Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Ý nghĩa Vu Lan

Ý nghĩa Vu Lan

152
0

Hằng năm, cứ mỗi lần Hạ mãn Thu sang là tất cả người dân Việt Nam nói chung, người con Phật nói riêng, đều hân hoan hướng đến tưởng niệm ngày Đại Lễ Vu Lan – Báo Hiếu. Đối với dân tộc Việt Nam, lễ Vu Lan không còn là ngày lễ riêng của Phật giáo, mà đã ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng và đã trở thành ngày lễ truyền thống của dân tộc.

Lễ Vu Lan được khởi nguyên từ việc tôn giả Mục Kiền Liên với lòng hiếu thảo đã cứu mẹ mình thoát khỏi cảnh khổ đau của chốn ngạ quỷ tối tăm.

Kinh Vu Lan kể rằng: Tôn giả Mục Kiền Liên sau khi chứng được sáu phép thần thông, Ngài muốn báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ. Ngài liền dùng thiên nhãn quán chiếu khắp nơi xem mẹ mình đang thác sanh vào chốn nào. Lúc đó, Ngài thấy mẹ bị đọa vào chốn ngạ quỷ đói khát khổ đau. Ngài vô cùng bi cảm xót thương nên dùng thần lực mang cơm đến dâng mẹ. Nhưng khi cơm vừa đưa đến miệng bà thì đã hóa thành than lửa, khiến bà không thể ăn được. Mục Kiền Liên không biết làm cách nào bèn quay về bạch Phật. Đức Phật dạy rằng: “Mẹ ông sở dĩ bị đọa vào chốn khổ sở như vậy là do sinh tiền bà đã gây tạo nhiều nghiệp ác, keo kiệt, phỉ báng và khinh chê Tam Bảo. Lòng hiếu thảo của ông dầu lớn, nhưng một mình ông không thể nào giải cứu được mà phải nhờ oai lực của Chúng Tăng. Bằng cách, vào ngày chư Tăng mãn hạ An Cư, ông nên sắm sửa các thứ lễ vật, cúng dường chư Tăng thập phương, rồi nhờ chư Tăng chú nguyện cho mẹ mình. Nương nhờ oai thần của Tam Bảo cùng với năng lực chú nguyện của chư Tăng sau ba tháng tịnh cư tu hành, mới cứu được thân mẫu của ông.”

Tôn giả Mục Kiền Liên vâng lời Phật dạy, sắm sửa tịnh trai dâng lên cúng dường chư Tăng trong ngày Tự Tứ. Nhờ sức chú nguyện của chư Tăng cùng với phước đức phát xuất từ lòng hiếu thảo của Tôn giả mà chính trong ngày ấy thân mẫu của Tôn giả đã thác sanh về thiên giới.

Xuất phát từ sự tích trên đây, từ đó về sau cứ vào ngày rằm tháng bảy mỗi năm, hàng Phật tử khắp nơi lại long trọng tổ chức lễ Vu Lan. Và lễ hội này đã trở thành ngày lễ báo hiếu của những người con đối với cha mẹ như nhắc nhở nhau hai chữ ‘tri ân’ để tìm về cội nguồn tâm linh và duy trì hơi ấm tình người trong kiếp sống nhân sinh.

Thật thế, tinh thần hiếu đạo là căn bản đạo đức của thế gian và xuất thế gian. Phật giáo là một tôn giáo luôn coi trọng chữ hiếu. Trong các kinh điển Phật giáo, chúng ta gặp rất nhiều những lời dạy của đức Phật đề cập đến công ơn của cha mẹ. Phải nói rằng, trong tất cả các ân nghĩa mỗi người thọ nhận, thì ân nghĩa cha mẹ được xem là sâu nặng nhất. Mỗi người sinh ra và lớn lên giữa cuộc đời này, được công thành danh toại đều nhờ vào công sức nuôi dưỡng và dạy dỗ của cha mẹ. Ngay bản thân đức Phật, Ngài cũng từng nói rằng, quả vị giác ngộ mà Ngài chứng đắc được là nhờ có sự góp sức rất lớn của mẹ cha. Cho nên, trong đạo Phật, tội bất hiếu, làm hại mẹ cha được xếp vào một trong năm trọng tội ngũ nghịch mà đến khi mạng chung sẽ rơi vào đọa xứ. Phật dạy “Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu, điều ác tột cùng không gì hơn bất hiếu.”

Vả lại, hiếu nghĩa là một truyền thống tốt đẹp đã từ lâu ăn sâu vào trong tâm hồn người Việt Nam. Thơ, văn, nhạc, hoạ… đã dành một mảng rất lớn để ca ngợi, để tôn vinh truyền thống này. Chúng ta là một người Phật tử hiểu đạo, lẻ nào lại không thực hiện được sao? Cho nên, chúng ta không thể nào đi ngược lại với lời dạy của Đức Phật, không thể nào sống và làm một người con bất hiếu.

Nói về ân đức của cha mẹ thì không bút mực nào diễn tả hết được. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng ân cha nghĩa mẹ thì bao la vô tận. Chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, tận tụy lao lung, khổ nhọc suốt đời… tất cả đều vì con. Mãi miết lo cho con từng miếng cơm tấm áo, lo cho con có đức rộng tài cao, lo cho con từ khi mới lọt lòng cho đến ngày nhắm mắt. Cũng vì sống vất vã, lận đận theo con mà trên trán người cha sớm bị nhăn nheo, tâm trí người mẹ sớm bị héo mòn. Nhìn vào đôi mắt mờ lệ đăm chiêu, chúng ta mới thấy được nổi lo âu vô cùng khổ não của cha mẹ. Vì con mà cha mẹ phải hy sinh tất cả, miễn sao con no ấm, đói khát cha mẹ nào từ nan. Nhưng đến khi đời con như hoa thì cha mẹ đã phải già. Đời con khôn lớn là tinh hoa sự sống của cha mẹ đã truyền hết cho con mà nhận lấy cái chết.

Ôi! “Biển rộng lòng mẹ bao la

Đưa con từng bước đi qua đường đời

Công danh con được rạng ngời

Ơn dày cha mẹ biển trời cho con.”

Với ân đức cao dày ấy, phận làm con phải luôn ghi nhớ và trọn đời phụng dưỡng chớ không được lãng quên. Chúng ta nên nhớ:

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ

Gánh nặng cuộc đời không ai khổ hơn Cha.”

Ân đức cha mẹ cao sâu như thế, nhưng chúng ta đôi lúc vì kế sinh nhai đỉnh chung ngắn ngủi, vì tương lai sự nghiệp mơ hồ mà quên đi bổn phận làm con thì thật là đau xót. Vâng! Chúng ta có thể quên đi nhiều thứ trong đời nhưng chúng ta không được quên ân tình sâu nặng của cha mẹ. Khi cha mẹ còn hiện tiền, thì phải vội vàng lo báo đáp, đừng để cha mẹ mất đi rồi mới ân hận thì không còn kịp nữa. Vì dòng sông trôi đi không trở lại bao giờ. Đời con mất mẹ là mất tất cả. Cho nên:

“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, 

Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?”

Hôm nay, một lần nữa mùa Vu Lan-Báo Hiếu lại trở về. Trong mỗi chúng ta, có người còn đủ mẹ cha, nhưng có người không có được diễm phúc đó. Nếu ai được cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ thắm thì đó là một may mắn và hạnh phúc lớn nhất cho mình, vì biết rằng ta còn cha, còn mẹ trên đời để phụng dưỡng, để thương yêu, để nương tựa… Nhưng không may cho những ai được cài lên ngực áo một đóa hoa màu trắng thì chúng ta cũng đừng vì thế mà tủi phận than khóc. Bởi vì trong hình hài của chúng ta luôn có dòng máu của cha mẹ ta, có những yêu thương của cha mẹ được gieo trồng vào trong đó. Nếu ta biết chăm sóc, nuôi dưỡng đời sống của mình cho ngày một hướng thượng, thăng hoa; biết giáo dưỡng con cháu và biết gìn giữ truyền thống tốt đẹp của gia đình tổ tiên thì lúc nào cha mẹ cũng ở bên cạnh ta, và lúc nào chúng ta cũng đang báo hiếu cho cha mẹ. Với tinh thần đó, thì dù cha mẹ đã quá vãng hay còn sanh tiền chúng ta cũng đều báo hiếu được; và lòng hiếu thảo của chúng ta được xem là trọn vẹn, đầy đủ ý nghĩa nhất.

Nhân mùa Vu Lan-Báo Hiếu, kính chúc Chư Tôn Thiền Đức cùng toàn thể thiện nam tín nữ thân tâm thường lạc, tận hưởng một mùa Vu Lan tràn đầy ý nghĩa trong niềm an vui và hạnh phúc. Kính chúc quý vị Bồ Đề tâm kiên cố, sở nguyện viên thành, luôn phát huy tinh thần Bi – Trí – Dũng của người con Phật.

Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Ma Ha Tát.

Pune: Mùa Hiếu Hạnh – 2014

Tâm Huy cẩn chí.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here