Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Ý nghĩa việc ăn uống trong đạo Phật

Ý nghĩa việc ăn uống trong đạo Phật

149
0

1. Giới thiệu

Ăn uống là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống của con người. Để duy trì mạng sống con người phải cung cấp cho cơ thể một năng lượng cơ bản để tồn tại và hoạt động. Nếu chúng ta biết cách ăn uống thì cơ thể hoạt động tiêu hóa bình thường, còn ngược lại chúng ta ăn uống không điều độ hoặc thiếu vệ sinh thì cơ thể dễ phát sinh phản ứng hoặc gây nên nhiều bệnh tật. Cho nên chúng ta không những phải ăn uống cho điều độ mà còn phải hợp vệ sinh, biết loại thức ăn nào cần ăn và ăn vừa phải để cơ thể hấp thụ một cách dễ dàng và hiệu quả. Đối với Phật giáo, ăn uống không chỉ là một phương tiện nuôi sống cơ thể vật lý này, mà còn có nhiều cách ăn và thức ăn nuôi sống tâm thức của chúng ta nữa. Đức Phật dạy có bốn nhóm thức ăn và bốn cách hấp thụ thức ăn, hay còn gọi là “Tứ thực”.
Tứ thực bao gồm thô đoạn thực, xúc thực, ý tư thực và thức thực. Đây là bốn nhóm thức ăn và cách ăn mà thân tâm của con người hấp thu để nuôi dưỡng và duy trì được mạng sống.

Từ khi mới lọt lòng mẹ cho đến khi khôn lớn trưởng thành, chúng ta phải trải qua một chuỗi dài của thời gian, cuộc sống của chúng ta cũng trải qua bao cảnh đời buồn vui thay đổi, chứa đựng bao nhiêu điều bí ẩn trong cuộc sống làm người, trong đó cái ăn cũng chiếm một khoảng thời gian không nhỏ. Để có một đời sống tốt đẹp hơn, mạng sống kéo dài hơn, con người phải tìm cầu không biết bao nhiêu phương cách, từ y học, kỹ thuật cho đến dùng đến cả phép thuật luyện thần dược trường sinh bất lão. Ngày nay, nhiều nhà khoa học cũng đang lao công tìm tòi khám phá những bí ẩn trong cuộc sống con người, chế tạo ra nhiều loại y dược giúp con người sống lâu hơn và mạnh khỏe hơn, thế nhưng cũng không thể nào đáp ứng những gì mà con người mong muốn. Từ quan điểm của sinh vật học và vật lý học, chúng ta nhận thấy rằng con người nhờ vào sự hấp thụ thức ăn mà tạo ra năng lượng để duy trì và kéo dài mạng sống. Nói đến thức ăn chúng ta không chỉ đơn thuần nghĩ đến một món ăn, một củ khoai, hay một chén cơm, mà chúng ta phải hiểu rằng trong thức ăn bao gồm vật thực, nước và cả không khí nữa. Vì vậy đức Phật dạy có bốn cách ăn uống và bốn nhóm thức ăn làm nền tảng chính cho việc duy trì mạng sống của thân và tâm của một chúng sanh. Gọi chung là tứ thực.

Tứ thực tức chỉ bốn cách ăn và bốn nhóm thức ăn, bao gồm đoàn thực, xúc thực, tư thực và thức thực. Trong đó đoàn thực là nhóm thức ăn thuộc về vật chất, hay còn gọi là thô đoàn thực. Còn ba cách ăn và nhóm thức ăn còn lại là những thức ăn được bằng cảm thọ, ăn bằng ý chí và tinh thần. Nhóm thức ăn thuộc vật chất chỉ là một phần dinh dưỡng nuôi cơ thể vật lý này mà thôi, nếu không có những nhóm thức ăn khác thì tinh thần con người không thể tồn tại được.

Đức Phật dạy: “Hết thảy chúng sanh đều nhờ vào ăn uống để tồn tại”. Do đó cái ăn theo quan niệm đời thường mà mọi người hưởng thụ chỉ hạn hữu trong cơ thể vật lý mà thôi; còn đối với Phật giáo, phạm trù ăn uống và thức ăn được đức Phật mở rộng bao hàm cả những cách ăn và vật thực có công năng nuôi dưỡng và duy trì cả thân lẫn tâm của một chúng sanh. Bốn nhóm thức ăn này là môi trường và điều kiện thúc đẩy con người hay một chúng sanh tồn tại, tái sinh và luân hồi.

a. Thô đoàn thực

Thô đoàn thực là nhóm thức ăn thuộc về vật chất có công năng nuôi sống thân thể vật lý. Chữ ‘đoàn’ có nghĩa là vê thức ăn thành từng viên tròn rồi đưa vào miệng. Cách ăn này là một lối ăn của người Ấn Độ, cũng giống như người phương Tây dùng dao và nĩa để ăn, còn người phương đông lại dùng đũa để ăn. Đoàn thực còn được gọi là thô đoàn thực. Chữ ‘thô’ có nghĩa là thô tháo, hay cách ăn này được biểu hiện bằng hành động cụ thể, không tinh tế như những cách ăn khác. Khi ăn một bữa ăn, cho dù bữa ăn đó trang hoàng và nấu nướng thật tươm tất và đẹp mắt đến đâu cũng đều gọi là thô đoàn thực, vì cách ăn và đồ ăn phải thể hiện qua hành động như đơm, gắp, nhai và nuốt… Thô đoàn thực còn có nghĩa là chia thời gian để ăn hay chia bữa để ăn. Chúng ta không thể ăn suốt ngày, mà phải chia ra bữa ăn sáng, trưa và tối; và khi ăn phải nhai cho thức ăn nát nhỏ, nhờ bộ phận tiêu hoá làm việc, phân giải và hấp thu, tạo thành chất dinh dưỡng nuôi mạng sống. Do vậy còn được gọi là đoàn thực. Đồ ăn phải được hiểu là bao gồm vật thực ăn vào, nước uống và không khí. Công việc hấp thụ thức ăn là một tiến trình tất yếu và tự nhiên của cơ thể, dinh dưỡng trong một ngày có thể nuôi những tế bào trong cơ thể một thời gian khoảng một tuần lễ. Nhưng nếu cơ thể chúng ta không được tiếp tục đưa thức ăn vào thì thân thể không thể duy trì được. Như trong Đại trí độ luận viết: “Không ăn ắt sẽ chết, người muốn ăn chết chưa đến kỳ. Cho nên đức Phật dạy, biếu thức ăn được năm lợi ích.” [1] Ngay cả người xuất gia hằng ngày cũng phải đi khất thực để sống mà tu hành.

b. Xúc thực

Xúc thực là cách ăn và nhóm thức ăn nuôi dưỡng cảm thọ của con người, chẳng hạn như sự vật làm cho ta khởi lên tâm lý vui, tiếng nhạc hay, xem cảnh đẹp, đọc sách, ngâm thơ, đều là thức ăn của xúc thực. Chữ ‘xúc’ có nghĩa là tiếp xúc, xúc chạm. Khi thân và tâm con người tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài thì sẽ sinh ra cảm giác hay cảm xúc. Có ba loại cảm xúc hay cảm thọ, đó là cảm giác vui, buồn và không vui cũng không buồn. Nói chung, con người thường thích vui và dùng lạc thọ để nuôi dưỡng thân tâm, và tâm luôn luôn tìm niềm vui từ bên ngoài để ‘ăn’, đó là xúc thực. Thế thường, chúng ta thích thưởng thức những loại âm thanh hay, mùi vị ngon, nhìn cảnh đẹp, thân thích mềm mại, mũi thích mùi thơm… Chúng ta dùng năm giác quan của mình để tiếp xúc với sự vật đều được gọi là xúc thực. Trong các loại hình của xúc cảm thì ý xúc là cảm quan thuộc về tinh thần có tính năng xúc thực cao nhất. Ví như một người gặp một việc vui thì tinh thần của của người đó rất sảng khoái, cảm giác rất hài lòng. Còn lúc mệt nhọc, tâm lý thúc đẩy con người muốn đi tắm hay là uống một ly nước; trời nóng thì tìm nơi bóng mát hay mở máy quạt; trời lạnh thì tìm áo ấm để mặc, tất cả những hoạt động này đều biểu hiện sự đòi hỏi để thỏa mãn thân tâm. Cho nên chúng cũng được gọi là xúc thực.

Phạm vi của xúc thực vô cùng rộng lớn, nó là những loại hình hoạt động vui chơi, giải trí, thư giãn. Mỗi hoạt động đều mang đến cho con người cảm giác vui, thậm chí khi chúng ta đọc được một chuyện hay, sách hay, một bài thơ hay, chúng ta đều có tâm lý vui sướng. Tất thảy những hoạt động vừa nêu trên đều được gọi là xúc thực.

Ngoài ra nhu cầu của xúc thực muôn sai vạn biệt, nó tùy thuộc vào nghiệp cảm của mỗi chúng sanh, chẳng hạn như có người trời nóng thì thích uống nước mát, nhưng cũng có người lại thích uống nước ấm. Cũng giống như chúng ta lúc đói bụng thì thích ăn, nhưng đến khi ăn no rồi mà có người ép ăn thêm thì thấy ớn hoặc ngán, như vậy lạc thọ tự nhiên cũng biến thành khổ thọ.

Xúc biến hóa khôn lường và vô cùng nhanh chóng. Do vậy, cái ăn của xúc thực cũng cần phải thích ứng và hợp lúc với tâm lý con người.

c. Tư thực

Tư thực là cách ăn và nhóm thức ăn thuộc ý niệm và ý chí của con người. ‘Tư’ tức chỉ ‘tư tâm sở’, có tác dụng suy đoán và chọn lựa. Những hoạt động của thân khẩu ý đều do tư tâm sở thúc đẩy thành hành vi. Ý nghĩ chọn lựa và suy nghĩ của con người về sự việc và sự vật bên ngoài liên tục phát khởi; hoặc suy nghĩ quyết định chọn lựa hành động hay kiên trì chấp hành nhiệm vụ đều là là những món ăn tinh thần có ‘dinh dưỡng’ nuôi thân tâm chúng ta. Ví dụ như con người gặp tai nạn nguy khốn mà không có ý chí vượt thoát, chấp nhận hoàn cảnh thì đã vô cảm hoàn toàn với loại thức ăn này, ‘đói’ ý chí hay thiếu ý chí con người cũng sẽ chết, có ý chí sẽ sống. Đây chính là món ăn của tư thực, nó có công năng tích luỹ ý chí và ý niệm, sinh ra ‘dưỡng chất’ nuôi sống thân tâm.

Muốn hoàn thành công việc đa phần con người phải cần đến ý chí. Ý chí có thể nhìn thấy được hay nó biểu hiện bằng lòng nhẫn nại, nghị lực và tính kiên trì. Đặc biệt trong lúc tu hành nhóm thức ăn này rất quan trọng đó là lòng nhẫn nại, không có nhẫn nại thì không thành tựu được pháp môn nào cả. Với đời thường, mọi sự việc đều phải có ý chí cầu tiến, học ngành gì, nghề gì cũng phải cần đến ý chí; điều khiển xe cũng cần nhẫn nại, không gấp vội mà chạy ẩu, gây tai nạn. Những ý chí, nghị lực và lòng nhẫn nại đều là nhóm thức ăn tư thực. Thức ăn thuộc nhóm tư thực có khả năng nuôi dưỡng tâm, ổn định tâm, kiên cố tâm, khai triển khả năng kiên trì của thân tâm.

Trong cuộc đời của đức Thế tôn, ngài đã sử dụng đến lòng kiên trì tu khổ hạnh, mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè, rồi nhận bát sữa của nàng Tu xà đề dâng cúng, uống xong phát nguyện ngồi thiền định cho đến khi thành chánh giác. Món ăn tư thực có khả năng giúp chúng ta vượt qua muôn ngàn khó khăn và thành tựu các sự nghiệp tu học và công hạnh tu hành.

Cũng vậy sở dĩ chúng ta bị trôi lăn trong sanh tử luân hồi là do nghiệp cảm duyên khởi tích luỹ tư dưỡng hợp chất của lục đạo bằng các thức ăn tư thực mang chủng tử bất thiện, nên cảm quả báo luân hồi trong lục đạo. Rõ ràng tư thực có chất liệu của lục đạo dẫn đến tạo tác của chúng sanh đó về thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp nhiễm ô, tích tập và nuôi dưỡng nhân lục đạo, nên phải chịu sinh tử luân hồi vậy.

d. Thức thực

Đây là nhóm thức ăn và cách ăn thứ tư thuộc về sự hiểu biết, phân tích và phán đoán. Theo Duy thức tông, ‘thức’ chỉ cho sự hiểu biết. Sự hiểu biết này chính là một năng lực có khả năng phân biệt và nhận biết vạn pháp sai biệt qua các cơ quan cảm giác. (xem Thích Thắng Hoan, Duy thức học khảo nghiệm, tr. 9.) Thức là sự phân biệt và nhận thức của chúng ta về các hiện tượng bên ngoài như một bông hoa, tiếng nhạc, sắc màu… Đó chính là khả năng nhận biết của thức.

Sự hiện hành của thức rất nhạy bén, lúc chỗ này lúc chỗ khác theo luật nhân duyên sinh. Thức biến hiện thế giới vạn hữu, phân biệt cái này tốt cái kia xấu, cái này dễ thương cái kia đáng ghét, chuyện này vui chuyện khác buồn; rồi đối với cái mình thích thì cố chấp lấy, cái nào không thích thì tìm cách gạt bỏ. Thức biến cực kì phức tạp, từ đó mạng mạch sự sống tiếp nối sinh trưởng càng ngày càng kiên cố. Cái này tiếp cái kia, đan chéo chằng chịt, con người dệt thành mạng lưới sanh tử luân hồi tiếp nối khôn nguôi bằng thức nhiễm ô này. Mạng lưới sanh tử luân hồi tưởng như càng ngày càng quấn chặt, nghiệp quả hiện khởi không ngừng, tạo tác càng ngày càng tuế toái. Tất thảy đều là hiện hành của thức. Do hiện hành của thức mà có ái và thủ (yêu thích và tìm cách chiếm lấy). Ngược lại ái và thủ lại tư dưỡng thức, danh sắc, lục nhập…, và rồi tạo thành vòng luân hồi sanh tử. Thức thực càng ô nhiễm thì luân hồi càng dày đặc, ngược lại thức được huân bởi những chủng tử do sức tu trì thì thức dần dần sẽ được chuyển thành trí, đồng với sự hiểu biết của chư Phật và chứng đắc giải thoát.

2. Sự ảnh hưởng của tứ thực và con người

Tứ thực là bốn nhóm thức ăn và cách ăn nuôi sống thân tâm con người, nếu sự hấp thụ của thân và tâm đối với bốn nhóm thức ăn và cách ăn nói trên một cách vừa phải thì mạng sống con người được duy trì và kéo dài, ngược lại thì cơ thể sẽ suy sụp và tinh thần sẽ bấn loạn. Ví như cách ăn thô đoàn thực, tức là thức ăn vật thực được sắc thân hấp thụ, tiêu hóa thành dưỡng chất nuôi dưỡng thân tâm. Người ăn chay đạm bạc sẽ có được một cơ thể nhẹ nhàng và tinh thần thanh thoát; ngược lại người ăn thịt cá thì tính tình hung dữ, dễ sân si và nóng nảy, thậm chí phát tán ra bên ngoài dấu hiệu sát khí. Chẳng hạn như người ăn thịt chó thì đi đâu chó gầm gừ và sủa vang, người đồ tể hay chài lưới thì sát khí bừng bừng; ngược lại người tu hành chay tịnh thì chim thú cũng cảm mến. Xưa đức Phật tu trong rừng cũng được nhiều thú vật đến dâng cúng hoa quả, hay những vị thiền sư ngồi thiền toát ra sức từ bi cảm hóa được cả thú vật hung dữ. Đó là tác dụng của thức ăn và cách ăn của con người hấp thụ và tư dưỡng thân tâm.

3. Ăn uống và tu hành

Ở trong chùa, ăn cũng là một phương pháp điều dưỡng thân tâm và đồng thời cũng là một khóa tu như khóa tụng kinh hay ngồi thiền. Đặc biệt ở Việt Nam trong ba tháng an cư, có thời Quá đường thật là đạo vị và có ý nghĩa. Khi ăn, người thực tập tu có thể tăng trưởng sự giác tĩnh, tự giác và nhiếp tâm quán chiếu. Chẳng hạn như trước khi ăn quý Tăng Ni tụng kinh trì chú, quán tưởng và nhiếp tâm từng hành động, từng ý nghĩ, uống nước cũng trì chú, mọi cử động đều trì chú để nhiếp tâm. Tóm lại, toàn bộ tiến trình của một buổi Quá đường là một buổi thực hành về thiền quán. Ăn mà cũng được rất nhiều lợi lạc. Chúng ta hãy thực hành phương pháp này trong mỗi bữa ăn, vì nó rất hay và bổ ích cho thân và tâm của chúng ta hằng ngày. Khi chúng ta chú tâm và tập trung vào đối tượng ăn thì cơ thể tiếp nhận thức ăn một cách hiệu quả, nhai kỹ và thong thả sẽ giúp thức ăn tiêu hoá nhanh, không gây ảnh hưởng đến dạ dày và hệ thống tiêu hóa, và ăn vừa đủ để duy trì mạng sống mà thôi, không vì tham ăn mà gây nên cơ thể và tinh thần nặng nề, và tránh vừa ăn vừa coi tivi hay nghe nhạc, tâm tán loạn, ăn quá no, hoặc ăn qua loa, thì thức ăn sẽ giảm bớt dưỡng chất mà ngược lại còn có hại cho cơ thể như sanh chứng đầy hơi, khó tiêu hoặc đau dạ dày, tá tràng. Lúc ăn uống không nói chuyện nhiều vừa mất vệ sinh lại vừa vọng niệm, khó tiêu hóa và mất dưỡng chất trong thức ăn.

Tại sao Phật tử khi ăn cơm ở chùa thường thì thấy rất ngon miệng và nhẹ nhàng thoải mái, nhưng về nhà thì dù ăn đồ ngon vật lạ nhưng cũng thấy không ngon? Vì chúng ta đã ăn mà thiếu tĩnh giác, không tiếp nhận đến hương vị giải thoát của tư thực. Ở trai đường trong chùa, chúng ta được xúc giác bởi không khí trang nghiêm thanh tịnh, hương vị trai thực trong sạch vệ sinh, tinh thần giải thoát, môi trường và hoàn cảnh đó đều là những thọ dụng của hương vị giải thoát thân tâm. Khi ăn chúng ta quán ‘ngũ quán’: (1) Quán công đức của mình nhiều ít so với thức ăn có được; (2) Quán xem đức hạnh của mình đủ hay thiếu khi nhận được thức ăn; (3) Đề phòng tâm tán loạn, tâm tham là đứng đầu; (4) Xem thức ăn như một vị thuốc hay trị bệnh cho thân và tâm; và (5) Vì sự nghiệp tu học mà thọ nhận thức ăn này. Vì thế trước khi ăn chư Tăng Ni thường khuyến cáo bằng câu: “Phật chế xuất gia thực tồn ngũ quán, tán tâm tạp thoại tín thí nan tiêu.” Thật vô cùng có ý nghĩa khi ăn chúng ta hoàn toàn trong chánh niệm, cơ thể hấp thụ cũng hiệu quả hơn, và cũng là một cơ hội cho chúng ta thực hành quán sát thân và tâm, tiêu hóa vật thực của đàn na tín thí.

Nói về ăn uống, đức Phật thường khuyên chúng ta nên tích phước, tích phước cũng giống như chúng ta chuẩn bị hành trang cho sự nghiệp giải thoát. Quý trọng gạo cơm cũng là tích phước, gặp khi đói khát là kiếp trước đã lãng phí gạo cơm, không cho người khác ăn uống. Đừng cho rằng hôm nay chúng ta no ấm là đủ, mà không nghĩ đến những người còn thiếu cái ăn. Hay đừng nghĩ rằng hôm nay cơm gạo đầy đủ mà không lo quý trọng, mà cũng có khi mùa màng thất bát, cơm thua gạo kém cũng đói như thường. Hiện nay nhiều nơi trong nước thì dư thừa nhưng cũng có nơi đói kém, hoặc trên thế giới có nhiều nước giàu có sung túc, nhưng cũng có nhiều nước nạn đói vẫn hoành hành. Vì vậy là người Phật tử, thực hành theo lời Phật dạy, khi ăn cơm, chúng ta phải nghĩ đến những người còn thiếu thốn, ăn vừa no là đủ, không tham ăn hoặc ăn ráng quá no. Trước khi ăn nên chú nguyện và cúng cho ngạ quỷ, nghĩ đến người còn thiếu cái ăn mà thương họ, dùng tâm lân mẫn nghĩ đến họ mà phát tâm làm việc thiện, cúng dường bố thí, đó là tích phước.

Ăn uống còn có nhiều mối quan hệ ảnh hưởng tương quan đến sự cân bằng sinh thái. Trong chùa thường ăn rau trái, nhưng phải lựa lá rau già ăn trước, trái chín mới ăn, không nên ăn ăn tận tuyệt, cắt tận gốc, nhổ tận rễ, đây cũng là thể hiện một tính năng của tích phước. Làm người khai thác rừng hay cây cối cũng phải đúng phép, đúng mùa, không nên chặt sạch phá tiệt cây cối, đã không có để dùng cho lần sau mà còn để sinh ra lụt lội, xói mòn và lở đất. Việc sát sanh thì càng không nên, nếu vì sinh nhai mà phải làm như việc đánh cá thì không nên làm lưới quá nhỏ, đến nỗi một con cá nhỏ cũng không thoát. Ở phương tây, người đi biển phải dùng đúng cở lưới quy định của chính phủ, nếu nhỏ hơn so với quy định sẽ bị phạt rất nặng. Muông thú là sinh vật tự nhiên tạo môi trường cân bằng sinh thái, không được săn bắn và giết hại một cách vô tội. Hiện nay Liên Hiệp quốc đang cảnh báo nhiều loại động vật đã và đang bị diệt chủng, vì vậy nhiều quốc gia đã áp dụng nhiều hình phạt tù đối với những người săn bắn động vật hoang dã. Đây là một việc làm đáng ca ngợi và tôn trọng. Văn hóa Á đông và Phật giáo chú trọng việc tích đức tạo phước, chúng ta tích phước đức chính là chúng ta để lại cho chính mình, cho con cháu mình một món quà vô giá không có gì sánh được, không chặt phá cây cối, không sát hại sinh vật, săn bắt tù túng, bớt một chén cơm nhường lại cho người sau, gọi là cơm lưu phạn, một nắm gạo cho việc từ thiện cũng là một nghĩa cử cao quý.

Từ trong duyên sanh chúng ta có thể biết được hoàn cảnh sinh tồn và sinh thái. Con người và động vật có một mối tương quan sinh tồn với nhau và mối quan hệ cân bằng sinh thái. Nếu bảo rằng ‘động vật sinh ra là để nuôi con người’, thì con người sinh ra là để cho một con vật nào đó ăn hay để nuôi con vật đó mới phải. Như vậy chúng ta ăn nó là không phải đạo. Hiểu rõ lý duyên sinh thì chúng ta càng trân quý hoàn cảnh bên ngoài của chúng ta, không chặt phá cây cối một cách vô trật tự và sát hại sinh linh điên cuồng, kể cả việc tự sát và ôm bom tự sát. Đối với việc ăn uống cầu kỳ, sơn hào hải vị, chỉ là một sự ham muốn vô độ được thể hiện qua tiệc tùng nhậu nhẹt của giới quan chức. Là một người con Phật chúng ta cần phải tiết chế ăn uống, thiểu dục tri túc, biết vừa đủ và nghĩ đến người khác còn thiếu; đối với việc sát sanh hại vật thì tránh xa và phải biết bảo hộ và quý trọng sinh mạng của giới tự nhiên.

4. Cần phải tránh những loại thức ăn thuộc nhóm xúc thực có hại

Xúc thực cũng có loại thức ăn lành mạnh và thức ăn không lành mạnh. Có người khi gặp chuyện buồn, thất tình, chán đời thì tức thời buồn nãn mà tìm uống những loại thuốc làm cho thần kinh đê mê, nốc rượu, uống thuốc lắc, hút xách… làm cho thân tâm nhanh chóng rơi vào cảm giác tê dại, mất cảm giác hoặc lâng lâng bay bổng, ảo giác quay cuồng. Đức Phật dạy, uống rượu, hút hít là một nguyên nhân gây nên mất trí huệ, thần kinh mê muội và có khả năng làm nhiều tội lỗi khác. Khi buồn bã mà nhất thời u mê uống rượu và hút hít thì chỉ là cảm thọ nhất thời đánh lừa chính mình mà thôi. Loại xúc thực này chính là xúc thực không lành mạnh, không những đã không giải sầu được mà còn sinh ra nhiều tại họa và mất mát càng lớn. Muốn hết khổ thì phải hiểu bản chất của khổ và cảm thọ không thật, đối diện với nó, vượt lên và giải thoát từ bên trong.

Làm thế nào để chúng ta phân biệt được thức ăn xúc thực nào là lành mạnh và không lành mạnh? Mắt, tai, mũi, miệng, lưỡi và thân căn của chúng ta lúc tiếp xúc với khách trần thì sinh ra cảm thọ, nếu xúc lành mạnh thì sinh ra thọ chân chính, không hại mình cũng không hại người; còn xúc không lành mạnh thì sinh ra thọ bất chính, bất thiện, chỉ cần một lúc nào đó thất niệm thì chúng ta sẽ rơi vào xúc không lành mạnh, gây nên nhiều hậu quả về sau. Vì vậy trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, những loại xúc thực như vậy rất nhiều, chúng ta cần phải chánh niệm, đừng để một dại dột nhất thời mà hậu quả khó lường về sau. Có chánh niệm thì chúng ta phân biệt đâu là thức ăn lành mạnh và không lành mạnh của xúc thực. Đừng có vì ham vui mà thử uống rượu và hút heroin mà mang khổ vào thân, gây nhân u mê không những kiếp này mà còn mang theo vào những kiếp sau, không nhìn ra ánh sáng lẽ sống, làm điều tội lỗi chất chứa nặng nề, khó mong giải thoát.

Nhóm thức ăn thuộc xúc thực rất nhiều trong cuộc sống đời thường của chúng ta, có thể nói là khắp mọi lúc và mọi nơi, ở đâu cũng có, chỉ cần như lý tác ý thì bỗng nhiên thành tựu thiện nghiệp. Ví dụ như hai ánh mắt hay hai nụ cười tạo nên một hoàn cảnh tiếp xúc đều có thể trở thành một cộng nghiệp thiện; ngược lại không nên có thái độ giả vờ, vội vàng và đối xử xa lạ với người xung quanh, vô tình gây nên một cộng nghiệp bất thiện với nhau.

Như chúng ta đã biết, xúc thực là thức ăn rất quan trọng của thân và tâm của chúng ta, nhưng có cái thì có lợi có cái thì có hại. Nếu loại xúc thực tạo nên dinh dưỡng để nuôi sống thân tâm chúng ta thì chỉ có loại thức ăn xúc thực có lợi mà thôi, còn loại có hại thì sẽ phá hủy thân tâm và đời sống của chúng ta. Khi ăn cơm chúng ta không nên bưng bát từ chỗ này sang chỗ khác, nên ngồi một chỗ ở bàn ăn và ngồi ăn yên ổn, làm như vậy chúng ta cũng có được một cảm thọ tốt về bữa ăn và thức ăn. Còn đối với cuộc sống hằng ngày, chúng ta sống hầu như bằng xúc thực, nên chia sẻ cho nhau những niềm an lạc trong tâm hồn, thì cảm thọ càng ấm áp và thanh thoát. Những xúc thực như vậy chúng ta có thể xây dựng được trong đời sống hằng ngày đối với người thân và mọi người xung quanh mình một cách lành mạnh.

5. Hiệu năng của thức thực

Dinh dưỡng cuối cùng do thức thực tạo thành là một sản phẩm nuôi dưỡng tinh thần của chúng ta suốt dòng sinh mệnh này. Một sinh mệnh đều phải trải qua chu kỳ sinh trụ dị diệt, hay nói cách khác là đã làm lậu thân thì phải có cái ngày già, bệnh và chết. Một ngày khi thân người đến kỳ già yếu thì cảm thọ càng trì độn, ý thức cũng mòn cùn, ngoái lại nhìn một đời như sương mai trên cỏ, lửa lòe trên đá. Thế mà cuộc đời chúng ta cứ mãi bận rộn với lợi danh, tiền tài, địa vị, quyến thuộc…, khi mắt còn sáng, thân còn cử động thì đây là những điều còn có thể tính toán được, nhưng khi mắt mờ, tai điếc, chân tay run rẩy, thì hởi ôi, ta còn tính toán gì đây, cái gì theo ta, không tiền, không tài, không người thân. Thế mà khi ta nhắm mắt xuôi tay cái mà ta phải mang theo đó là cái dinh dưỡng của thức thực. Một thiền sư giác tĩnh sự đời thốt lên rằng: “khi ta thấy người chết, lòng ta nóng như lửa. Không phải vì thấy người ta nóng, mà vì sắp đến lượt của ta.” Chính lời nói này nhắc nhủ chúng ta khi nhìn thấy người khác ra đi, lòng chúng ta rất đau buồn, đau buồn một phần vì người đã chết, một phần lại sắp đến lượt mình rồi. Người chết là chuyện thường tình của con người từ xưa đến nay, nhưng cái vấn đề là ở chỗ người biết tu hành thì sẽ biết trong cái hổn độn mờ mịt của bến bờ sanh tử ấy, chúng ta từ đâu sinh ra và chết rồi đi về đâu.

Cái dưỡng chất hấp thụ từ thức thực nuôi sống và duy trì những chủng tử để làm nguyên nhân cần thiết cho việc tái tạo thế giới của kiếp sau của con người. Con người tiếp tục sinh và tử theo hạt giống chủng tử huân tập từ quá khứ, làm nhân cho quả hiện tại sinh làm người, và sau khi chết mang theo chủng tử đã huân tập tiếp tục làm nhân cho sự tái sinh trong tương lai. Cho đến khi nào dưỡng chất của thức thực chính thức là chất liệu của trí huệ thì mới dừng lại vòng sinh tử luân hồi. Hay trong Duy thức học gọi là tiến trình chuyển thức thành trí, chấm dứt các hình thức ăn của tứ thực.

6. Kết luận

Chúng ta đang sống trong thời đại tiến bộ khoa học kỹ thuật tối tân, con người có thể thám hiểm trong không gian, đếm được các tế bào trong thân thể, thế nhưng sinh mệnh còn mất vẫn là điều bí ẩn của con người. Với Phật giáo, quá khứ và tương lai là khái niệm của thời gian vô thỉ vô chung, cho nên hành giả phải cần tu niệm trong phút giây hiện tại, sống an lạc trong giây phút này.

Ngay trong phút giây hiện tại, chúng ta nỗ lực tu học, thể chứng diệu pháp nhiệm mầu, thân tâm tự tại, bình đẳng quán chiếu, an ổn vô tạp, là phút giây tuyệt vời. Để có được thân tâm tự tại thì hành giả phải thực tập thiền định trong từng sát-na đi đứng nằm ngồi, không ai có thể thay thế được và không có một công cụ khoa học tối tân nào có thể giúp được.

Khoa học kỹ thuật phát triển, có thể cải thiện được hoàn cảnh, nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng có khoa học kỹ thuật thì thành tựu tất cả, lắm lúc càng văn minh, càng hiện đại thì con người càng quay cuồng tham vọng, sanh tử luân hồi cũng càng quay nhanh. Điều quan trọng là làm thế nào để thân và tâm của chúng ta được an nhiên tự tại, đó mới chính gọi là chân thật hạnh phúc. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta duy trì thân tâm bằng tư thực, vì vậy chúng ta dùng nhân duyên để quán sát hơi thở, thức ăn, cảm thọ và ý nghĩ, an trú trong phút giây hiện tại, quay về trung đạo, hướng thiện, đó mới là chánh đạo. 

T.T.C

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here