Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo trong nước Ý nghĩa Phật đản PL2552

Ý nghĩa Phật đản PL2552

122
0

Mùa Phật đản, hoa Vô Ưu một lần lại nở! Ngài giáng phàm giữa vườn Lâm Tỳ Ni rực rỡ ánh hào quang, hoà quyện trong sắc hương thơm ngát của chư thiên, mây trời kết ngũ sắc cúng dàng, gió nhạc êm đềm, chim hót líu lo, núi Tu Di dường như cúi đầu để tiếp đón bậc Thầy của nhân thiên.


Sự kiện Đức Phật Đản sinh là bức thông điệp hạnh phúc vượt ra thế giới khổ đau, đánh thức sự hướng tâm vào thế giới an lạc của sự vận hành, xa rời chấp thủ và khát ái. Một chân trời tự do mở ra cho những ai có khát vọng về hạnh phúc, muốn giải thoát mọi khổ đau trong đời.


Sự kiện Đức Phật Đản sinh còn là bằng chứng cụ thể cho lời quả quyết: mặc dù trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi nhưng con người là một thực thể có khả năng “chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc” bằng chính nỗ lực tu tập của cá nhân.


Đau khổ hay luân hồi sinh tử không phải là định lý tất yếu, một định mệnh nghiệt ngã mà thực ra chỉ là hậu quả của mê mờ vọng tưởng, của vô minh. Hào quang sáng rực trong ngày Đản sinh là dấu hiệu báo trước một ngày kia Ngài sẽ xoá tan bóng tối vô minh bao trùm tâm thức con người, đưa con người lên địa vị tôn quý tối thượng.


Đứng về mặt ngôn từ, sự kiện đức Phật xuất hiện tại vườn Lâm Tỳ Ni, Phật giáo Nguyên thuỷ không dùng thuật ngữ “Phật đản sinh”, mà dùng từ “Bồ tát đản sinh” vì Phật giáo Nguyên thuỷ cho rằng, nếu nói Phật đản sinh thì có người sẽ hiểu Phật đã thành đạo từ nhiều kiếp trước, kiếp này chỉ là thị hiện lại.


Tuy nhiên, ngày Vesak (Rằm tháng tư) theo truyền thống Theravada tổ chức là lễ Tam hợp thật trọng đại để tưởng niệm ngày Bồ tát đản sinh, Phật thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Truyền thống này mới nghe qua tưởng chừng như trái ngược với truyền thống của Phật giáo Bắc tông. Nhưng nếu qua phân tích thì ngày Bồ tát đản sinh chính là Ứng thân của Phật ra đời; ngày Phật thành đạo là Báo thân Phật thành tựu và Phật nhập Niết bàn là ngày Pháp thân Phật thành tựu. Do đó, khi nói về ngày đản sinh của Phật là nói đến ý nghĩa thành tựu trên ba thân của Phật: Ứng thân, Báo thân và Pháp thân.


Với Ứng thân Phật, Ngài xuất hiện trong hoá thân của một vị thái tử sống đời sống của bậc vương giả với vợ đẹp con ngoan, rồi thức tỉnh buông những ràng buộc phàm tình, để trở thành người xuất gia, với chí nguyện duy nhất là đi tìm con đường giải thoát khỏi khổ đau cho chúng sinh.


Ngài từng nói: “Ta ra đời vì an lạc, lợi ích cho chư thiên và loài người, vì lòng thương tưởng đời”. Nhìn ở góc độ của Báo thân, sau khi thành tựu đạo quả dưới cội Bồ đề, Ngài tuyên bố: “Cửa vô sinh bất diệt đã mở cho tất cả chúng sinh. Hãy để cho ai có tai muốn nghe được hưởng trọn niềm tin tưởng”.


Còn về ý nghĩa Pháp thân Phật, khi mỗi con người chúng ta nhận ra mình có một “tri kiến Phật”, thì đó chính là cứu cánh rốt ráo qua sự nỗ lực của người tu tập, dẫu là tại gia hay xuất gia. Tri kiến ấy là kết quả đạt được trong quá trình thực hành Bồ – tát đạo của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cùng chư Phật trong quá khứ.


Tri kiến ấy là cái nhìn thật sâu, thật sáng vào bản thể của nhân sinh quan và vũ trụ quan, mà danh từ Phật gọi là “như thật tri kiến”. Người nào đạt được cái nhìn như thế đối với vũ trụ và con người thì người đó đã thực hiện được lý tưởng giải thoát. Người ấy tuyệt đối chẳng còn bị chi phối bởi những biến cố tâm lý, vật lý hay hoàn cảnh xã hội.


Dù Phật đã nhập vào Vô dư Niết bàn nhưng Pháp thân thường trụ của Ngài vẫn còn đó, vẫn còn xuất hiện trong mỗi chúng ta. Thế nên, Ngài tuyên bố rằng: tất cả mọi người bất kể sang hèn, bần tiện hay cao quý, đều có Phật tính và có khả năng thành Phật như nhau. Sự chứng ngộ Phật tính của mỗi người là tuỳ vào nỗ lực riêng của từng cá nhân, chứ không phải ân huệ của một đấng Thượng đế hay thần linh nào cả. Quả thật, đây là lần đầu tiên con người nghe thầy lời xác quyết hùng hồn đến thế, một năng lực tối thượng trong công trình tự giải phóng chính mình.


Vấn đề lý tưởng tối cao và ý nghĩa cuộc sống thực chất là vấn đề hạnh phúc. Hạnh phúc thực sự có mặt khi tự thân mỗi người phải diệt trừ được tham, sân, si, như đức Phật dạy:


Từ tham dục nảy mầm đau khổ
Từ tham dục nảy mầm sợ hãi
Với ai thoát khỏi vòng tham dục
Thì không còn đau khổ, không còn sợ hãi

(Pháp Cú 215 – 216)


Bên cạnh đó chúng ta thấy, trong 49 năm thuyết pháp độ sinh, đức Phật đã từng tuyên bố: “Chính pháp còn phải bỏ đi, huống hồ là phi pháp”. Đây chính là thái độ xả ly hoàn toàn mà mỗi chúng ta cần phải đi qua trên con đường trở về với tự tính giác ngộ. Thực chất của khổ đau đều bắt nguồn từ sự vô minh, khát ái, chấp thủ… nhưng tất cả sẽ được dập tắt khi tự thân mỗi người hướng tới sự tu tập tâm thức và hành tri pháp như Ngài.


Rồi đức Phật cho ví dụ, người nào đã đoạn trừ vô minh, cắt tận gốc rễ như cây ta-la bị chặt đứt ngọn không còn khả năng nảy mầm trong tương lai, là người đã dẹp bỏ các chướng ngại. Người nào đã đoạn trừ được sinh tử luân hồi, là người đã lấp đầy các thông hào. Người nào đã đoạn tận khát ái, là người đã nhổ lên cột trụ. Người nào đã diệt sạch năm hạ phần kiết sử, là người đã tháo tung các xiềng xích. Người nào đã đoạn trừ ngã mạn, là người đã hạ cây cờ xuống, đặt gánh nặng xuống đất, là bậc Thánh không còn gì triền phược nữa. [Trung Bộ Kinh I, Kinh Xà Dụ, tr.130 – 142].


Sự giáng phàm của đức Phật là một bước ngoặt để đánh dấu sự khai sinh mới cho xã hội Ấn Độ nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung. Ngài không buộc ai phải quy ngưỡng Ngài, cũng không buộc ai tin Ngài mà chỉ dạy mọi người hãy tin, hiểu và thực hành đúng với chân lý thì sẽ đem lại cho mình hạnh phúc đích thực, thoát ra mọi buộc ràng sinh tử, như Đức Phật đã từng chống lại những trói buộc của chính mình, chống lại bản ngã nhỏ bé của mình mà được thành tựu đạo quả.


Ngài dạy: “Này các Tỷ – kheo, có những chân lý ở ngay trong thế gian đã được Như Lai thể nghiệm và chứng đạt. Sau khi chứng đạt, Như Lai công bố, giảng dạy, khai triển, phân tích làm cho sáng tỏ… Này các Tỷ – kheo, cũng như bông sen xanh, đỏ hay trắng, sinh ra trong nước, lớn lên trong nước, nhưng vượt lên khỏi nước và không bị nước dính ướt. Như Lai cũng sinh ra trong thế gian, trưởng thành trong thế gian mà không bị thế gian làm ô nhiễm”. [Tương Ưng Bộ Kinh III, tr. 138 -140; Tăng Chi Bộ Kinh II, tr. 33- 39].


Mùa Phật Đản năm nay lại càng có ý nghĩa nhiều hơn, khi Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc tại thủ đô Hà Nội. Những người con Phật khắp nơi từ những châu lục xa xôi, dù ngôn ngữ bất đồng, nhưng muôn triệu con tim đều hoà chung nhịp đập, một dạ chí thành quy hướng, hân hoan, long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đản sinh của đức Từ Phụ.


Đặc biệt, Đại lễ Phật Đản này, ngoài ý nghĩa của lễ hội truyền thống, Phật giáo Việt Nam còn tạo nên nhịp cầu thân hữu giữa Phật giáo các nước, để những nhà hoằng pháp cùng bước lên chia sẻ những kinh nghiệm, cùng khai thông lộ trình mới phù hợp với thời hiên đại, tạo cơ hội cho những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về đạo Phật tìm thấy được giá trị tâm linh từ lễ hội.


Thật là cơ hội quý báu để muôn người con Phật cùng chung vai chung sức vận chuyển bánh xe pháp đi đến khắp năm châu, với nhiều ý nghĩa vừa hiện thực hoá xã hội, vừa đa dạng hoá trong các lĩnh vực của cuộc sống như sau:


– Tạo nên sự an lạc hoà hợp và hữu nghị giữa các Giáo hội, tổ chức tông môn hệ phái Phật giáo trên thế giới.


– Thể hiện giá trị thiết thực của Phật giáo trong thời đại mới, thời đại văn minh, công bằng, dân chủ, hoà bình và giàu mạnh.


– Thiết lập mối giao lưu văn hoá đặc thù giữa các nước, khơi nguồn ý thức bảo tồn và phát huy gía trị di sản văn hoá Phật giáo thế giới cũng như nền văn hoá toàn cầu.


– Điểm tô và nâng cao kho tàng tri thức nhân loại cũng như đóng góp phương thức cải thiện đời sống xã hội trong thời đại ngày nay.


– Tạo nên được hình ảnh cao đẹp thể hiện bản sắc dân tộc Việt Nam vốn thân thiện, yêu hoà bình, cũng là biểu hiện đường lối giáo dục đúng đắn và thiết thực của Phật giáo và nước nhà.


– Từ mối bang giao giữa các quốc gia nầy, sẽ là tiềm năng phát huy mạnh mẽ nền kinh tế Việt Nam về mọi mặt.


– Mở rộng tầm nhìn cho tín đồ Phật tử cũng như thế hệ trẻ hướng về tương lai tươi sáng, sẵn sàng tiếp nối, duy trì giá trị tâm linh theo tinh thần Phật giáo và hiện thực hoá Phật giáo vào trong đời sống xã hội hiện tại.


Kỷ niệm Phật đản PL.2552, chúng ta tưởng nhớ đến Ngài – bậc khai đạo, chỉ đạo và hướng đạo. Không gì hơn là hãy an trú tâm Phật của mình để được một lần Đản sinh, một lần Thành đạo, một lần được thể nhập vào Pháp thân thường trụ.


Đó cũng chính là tự tạo cho mình một cơ hội được sống hoàn thiện với ý nghĩa cao đẹp của cuộc sống như đoá hoa sen tinh khiết toả ngát hương thơm. Thực hiện được điều nầy mới thể hiện đúng với ý nghĩa Đản sinh cao quý của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni.


Thiết nghĩ, trong Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm nay, tất cả chúng ta đều cùng chung tấm lòng vì Phật pháp trường tồn, vì đất nước phồn vinh, vì chúng sinh an lạc, thì giá trị đạo đức, nhân văn, giá trị văn hoá tâm linh cũng như kinh tế chính trị sẽ càng rực sáng, thịnh vượng, góp phần cho cuộc sống thêm phong phú và thăng hoa hơn. Điều này cũng chính là nói lên ý nghĩa Phật Đản Phật lịch 2552 – 2008 năm nay.


Thượng toạ Thích Bảo NghiêmPhó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ươngGHPGVN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here