Trang chủ Về TTVHPG Liễu Quán Hoạt động Ý Nghĩa Và Giá Trị Của Hoạt Động Từ Thiện

Ý Nghĩa Và Giá Trị Của Hoạt Động Từ Thiện

272
0

Trong Phật giáo, từ thiện có thể hiểu là hành động thiện xuất phát từ lòng từ bi. Bất cứ việc làm nào mang lại lợi ích cho tha nhân bắt nguồn từ tâm xả kỷ vị tha, cứu khổ ban vui đều mang ý nghĩa từ thiện.

Bố thí (Dàna) trong Phật giáo có tài thí, pháp thí và vô úy thí được xem là pháp gồm thâu tất cả những việc làm từ thiện.  1.Tài thí là bố thí về vật chất, gồm có bố thí nội tài và ngoại tài. Ngoại tài là những tài sản của cải vật chất ngoài thân như tiền bạc, thực phẩm, các vật dụng, phương tiện cần thiết trong đời sống… Giúp đỡ cho cá nhân; đóng góp, hỗ trợ cho tổ chức, cộng đồng, xã hội về phương diện vật chất nhằm giải quyết khó khăn, đem lại ấm no, hạnh phúc cho tha nhân được xem là tài thí. Nội tài là tài sản trong thân như mắt, tai, mũi, lưỡi, các cơ quan bộ phận của cơ thể, kể cả sự sống thân mạng. Ngày nay những việc làm tiêu biểu cho bố thí nội tài là hiến máu, hiến xác, hiến nội tạng cho y học để cứu sống bệnh nhân, hoặc hy sinh thân mạng vì hòa bình thế giới, vì an lạc, hạnh phúc của nhân loại chúng sinh, hoặc xả thân vì đạo pháp… 2. Pháp thí là bố thí giáo pháp; truyền trao, phổ biến giáo pháp, mang Phật pháp vào đời làm lợi lạc chúng sinh, cụ thể như mở trường Phật học, viện nghiên cứu, giảng kinh thuyết pháp; phiên dịch, trước tác, in ấn kinh điển, biên soạn, phát hành sách báo v.v.. Pháp thí chú trọng đời sống tinh thần, đời sống văn hóa, tâm linh, đạo đức. Giá trị của pháp thí trong tu học Phật pháp là giúp chúng sinh “chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc”, giải thoát phiền não khổ đau; trong phạm vi thế tục là giúp con người giải quyết những khó khăn, bế tắc trong đời sống cá nhân và xã hội, hướng con người đến những giá trị hạnh phúc đích thực.  Ngoài ra, trên tinh thần nhập thế, tự lợi song hành lợi tha, pháp thí còn là việc quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo con người trên nhiều phương diện, lĩnh vực: hướng nghiệp dạy nghề, truyền trao kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp, phương thức làm việc để xây dựng, cải thiện cuộc sống, đóng góp cho xã hội, huấn luyện kỹ năng sống, định hướng lý tưởng sống, cụ thể như mở cơ sở giáo dục, trường học dạy chữ, dạy nghề, đào tạo chuyên môn, tư vấn học tập, định hướng nghề nghiệp; mở các lớp rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng làm việc v.v..  3.Vô úy thí là bố thí không sợ hãi, có nghĩa là giúp chúng sinh vượt qua lo lắng, sợ hãi, bất an, có được tâm an ổn. Vô úy thí bao gồm cả tài thí và pháp thí nhưng ý nghĩa phát triển rộng hơn. Bởi tùy theo hoàn cảnh khổ của chúng sinh, tùy theo nhu cầu của chúng sinh mà tài thí hoặc pháp thí có vai trò cứu khổ ban vui, mang lại niềm an vui không sợ hãi cho chúng sinh. Tuy nhiên ý nghĩa của vô úy thí rộng hơn ở chỗ dùng lời nói để làm an lòng người đang lo lắng, khổ não; dùng hành động bảo vệ, che chở họ, giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi, bất an. Hành động của các vị lương y, bác sĩ giúp bệnh nhân vượt qua bệnh khổ và nỗi sợ hãi bênh tật, sợ hãi cái chết; hành động cứu hộ thiên tai; hành động bảo vệ công lý, chống chiến tranh, vận động bảo vệ hòa bình; chủ trương các chính sách an dân, lợi lạc nhân sinh đều mang ý nghĩa vô úy thí.

Hình ảnh biểu tượng Quán Thế Âm Bồ tát trong Phật giáo Bắc truyền được tôn xưng là “Thí vô úy giả” (bậc bố thí vô úy) với ba mươi hai ứng hóa thân đã bao hàm đầy đủ ý nghĩa vô úy thí. Ba mươi hai ứng hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm là Phật, Bích Chi Phật, Thinh văn, Duyên giác, Phạm vương, Đế Thích, Tự tại thiên, Đại Tự tại thiên, Thiên Đại Tướng quân, Tỳ Sa Môn thiên, Tiểu vương, trưởng giả, cư sĩ, tể quan, Bà la môn, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, Bà la môn phụ nữ, đồng nam, đồng nữ, trời, người, dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lầu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, Chấp Kim cang thần. Ở đây là một số ứng hóa thân tiêu biểu của Bồ tát Quán Thế Âm được nói đến trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Phổ Môn, nhưng theo giáo nghĩa của các kinh Thiên thủ Thiên nhãn Quán Thế Âm Đại bi Tâm Đà la ni hoặc kinh Thủ Lăng Nghiêm thì Bồ tát Quán Thế Âm có thể hiện ra nhiều ứng hóa thân khác để tùy duyên hóa độ chúng sinh. Trong nhiều ý nghĩa sâu rộng của hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm với vô số ứng hóa thân, có ý nghĩa nhiều thành phần xã hội (trí thức, bình dân, giàu, nghèo, nhà văn hóa, nhà chính trị, doanh nhân, nhà tâm linh, kỹ sư, bác sĩ, nông dân, công nhân…) với những vai trò và vị thế khác nhau đều có khả năng bố thí vô úy, mang lại an vui cho người khác nếu như người đó có trí tuệ, năng lực độ sinh và lòng từ bi như Bồ tát.

Cả hai hệ thống giáo lý Nam truyền và Bắc truyền đều đề cao vai trò, tầm quan trọng của bố thí hay từ thiện. Đó là việc làm đầy đủ ý nghĩa tự lợi và lợi tha. Về lợi tha, bố thí mang lại niềm an ủi, sự lợi lạc cho chúng sinh trong hiện tại và tương lai (Những giá trị lợi ích của bố thí sẽ bàn rộng ở phần sau). Bố thí xuất phát từ lòng từ bi là thực hiện bổn hoài cứu khổ ban vui, hạnh nguyện độ sinh của chư Phật. Ngay từ buổi đầu giáo đoàn mới thành lập, Đức Phật đã dạy hàng đệ tử xuất gia như sau: “Hãy ra đi, các Tỳ kheo, đem sự tốt đẹp lại cho nhiều người, đem hạnh phúc đến cho nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc lại cho chư Thiên và nhân loại” (Đức Phật và Phật pháp – Nàrada, Phạm Kim Khánh dịch, NXB Tôn giáo, 2005). Đây được xem là thông điệp của lòng từ bi cứu khổ ban vui. Không chỉ thời Đức Phật còn tại thế, mà ngày nay chư Tăng và hàng Phật tử tại gia là những người thừa hành, kế tục sự nghiệp độ sinh của Đức Phật vẫn luôn ghi nhớ thông điệp từ bi đó. Những ai ngưỡng mộ Đức Phật và giáo lý của Ngài, muốn hướng đến phương trời cao rộng cũng thực hành theo thông điệp đó.

Về mặt tự lợi, trong Anguttara Nikàya (Tăng Chi Bộ kinh) ghi lại lời dạy của Đức Phật như sau:“Người có bố thí, khi được làm một vị trời hoặc được làm người đều vượt qua người không bố thí trên năm phương diện, đó là thọ mạng, nhan sắc, an lạc, danh xưng và tăng thượng” (ĐTKVN, Tăng Chi Bộ kinh II, chương V, phẩm Sumanà, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.351); “Có người bố thí với tâm không mong cầu, bố thí với tâm không trói buộc, bố thí không với ý nghĩ “ta sẽ hưởng thọ cái này ở đời sau”, chỉ bố thí với ý nghĩ “lành thay sự bố thí”. Vị ấy bố thí để trang nghiêm tâm. Do bố thí như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Phạm chúng. Khi nghiệp lực đoạn tận, thần lực, danh tiếng và uy quyền đoạn tận, vị ấy trở thành vị Bất lai, không trở lui trạng thái này” (ĐTKVN, Tăng Chi Bộ kinh III, chương VII, phẩm Tế đàn, phần Bố thí, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.355).

Giáo lý Bắc truyền xem bố thí là một trong sáu hạnh căn bản không thể thiếu của người tu Bồ tát đạo (Lục độ hay Lục Ba la mật-Paramitas), gọi là Bố thí Ba la mật (Đàn Ba la mật-Dâna Paramita). Các pháp Ba la mật còn lại là: Trì giới (sila), nhẫn nhục (Kshânti), tinh tấn (Virya –tiếng Pàli là Viriya)), thiền định (Dhyana -tiếng Pàli là Jhàyanti) và trí tuệ (Prajnâ -tiếng Pàli là Pannà). Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Bồ tát là nhà đại thí chủ, có bao nhiêu của cải bình đẳng thí cho chúng sinh mà không hối tiếc, chẳng mong quả báo, chẳng cầu danh vọng, chẳng cầu sinh về chỗ tốt hơn, cẳng cầu lợi dưỡng. Bồ tát chỉ muốn cứu độ tất cả chúng sinh, muốn mang lại lợi ích cho chúng sinh, muốn học theo bổn hạnh của các Đức Phât, muốn thọ trì bổn hạnh của các Đức Phật và muốn khiến tất cả chúng sinh lìa tất cả khổ, được vui rốt ráo” (Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, Bản Hán dịch của Đại sư Thật Xoa Nan Đà). Trong kinh Kim Cang Bát nhã Ba la mật, Đức Phật dạy về công đức bố thí như sau: “Nếu Bồ tát bố thí với tâm không trụ tướng, phước đức ấy chẳng thể suy lường” (Nhược Bồ tát bất trụ tướng bố thí, kỳ phước đức bất khả tư lương) (Kinh Kim Cang Bát nhã Ba la mật, Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch). Bố thí với tâm không trụ tướng theo tinh thần kinh Kim Cang Bát nhã là chẳng trụ nơi sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí. Hay trong kinh Tứ Thập Nhị Chương: “Thấy người làm đạo bố thí vui vẻ giúp đỡ thì được phước rất lớn” (Đỗ nhơn thí đạo, trợ chi hoan hỷ, đắc phước thậm đại)(Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Pháp sư Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đồng dịch). Lời kinh này Đức Phật dạy, dù chỉ phát tâm tùy hỷ trước việc làm từ thiện của người khác, hoặc hỗ trợ việc làm từ thiện của người khác cũng có được phước báo, từ đó cho thấy lợi ích của từ thiện-bố thí không phải nhỏ.

Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ CỦA HOẠT ĐỘNG TỪ THIỆN (BỐ THÍ)

Về phương diện cá nhân

1. Hoạt động từ thiện hay bố thí là gieo nhân duyên lành để tạo quả phúc cho hiện tại và tương lai. Trong kinh Tăng Chi Bộ II, Đức Phật có dạy: “Có năm lợi ích của bố thí: được nhiều người ưa thích, mến mộ; được Thiên nhân và các bậc chân nhân thân cận; tiếng đồn tốt đẹp được truyền đi; không có sai lệch pháp của người gia chủ; khi thân hoại mạng chung được sinh lên cõi lành, Thiên giới”. Kinh Phân Biệt Nghiệp Báo cũng dạy: “Thường vui tu trí tuệ mà chẳng tu bố thí, đời sau được thông minh nhưng nghèo túng không của cải; chỉ vui tu bố thí mà chẳng tu trí tuệ, đời sau được giàu sang nhưng ngu si chẳng biết gì; Bố thí và trí tuệ đều song tu, đời sau giàu sang lại có trí tuệ, Cả bố thí và trí tuệ đều chẳng tu, nhiều kiếp ngu si lại nghèo khó”. Thật ra tự bản thân những việc làm từ thiện đã là niềm vui lớn như lời người xưa nói: “Làm lành rất vui, đạo lý rất lớn” (Vi thiện tối lạc, đạo lý tối đại).

2. Hoạt động từ thiện hay bố thí là một phương tiện thực hành hạnh xả ly, chuyển hóa tâm tham lam, vị kỷ để dần dần đạt đến tinh thần vô ngã. Nếu thực hành bố thí đúng pháp như Đức Phật đã dạy, người tu học Phật sẽ thực chứng vô ngã.

3. Từ thiện, bố thí là pháp tu nhằm nuôi dưỡng và phát triển lòng từ bi, nền tảng căn bản của Bồ tát đạo. Hành giả tu học Phật hướng đến giác ngộ, giải thoát, thành tựu đạo quả Vô Thượng Bồ Đề phải trải qua quá trình hành Bồ tát đạo trong đó có việc cứu độ chúng sinh. Những câu chuyện về tiền thân Đức Phật được ghi lại trong kinh Bổn Sinh (Jàtaka) cho biết, trong vô lượng kiếp khi còn hành Bồ tát đạo, Đức Phật đã dấn thân phụng sự đạo pháp, phụng sự chúng sinh, từng bố thí tài sản, sự nghiệp, vợ con, thậm chí cả thân mạng để làm lợi ích cho chúng sinh. Đức Phật dạy trong kinh Niết Bàn như sau: “Đại từ đại bi gọi là Phật tánh. Từ tức Như Lai, Như Lai tức từ”.Tâm từ bi là tâm Phật, vậy muốn trở thành Phật không thể không có tâm từ bi.

4.Hành động từ thiện, bố thí cứu khổ ban vui tạo nhân duyên lành với tất cả chúng sinh, cởi mở mọi oán kết trong hiện đời và vô lượng kiếp quá khứ, từ đó có được nhân duyên hóa độ làm lợi lạc chúng sinh. Ngay cả Đức Phật cũng không thể hóa độ người không có nhân duyên với Ngài (Phật hóa hữu duyên nhơn), vì thế việc “quảng kết thiện duyên” thông qua các việc làm từ thiện, tài thí, pháp thí và vô úy thí mang ý nghĩa hết sức quan trọng. Luận Đại Trượng Phu có dạy: “Đem của bố thí làm cho chúng sinh mến, đem pháp bố thí thường được thế gian kính trọng. Thí của được kẻ ngu mến, thí pháp được người trí trọng, thí của phá trừ cái nghèo cùng về của, thí pháp phá trừ cái nghèo cùng về công đức. Hai món thí này ai chẳng kính trọng. Cho của là cho vui hiện tại, cho pháp là cho vui Niết bàn tương lai”. Lời dạy này cho thấy việc hành thiện, bố thí bao hàm cả ý nghĩa tự lợi và lợi tha.

Về phương diện xã hội, chúng sinh

Hoạt động từ thiện hay bố thí mang lại an vui, lợi lạc cho chúng sinh, góp phần giảm thiểu những khó khăn trong đời sống, giảm thiểu niềm đau nỗi khổ. Những việc làm này vừa có giá trị đối với đời sống vật chất lẫn tinh thần.

Các hoạt động từ thiện hay bố thí thông qua việc quan tâm, chia sẻ sẽ xóa bớt khoảng cách giàu nghèo, sự chênh lệch trong đời sống xã hội, và đặc biệt là giúp con người gần nhau hơn trong mối tương quan xã hội.

Khi những cá nhân thoát khỏi đói nghèo, thoát khỏi ngu dốt do mù chữ, thiếu hiểu biết, và khi họ biết sống lương thiện, có đạo đức thì xã hội không còn gánh nặng về trật tự, trị an do vấn đề bạo động và tệ nạn xã hội gây nên. Đó là nguyên lý duyên sinh: “Do cái này có mặt nên cái kia có mặt, do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt; do cái này sinh nên cái kia sinh, do cái này diệt nên cái kia diệt” (Thử hữu cố bỉ hữu, thử vô cố bỉ vô; thử sinh cố bỉ sinh, thử diệt cố bỉ diệt) (Kinh Phật Tự Thuyết – Tiểu Bộ kinh I). Các cá thể làm nên cộng đồng, xã hội, quốc gia, làm nên thế giới, mỗi cá thể có quan hệ cộng sinh, cộng tồn với cá thể khác, với cộng đồng, xã hội, quốc gia và thế giới. Bất ổn ở chỗ này sẽ sinh bất ổn ở chỗ khác và ngược lại, sự bình ổn, hưng thịnh ở phương diện này sẽ kéo theo sự bình ổn, hưng thịnh ở phương diện khác.

Cũng tương tự, trong ý nghĩa “Pháp giới trùng trùng duyên khởi”, theo thế giới quan của kinh Hoa Nghiêm, thì mọi sự vật hiện tượng trong đó có con người và muôn loại chúng sinh đều có các mối tương quan mật thiết, thực chất là ta có trong mỗi chúng sinh và mỗi chúng sinh có trong ta, do đó độ chúng sinh cũng chính là tự độ, việc từ thiện hay bố thí có ý nghĩa vô cùng trọng đại. Luận Đại Trượng Phu có nói: “Người có lòng từ bi hay thương tất cả chúng sinh, mà thương chúng sinh tức là thương mình vậy”.

Trong đời sống thế tục, một xã hội, một quốc gia bất ổn về chính trị sẽ dẫn đến chiến tranh, nội loạn; Bất ổn về kinh tế; tình trạng đói nghèo sẽ dẫn đến trộm cướp, mại dâm, lừa đảo; Văn hóa, đạo đức suy đồi sẽ dẫn đến sự sa đọa trong lối sống, gia đình và xã hội bất ổn, nhiều tệ nạn phát sinh. Khủng hoảng kinh tế, đời sống xã hội bất ổn, người dân long đong khốn khổ có thể dẫn đến bất ổn chính trị.  Đó là do mọi sự vật tương quan tương duyên với nhau mà sinh khởi. Chỉ có sự san sẻ, chia sớt, chỉ có sự hy sinh, cống hiến, phụng sự chúng sinh trên tinh thần vô tư không vụ lợi, trên tinh thần từ bi, bình đẳng, vô ngã, vị tha mới thiết lập được xã hội bình ổn và an vui hạnh phúc.

                                                       Phan Minh Đức – Nguồn: daophatngaynay.com

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here