Bởi vậy, năm nào cả nhà cũng theo mạ lên chùa. Đi riết thành quen, năm nào không đi lại thấy trong lòng áy náy. Với lại, đầu năm đi chùa khỏi phải lo coi giờ chọn hướng gì cả. Đạo Phật vốn không chấp trước, gia đình quy y chùa nào thì cứ nhắm hướng chùa ấy mà tới. Lễ chùa xong, cả nhà đi mộ thắp nhang cho ông bà, tổ tiên, mọi người mới đi thăm thú bà con, bạn bè…
Nhưng rồi mình lại tự hỏi, ở đâu đầu năm người ta cũng bỏ rất nhiều tiền của để đi cầu tài, cầu lộc, cầu danh, trong khi đó những người Huế như mạ lại chỉ cầu an với chỉ một nén nhang? Mạ nói: "Trải qua hàng trăm năm sống bên cung vua phủ chúa, tầng lớp dân đen con đỏ như mình phải luôn luôn giữ kẽ. Lại năm mô cũng bão lụt. Là chưa nói tới các vị khuất mặt khuất mày khắp noi…". Cách lý giải của mạ dựa vào đời sống một kinh kỳ quá vãng, một thành phố tâm linh…
Cũng không phải ngẫu nhiên khi Huế còn là "thành phố chùa".
Phía tây của Huế, từ núi Hàm Long lên đến Thiên Thai, quy tụ hàng chục ngôi chùa toạ lạc ở những vị thế đắc địa. Với người Huế, thói quen đi chùa đầu năm hàm chứa một triết lý sống sâu sắc, gắn với việc xuất hành đầu năm. Đi chùa có nghĩa là hướng đến cái thiện, người Huế mở đầu một năm mới không mong cầu danh lợi, mua may bán đắt mà cầu mong sự thanh thản ở tâm hồn.
Bình an theo đó, không còn dừng lại ở chỗ an phận thủ thường mà đã thành an lạc. Nhưng để có được an lạc, đạo Phật khuyên con người phải biết thiểu dục tri túc, biết mong muốn vừa đủ. Chính ước muốn vừa đủ ấy đã đúc kết nên phẩm chất con người không mê dục luỵ, chỉ thích thanh tao.
Cầu an cũng là cách người Huế lâu nay chọn đi con đường chậm để hướng đến cái thiện. So với các vùng miền trong cả nước, tâm lý hướng thiện có thể sẽ trở thành lực cản làm Huế chậm phát triển. Nhưng biết làm sao được khi đó là sự lựa chọn xuất phát từ tập quán văn hoá đã ăn sâu vào máu thịt nhiều đời? Thôi thì lựa chọn cách sống lương thiện, cũng là cách phát triển bền vững theo khái niệm đang thời sự hiện nay vậy.
Theo Theo Động