Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Ý nghĩa của biểu tượng chữ Vạn – 卍

Ý nghĩa của biểu tượng chữ Vạn – 卍

143
0

Chữ Vạn được các nền văn minh cổ đại dùng như một biểu tượng, phù hiệu, hoặc tiêu chí của tôn giáo. Thông thường thì được tượng trưng như mặt trời hoặc lửa, đều có xuất hiện trong thời cổ đại Ấn Độ, Ba Tư và Hy Lạp.

Trong Thập Địa Kinh Luận quyển 20, do Bồ Đề Lưu Chi dịch thì chữ Vạn (卍) được dịch là vạn (萬), còn Cưu Ma La Thập và Huyền Tráng dịch là đức (德), biểu thị ý nghĩa “vạn đức trang nghiêm”. Biểu tượng chữ Vạn (卍) thường được thấy xuất hiện rất nhiều trong văn vật của Phật Giáo, được hiểu như là một trong 32 đức tướng của một đức Phật. Trong kinh A Hàm dạy thì đây là đức tướng thứ mười sáu, hiện ở trên ngực của đức Phật, . Ở trong kinh Đại Tát Giá Ni Kiền Tử Sở Thuyết, quyển thứ 6 nói là tướng tốt thứ 80 của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong Thập Địa Kinh Luận, quyển thứ 12 nói, lúc Bồ-tát Thích Ca khi chưa thành đạo thì ở trước ngực có tướng chữ Vạn (卍), hay còn gọi là Công đức trang nghiêm kim cang. Nói chung kinh điển điều nói đây là một đức tướng ở trước ngực của đức Phật. Thế nhưng trong kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm thì nói, ở trên đầu tóc của đức Phật cũng có đến 5 tướng chữ Vạn (卍). Còn trong Hữu Bộ Tỳ Nại Da Tạp Sự nói, quyển thứ 3 nói, ở vùng eo của đức Phật có tướng chữ Vạn (卍) này.

Chữ Vạn (卍) vốn là một biểu tượng chứ không phải văn tự. Biểu tượng này tượng trưng cho sự cát tường. Do đó, ở trong kinh Đại Bát Nhã quyển thứ 29 nói, tay chân và trước ngực của đức Phật đều có tướng cát tường, biểu thị cho công đức của đức Phật.

Biểu tượng chữ Vạn (卍) có xu hướng quay theo chiều kim đồng hồ, nhưng cũng có thể thấy có biểu tượng ngược lại. Theo bộ Huệ Lâm Âm Nghĩa quyển thứ 21, bộ Huệ Uyển Âm Nghĩa và Kinh Hoa Nghiêm, thì có đến 17 chỗ nói về chữ Vạn (卍) theo chiều kim đồng hồ. Nhưng trong Đà La Ni Tập Kinh quyển thứ 10, thì trên chiếc quạt của trời Ma-lợi-chi có biểu tượng chữ Vạn ngược hướng kim đồng hồ, hoặc thấy có xuất hiện nhiều biểu tượng chữ Vạn trong Phật Giáo có chiều ngược kim đồng hồ, nhưng đa số thì cho thấy biểu tượng chữ Vạn có hướng thuận chiều theo kim đồng hồ. Trong Ấn Độ giáo thì trên ngực thần Vishnu cũng có biểu tượng chữ Vạn, hoặc theo truyền thuyết của người Ấn Độ thì những vị chuyển luân thánh vương trị vì toàn bộ thế giới đều có 32 tướng; đức Phật là pháp vương, có đầy đủ 32 tướng, nhưng theo kinh Kim Cang thì “tam thập nhị tướng, tức thị phi tướng, thị danh tam thập nhị tướng,” hoặc trong bài tựa của thần chú Lăng Nghiêm mà chư tăng thường tụng có câu “vô kiến đảnh tướng”, tức ẩn tướng, tướng vô tướng, không thể bằng mắt thường để thấy tướng này.

Gần đây ở nhiều chùa thường thấy biểu tượng này rất nhiều, không những ở trên tượng Phật, mà còn ở trên các biểu tượng pháp luân đều có chữ Vạn (卍), có người bảo thế này là đúng thế này là sai, có nhiều tranh luận, nhưng đại đa số chì cho là biểu tượng theo hướng kim đồng hồ. Đặc biệt ở thế kỉ 20, Hitler dùng biểu tượng này cho chủ nghĩa Quốc xã (Nazi). Sau đó thì càng thêm nhiều ý kiến, cho rằng ở trong Phật Giáo thì chữ Vạn theo hướng kim đồng hồ, còn Hitler thì chữ Vạn ngược kim đồng hồ. Có một thời, Võ Tắc Thiên dùng chữ Vạn (卍) thay cho chữ Nhật (日), có nghĩa là mặt trời. Phật Giáo thì biểu tượng chữ Vạn được đặt theo hình vuông, còn Hitler thì đặt biểu tượng theo hình chóp. Theo Ấn Độ giáo thì chữ Vạn xoay theo hướng kim đồng hồ thì tượng trưng cho nam thần, còn xoay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ thì tượng trưng cho nữ thần; còn phái Latma ở Tây Tạng thì có biểu tượng chữ Vạn có chiều theo hướng kim đồng hồ, còn phái Bon-pa thì theo ngược hướng kim đồng hồ.

Như vậy theo một số y cứ trên thì chữ Vạn là một biểu tượng chứ không phải là văn tự, nhưng theo thói quen mà chúng ta thường gọi là chữ Vạn (卍) nhưng thật ra không phải là chữ. Trong kinh điển Phật Giáo thì chữ Vạn là được dịch từ kí hiệu tiếng Phạn có âm đọc tương tự là “vatsa”, rồi từ đó Ấn Độ giáo gọi thành “svastika”, tướng lông bò xoáy của thần Visnu.

Tóm lại, đối với Phật Giáo thì biểu tượng chữ Vạn (卍) thì không phân biệt là xoay theo hướng kim đồng hồ hay ngược hướng kim đồng hồ, nhưng theo ý nghĩa của kinh điển giải thích thì đây là một đức tướng từ bi và trí huệ vô hạn trong 32 tướng tốt của đức Phật; biểu tượng có tính chuyển động là tượng trưng cho Phật pháp thường chuyển, hướng về thế giới giải thoát vô hạn, không ngừng đem đến cho chúng sanh vô lượng an lạc, vô lượng cảnh giới hòa bình.
 

T.C.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here