Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo trong nước Ý kiến đọc giả về việc "đòi tòa Khâm"

Ý kiến đọc giả về việc "đòi tòa Khâm"

125
0

Ý kiến độc giả


Võ Trung Kiên – TP. Hồ Chí Minh ([email protected])


Việc lên tiếng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam lúc này là hết sức hợp lý và kịp thời. Rõ ràng việc lên tiếng ở đây không phải là đòi đất, và tôi tin chắc rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ có ý định đòi đất Toà khâm hay đòi đất Nhà thờ lớn cả. Đất đai bao giờ cũng có yếu tố lịch sử và pháp lý. Việc xây dựng tháp và chùa Báo Thiên từ thời Lý là một yếu tố lịch sử, đến khi thực dân Pháp và tay sai cho phá chùa Báo Thiên để xây Nhà thờ Lớn và toà Khâm sứ là một yếu tố lịch sử. Việc Nhà nước tịch thu và sử dụng Toà Khâm sứ là một yếu tố lịch sử. Nếu người Công giáo muốn lật lại lịch sử để Đòi Toà khâm sứ cũ thì người Phật tử cũng có thể lật lại lịch sử để đòi Nhà thờ lớn và Toà khâm sứ cũ. Và cứ như vậy thì có biết bao nhiêu nhà thờ sẽ phải trả về cho Phật giáo…?


Rõ ràng việc đòi đất Toà khâm sứ cũ của Tổng Giám mục Kiệt và giáo dân là một hành động muốn vượt qua lịch sử, bất chấp lịch sử và tạo ra một tiền lệ, một xuất phát huy hiểm đến lợi ích và sự hoà hợp của cả dân tộc. Người Phật tử tôn trọng lịch sử khi không đòi đất chùa Lá Vàng ở Quảng Trị (bây giờ là thánh địa Lavang của người Công giáo), không đòi đất chùa Báo Thiên (bây giờ là Nhà thờ Lớn)… thì không có lý do gì mà người Công giáo lại đòi lại đất Toà khâm sứ cũ mà Nhà nước đang quản lý làm Nhà văn hoá quận Hoàn Kiếm.


Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng lúc này thể hiện một số ý nghĩa sau:


– Nói lên một sự thực lịch sử để thấy được bài học lịch sử và có cách ứng xử phù hợp


– Kêu gọi một giải pháp hợp tình, hợp lý cho tất cả các tôn giáo, cho lợi ích dân tộc, trong giải pháp đó, mảnh đất toà khâm sứ đó không thể là của riêng Tôn giáo nào, phe nhóm nào.


Trần MinhHà Nội ([email protected])


Dù là một người phi tôn giáo, nhưng cá nhân tôi và rất nhiều người khác rất quan tâm đến sự kiện này. Người Pháp đến Việt Nam trước đây, với súng đạn và dã tâm cùng với một số tay sai làm công cụ cho hành vi xâm lăng của họ.


Từ một đất nước có lịch sử lâu đời đã rơi vào vòng xoáy của chiến tranh và nô lệ, mà phải mất gần 1 thế kỷ, người Việt Nam mới dành lại được độc lập. Quá khứ thực dân để lại nhiều nỗi đau không thể quên, mà có thể nói vụ việc di sản văn hóa dân tộc là chùa Báo Thiên bị phá đi xây Toà đại sứ của Vaticăng (Toà Khâm) và Nhà thờ lớn cũng là một phần trong những nỗi đau ấy.


Mọi sự xâm lược, suy đến tận cùng, thang bậc cao nhất của nó là sự nô dịch về tinh thần. Thực dân Pháp đến Việt Nam, sau khi thành công thôn tính đất đai và quyền lực bằng vũ lực, cũng đồng thời tính toán tới việc nô dịch và thôn tính về tinh thần. Việc phá hàng loạt chùa chiền trong thời kỳ thực dân cướp nước, và dựng lên trên đó những nhà thờ về mặt bản chất chính là sự tiếp nối cao hơn của quá trình xâm lược, nhằm triệt tiêu văn hoá của một dân tộc, tiến tới sự nô dịch về tinh thần.


Lịch sử đã khép lại. Một nỗi đau đáng ra nên được ngủ yên. Tiếc thay, vì lợi ích cục bộ của Giáo hội Công giáo, vết thương một lần nữa bị khơi lại.


Tôi nghĩ rằng Giáo hội Phật Giáo Việt Nam và cộng đồng Phật tử đông đảo nhất thiết phải thể hiện chính kiến của mình. Đạo Phật trọng việc từ bi và tha thứ, nhưng trên hết cũng trọng lẽ công bằng. Giáo hội Phật giáo và Phật tử tôn trọng lịch sử, tôn trọng Công giáo, người Công giáo Việt Nam yêu nước, tôn trọng nhu cầu đất đai của đồng bào Công giáo, và Phật tử cũng rất tôn trọng sự thật và lẽ công bằng. Người Phật tử không đòi đất chùa Báo Thiên cũ về cho mình, nhưng tuyệt đối không thể chấp nhận ai đó nói mảnh đất đó là của riêng họ. Trong chiều hướng ấy, người Công giáo, nhất là ngài Ngô Quang Kiệt cần biết tôn trọng và nhìn nhận lịch sử.


Cá nhân tôi rất mong, cùng với sự kiện kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sắp tới đây, sẽ có một chút gì đó của chùa Báo Thiên và tháp Bảo Thiên được tái hiện lại tại kinh đô nghìn năm tuổi này. Còn gì ý nghĩa hơn nếu cùng với sự kiện kỷ niệm 1000 năm với biết bao thăng trầm của thành Thăng Long, một phần của chùa Báo Thiên và Tháp Bảo Thiên sẽ được khôi phục, cho dù không trọn vẹn, nhưng nó sẽ là một minh chứng rõ hơn hết thảy về sự trỗi dậy của văn hoá dân tộc, dẫu trải qua bao biến thiên vô thường của lịch sử.


Trần Minh KhoaĐà Nẵng ([email protected])


Tôi rất vui mừng khi nghe tin Hội đồng Trị sự TW. GHPGVN đã lên tiếng về vụ việc “Tòa Khâm”, chí ít trong thời điểm này đó là sự tham khảo cần thiết của Nhà nước đối với vụ việc. Một sự “trao trả” vào lúc này là bất công bằng đối với Phật giáo, khi từ trong lịch sử, không chỉ có chùa Báo Thiên mà rất nhiều ngôi chùa khác trên khắp cả 3 miền đều bị chiếm phá như vậy.


Trong suốt mấy ngày nay, cả thế giới chú ý đến việc Chính phủ Úc ra lời xin lỗi về những ứng xử tàn nhẫn và bất công đối với những người thổ dân bản địa trong quá khứ và xem đó là những hành vi ứng xử phù hợp với đạo lý, công bằng. Những bồi thường thiệt hại về tinh thần, vật chất sẽ được Chính phủ Úc triển khai sau khi chính thức ra lời xin lỗi.


Nhìn nhận sự việc trên với vụ “cầu nguyện đòi Tòa Khâm” ở Việt Nam, chúng ta mới thấy hết những tổn thương tinh thần, những thiệt hại về cơ sở văn hóa tín ngưỡng của dân tộc và Phật giáo do Thực dân, tay sai và một số giáo sĩ gây ra.


Nhưng những điều đó chưa được Vatican và Giáo hội Công giáo Việt Nam nhìn nhận (và chỉ cần nhìn nhận thôi, chứ chưa nói đến việc phải bồi thường những cơ sở vật chất) thì hành vi “cầu nguyện đòi Tòa Khâm” đã thêm một lần nữa làm tổn thương đến tinh thần của những người Phật tử Việt Nam.


Giáo Hội Vatican đã từng nhìn nhận lịch sử Giáo Hội là một chuỗi “các tội đã phạm trong khi phục vụ chân lý, các tội đã làm tổn thương đến sự hiệp nhất Kitô giáo, các tội chống lại dân tộc Israel, các tội chống lại tình yêu, hòa bình và kính trọng đối với các nền văn hóa và các tôn giáo, các tội chống lại phẩm giá của người phụ nữ và sự hiệp nhất của loài người, và các tội phạm đến các quyền cơ bản của con người” (VietCatholic 19/3/2000).


Với những tội lỗi mà Vatican thú nhận trên, chẳng lẽ những vụ chiếm phá chùa chiền của Phật giáo Việt Nam, đàn áp Phật giáo Việt Nam, thủ tiêu và đồng hóa văn hóa Việt Nam lại không phải là một cái tội trong những cái tội mà Vatican đã từng trực tiếp hay gián tiếp chỉ đạo thực hiện hay sao?


Tôi cho rằng nhà thờ Lớn xây dựng đã nguyên vị nhiều năm nay chúng ta không nói đến. Nhưng với thái độ tôn trọng lịch sử và sự thật, tôn trọng những giá trị văn hóa của nhân loại, tôn trọng những giá trị và công hiến to lớn của Phật giáo Việt Nam với dân tộc Việt Nam, Nhà nước nên xem xét cùng với các bên để sử dụng phần đất tòa khâm để nếu không phục dựng được ngôi chùa Báo Thiên lừng danh thì cũng trở thành một viện bảo tàng văn hóa Phật giáo nhằm quy tập những di sản văn hóa Phật giáo trên mảnh đất Thăng Long, để du khách trong và ngoài nước hiểu hơn về lịch sử Phật giáo trên mảnh đất này.


Việc phục dựng di sản Phật giáo chùa, tháp Báo Thiên sẽ thể hiện những thái độ văn hóa ứng xử cần thiết, phù hợp, làm nền tảng cho những công lý và công bằng đối với quá khứ, hiện tại, tương lai của tinh thần nhân văn tốt đẹp mà chính dân tộc Việt Nam đã gây dựng.


Thiện HảoCHLB Đức ([email protected])


Nam-mô Phật bản sư Thích-ca Mâu-ni, Đệ tử cung kính đảnh lễ Hoà Thượng cùng chư tôn đức. Con vô cùng hoan hỷ đón đọc thư của Hoà Thượng nói lên ý kiến của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về di sản đất Chùa Báo Thiên. Thư của Hoà Thượng hoàn toàn phù hợp với tâm nguyện của những người Phật tử chúng con; Thư cũng được đưa ra đúng lúc và phù hợp với cách xử thế truyền thống của Dân tộc Việt Nam.


Chúng con đã theo dõi sát và lo lắng cùng diễn biến chung quanh “Toà Khâm” những ngày cuối năm 2007 và đầu năm 2008. Thứ nhất đây là nỗi đau do lịch sử còn để lại; thứ hai là trong những người thân quen cùng tộc Việt của con cũng có người là tín đồ giáo hội Thiên Chúa. Khi trao đổi cùng bạn hữu, con đã có trình bày như sau: “Không có giáo thuyết nào là vô nghĩa lý; Vấn đề là chúng có “hội nhập” được vào đời sống Dân tộc hay không, có phục vụ cho sự phát triển cộng đồng Quốc gia hay không? Nếu các tôn giáo và các giáo đoàn / đảng phái của nó lấy/bị áp lực bên ngoài mà làm tổn hại lợi ích Quốc gia, phá hoại hay làm yếu khối đoàn kết Dân tộc thì thực sự chúng không có lý do tồn tại lâu dài…”


Chúng con biết Phật giáo đã có truyền thống lâu dài đóng góp vào công cuộc lập quốc và hộ quốc. Những lễ hội tưng bừng khắp nơi trong những ngày xuân này chính là sự tưởng nhớ của mọi người dân về truyền thống thiêng liêng đó.


Đọc những bài như Từ hàng cột hiên chùa Bà Đá nghĩ về công thổ và hòa hợp Tôn giáo trong lòng Dân tộc, Vụ đòi tòa khâm: câu chuyện về chiếc giếng cổ và cây thánh giá, … con càng thấm hiểu tinh thần Bi – Trí – Dũng của đạo Bụt-đa.


Con hy vọng công đạo sẽ được nhìn nhận và di tính giếng cổ cũng như Báo Thiên Bảo tháp và Chùa chưa bao giờ mờ phai trong tâm trí dân tộc sẽ có ngày trở về cùng Thăng Long ngàn năm văn vật. Cung kính, Xuân vui 2008.


Trương Công Khanh – Australia ([email protected])


Tôi đọc được bài viết: “Bàn về Luật Đất Đai” (phần thứ ba – Sự xung đột giữa luật pháp và thực tế) trên x-caphevn.org, cũng nói đến pháp luật và thực tế. Bài viết có đoạn: “Trong tập quán của nhiều nơi, đất hương hỏa có ba đặc tính pháp lý: không chuyển dịch được, không bị sai áp được và không bị tiêu diệt thời hiệu. Sau ngày Giải phóng, khái niệm đất hương hỏa được nhắc đến trong Thông tư 81/TANDTC ngày 24-7-1982 của TAND tối cao hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế, theo đó, Khoản 1, Chương II nêu rõ: đất đai (kể cả canh tác, đất ở, hương hỏa) không thuộc quyền sở hữu riêng của công dân nên không thể là di sản thừa kế… Tại Bộ luật Dân sự, Khoản 2, Điều 637 lại quy định quyền sử dụng đất cũng thuộc di sản thừa kế và để lại thừa kế… Điều 673 cũng quy định trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế, và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý… Như vậy, khái niệm hương hỏa trong hệ thống pháp luật từ xa xưa tới nay đều được thừa nhận. Thế nhưng các quy định về quản lý và sử dụng nhà đất đã không quan tâm đến định chế này”. Nếu pháp luật Việt Nam quan tâm đến định chế này, chắc chắn những chùa chiền bị chiếm phá sẽ được hoàn trả về cho Phật giáo, đúng như tính pháp lý chung trên thế giới. Nhà Nguyễn đã cho triệt phá nhiều nhà thờ xây trên đất chùa tại cố đô Huế (khi đó là kinh đô).


Chỉ tiếc rằng chùa Báo Thiên là một ngôi chùa trong những ngôi chùa ở quá xa kinh thành nên không giữ được vì “nước xa không chữa được lửa gần”. Và cũng phải kể đến âm mưu của Nguyễn Hữu Độ khi cùng với Giám mục Puginier chiếm phá chùa Báo Thiên, trong khi nhẽ ra ông ta phải tâu với triều đình về việc tu bổ, sửa sang lại chùa. Từ xa xưa, đất đình chùa, đền miếu đều được coi là đất hương hỏa, tùy theo mức sắc phong mà được ban thêm ruộng đất, tiền bạc để phục vụ cho việc tế tự, cúng lễ lâu dài. Ngay ở các nước phương Tây, nhiều nơi, đất của tôn giáo có giá trị vĩnh viễn, mọi sự chiếm đoạt đều phải hoàn trả lại, nên nếu chiếu theo pháp lý thì đất chùa Báo Thiên phải trả về cho Phật giáo mới đúng. Ngay cả nhà thờ Lớn, nếu ở những quy định pháp luật phổ biến về “sở hữu chủ” trên thế giới, thì người Phật tử vẫn có quyền đấu tranh để đòi trả lại. Nhưng vì tinh thần khoan dung tôn giáo, người Phật tử ứng xử như vậy vì nghĩ đến công cuộc hòa hợp chung, chứ thực chất nếu thống kê hết thì số chùa bị chiếm phá để xây nhà thờ mà người Phật tử đủ tư cách đòi lại không chỉ là con số một vài chục.


Khi vụ “cầu nguyện Tòa Khâm” chưa chấm dứt, nhiều trang web Công giáo đã thổi bùng cái “công lý” (mà vốn dĩ mảnh đất “Tòa Khâm” do chiếm phá chùa Báo Thiên của Phật giáo một cách phi công lý mà có) để đòi một cái gọi là “tài sản lâu đời của Giáo hội”. Sau vụ việc “Tòa Khâm”, nhiều thông tin Công giáo đã cho rằng Chính phủ sẽ trả lại “Tòa Khâm” cho Vatican để đáp lại thịnh tình của Giáo hoàng, và thách thức về việc phản ứng của Phật giáo sẽ chỉ là một trò cười khi sự việc “trao trả” diễn ra. Theo tôi, trước những thách thức kiểu bất chấp lịch sử và lương tâm, đạo đức đó, ở sự việc “Tòa Khâm” vốn là chùa Báo Thiên, người Phật tử nên thể hiện chính kiến của mình một cách thiết thực hơn nữa. Tôi nghĩ, thư phản ứng chính thức của Hội đồng Trị sự GHPGVN vào lúc này là vô cùng sáng suốt và cần thiết. Bởi mọi lịch sử chiếm phá một cách phi pháp không thể được hợp thức hóa dưới bất cứ danh xưng gì. Đó mới chính là công bằng, công lý, đạo đức và lương tâm mà cả xã hội loài người đang theo đuổi, đề cao.


Chánh Lạc Khiêm – Cà Mau ([email protected])


Tôi rất hoan hỷ vì cuối cùng thì Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cũng đã lên tiếng chính thức về mảnh đất khi xưa là Chùa Báo Thiên mà nay là nhà thờ lớn Hà Nội. Sự lên tiếng này thật đúng lúc và hợp lý. Đúng tinh thần khế lý, khế cơ của Đạo Phật. Tôi tin tất cả Phật tử Việt Nam, trước hết là công dân của nước Việt Nam độc lập, có chủ quyền, luôn gắn bó, đồng hành với đất nước, dân tộc trong những lúc nguy nan, thăng trầm trong quá khứ bi tráng của dân tộc, thì ngày nay nhất định cũng sẽ đồng hành cùng vận nước.


Tôi luôn xác tín rằng người Phật tử Việt Nam chỉ có mỗi một nguyện vọng thiết tha: làm cho đất nước Việt Nam hùng cường, hạnh phúc. Tôi cũng tin rằng các vị lãnh đạo các cấp – nhất là các cấp cơ sở – qua sự kiện “đòi đất” của người Ca-tô La-Mã đã nhận thấy rõ bản chất của toàn bộ vấn đề và sẽ có ứng xử thích hợp với họ trong tương lai.


Tôi cũng tin tưởng rằng, qua vụ toà khâm, sự kiện Đại Lễ Vesak Liên hợp Quốc tại Việt Nam lại càng được tổ chức trang nghiêm, trọng thể hơn! Đại lễ Phật Đản năm nay sẽ lại càng thêm phần khánh hỷ như đúng tinh thần “Sự tác nghịch là sự tác thành…” trong 10 điều Tâm Niệm (Luận Bảo Vương Tam Muôi)!


Lê Nam ThắngHà Nội ([email protected])


Việc sử dụng mảnh đất toà khâm sứ cũ cần tôn trọng những giá trị lịch sử, giá trị văn hoá, giá trị đạo đức truyền thống và giá trị thực tiễn hiện tại.


Về mặt lịch sử, ai cũng biết mảnh đất đó có một ngôi chùa lịch sử lừng danh đất Thăng Long ngàn năm, đã từng có một trong tứ đại khí của Việt Nam. Vì vậy, sẽ là tốt nhất nếu Nhà nước và nhân dân Thủ đô cho phục dựng lại chùa Báo Thiên và Tháp Báo Thiên trên một phần mảnh đất đó. Du khách và nhân dân đến thăm thủ đô sẽ có dịp ôn lại lịch sử, vun đắp sự tự hào dân tộc.


Về mặt đạo đức, việc thực dân Pháp cho phá chùa Báo Thiên xây Nhà thờ lớn và Toà khâm sứ rõ ràng là một hành vi phi đạo đức của kẻ thực dân xâm lược và kỳ thị tôn giáo. Ngôi chùa Báo Thiên vào thời điểm đó có thể không có người quản lý, nhưng chùa chiền thì không bao giờ vô chủ, bởi vì sở hữu chùa chiền là thuộc về nhân dân: “đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt”. Không thể viện cớ cùa không có sư, không có người quản lý mà phá chùa đi xây nhà thờ, nhất là đó lại là ngôi chùa có lịch sử hàng ngàn năm. Việc một số giáo sĩ Công giáo ngày nay cố tình lờ đi sự thực lịch sử đó cũng là hành vi thiếu đạo đức, thậm chí tự nhận mảnh đất đó là của tổ tiên, cha ông mình (lời của Giám mục Thái Bình). Vì vậy, việc ứng xử một cách có đạo đức là những người tự nhận là chủ sở hữu của mảnh đất Toà khâm sứ cũ là Giáo phận Hà Nội nên đề nghị Nhà nước cấp một phần mảnh đất đó để phục dựng chùa Báo Thiên và tháp Báo Thiên. Đó là hành động sám hối trước tội lỗi của những người đi trước đá phá chùa xây nhà thờ, thể hiện một sự ứng xử đẹp tôn trọng đạo lý theo truyền thống của người Việt Nam (vì giáo dân, giáo sĩ trước hết phải là công dân Việt Nam, chấp hành pháp luật Việt Nam, chứ không phải ngoại kiều của Vaticăng).


Về mặt thực tiễn, chúng ta cũng cần phải quan tâm đến nhu cầu sử dụng đất đai của người Công giáo, vì họ cũng là công dân Việt Nam. Nhà nước nên giao diện tích nhà Toà khâm sứ cho Giáo hội Công giáo làm trụ sở Hội đồng Giám mục, chỉ giao phần diện tích đất có Toà khâm sứ cũ. Phần đất còn lại giao cho Phật giáo phục dựng chùa Báo Thiên và Tháp Báo Thiên. Đó là hành vi ứng xử phù hợp với lịch sử, với đạo đức và với pháp luật và thực tiễn hiện hành.


Hoang TriUSA ([email protected])


Chân thành cảm tạ HT. Thích Trung Hậu đã thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam để lên tiếng về vụ Toà khâm sứ cũ. Mảnh đất này là di sản thiêng liêng của cả dân tộc Việt Nam, không riêng gì Phật giáo hay Thăng Long. Đây là niềm tự hào của cả dân tộc. Ước mong chính quyền phục hồi công đạo và danh dự cho đất nước.


Thích Hải ẤnHuế ([email protected])


Nếu chính phủ trả lại phần đất trên thì nên trả lại cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Vì đây là sở hữu của Phật giáo từ thời Lý Trần.


Vũ Duy TùngHải Phòng ([email protected])


Tôi nghĩ nếu bên Công giáo mà làm áp lực quá thì Nhà nước cứ thí mảnh đất ấy cho họ. Sự vụ đòi Toà khâm sứ cũ cho thấy được bản chất của vấn đề: tôn giáo nào đồng hành với dân tộc, tôn giáo nào đồng hành với Vaticăng. Qua đây, hy vọng Nhà nước sẽ tạo nhiều điều kiện để Phật giáo phát triển, coi đạo Phật là giường cột cho việc xây dựng nền văn hoá đạo đức của dân tộc, vì chỉ với đạo Phật và một số đạo khác như Cao Đài, Hoà Hảo, đạo Mẫu…, đất nước Việt Nam mới thực sự độc lập, tự chủ, có bản sắc riêng, có nền văn hiến riêng.


Người dân Việt Nam, đồng bào Việt nam sẽ khó chấp nhận một giáo sĩ nào mà nghe chỉ thị từ ngoại bang hơn sự quản lý của Nhà nước.


Tôi cũng mong đồng bào Phật tử hãy mạnh dạn, hãy dấn thấn làm việc, học tập, xây dựng dân giàu nước mạnh, hãy tích cực đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo, vì đóng góp vào sự phát triển của Phật giáo cũng có nghĩa là đóng góp vào nền độc lập, tự chủ và giàu mạnh của dân tộc

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here