Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Yêu và trăn trở biết mấy, Huế ơi!

Yêu và trăn trở biết mấy, Huế ơi!

128
0

Trên dải đất cong cong hình chữ S, có vùng đất nào mà ta không yêu, không trân quý. Đó là miền quê ta sinh ra và lớn lên, là nơi đong đầy những kỷ niệm của ta. Hoặc có thể là một nơi vì duyên cớ nào đó mà ta nguyện gắn bó suốt đời.

Cũng bởi một trong những lý do đó mà sau khoảng thời gian sinh sống và làm việc tại Huế, một thanh niên gốc Bắc như tôi đã “chân đi không đành” khỏi xứ này.  

 Trong cảm quan của tôi, Huế cổ kính, thơ mộng và tràn đầy sức sống. Nét rêu phong trên mỗi lăng tẩm, đền đài ghi dấu cả chặng đường lịch sử dài của Huế năm xưa. Không cô tịch và ảm đạm như những khu rừng trong truyện cổ tích, vẻ đẹp của Huế được toả rạng bởi nụ cười trăng rằm của “người con gái áo tím mộng mơ”, của khúc hát “Nam ai Nam bằng” tha thiết, từ những “bóng trăng hồ sen trong Hoàng thành”, hay của “cầu Tràng Tiền biết mấy là yêu”, “trăng Vỹ Dạ ngọt lịm câu thề”… Bấy nhiêu đó thôi, cũng đủ để Huế thu phục tôi rất nhẹ nhàng, dịu ngọt và thong thả như chính bản thân của nó vậy.

Như một chiếc đòn gánh hai đầu đất nước, Huế không chỉ là hình ảnh nặng trĩu trong tâm trí những người con xa quê mà còn là một miền thương trong trái tim của những người chỉ đi ngang qua đây vội vàng. Và với tôi, một kẻ lãng mạn và ham khám phá nên cũng có trong mình những suy nghĩ riêng về mảnh đất, con người và văn hóa nơi đây – tình yêu, sự trân trọng và cả nỗi trăn trở.  

(Cầu Trường Tiền – ảnh: Lê Huy Hoàng Hải)

Nhiều người thân và bạn bè đến Huế rồi than thở với tôi rằng, Huế có quá ít những khu vui chơi giải trí, dịch vụ mua sắm từ trung bình tới cao cấp. Cho tới khi đặt chân đến mảnh đất này, tôi cũng đã nghĩ như vậy. Từ trước tới nay, người ta vẫn luôn cho rằng tới Huế là chỉ đi thăm các đền đài, lăng tẩm, thành quách chứ không nghĩ đến đây để thư giãn tại các trung tâm vui chơi, thương mại. Đành là, muốn vui thú, thư giãn du khách vẫn thường chọn những thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang… Nhưng nếu cứ nghĩ – đến Huế chỉ có “bấy nhiêu thôi” thì tâm lý khách du lịch sẽ không muốn ở Huế lâu hơn. Biết rằng, Huế cổ kính – là nơi lưu giữ các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể đặc trưng và tiêu biểu của vùng đất Kinh kỳ xưa và tới đây là để tìm hiểu và cảm nhận những tinh tuý vô giá đó. Tuy nhiên, điều đấy không có nghĩa là ở Huế thiếu đi những khu vui chơi, các dịch vụ giải trí với đa dạng những trò chơi hiện đại, rạp chiếu phim lớn, khu mua sắm từ bình dân tới cao cấp để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách vào buổi tối và ban đêm. Đa dạng hoá các loại hình dịch vụ nhưng Huế vẫn coi trọng đảm bảo tính lịch sử, văn hoá, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương trong thời kỳ hiện nay.

Tôi được biết, hiện nay các chương trình du lịch tới Huế của nhiều công ty lữ hành cũng chỉ diễn ra chỉ từ 1 đến 2 ngày. Đa số các chương trình tham quan đều xoay quanh Đại Nội và một số lăng tẩm, chùa chiền gần thành phố. Do vậy, thời gian lưu trú tại Huế của khách du lịch quá ít – mặc dù theo quan sát của tôi, Huế có đủ các nhà nghỉ từ bình dân cho tới những khách sạn từ 1 đến 5 sao. Nhiều người nói, các di tích, địa điểm tham quan ở Huế chưa thể giữ chân và “vẫy gọi” sự trở lại của du khách lần thứ 2, 3… do thiếu những dịch vụ, những chương trình, hoạt động văn hoá diễn ra thường xuyên ở đây. Vậy nên, cần phải làm điều gì đó để cho những di tích, điểm thăm quan này có sức sống hơn, hấp dẫn hơn, và làm du khách khó quên? 

(Cổng Ngọ Môn – ảnh: Lê Huy Hoàng Hải)

Không biết từ bao giờ, Ca Huế đã gắn với thú chơi thuyền trên sông Hương, trở thành một nét văn hóa riêng biệt và là sản phẩm du lịch độc đáo của ngành du lịch nơi đây. Tuy nhiên, theo tôi thấy những buổi biểu diễn Ca Huế trên sông Hương đa phần là giống nhau. Thời gian của mỗi buổi biểu diễn này chỉ diễn ra từ 20-30 phút, các ca sĩ thường hát đi hát lại những ca khúc hò, lý quen thuộc và sau đó chuyển sang hát các bài tân nhạc về Huế. Nếu với việc thưởng thức Ca Huế như vậy liệu du khách có thể hiểu và trân trọng các giá trị đặc sắc của nó?  

Ở Huế có một khu phố đêm đi bộ, nhưng đa số dành để bán các loại đồ lưu niệm xen kẽ một số hàng quán bán đồ hải sản, tôi không tìm thấy khu phố nào chuyên về ẩm thực để đưa bạn bè và người thân tới đây thưởng thức. Ẩm thực Huế tinh tuý, độc đáo biết bao vậy mà tiếc thay, Huế chưa có một khu phố ẩm thực riêng (tập trung bán và phục vụ các món ăn Huế) để du khách có thể thưởng thức cả ban ngày lẫn ban đêm. Du khách tới ăn tại các cửa hàng, vỉa hè vẫn còn lo ngại tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cách phục vụ và sự nhếch nhác ở đây. Do đó, những yếu tố trên đã khiến du khách hạn chế “móc ví” và chi tiền để được ăn các món ăn Huế. Còn tôi thì vẫn luôn tự hỏi: Làm thế nào khiến cho du khách ngay khi đặt chân tới Huế phải cuống quýt muốn thưởng thức ẩm thực nơi đây? Làm sao khi nói tới Việt Nam, du khách nước ngoài sẽ nghĩ ngay tới ẩm thực Huế? Thiết nghĩ, Huế cần quy hoạch một khu phố riêng với những gian hàng bán và giới thiệu các món ăn của xứ mình. Đồng thời, những lớp đào tạo, khoá học về ẩm thực Huế cho đầu bếp các nhà hàng, khách sạn và người dân đang kinh doanh quán ăn để lưu giữ ngàn đời ẩm thực Cố đô cũng đáng được quan tâm, chú ý. Các cơ quan, ban ngành ở Huế cũng có thể tổ chức những cuộc thi nấu ăn món ăn Huế; những chương trình “tour ẩm thực Huế” dành cho khách du lịch (vừa thưởng thức các món ăn, vừa tìm hiểu cách chế biến, và tự tay thực hiện…). 

Đối với Nhã nhạc cung đình Huế cũng vậy! Theo tôi, di sản này vẫn chưa được phát huy hết giá trị và khai thác hết khả năng. Trong các chương trình du lịch không thấy có những suất xem biểu diễn Di sản văn hoá phi vật thể này. Du khách tới Huế chỉ biết: buổi tối đi nghe ca Huế tại thuyền trên sông Hương, không thấy “đả động” muốn đi xem biểu diễn Nhã nhạc cung đình. Có phải vì nó là loại hình nghệ thuật mang tính bác học, có tính chất cung đình nên người xem khó hiểu và không thích xem? Hay vì để thưởng thức loại hình nghệ thuật này, du khách phải “chịu chi mạnh tay”? Trước kia chỉ các vua chúa mới được thưởng thức Nhã nhạc, nhưng ngày nay nó cũng chỉ được biểu diễn tại những chương trình giao lưu văn hoá lớn, lễ hội lớn mà chưa mang tính chất đại chúng. Nên chăng, di sản này cần được phổ biến đại trà hơn để mọi du khách đều có thể được xem và “cảm nhận” được nó?  

Có lẽ Huế đẹp và thơ mộng hơn nhờ có “Hương giang nước chảy, thuyền trôi lững lờ”. Sông Hương là một thắng cảnh mang giá trị lịch sử, văn hoá và tình cảm đối với người dân xứ này. Nhưng giờ đây, đã xa vắng rồi những con thuyền độc mộc nhỏ và những ngư dân mải mê mái chèo trong buổi sáng sương mờ hay khi chiều tà hoàng hôn. Thay vào đó là những con thuyền rồng màu sắc sặc sỡ, máy kêu ì ạch làm phá tan sự hiền hoà, yên ả của dòng sông. Và liệu có tránh được việc xả rác, nước thải từ những nhà hàng sát bờ sông và các hàng quán lề đường phố đêm Nguyễn Đình Chiểu? Giữ cho dòng Hương mãi xanh, mãi nên thơ và môi trường sinh thái nơi đây không bị xâm hại chắc hẳn chẳng phải là việc riêng của chính quyền và người dân xứ này? 

(Sông Hương – ảnh: Lê Huy Hoàng Hải)

 Hiện tại, hình thức du lịch về làng cũng đã và đang được tiến hành tại Huế. Tìm về không gian văn hoá thôn quê để tận hưởng không khí trong lành, sự tĩnh lặng, cũng như tìm hiểu đời sống của người dân quả là rất lý tưởng đối với nhịp sống gấp gáp hiện nay. Do đó, ta có thể gắn kết giữa việc tham quan nhà vườn, sinh hoạt tại gia đình người Huế và chương trình du lịch sinh thái ở làng quê để người dân cùng làm du lịch, mang lại nguồn thu cho chính họ, đồng thời cũng là để bảo lưu các giá trị văn hoá.   

Huế còn có rất nhiều làng nghề truyền thống và lâu đời như tranh thờ làng Sình, làng gốm Phước Tích, hoa giấy Thanh Tiên, đan lát Bao La… Nhưng dường như Huế chưa “đánh thức” hết tiềm năng và thế mạnh của nó. Những làng nghề này có thể tạo một diện mạo mới cho “ngành công nghiệp không khói” nơi đây qua loại hình du lịch trải nghiệm. Tuy nhiên, cần phải có những hoạch định rõ ràng để làm sao có đầu ra cho các sản phẩm, có sự liên kết và “bắt tay” giữa các làng nghề để tạo ra những sản phẩm đặc sắc, xây dựng những chương trình tham quan trải nghiệm tạo được ấn tượng với du khách. Một kỳ Festival làng nghề truyền thống Huế đang tới gần và tôi hy vọng Huế sẽ tìm được một “lối đi” hợp lý để vực dậy và phát triển các làng nghề này. 

Huế được xem là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của cả nước. Điều này có thể dễ dàng nhận ra vì ở Huế có rất nhiều những chùa chiền, đền đài lớn như: Thiên Mụ, Bảo Sơn, Từ Hiếu, Huyền Không… Tuy nhiên, Chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Bái Đính (Ninh Bình), Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)… vẫn là những điểm đến tham quan, lễ bái của phật tử và du khách khắp nơi trong và ngoài nước. Bởi vậy, tôi vẫn ao ước Huế tổ chức được những chương trình hành hương, học lễ tiết nhà Phật, học cách làm cơm chay, nghe giảng kinh, học ngồi thiền… để làm cho du khách say đắm vẻ đẹp cảnh quan, giá trị lịch sử của những ngôi chùa cổ xứ Huế và đồng thời hiểu hơn về đời sống tâm linh của con người nơi đây. Triển khai các hoạt động nói trên nhưng không làm mất đi tính thiêng cũng như sự tôn nghiêm của chốn cửa Phật đó là điều mà tôi hy vọng Huế sẽ làm tốt và tạo được dấu ấn mới cho du lịch nơi đây.   

Du khách khi đến Huế đều rất thích thú với giọng nói nhỏ nhẹ của người Huế, nhất là con gái Huế. Và tôi cũng vậy. Con người nơi đây cư xử thân thiện, nhẹ nhàng “dà thưa” và vô cùng nhiệt tình đã tạo thành một nét phong thái riêng đi vào lòng người. Nhưng nhiều người cho rằng, nụ cười vẫn còn là một thứ “xa xỉ” đối với số đông người Huế. Nếu người dân nơi đây luôn nở những nụ cười niềm nở với mọi du khách thì tuyệt biết bao nhiêu? Một thành phố du lịch không thể thiếu những nụ cười chào đón.

Huế đặc trưng với những tà áo dài màu trắng hay sắc tím của nữ sinh nói riêng, giới nữ nói chung. Nhưng giờ đây, tôi chỉ thấy những cô gái hướng dẫn viên mặc áo dài, đội nón lá trong các khu di tích. Trang phục đi học của các nữ sinh Huế cũng đời thường hơn, không còn gắn liền với áo dài và nón lá. Áo dài Huế từ lâu đã trở thành thông điệp của văn hoá Huế với du khách gần xa. Thật buồn nếu cứ để nó ngày một xuất hiện thưa thớt dần.


(Thiếu nữ Huế tại lăng Tự Đức – ảnh: Lê Huy Hoàng Hải)

Bên cạnh những di sản văn hoá, Huế còn có một kho tàng khổng lồ các di tích lịch sử, di tích cách mạng tầm cỡ quốc gia đã được xếp hạng, thêm vào đó, Huế còn có những yếu tố thuận lợi về điều kiện tự nhiên (như biển, rừng, núi, sông ngòi, hồ đẹp…) có thể đưa vào khai thác và níu chân khách du lịch muôn phương. Bởi vậy, tôi mong sao Huế sẽ có sự liên kết đồng bộ tất cả những yếu tố nói trên để xây dựng các chương trình, tuyến điểm du lịch vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính hiện đại, tạo được sức cạnh tranh để thu hút lượng khách du lịch lớn, cũng như xứng tầm với các giá trị hiếm có mà Huế đang sở hữu.

Huế cần phải thể hiện một không gian “rất Huế” cả về kiến trúc, ẩm thực, con người và mang giá trị văn hoá riêng để không bị hoà lẫn với những nơi khác. Trong sự phát triển của du lịch Huế, tôi vẫn luôn mong việc xây dựng những nhà hàng, khách sạn, khu resort không “đè nén”, phá vỡ cảnh quan của đất Thần Kinh xưa. Trong cổ kính vẫn có hiện đại, hiện đại mà vẫn còn cổ kính để Huế tiếp tục lưu giữ những giá trị văn hoá nhưng vẫn phát triển tương xứng với các tỉnh thành khác.

(Sóng nước Tam Giang – ảnh: Lê Huy Hoàng Hải)

Trong khả năng của mình, tôi vẫn ấp ủ tổ chức những cuộc thi tìm hiểu về Cố đô Huế xưa và nay; các cuộc thi nhiếp ảnh và thi viết về “Huế đẹp và chưa đẹp trong mắt bạn” trước hết dành cho các em học sinh, sinh viên và tình nguyện là một “đại sứ” để đưa Huế đến gần hơn với mọi người. Đối với tôi, tham gia bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc và cảnh quan của Huế đó cũng là thể hiện tình yêu và lòng tự hào của mình về quê hương đất nước.   

Huế vẫn là những lăng tẩm trầm mặc, vẫn hồn hậu như núi Ngự, dịu dàng từ dòng Hương, hào sảng bởi Phá Tam Giang, “trầm ấm sâu lắng lạ” trong giọng nói… để “chẳng nơi nào có được”. Thế nhưng theo tôi, Huế hoàn toàn có thể phát triển và khai thác tối đa các loại hình du lịch khác (du lịch văn hoá, biển đảo, tâm linh, cộng đồng, nghỉ dưỡng…). Muốn vậy, Huế cần phải có một sự đầu tư mang tính tập trung với những hoạch định cụ thể.

Trong mỗi con người xứ này hay với những du khách đã từng đến đây, Huế như được kết thành thứ tinh hoa đẹp đẽ để dẫn dắt người ta một lối quay về. Xưa ta thương Huế mười phần bởi thiên tai khắc nghiệt quanh năm thì nay ta cần phải yêu Huế gấp nhiều lần hơn thế! Đó là làm sao bảo tồn, giữ gìn Huế và để mỗi người Việt Nam dù ở bất cứ phương trời nào cũng đều cất lên tiếng ca “ta có Huế tự hào”. 

T.X (B.T.P)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here