Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Ý Nghĩa Về Ngôi Chùa

Ý Nghĩa Về Ngôi Chùa

135
0

Danh từ “ngôi chùa” đã được in sâu vào tâm thức người Việt Nam ta kể từ lâu đời, nghĩa là từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam. Cho đến nay, ở khắp ba miền, nơi đâu cũng có chùa, mỗi làng có một ngôi chùa, mỗi xóm, mỗi ấp có một ngôi chùa và ngay tại Đô thành này, tại các Khu phố, Phường, Quận đâu đâu cũng có ngôi chùa, dù là to, dù là nhỏ, khắp chốn khắp nơi đều có chùa, vì chùa là nơi tiêu biểu cho lòng tín ngưỡng của những ai tin theo đạo Phật 

Danh từ “ngôi chùa” đã được in sâu vào tâm thức người Việt Nam ta kể từ lâu đời, nghĩa là từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam. Cho đến nay, ở khắp ba miền, nơi đâu cũng có chùa, mỗi làng có một ngôi chùa, mỗi xóm, mỗi ấp có một ngôi chùa và ngay tại Đô thành này, tại các Khu phố, Phường, Quận đâu đâu cũng có ngôi chùa, dù là to, dù là nhỏ, khắp chốn khắp nơi đều có chùa, vì chùa là nơi tiêu biểu cho lòng tín ngưỡng của những ai tin theo đạo Phật. 

Nhằm mục đích đặt để cho những ai tin theo đạo Phật có một nhận định chân xác về ngôi chùa, nơi đây tạm trình bày những quan điểm: 

    Thế nào là một ngôi chùa?

    Danh từ Tự viện có từ bao giờ?

    Có tất cả bao nhiêu danh từ mệnh danh cho nơi thờ Phật hay chốn Tăng cư? 

I.  Thế nào là một ngôi chùa?

Chùa là tiếng dịch nghĩa chữ “Tự” của Trung Hoa và cũng là dịch nghĩa chữ Phạn Vihàra có âm Tỳ Ha La hay Tỵ Ha Ra. v.v… 

Theo trong tập Thích danh định nghĩa như sau: “Tự: tự dã, trị sự giả tương tự tục ư kỳ nội dã” có nghĩa là tiếp nối về sau, là chỗ mà những người trông coi truyền nối nhau, kế tiếp không dứt để cai quản các việc trong một khuôn khổ qui định. Một chỗ khác cho rằng: Tự là nơi dinh quan ở; tự là nơi để đón tiếp khách ngoại quốc, đón tiếp sứ thần. Cho đến sau nầy chữ Tự được coi là chùa, là chỗ ở của các vị tu hành, là nơi tôn nghiêm có thờ đức Phật hay các vị Bồ Tát. 

II.  Danh từ Tự Viện có từ bao giớ? 

Căn cứ vào sách La Bích Chí Dư kể lại thì khi xưa nhà Hán bên Tàu thiết lập một chỗ gọi là Hồng Lô Tự để tiếp đãi các tân khách bốn phương. Vị trông coi Hồng Lô Tự gọi là Hồng Lô Tự Khanh. Đến niên hiệu Vĩnh Bình nhà Hán (khoảng 25 – Tây lịch), Phật giáo truyền vào Trung Hoa, có 2 vị Tăng Ấn Độ là Ca Diếp Ma Đằng (Kàsyapamàtanga) và ngài Trúc Pháp Lan (Dharmaraksa) sang truyền giáo, được vua Hán Minh Đế rước về cư ngụ tại Hồng Lô Tự, năm sau liền kiến tạo ngôi chùa Bạch Mã tại thành Lạc Dương, thỉnh hai ngài về đó trụ trì và dịch kinh, lấy cớ Hồng Lô Tự chỉ là nơi quán xá tiếp tân, không phải là chỗ sở biểu để các Thánh Tăng cư trú, và từ đó chữ Tự được coi như một ngôi chùa dành riêng đối với chư Tăng và bên trong ngôi chùa luôn luôn có thờ Phật. 

Tại Việt Nam, tục truyền chùa Quán Sứ xưa cũng là một Sứ quán để tiếp Sứ thần các nước, bên trong Sứ quán có thờ Phật, sau này người Pháp đô hộ, Sứ quán hoang phế nên Hội Việt Nam Phật Giáo liền sửa sang lại và là chùa Quan Sứ, Hội sở Trung Ương của phong trào Phật giáo chấn hưng tại Bắc Việt vậy. 

III.  Có tất cả bao nhiêu danh từ mệnh danh cho nơi thờ Phật hay chốn Tăng cư? 

Cần phân biệt hai chữ: Tự, Viện 

Tự là tiếng gọi chung một nơi có đông tăng chúng.

Viện là các phòng ốc trong chùa là chỗ Tăng cư. 

Tuy nhiên, phàm chỗ cư ngụ của chư Tăng không chỉ có hai danh từ Tư, Viện mà còn có 10 danh hiệu khác nhau, đó là: 

Tự: tức là ngôi chùa y theo định nghĩa trong tập Thích danh.

Tịnh trụ: tức là nơi mà những người có tư tưởng hay hành động uế tạp, thô lậu không được phép ở chung, chỉ những ai thanh tịnh mới được lưu cư mà thôi.

Pháp đồng xá: tức là nơi để các vị nghiên cứu về giáo pháp chung hưởng pháp thực tức là ăn uống theo nghi thức được quy định trong thuyền hạnh.

Xuất thế xá: Nơi cho những bậc xuất thế cư ngụ.

Tinh xá: Nơi tinh sạch không phải để hạng người thô bạo đến ở.

Thanh tịnh viên: khuôn vườn thanh tịnh.

Kim cương sái: cõi nước đạo pháp bền vững như kim cương không khi nào lay chuyển bởi hoàn cảnh thế tình.

Tịch diệt đạo tràng: nơi đạo tràng chuyên để những ai theo hạnh Tịch diệt lưu ngụ.

Viễn ly xứ: nơi mà ai vào đều bỏ hết phiền não mê tối, xa lìa được mọi khổ cảnh, lâng lâng như vào chốn tịch tĩnh hồn nhiên trầm lặng.

Thân cận xứ: là nơi mà mọi người đều nên gần gũi luôn luôn để cầu sự yên vui chân thực. 

Đó là 10 danh hiệu được ghi chép trong tập Tăng Sử Lược, kể lại sự phân tích của Ngài Linh Hựu Pháp Sư định nghĩa cho danh từ “ngôi chùa”, mặt khác các danh từ kể trên cũng y cứ vào cuốn kinh Kỳ Viên mà phân định ra. 

Ngày nay (tức là thời kỳ Đường, Tống bên Tàu), Phật giáo hưng thịnh, người ta mệnh danh những nơi Tăng cư hay thờ Phật là: 

Quật: là chốn hang núi có vị cao Tăng lưu ẩn, bởi từ sau nhà Hậu Ngụy, chư Tăng hay ẩn cư, tu luyện trong các núi sâu hang thẳm, thế gian khó ai tìm kiếm được và mục đích xa lánh phiền hoa thế lụy. Trong kinh có ghi chữ Kỳ Xà Quật, tức là hang núi Kỳ Xà thì danh từ quật cũng theo nghĩa này.

Viện: là nơi am viện, trong phái Thiền Tông ưa gọi.

Lâm: coi như một khu rừng có nhiều cây, chỗ Tăng cư ngụ cũng phải có nhiều vị mới thành. Ngày nay có những danh từ Tùng Lâm hay Đại Tùng Lâm tức là chỏ vào nơi có nhiều Tăng chúng hội họp, nghiên tầm kinh điển, giáo pháp của Phật.

Miếu: nơi thờ phụng đức Phật cũng như trong luận Thiện Kiến có ghi là Cù Đàm Miếu tức là nơi thờ Đức Bổn Sư GOTAMA vậy.

Lan Nhã: không có sự kiến tạo đồ sộ như một tự viện mà chỉ là những túp lều cỏ thanh tịnh để vị Tăng cư trú tu tập.

Phả (Phổ) thông: có thể là những Niệm Phật Đường ngày nay, nghĩa là một nơi để biến bá đạo vàng vậy. 

IV.  Theo quan niệm rộng thì chùa ở tại đâu? 

Theo thế thường thì mỗi ngôi chùa phải là một chốn Tăng cư, và chư Tăng cư ngụ phải đầy đủ thuyền hạnh, sinh hoạt có quy củ để thiện tín đều coi đó là nơi tiêu biểu mà chiêm ngưỡng. 

Cũng bởi ngày nay, vô hình trung các ngôi chùa đa số biến thành một cửa hàng thờ Phật, bày đặt toàn chuyện mê tín dị đoan, do đó, ngôi chùa chỉ còn ý nghĩa lưu cư đối với một số: Trốn việc quan; và cũng vì vậy, họ tạo cảnh tạo duyên chỉ là kiến tạo chùa cảnh riêng tư, do đó, mới có chuyện bán chùa, sang chùa hay cầm thế ngôi chùa, và kiện cáo nhau cũng vì giành giựt ngôi chùa. 

Theo quan niệm Phật, Pháp, và có thể là quan niệm rộng của những nhà tu chân chính thì Chùa ở trong tâm, tâm tu thanh tịnh tức là kiến tạo chùa vàng, ngược lại trong tâm còn đầy dẫy tham lam, sân hận, còn mưu cầu chạy đua thế lợi, thì ngôi chùa làm ra, không hơn không kém là một cửa hàng nêu ra để lừa bịp thế gian thôi vậy. 

V.  Làm thế nào để bảo vệ những ngôi chùa? 

Câu khuyến hóa trước nhất của chư Tăng là khuyến khích Tín Đồ phải gia tâm tài thí để tu tạo cảnh chùa, làm chùa cho đẹp xong là phải bảo vệ cảnh chùa. Nhưng thực ra tiêu chuẩn bảo vệ không phải chỉ là đem tiền bạc cúng chùa, sửa sang phòng ốc cho thật tráng lệ, kiến thiết máy lạnh, ti vi, giường hồng kông, nệm gấm v.v…để chư Tăng tu hành theo hạnh “hưởng lạc” mà những ai muốn bảo vệ chùa cảnh là tự người tu phải tu thật, các Tín đồ phải kiểm điểm một cách khe khắt để các vị Tăng tinh tiến trong các thuyền hạnh, cấm tiệt những bọn người thiếu Tăng cách không được lai vãng đến chùa, nếu họ tự động làm một ngôi nhà mệnh danh là chùa để “câu” Tín đồ thì Tín đồ quyết tâm không bao giờ ủng hộ. Như vậy là đưa họ vào đường tu chân chính và chính sự kiện tu hành chân chính là có được ngôi chùa nguy nga tráng lệ trong tâm, khỏi phải tranh dành, tiến chiếm của ai nữa vậy. 

Tóm lại, chùa phải là những nơi có đầy đủ ý nghĩa Tịnh trụ, Tinh xá, Tịch diệt đạo tràng v.v… và ngày nay muốn bảo vệ Phật, Pháp cho hữu hiệu thiết tưởng chỉ nên kiến thiết những tự viện qui mô, những đại tùng lâm tiêu biểu, còn những Niệm Phật đường, những Tịnh xá riêng tư nên giao lại cho người tại gia quản thủ mà chư Tăng phải trở về những tự viện, những tùng lâm, chăm lo tu tập thì đạo pháp tương lai mới có cơ hưng vượng được. 

Trúc Viên

(phụng lục và trích trong cuốn Giải Luận Giáo Lý của Tác giả Giác Không ấn hành năm 1969) 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here