nam múi chân cầu Trường Tiền bên bờ sông Hương, luôn trở thành điểm sáng tâm linh cho đô thị.

Nhớ lại ngày trước, khi “quốc gia Việt Nam” còn thuộc khối Liên hiệp Pháp mà đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại, Dụ số 10 được làm tại Việt Nam, ngày mồng 6 tháng 8 năm 1950 nhưng lại được ký ở thành phố Canne, trung tâm hoa lệ của nền điện ảnh Pháp và thế giới, đã xếp Tổng hội Phật giáo Việt Nam ngang bằng các hiệp hội từ thiện, văn học, mỹ nghệ, tiêu khiển, thanh niên, thể thao và đồng nghiệp ái hữu. Sự bất bình đẳng thể hiệm rõ: “Chế độ đặc biệt cho các Hội truyền giáo Thiên Chúa và Gia Tô và các Hoa kiều lý sự Hội sẽ ấn định sau” đã hàm ý ỡm ờ, lập loà, biểu lộ sự coi thường con đen dân đỏ, trở thành đề tài nhàn đàm của nhân thế qua nhiều thế hệ trong hơn một kỷ nguyên phương Đông(4). Nhưng chẳng ai ngờ là Dụ này đã để lại di hoạ cho người kế nhiệm vai trò của Quốc trưởng Bảo Đại và những người thâm tính vây quanh ghế ngồi theo sự xếp đặt lên ngôi của ngoại bang, để rồi Phật pháp phải lâm vào một kiếp nạn kể từ đêm hôm ấy…

Đêm hôm ấy là đêm gì? Đêm mồng 8 tháng 5, rạng mồng 9 tháng 5 năm 1963, năm con Mèo. Một vụ tàn sát tại Đài Phát thanh Huế, nhằm vào đêm Rằm tháng tư năm Quý Mão, ngày mở đầu của Phật lịch 2507, và cũng là ngày đầu tiên của Pháp nạn, hay còn gọi là Phật nạn.

Nửa đêm giờ Tý canh ba, kém 10 phút thì đúng 23 giờ, trước khi bước qua ngưỡng cửa của ngày mới, giữa cái khoảnh khắc “thấy con chim kêu cũng sợ, thấy con cá vẫy vùng cũng kiêng”, bỗng người ta nghe hai tiếng nổ long trời rồi tiếp theo hàng loạt tiếng súng 12 ly 7 từ xe bọc thép (half-trucks) và lách tách tiếng súng nhỏ khác… Kết thúc trong nhiều khoảnh khắc. 23 giờ theo đồng hồ Đài Phát thanh. Cả thành phố Huế im lặng đến rợn người! Ai buột miệng ra “khẩu lệnh”? Lệnh từ đâu? Lệnh từ trên trời xanh giáng xuống lúc ráng đỏ giữa bữa cơm chiều, uy lực hơn cả chính quyền đương đại.

Nơi đây, hơn 46 năm trước đã diễn ra sự kiện bi hùng trong Pháp nạn năm 1963

Quảng đại quần chúng đều nhìn thấy 7 người chết ngay tại chỗ và 15 người bị thương được ba xe hồng thập tự chở về điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế. Một người nữa qua đời tại phòng cấp cứu(5). Trong số 8 người chết(6), có 2 em học sinh bị xe bọc thép cán mất nửa đầu, một em bị cán mất một phần đầu không nhận diện được và một em bị mất hẳn đầu. Bác sĩ Nguyễn Quang Môn thuộc Ty Y tế Thừa Thiên và ông Dương Đăng Bảng, chuyên gia đầu ngành về Huyết học tại Huế, đã tự tay gom 7 xác chết, khiêng đặt vào một góc Đài Phát thanh. Người khám nghiệm tử thi ban đầu là bác sĩ Nguyễn Văn Đệ, nguyên ở ngành Quân y, Giảng viên Trường Đại học Y khoa Huế, vừa là Bác sĩ điều trị tại bệnh viện Trung ương. Đáng kính phục là bác sĩ Lê Khắc Quyến, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Phụ tá Khoa trưởng Trường Đại học Y khoa Huế, con người “uy vũ bất năng khuất”, đã cương quyết không chịu duyệt ký vào biên bản và y chứng khám nghiệm tử thi tại chỗ(7). 

Chính quyền nói và có văn bản giấy trắng mực đen. Trong bản báo cáo cho phái đoàn đại diện Liên Hiệp quốc đến điều tra về việc vi phạm nhân quyền tại miền Nam Việt Nam, từ 24.10 đến 3.11.1963, thiếu tướng Trần Tử Oai đã cho rằng hai tiếng nổ lớn ấy được phát ra từ chất nổ (plastic) do “đối phương” gây nên. Nhưng hàng vạn nhân chứng, đủ mọi thành phần xã hội, nhiều vô cùng những người còn sống đến ngày hôm nay đều khẳng định đó là tiếng nổ của hai quả lựu đạn, được phát ra từ xe bọc thép có khắc rõ 3 chữ “Ngô Đình Khôi” bằng sơn trắng(8).

Nhạc sĩ Ngô Ganh, Trưởng Đài phát thanh Huế, trong văn thư Mật số 7-ĐPT/H/HC/M gởi ông Giám đốc Nha Vô tuyến truyền thanh Việt Nam ở Sài Gòn, ngày 9.5.1963, đã viết: “Trong khi chúng tôi làm báo cáo này kính trình ông Giám đốc thì hiện còn một số tóc, não và máu me của các nạn nhân dính vào vách trong Phòng Chương trình và mùi tanh của máu người vẫn còn nồng nặc” (9).

Nguyên nhân nào khiến dân chúng và Phật tử các giới tập trung quá đông trước Đài Phát thanh, chật ních cả sân, ngoài các lề đường và cả phía công viên Toà Khâm gần nhà kèn, nơi xưa kia lính Pháp và Việt binh đoàn thổi kèn Tây tò te? Đến để chờ nghe phát thanh cuốn băng nhựa thâu lại buổi lễ Phật đản tại chùa Từ Đàm vào sáng rằm tháng Tư âm lịch (8.5.1963). Bởi theo thông lệ hằng năm, cứ vào 20 giờ 05 phút, Đài sẽ phát thanh lại nội dung lễ Phật đản. Dân chúng ở khắp các vùng trong tỉnh Thừa Thiên nô nức về tập họp trước sân Đài từ lúc 18 giờ vì sợ không còn chỗ đứng. Hôm ấy, đêm đã về khuya, hơn 22 giờ 45 rồi mà Đài phát thanh vẫn im lìm. Chờ lệnh? Nhưng lệnh trên trời xanh lại ban xuống theo lối chuyền khẩu “Không cho phép”!

Trước lễ Phật đản, phủ Tổng thống gửi công điện đến cho tất cả tỉnh trưởng và thị trưởng và buộc phải thi hành chỉ thị với nội dung vô cùng kỳ lạ: “Đổng lý văn phòng Phủ Tổng thống điện quý Ông Tỉnh trưởng Thừa Thiên.
Văn phòng Phủ Tổng thống trân trọng kính chuyển đến quý Ông chỉ thị sau đây của Tổng thống: “Ra chỉ thị cho các cơ quan phụng tự bất câu tôn giáo nào trên các cơ sở phụng tự (nhà thờ, chùa chiền v.v…) chỉ treo cờ quốc gia mà thôi… Các nhà tư cũng vậy. Trân trọng
” (10).

Dọn đường cho bức công điện hình thành là một thước phim theo lối “đội đá vá trời”. Thời gian lúc “dầu sôi lửa bỏng” được tính từng giây đầy hồi hộp. Ông Nguyễn Văn Đẳng, Tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên, sau khi nhận được chỉ thị tối cao từ Sài Gòn, đã tiếp và nói với vị Đại diện chính thức của Ban Tổ chức Lễ Phật đản, Phật lịch 2507 tại Huế: “Ông Cố vấn thiết tha yêu cầu Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản 2507 thông báo cho toàn thể Phật giáo đồ đừng treo cờ Phật giáo trong ngày đại lễ ấy”. Ông thêm: “Ông Cố vấn nói, miễn Phật giáo có vài dòng thông báo, còn có treo không, không cần” (11).

Đêm hôm ấy, 13.4 âm lịch, năm Quý Mão, Phật lịch 2506 (năm cũ), một Hội nghị Phật giáo miền Trung đã diễn ra. Dưới sự chứng minh của Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Hội nghị đã đi đến quyết định phản đối Công điện số 5159 bằng ba điện văn, gửi đi từ Sài Gòn lúc 15 giờ ngày 6.5.1963 (13.4 âm lịch) đến tổ chức Phật giáo Thế giới, Tổng thống Ngô Đình Diệm và các tập đoàn Phật giáo Việt Nam. Cả ba điện văn đều do Hoà thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết ký. Riêng điện văn gửi Tổng thống: “Phật giáo rất xúc động nhận được Công điện số 5159 không cho treo cờ Phật giáo thế giới trong ngày đại lễ Phật đản quốc tế. Chúng tôi không tin rằng quyết định đó phát xuất từ Tổng thống. Thỉnh cầu Tổng thống ra lệnh điều tra và thu hồi công điện nói trên. Trân trọng” được sao y chánh bản, gửi ông Tỉnh trưởng Thừa Thiên để tỏ tường cho nhà đương cuộc biết. Không ông bưu điện nào dám chuyển ba điện văn ấy đi vì sợ mất chiếc ghế. Sáng hôm sau, 7.5.1963, Bộ trưởng Nội vụ Bùi Văn Lương buộc lòng phải bay từ Nam ra Huế để tìm cách thương nghị và hứa tại tư dinh của ông Cố vấn miền Trung và hải ngoại cho xong chuyện: ông lãnh trách nhiệm về Sài Gòn gấp, yêu cầu thu hồi công điện cấm treo cờ Phật giáo tại Trung phần, gồm 17 tỉnh thành; tối thiểu là xứ Huế không thi hành công điện số 5159 ngày 6.5.1965. Nhưng rồi ông cũng biệt chim tăm cá.

Không chỉ bị ra lệnh cấm treo cờ của tôn giáo, mà Phật giáo đồ còn bị hăm doạ. Nước bị tức lâu ngày thì vỡ bờ ắt phải có lúc. Và rồi cái gì đến đã đến: Quần chúng Phật tử đã xuống đường biểu tình, phản đối chính sách bất công và kì thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm vào lúc 20 giờ ngày 7.5.1963 trước Toà hành chánh tỉnh Thừa Thiên.

“Cờ Phật giáo không thể bị triệt hạ”, câu biểu ngữ ấy được giăng lên trong cuộc rước Phật từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm vào sáng ngày 8.5.1963. Đạo kỳ thiêng liêng ấy phải được cung ngưỡng, tôn kính. Về ý nghĩa, cờ Phật giáo được hình thành từ năm màu xanh, cam, đỏ, vàng, trắng(12), trượng trưng cho năm màu hào quang của đức Phật, là hiện thân của chân lý, của sự thật. Về hình thức, cờ biểu trưng cho Phật giáo thế giới, một tôn giáo đã có nhiều đóng góp to lớn cho nhân loại. Điều cốt lõi ấy ai cũng hiểu, cũng biết. Người trí thức thì không nói như ông Cố vấn chính trị tối cao của Phủ Tổng thống: “Cờ Phật giáo đâu có phải là cờ của Phật. Đức Thích Ca đã bỏ cả ngai vàng, bỏ cả gia đình đi tu, thì đâu có tha thiết đến cờ với quạt” .(13)

Phương Tây có câu nói: “Il n’y a pas génération spontanée” – Không có sự gì tự nhiên mà thành tựu. Câu nói đó đã trả lời tất cả: Ném đá xuống sông thì nước nhảy. Cả mặt nước phẳng lì của dòng sông đều nhảy. Phật giáo như dòng sông. Tự thân nó là thanh bình, không dao động. Nhưng nếu có ai đó nghịch ngợm, ném xuống một hòn đá, thì nước sẽ theo luật đàn hồi mà bật lên một cách rất tự nhiên.

Không có gì ngẫu nhiên mà thành tựu. Phật giáo xuống đường chỉ là hệ quả tất yếu của “một ly nước sắp tràn bị rót thêm vào, dù chỉ một giọt”. Đó là thể hiện của tinh thần Bi-Trí-Dũng, cũng là thể hiện tinh thần của ông Đồ già Nguyễn Đình Chiểu, thường áp dụng để dạy học trò trong Ngư tiều vấn đáp y thuật:

          “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
           Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

Dân số các tỉnh thành ở miền Nam thời bấy giờ có hơn 15 triệu mà người theo đạo Phật đã chiếm hơn 80%, trong khi đó Huế có tỷ lệ vượt trội hẳn nếu chưa muốn nói là đặc biệt: 90% dân chúng là Phật tử, như Tổng thống Ngô Đình Diệm đã từng khẳng định. Điều làm chúng ta ngạc nhiên là, sau nhiều lần tiếp các chức sắc trong hàng Giáo phẩm Phật giáo, chính Tổng thống Ngô Đình Diệm đã tỏ lời cám ơn quần chúng Phật tử, vì họ là cử tri bỏ phiếu bầu ông đắc cử Tổng thống trong hai nhiệm kỳ. Nhưng khi ngồi lên được chiếc ghế Tổng thống rồi thì ông quên hết. Đáng tiếc nhất là ông đã đánh mất chuỗi kỷ niệm đẹp của một thời thơ ấu, như chính ông đã từng nói: ông không quên những tháng ngày khi còn niên thiếu, thường theo cha là Cụ Ngô Đình Khả lên chùa Báo Quốc nghe các thầy giảng kinh và theo mẹ là Bà Phạm Thị Thân đi lễ chùa Diệu Đế.(14)

Trước sau, chân lý sẽ thắng gian tà. Người ta không thể “lấy thúng mà úp miệng voi”. Hành động của Ngô triều đối với Phật giáo đồ ở miền Nam Việt Nam đã đánh thức lương tri nhân loại, làm chấn động địa cầu. Hành động ấy tàn bạo bao nhiêu càng làm nổi bật tinh thần nhân bản của Phật giáo bấy nhiêu. Ánh đuốc tuệ giác và lòng từ bi ấy đã  phá tan màn đêm của bạo lực, chỉ rõ phương pháp bất bạo động mà Thánh Gandhi đã vận dụng trong cuộc đấu tranh giành quyền tự chủ dân tộc và gìn giữ đạo lý làm người.

Không có cái chết nào cao quý bằng cái chết vì chân lý. Không có cái chết nào cao quý bằng cái chết vì tín ngưỡng, được thể hiện bằng tính nhân văn và nhân bản, không gợn mảy may ý niệm thù hận. Đó là cái chết của bậc thánh, vượt ra ngoài thế gian, như lời của một vị Thượng toạ, người lãnh đạo phong trào đấu tranh vì bình đẳng của Phật giáo năm 1963, đã nói: “Nếu tôi có chết thì đó là cái chết như chân lý trước bạo lực, chứ không phải chết vì chân lý này không sáng bằng chân lý khác”(15). Vì vậy ở bài Diễn văn đọc trong lễ cầu siêu chư Thánh tử đạo tại chùa Từ Đàm vào lúc 9 giờ ngày 28.4 âm lịch, khi thưa chuyện với quý vị tang quyến, Ban Tổ chức Lễ đã viết: “Kể từ Phật đản, Phật lịch 2507, con cháu của Quý vị là những vị Thánh mà Tăng tín đồ thờ phụng trên khắp chùa chiền đất Việt” (16).

Tại lễ cầu siêu này, Dạ sĩ Thiện Trí, người có sở tài về thi phú và thanh giọng như chim Ca lăng tần già, đã phụng soạn và đọc bài văn tế, làm rung động hàng vạn con tim và cả đất trời Thừa Thiên:

“Đau đớn thay:
Phận dưới liên đài,
tình trong đạo niệm.
Mười ngàn họp con dân xứ Huế, ngọn Phật kỳ toả ánh hào quang;
Nước non thần bao mạng phơi bày, dòng máu thiêng nêu gương Chánh pháp” (17).

Dâng hương tưởng niệm tại đài Thánh Tử đạo nhân mùa Phật đản, PL. 2553

Phụ chương đính kèm tuyên ngôn của Phật giáo Việt Nam đọc trong Hội nghị Phật giáo tại chùa Từ Đàm năm 1963, cùng bản phụ đính kí ngày 25.5.1963 do 5 cấp Giáo hội mà người đứng đầu là Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, đã giải thích rõ về danh từ “Thánh Tử Đạo” khi đề cập đến nguyện vọng thứ 5 của Phật giáo: “Họ chết trong lòng cuộc đấu tranh công khai vì bình đẳng của Phật giáo, nên họ được Phật giáo gọi là Thánh Tử Đạo”.

Phương Tây cũng có nhóm từ “Thánh Tử Vì Đạo”. Thêm một chữ “Vì”. Vì lý tưởng cao cả và lòng yêu đời tha thiết nồng nàn, đôi khi cũng đã xuất hiện những người tử vì đạo một cách quả cảm nhất trong lịch sử. Chúa Jésus là một người như thế. Michel Servetus đã bị Jonh Calvin sát hại vì bị nghi là dị giáo. Ông đã bị bắt khi đang dự lễ tại nhà thờ Jonh Calvin vào ngày chủ nhật, thời điểm ông còn bị truy nã. Dĩ nhiên, ông đã chết trong cảnh ngộ đầy oan nghiệt ấy. Servetus đã trở thành “Thánh Tử Vì Đạo”. Jeanne d’Arc, nữ anh hùng nước Pháp đã có thể thoát chết nếu bằng lòng thừa nhận rằng nàng đã nghe lầm những tiếng văng vẳng của Chúa gọi từ trên không.

Trong lịch sử Phật giáo, đã có nhiều đệ tử Phật vì Pháp thiêu thân, hoặc bị sát hại trong khi hành hoá, các vị ấy đã trở thành những bậc Thánh. Thuật ngữ Phật giáo, tiếng Phạn gọi những vị ấy là “Dharmanda–Jividam” (Granting-virtue–life-cutter: Thánh Tử Đạo). Trong thời cận đại, tại miền Trung Việt Nam, lần đầu tiên một đài Kỷ niệm Thánh Tử đạo được dựng bên trên một địa điểm lý tưởng như lời miêu tả của câu ca dao mang tính lịch sử mà cũng rất tự tình Phật giáo:

          “Nơi bến Trường Tiền có cây đa bóng mát,
          Gần bên Bồ-đề có bãi cát phẳng lì.”

Phải chăng nhân duyên đã đến hồi kết tụ để vị trí toạ lạc của Đài Thánh Tử Đạo lại nằm bên cạnh giao lộ của ngã sáu mà xưa kia có bãi cát rộng, có bến đò đưa và có cây cổ thụ Bồ-đề ?

Ngày xưa, vua Văn Vương đã vui mừng trong việc dựng Linh Đài, khiến cho dân chúng cũng vui theo với cảnh trí nước non hữu tình có sức hấp dẫn lòng người. Do vậy nhiều chùa ở Trung Quốc và Việt Nam đã lấy tên Vân Đài, Linh Đài, Kim Đài… Vào thời Xuân Thu chiến quốc, Yên Chiêu Vương muốn cầu hiền đã sai dựng Hoàng Kim Đài để rước Quách Ngỗi, vì thế nhân tài trong thiên hạ như Nhạc Phi, Trần Diễn… đều tự tìm tới. Thế cho hay người xưa cũng đã biết xem hiền tài là nguyên khí của quốc gia !

Đài tháp là biểu trưng cho sự trường tồn của thánh thiện. Đài Thánh Tử Đạo được dựng lên trong ý nghĩa ấy: về tín ngưỡng là để tưởng niệm các vị Thánh đã xả thân vì Phật pháp; về văn hoá là để gìn giữ nguyên khí quốc gia theo tinh thần triết lý Đông phương:

            “Núi sông tụ kết nên linh khí,
           Đài gác lưu danh rõ Thánh hiền”.

Đài tháp, phần mộ, bia đá rồi cũng mòn theo thời gian, nhưng đài tạ được dựng từ trong tâm khảm mọi người thì trường tồn mãi mãi:

           “Thịnh suy bốn chục năm qua,
           Riêng sen vẫn giữ màu hoa đỏ hồng” .

Gần nửa thế kỷ góp mặt và soi mình bên dòng Hương, Đài Thánh Tử Đạo, không chỉ bốn mươi năm, mà trải qua nhiều kiếp ba sinh, cho dù ở thời đại nào và mãi mãi về sau, vẫn luôn in hình trong tâm thức người Phật tử Việt Nam cùng bản thệ viên thành sứ mệnh:

           “Độ tận chúng sinh khi trái bước,
           Lỡ đường thiên hạ lúc băng qua.”
                                       (Thiền sư Phước Huệ – Vịnh cầu Trường Tiền

 L.Q.T

————————————————————————————————

Chú thích:
(1) Đây từng là nơi trấn đóng của tướng sĩ thuộc trại Thuỷ Sư quân đội Hoàng gia dưới thời các vua chúa Nguyễn
(2) Xem phần nguyên văn chữ Hán
(3) Nguyên văn chữ Hán:

(4) Phải chăng vì điều này mà Nữ sĩ Cao Thị Ngọc Anh (1878 – ? ), con gái hay chữ của Thượng thư Bộ Học Cao Xuân Dục, đã viết Khuê sầu thi thảo bằng cả một nguồn tâm sự xót chua, thể hiện qua bài thơ thất ngôn bát cú “Ở Trung Kỳ” với hai câu thực thật đắt giá: “Cũng đủ với đời: tai, mắt, miệng, / Mà cam chịu nỗi: điếc, mù, câm”.
(5) Cho dù là đoàn sinh hay không phải đoàn sinh Gia đình Phật tử, thì cái chết của các em cũng đủ nói lên được: trước chính sách bất bình đẳng đối với Phật giáo, các em đã ý thức được và đã tham dự cùng đoàn người đến nghe phát thanh lại chương trình Lễ Phật đản vào đêm hôm ấy.
(6) Không biết phóng viên báo Đồng Nai lượm tin bằng cách nào mà đã đăng trong số ra ngày 10.5.1963 có 9 người chết trước đài Phát thanh Huế, khiến báo chí nước ngoài đưa tin sai số người tử vong!
(7) Đó là một trong những duyên cớ để về sau ông bị đưa vào chốn lao tù.
(8) Bác sĩ người Đức, Erich Wulf, Giáo sư Đại học Y và Văn khoa Huế, các chuyên gia vũ khí học là những nhân chứng đương đại và nhiều phóng viên của thông tấn báo chí nước ngoài đều khẳng định đó là tiếng nổ quả 2 quả lựu đạn.
(9) Sau sự hy sinh của 8 vị Thánh Tử Đạo, vào sáng ngày 17.4 Quý Mão (10.5.1963), đã có cuộc mít-tinh truy điệu anh linh chư Thánh Tử Đạo tại chùa Từ Đàm – Huế. Nhà đương cuộc trợ cấp cho thân nhân gia đình Thánh Tử Đạo 10.000 đồng. Riêng Tổng thống Ngô Đình Diệm hứa bồi thường mỗi suất 17 đô la.
(10) Công điện số 5159, gửi từ Sài Gòn ra Huế – ngày gửi: 15 giờ ngày 6/5/1963; ngày nhận: 16 giờ ngày 6/5/1963.
(11) Thích Trí Quang, Cuộc vận động Phật giáo Việt Nam, giai đoạn phát khởi, Liên Hoa nguyệt san, số 21.01.1964; tr.22-28
(12) Năm màu xanh, cam, đỏ, vàng, trắng biểu trưng cho 5 căn Định, Niệm, Tín, Tấn, Tuệ; một màu tổng hợp 5 màu tượng trưng cho lý Viên dung, do Steele Olcott, người Mỹ sáng kiến. Năm 1885, lần đầu tiên lá cờ 5 màu được làm lễ Thượng kỳ tại Srilanka. Năm 1950, cờ 5 màu được chính thức trở thành đạo kỳ của Phật giáo thế giới. Hơn 50 nước trên thế giới treo cờ Phật giáo trong các ngày Phật lễ.
(13)Minh Không Vũ Văn Mẫu, Sáu tháng Pháp nạn 1963, Bến Nghé, 1984, tr.160,187
(14)Minh Không Vũ Văn Mẫu, Sđd; tr.97 (Cuộc thảo luận giữa Cố vấn Chính trị Ngô Đình Nhu với giới chức cao cấp trong đó có Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu tại dinh Tổng thống).
(15) Người ta thường nhìn chân lý qua nhiều lăng kính khác nhau nên tuy chân lý chỉ có một mà không phải một. (16) Diễn văn đọc trong Lễ Cầu siêu các anh linh tử vì đạo tại chùa Từ Đàm lúc 9 giờ ngày 28.5.1963.
(17) Liên Hoa nguyệt san, số tháng 2 năm Bính Ngọ.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here