Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Chuyện 700 năm trước

Chuyện 700 năm trước

243
0

Nay Bệ hạ bỏ cái thế Nhân chủ, nghĩ đến cảnh núi rừng, hẳn có điều mong cầu chi mà đến đây vậy?”. Trẫm nghe lời Quốc sư nói, bỗng nhiên nước mắt ràn rụa, thưa với Quốc sư rằng: “Trẫm tuổi còn thơ dại, sớm mất song thân. Đứng một mình trên đám sĩ dân, không chỗ nương tựa. Lại nghĩ tới sự nghiệp Đế vương đời trước, hưng phế thịnh suy bất thường, nên Trẫm vào núi đây, chỉ mong cầu làm Phật, chẳng cầu vật gì khác”. Quốc sư đáp: “Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ có trong Tâm. Tăng vắng lặng mà biết, đó gọi là chơn Phật. Nay nếu Bệ hạ ngộ được tâm ấy, thời tức khắc thành Phật, không phải nhọc công tìm đâu xa”.

Muốn trở thành Phật là muốn trở thành một người đạt kết quả cuối cùng của việc nhận thức điều chỉnh hành vi. Lời nói của Quốc sư Phù Vân cũng có nghĩa là kết quả cao đẹp ấy chẳng cần phải tìm đâu cho xa, chẳng cần phải đánh giá theo “thang giá trị và thước đo giá trị của xã hội”, cũng chẳng phải do xây dựng theo “biến đổi các công cụ hành xử xã hội thành những công cụ tổ chức tâm lý cá thể”như nhiều nhà tâm lý ngày nay quan niệm. Chỉ cần: “Tâm vắng lặng mà biết, đó gọi là chơn Phật”. Cách làm cho tâm vắng lặng chính là “điều chỉnh”.

Câu nói trên của Phù Vân Quốc sư chính là quan điểm của truyền thống dân tộc về vấn đề giáo dục. Sự rèn luyện tự điều chỉnh, người Việt Nam gọi là “tu tập”. “Tu”có nghĩa là “sửa chữa, điều chỉnh”, “tập”có nghĩa là “rèn luyện”. Quan điểm này khác xa vớicác quan điểm được du nhập từ phương Tây. Bị chi phối hoàn toàn bởi các quan niệm phương Tây, lý thuyết về giáo dục được dạy trong các trường đại học Việt Nam hiện nay cho rằng: Giáo dục (nghĩa rộng) là quá trình hình thành toàn vẹn nhân cách được tổ chức một cách có mục đích, có hệ thống thông qua hai hoạt động dạy học và giáo dục (nghĩa hẹp) để làm phát triển các sức mạnh thể chất và tinh thần của con người, giúp họ tham gia có hiệu quả vào đời sống xã hội. Trong định nghĩa trên, khái niệm then chốt là khái niệm nhân cách, vì thế cần phải có một sự khảo sát riêng về khái niệm này. Nhân cách được các nhà giáo dục học Việt Nam giải thích bằng nhiều cách hiểu khác nhau.

Khái niệm nhân cách được hiểu như là:

– Tổ hợp các thái độ, thuộc tính riêng trong quan hệ hành động của từng người với thế giới tự nhiên, thế giới đồ vật do con người sáng tạo ra, với xã hội và với bản thân (Phạm Minh Hạc, Một số vấn đề giáo dục và Khoa học giáo dục, 1986).

– Tổng hòa không phải mọi đặc điểm cá thể của con người mà chỉ là những đặc điểm nào quy định con người như là một thành viên của xã hội, như là một công dân, một người lao động, một nhà hoạt động có ý thức. Nói gọn hơn, nhân cách là toàn bộ những đặc điểm, phẩm chất tâm lý của cá nhân, quy định giá trị xã hội và hành vi của nó (Phạm Minh Hạc-Lê Đức Phúc, Một số vấn đề nghiên cứu nhân cách, NXB Chính trị quốc gia, trang 428).

– Nhân cách của con người là hệ thống các thái độ của mỗi người thể hiện ở mức độ phù hợp giữa thang giá trị và thước đo giá trị của người ấy với thang giá trị và thước đo giá trị của cộng đồng và xã hội, độ phù hợp càng cao nhân cách càng lớn (sđd, trang 24).

Nhân cách được các nhà nghiên cứu trên phân tích trên ba bình diện khác nhau: (1) Mức độ bên trong cá nhân thể hiện ở dạng cá tính, ở sự khác biệt giữa người này và người khác. Ở bình diện này, nhân cách bộc lộ trong tính không đồng nhất với mọi người, với cái chung, giá trị của nhân cách là ở tính tích cực của nó trong việc khắc phục những hạn chế của hoàn cảnh và sự hạn chế tự nhiên của mình. (2) Mức độ cá nhân: nhân cách được thể hiện trong mối quan hệ và liên hệ mà nó tham gia trong quá trình hoạt động cộng đồng. Giá trị của nhân cách được thể hiện trong các hành vi, cử chỉ xã hội của nó. (3). Mức độ cao nhất: nhân cách dường như vượt ra ngoài khuôn khổ cá tính và ra ngoài khuôn khổ của những mối liên hệ và quan hệ thực sự với những cá nhân khác. Ở đây nhân cách được xem xét như là một chủ thể hoạt động đang thực hiện một cách tích cực, có chủ định hay không có chủng định, những biến đổi trong những người khác (có liên quan, quen biết, hoặc không liên quan, không quen biết). Giá trị của nhân cách là ở những tác động mà nhân cách này gây ra đối với biến đổi của những nhân cách khác. Tất cả những biến đổi cơ bản mà các cá nhân tạo ra được ở những cá nhân khác, đặc biệt là ở bản thân mình như là “một người khác”, đã tạo thành nét đặc trưng đầy đủ và có giá trị nhất của cá nhân ấy với thang giá trị và thước đo giá trị của xã hội, độ phù hợp càng cao thì nhân cách càng lớn.

Khái niệm nhân cách (được hiểu theo nghĩa Giáo dục học) bao gồm các nét, các mặt, các phẩm chất có ý nghĩa xã hội trong con người . Nhân cách là toàn bộ các đặc điểm tâm sinh lý của cá nhân được xã hội đánh giá tạo nên giá trị của cá nhân đó. Tùy theo trình độ phát triển của xã hội mà các đặc điểm của cá nhân được nhìn nhận và đánh giá khác nhau tương ứng với những vai trò khác nhau của họ.

Theo cách hiểu thông dụng này, nhân cách là sự kết hợp thống nhất giữa phẩm chất và năng lực cá nhân bao gồm các phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, tác phong và các năng lực, sở trường, năng khiếu. Người có nhân cách phải là người thống nhất được hai mặt phẩm chất và năng lực, nghĩa là Đức và Tài. Đức bao gồm các phẩm chất hướng về xã hội (thế giới quan, niềm tin, lý tưởng, lập trường, thái độ chính trị…), phẩm chất hường về cá nhân (cái nết, cái thói, cái thú), phẩm chất ý chí (tính kỷ luật, tính tự chủ, tính mục đích, tính quả quyết, tính phê phán…), cung cách ứng xử (tác phong, lễ tiết, tính khí…). Tài bao gồm các năng lực xã hội hóa (khả năng thích ứng, năng lực sáng tạo, cơ động, mềm dẻo, linh hoạt…), năng lực chủ thể hóa (khả năng biểu hiện tính độc đáo, đặc sắc, bản lĩnh cá nhân…), năng lực hành động (khả năng hành động có mục đích, có điều khiển, chủ động tích cực…), năng lực giao tiếp (khả năng thiết lập, duy trì quan hệ với người khác).

Theo cách tiếp cận giá trị thì cốt lõi của nhân cách là hệ thống định hướng giá trị mà mỗi cá nhân lựa chọn cho mình, bao gồm: các giá trị tư tưởng (lý tưởng, niềm tin…), các giá trị đạo đức (lương tâm, trách nhiệm, lòng nhân ái,lòng trung thực…), các giá trị nhân văn (học vấn, nghề nghiệp,tình yêu, thời trang, tài năng…). Theo quan điểm của các nhà giáo dục học Việt Nam hiện nay, giá trị là tất cả những cái có ý nghĩa đối với xã hội, tập thể, cá nhân, phản ảnh những mối quan hệ chủ thể-khách thể, được đánh giá từ những điều kiện xã hội lịch sử cụ thể và phụ thuộc vào trình độ phát triển của nhân cách. Khi đã được nhận thức, đánh giá và lựa chọn, giá trị trở thành một trong những động lực thúc đẩy con người đi theo một xu hướng nhất định.

Trong các định nghĩa trên, nhân cách là:

– Một cái gì đó cần phải xây dựng , rèn luyện mới có.

– Là một trạng thái bền vững ở mỗi cá nhân: nhân cách không thể có tình trạng nay thế này, mai thế khác.

– Là cái được xã hội thừa nhận: “giá trị là tất cả những cái gì có ý nghĩa đối với xã hội,tập thể, cá nhân, phản ánh những mối quan hệ chủ thể-khách thể, được đánh giá từ những điều kiện xã hội lịch sử cụ thể và phụ thuộc vào trình độ phát triển của nhân cách”.

– Là cái phụ thuộc vào đánh giá của xã hội: “nhân cách con người là múc độ phù hợp giữa thang giá trị và thước đo giá trị của người ấy với thang giá trị và thước đo giá trị của xã hội, độ phù hợp càng cao thì nhân cách càng lớn”.

– Không được xác định cụ thể: “là tổ hợp các thái độ, thuộc tính riêng…”

Những mô tả về nhân cách nói trên chịu ảnh hưởng câu nói của Karl Marx: “Con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội”, nghĩa là chỉ có những “bản chất”được nạp (download) vào mỗi người từ bên ngoài. Điều này thể hiện rõ trong sự mô tả các hoạt động giáo dục theo nghĩa hẹp (Giáo dục học đại cương, sđd, trang 38-39).

– Xã hội hóa cá nhân: là quá trình biến đứa trẻ từ một thực thể tự nhiên thành con người xã hội. Xã hôi hóa cá nhân là quá trình các cá thể tiếp thu, học tập nền văn hóa xã hội để thích ứng được với xã hội.

– Tự giáo dục: quá trình cá nhân tự giác tiến hành các hoạt động có ý thức nhằm trau dồi tính tốt, khắc phục tính xấu, điều chỉnh bản thân cho phù hợp với yêu cầu xã hội.

– Giáo dục lại: nhằm thay đổi quan điểm ý thức, thái độ, hành vi sai lệch với những chuẩn mực xã hội để trở thành người tốt, được xã hội chấp nhận.

Quan điểm xây dựng nhân cách như trên là một đặc điểm cố hữu của các nền triết học và tâm lý học, vốn xem con người khi sinh ra thì không có động lực nội sinh (nghiệp lực) riêng của nó. Ngay cả John Dewey (1859-1952), nhà triết học giáo dục nổi tiếng của Mỹ cũng hiểu về vấn đề này như sau: “…bắt buộc phải làm cho trẻ em nhận thức và thực sự có hứng thú tới những mục đích và quy tắc ứng xử của cộng đồng, bởi khi sinh ra, chúng không những không có khái niệm gì, hơn nữa chúng hoàn toàn dửng dưng với những điều đó. Giáo dục, và chỉ có giáo dục mới lấp được khoảng trống đó” (J. Dewey, Dân chủ và Giáo dục, Phạm Anh Tuấn dịch, NXB Tri Thức, 2008, trang 19). Như thế, “ nhân cách”(mà các nhà giáo dục Việt Nam hiểu) là cái khuôn mà hệ thống giáo dục sẽ uốn nắn “con người tự nhiên” (nghĩa là con người sinh ra với bộ não trống trơn) để trở thành con người thích ứng với xã hội, phù hợp với yêu cầu xã hội, được xã hội chấp nhận. Điều này trái ngược với ý kiến đã được vua Trần Thái Tông trân trọng ghi nhận: “Trong núi không có Phật, Phật chỉ có trong tâm”mà ta có thể viết thêm rằng: “Đừng tìm cái nhân cách theo kiểu đồng thuận xã hội, nhân cách đó đã có trong mỗi người khi tâm vắng lặng”. Cuộc đối thoại 700 năm trước xem ra vẫn hiện đại hơn những gì “hiện đang đương đại”. Người Việt có cần chạy đông chạy tây để tìm kiếm một triết lý “đỉnh cao của trí tuệ loài người”nào khác hay không?■

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 97

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here