Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Xuân Từ Bi Hỷ Xả

Xuân Từ Bi Hỷ Xả

159
0

Ngài Di Lặc ra đời vào đúng dịp xuân về. Phải chăng Ngài muốn nhắc nhở chúng ta không nên vướng bận với mùa xuân sanh diệt ngắn ngủi, chóng tàn. Bồ-tát Di Lặc đã mở ra một chân trời xuân thường hằng vĩnh cửu cho những hành giả muốn tiến bước trên con đường giải thoát.

Xuân đến, xuân đi, theo định luật tuần hoàn của vũ trụ. Xuân có một, nhưng tùy theo tâm tư, hoàn cảnh, hay nói chung tùy nghiệp thức của mỗi người mà cảm nhận về xuân khác nhau.

Theo thường tình của thế nhân, có kẻ vui mừng, hớn hở khi Tết đến xuân sang, có người lo sợ, tiếc nuối xuân tàn, hoặc thất vọng, âu sầu, khi nghĩ đến xuân:

Xuân đang tới nghĩa là xuân chưa qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Mà xuân hết là đời ta cũng hết.

(Xuân Diệu)

Trái lại, dưới mắt thiền sư đắc đạo, xuân đến rồi đi, hoa nở rồi tàn. Tất cả mọi sự đổi thay, chuyển hóa của vạn vật không hề gợn sóng trong lòng các ngài. Trụ nơi tâm an nhiên, tự tại, các ngài thấy bốn mùa đều là xuân. Một mùa xuân nở trong tâm hồn, sống mãi trong lòng, không phải là mùa xuân tàn phai theo tháng năm bên ngoài:

Thị phi tiếng rụng theo hoa sớm

Danh lợi lòng băng với bão đêm

Mưa tạnh hoa rơi non vắng vẻ

Chim kêu xuân lại quá bên thềm.

Bốn câu thơ trên biểu hiện rõ nét niềm vui duy nhất của người tu hành, hay mùa xuân nở trọn vẹn cho hành giả, không gì khác hơn là ngộ đạo, đạt được lý tưởng sau một quá trình miệt mài tu hành dài lâu.

Cuộc đời dưới mắt người tu không có gì vui. Hoàn cảnh bên ngoài nhiều khi thật là hẩm hiu, nhưng một niềm vui sâu xa vô tận vẫn luôn trải rộng trong lòng hành giả. Vui vì hàng phục được ma oán, dẹp tan những chướng nghiệp, thị phi, danh lợi, tham lam, ghét ganh… nổi lên trong tâm hành giả.

Mới bước vào cuộc sống của người tu, hành giả luôn phải đối diện với hai mặt thuận nghịch. Bao nhiêu việc thị phi, phải trái, tốt xấu, khen ngợi, phỉ báng tràn ngập, nhồi nắn cuộc sống hành giả như trận bão lòng. Nhưng hành giả đã dứt khoát để ngoài tai những thị phi thế gian đầy phiền nhiễu này, xem chúng như những cánh hoa tàn úa rơi xuống đất, trả về cho cát bụi, không đáng quan tâm. Chẳng những thị phi không làm dao động tâm hồn hành giả, cho đến mọi cám dỗ, được thua, quyền lợi, danh thơm, tiếng xấu… chẳng có chút tác dụng gì đối với lòng hành giả đã đóng băng như tuyết lạnh trong đêm đen. Dưới mắt hành giả, thị phi, danh lợi chỉ là những thứ giả huyễn, rồi cũng tan biến ra mây khói, khi thân này chui xuống nấm mồ. Quán tưởng như vậy và lặn sâu vào lý Pháp giới để sống, tâm hồn hành giả thăng hoa theo từng bước tu chứng.

Trong thế giới khổ của chúng sanh, hành giả không khổ, vì đang sống với tạng tâm của mình. Sóng gió thị phi, danh lợi không còn khuấy động, hành giả tìm được niềm vui trong sự an tịnh. Một nguồn vui an tịnh không tìm cầu bằng cách sống ẩn dật, lánh xa trần thế, mà đó là niềm vui của tâm hồn bình ổn, thanh thản, lạc quan, kết quả của một quá trình từng bước diệt trừ vô minh, loại bỏ phiền não do tham lam, chấp trước gây ra.

Trong chân lý Khổ tập, Đức Phật chỉ rõ rằng chính lòng tham là nguyên nhân trực tiếp phát sinh mọi tội lỗi, khổ đau. Tâm ham muốn của con người, nếu có hình tướng, thì không còn chỗ nào dung chứa. Chúng sanh vì quá tham lam, muốn ôm tất cả những gì ngoài tầm tay, nên trở thành ngu si, mờ ám. Họ không còn thấy thực tế, hành động mê muội, làm thiệt hại quyền lợi của người và trái ngược với định luật khách quan hiện hữu. Vì vậy, họ phải chuốc lấy đau khổ, khổ trong từng sát-na tâm, không phải chết mới khổ.

Ghi nhớ lời Phật dạy, trên bước đường tu, hành giả quán sát tham dục là cội nguồn của bất hạnh, khổ đau, nhận chìm hành giả trong chốn sanh tử luân hồi. Từ đó, hành giả sẵn sàng đoạn dứt lòng tham, thường niệm tri túc, sống với những gì trong tầm tay. Hành giả đứng đúng vị trí của mình, không sanh vọng tâm tham đắm, mong cầu gì khác. Chỉ làm việc theo yêu cầu của người, của xã hội, thân tâm hành giả được hoàn toàn tự tại, an vui.

Khi lòng tham đã được cắt bỏ, hoa thị phi rơi rụng, mưa danh lợi dứt tạnh, thì bốn núi sanh, lão, bệnh, tử hoàn toàn vắng vẻ đối với hành giả. Thoát khỏi sự chi phối của thân ngũ ấm, hành giả nở nụ cười nhẹ trước sự hợp tan của cái thân phù du, bèo bọt. Từ đó, hành giả chợt bừng tỉnh, nghe được tiếng chim oanh hót báo hiệu mùa đông giá lạnh đã qua, nhường chỗ cho mùa xuân đến. Nói cách khác, tác động của ngũ ấm, hay thị phi, danh lợi, tham muốn đã tan biến hoàn toàn, thì chơn tâm hiển hiện bừng sáng. Hành giả trực nhận được pháp âm vi diệu của Đức Phật Thích Ca, bắt gặp được Pháp thân hằng hữu không sanh không diệt trong chính mình, chấm dứt chuỗi ngày u buồn đen tối. Đạt đến trạng thái ngộ đạo này, mùa xuân bao la, kỳ diệu đã nở trong lòng hành giả. Đó là mùa xuân vĩnh viễn, hay Niết-bàn mà hàng Nhị thừa tu chứng được. Nhờ trải qua một quá trình tu dưỡng thân tâm, gạn lọc, cắt bỏ tánh tham lam, ghét ganh, thị phi, danh lợi của chúng sanh, hành giả đạt đến bốn tướng Niết-bàn là chơn thường, chơn lạc, chơn ngã và chơn tịnh.

An trụ trong tướng Niết-bàn thứ nhất, hành giả tìm được chơn lạc là nguồn vui thường hằng, không cần đối tượng. Vui trong lòng với chính mình, nên mùa xuân được tô điểm bằng những đóa hoa lòng không bao giờ tàn phai, vì chúng không lệ thuộc vào sự mất còn của đối tượng, vào ngoại cảnh, hay vào người khác. Niềm vui vô tận lưu chuyển trong nội tâm của người tu chứng. Kẻ ngoại cuộc hoàn toàn không thể bước chân vào thế giới chơn lạc của hành giả. Kinh thường ví như chỉ có người uống nước mới biết được mùi vị của nước như thế nào. Hơn thế nữa, chỉ riêng con người thật của hành giả là chơn ngã mới sống được với niềm vui và tận hưởng chơn hạnh phúc ấy. Còn con người sanh diệt của hành giả cũng hoàn toàn tuyệt phần.

Chơn lạc và chơn ngã tự phản ứng ngay trong lòng hành giả. Cả hai tác động hỗ tương mật thiết đến độ tuy hai mà một, vượt ra ngoài trạng thái sanh diệt. Chúng hằng hữu dưới dạng Vô sanh, nên được gọi là chơn thường, hay tướng Niết-bàn thứ ba. Nói theo kinh điển, từ Như Lai tạng tâm ở dạng Vô sanh, các pháp Vô sanh. Tâm và pháp Vô sanh duyên với nhau, tạo thành Niết-bàn không sanh tử của A-la-hán.

Đạt được ba tướng Niết-bàn là chơn thường, chơn lạc và chơn ngã không nằm trong sanh diệt, thì đương nhiên hiện hữu tướng Niết-bàn thứ tư có tính cách chơn tịnh, hoàn toàn trong sạch. Đó là quá trình của hàng Nhị thừa tu từ nhân hướng về quả. Họ dùng pháp Phật rửa sạch vọng tưởng điên đảo, thân tâm được an lạc. Họ thành tựu bốn tướng Niết-bàn, đắc quả La-hán.

Với tâm hồn trong sáng, thoát ly sanh tử của cảnh giới Niết-bàn, hành giả nhìn lại cuộc đời thấy đúng như lời Phật dạy rằng nước mắt chúng sanh nhiều hơn đại dương. Hành giả khởi tâm từ bi, bắt đầu dấn thân hành Bồ-tát đạo, chan hòa tình thương cho mọi người, mong muốn mọi người cũng được giải thoát, an lạc như mình.

Ngày nay, bước theo dấu chân Phật, tình thương phát khởi trong tâm hồn chúng ta, thể hiện thành những việc làm hữu ích cho xã hội. Tình thương, sự giúp đỡ nhau một cách chánh đáng, chân thành, bất vụ lợi về vật chất, cũng như dìu dắt người thăng hoa tri thức. Những việc làm này đều nói lên đạo hạnh từ bi trong sáng của hàng đệ tử Phật.

Khởi đầu bằng tâm từ bi có giới hạn, tiến lên thực hiện tâm từ bi vô cùng, nhưng cả hai đều phát xuất từ chơn tâm hay chơn tình của hành giả đối với người. Thực sự lòng từ bi khởi từ chơn tâm, dù có giúp hay không, người vẫn quý mến hành giả. Trái lại, thực hiện lòng từ bi theo tâm lượng của chúng sanh, nghĩa là tu trên Căn, Trần, Thức, thì không phải là pháp của Bồ-tát. Vì thế, giúp người mà buộc họ phải lệ thuộc mình; hễ làm trái ý là ta ghét bỏ họ ngay.

Chúng ta dễ dàng nhận ra được tâm từ bi sai pháp khi người muốn giúp đỡ, bố thí, mà không ai dám nhận lòng tốt của họ, hoặc đôi khi người nhận của bố thí cảm thấy như nuốt viên sắt nóng. Quan sát phản ứng của người, để chúng ta biết mình đang tu hạnh từ bi trên Căn, Trần, Thức, hay trên chơn tánh.

Ở giai đoạn thứ nhất tu hành, nghiệp và phiền não của chúng sanh rất đáng sợ đối với hành giả. Nhưng đến giai đoạn hai, đứng trên lập trường giải thoát, trở lại cuộc đời, đối tượng của Bồ-tát là chúng sanh đau khổ. Kinh Duy Ma dạy rằng chúng sanh không có nghiệp ví như đất không có mầu mỡ, không gieo trồng gì được. Cỏ không mọc được, thì cây bồ-đề lại càng khó lên.

Nhờ tiếp cận chúng sanh, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não, hành giả nhận ra được những tệ xấu của chúng sanh và của chính bản thân. Trên bước đường tự hành hóa tha, phục vụ chúng sanh, đồng thời cũng diệt trừ được nghiệp ác của mình, hay tự lợi tức lợi tha. Với pháp tu này, chúng sanh chính là ân nhân trợ giúp Bồ-tát sớm thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác. Trái lại, chúng sanh gặp chúng sanh, thì nghiệp và phiền não càng đổ ra bao nhiêu, chúng ta càng chìm sâu trong phiền não bấy nhiêu. Vì vậy, ở lập trường ngũ uẩn, chúng ta sẽ bị khổ nhiều khi tiếp cận nhiều với chúng sanh.

Phát khởi niệm tâm từ bi dẫn Bồ-tát hội nhập vào cuộc đời để cứu vớt chúng sanh. Cứu một người, hai người, cho đến cứu được nhiều người, cuối cùng, nương theo tâm từ bi vô lượng của Đức Phật, Bồ-tát cứu độ muôn loài. Dù gặp chúng sanh thuận theo hay ác nghịch, tâm Bồ-tát vẫn bao dung, không bỏ sót loài nào. Thật vậy, tất cả loài hữu tình đến với Đức Phật đều thương Ngài như đấng Cha lành. Việc làm thánh thiện của Đức Phật thể hiện rõ nét tâm từ bi hỷ xả. Những người tu sai pháp thì chỉ từ bi hỷ xả trên đầu môi chót lưỡi. Cuộc sống của họ chẳng những không tiêu biểu một chút gì hỷ xả từ bi, mà còn trái ngược, có khác gì phỉ báng pháp Phật.

Vị Bồ-tát tiêu biểu cho hạnh nguyện từ bi viên mãn, kế thừa sự nghiệp của Đức Phật Thích Ca ở cõi Ta-bà là Di Lặc Bồ-tát. Ngài là vị Bồ-tát duy nhất được Đức Thích Ca thọ ký thành Phật kế tiếp cũng có tên là Di Lặc. Di Lặc dịch từ Phạn âm Maitreya, dịch nghĩa là Từ Thị.

Ngài có danh hiệu này vì theo kinh Hoa nghiêm, khi phát tâm tu hành đạo Bồ-tát, Ngài đã khởi tu tâm từ trước nhất. Và Ngài nguyện đời đời kiếp kiếp ở bất cứ nơi nào cũng mang tên Từ Thị, cho đến thành Phật cũng vẫn giữ danh hiệu này. Nghĩa là trong thâm tâm của Bồ-tát Di Lặc luôn luôn theo đuổi mục tiêu mang vui cho đời. Trải qua quá trình tu đạo Bồ-tát dài lâu, tâm nguyện của Ngài trở thành sự thật. Ngài chứng được Từ tâm Tam muội.

Kinh Đại thừa diễn tả Bồ-tát Di Lặc ở nhiều dạng khác nhau. Theo kinh Hoa nghiêm, ngài Di Lặc đứng ở vị trí thứ 51 trong 53 nấc thang, từ khi phát tâm tu Bồ-tát đạo đến thành Phật. Đây là giai đoạn cuối đối với hành giả nào muốn tu Bồ-tát hạnh, thành quả Vô thượng Bồ-đề, thì phải diện kiến ngài Di Lặc. Như Thiện Tài đồng tử đã trải qua 50 chặng đường cầu đạo, gặp 110 thiện tri thức, mãn Thập địa Bồ-tát, mới gặp Di Lặc. Gặp Di Lặc cũng có nghĩa là tu tâm từ, đồng hạnh đồng nguyện với Ngài, cho đến thành tựu Từ tâm Tam muội bằng như Thiện Tài đồng tử, mới được Di Lặc Bồ-tát mở cửa Tỳ Lô Giá Na lâu các để thâm nhập Pháp giới.

Chúng ta theo gót ngài Di Lặc, tu tâm từ, quyết chí mang an vui cho người. Tuy nhiên, phước đức của chúng ta còn kém, khả năng còn yếu, chúng ta tự nhủ lòng rằng bất cứ lúc nào đủ điều kiện, sẽ đáp ứng yêu cầu của người. Quán tưởng tâm từ thuần thục, đến mức độ trở thành tánh thì có lực tác dụng vào chúng sanh vô hạn, gọi là Từ tâm Tam muội.

 

Từ tâm Tam muội của Di Lặc được trắc nghiệm trong Pháp giới. Ngài không trực tiếp đến an ủi chúng ta. Ngài nhập định, sử dụng Từ tâm Tam muội, thì giữa ngài và chúng sanh có sự tương giao. Chúng sanh nào có nhân duyên căn lành với Bồ-tát Di Lặc, sẽ cảm thấy vui khi khởi niệm nghĩ đến ngài. Nguồn vui của Di Lặc mang đến không phải là cái vui do tác ý. Vì khi có tác ý, chúng ta đã hành động trên “Thức”, nên luôn luôn bị phản ứng phụ; nghĩa là chúng ta làm cho A vui thì sẽ làm mất lòng B.

Sống trong giải thoát, thấy chúng sanh khổ, hành giả khởi tâm đại bi, giúp người cùng an vui. Tuy nhiên, gặp cảnh khổ mà vội vàng giải quyết ngay, thì chỉ là cách ứng xử của Bồ-tát nhập ám. Bồ-tát có trí tuệ phải thấy một sự kiện xảy ra có liên hệ đến nhiều vấn đề khác, nên không thể giải quyết đơn giản, một mặt được. Thí dụ nhìn thấy sự hốt hoảng của con nai khi bị con hổ vồ, ai mà không khởi tâm thương xót con nai. Nhưng nếu cứu con nai thì sự sống của con hổ sẽ được giải quyết cách nào đây.

Vì thế, mỗi khi làm việc gì, Bồ-tát phải quán sát sự tương quan tương duyên chằng chịt, phức tạp giữa các loài trên thế gian. Gỡ rối mọi việc thế nào cho công bằng, hợp tình hợp lý là việc không đơn giản. Trên bước đường tu, cởi trói cho riêng mình tương đối dễ. Cởi bỏ vướng mắc giùm người khác thì khó quá, vì chúng sanh, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não là cả một vấn đề.

Nhận chân rõ như vậy, bên cạnh hạnh từ bi, hành giả phải thực hành tâm hoan hỷ, luôn chấp nhận tất cả khó khăn đổ lên thân tâm mình. Ý này được ngài Phổ Hiền dạy rằng Bồ-tát phát nguyện chịu khổ thế cho chúng sanh để cúng dường chư Phật. Dấn thân hành Bồ-tát đạo nghĩa là chấp nhận khổ, nhưng chấp nhận với lòng đại bi. Vì thế, dù gặp hoàn cảnh xấu ác, hay dễ dàng, Bồ-tát luôn nở nụ cười hoan hỷ như ngài Di Lặc. Riêng tôi, hành đạo gặp nhiều khó khăn, gai góc, tôi vẫn cảm nhận được sự huy hoàng trong đời sống tâm linh, vì đã vượt qua được một chướng ngại để sống gần Phật hơn.

Cần cảnh giác rằng trên đường hiểm sanh tử, chúng ta luôn phải đối đầu với nhiều tệ ác mỗi ngày một lớn hơn. Trải qua vô số gian nan, vất vả, mới đến Bảo sở. Nếu thiếu hỷ tâm sẽ không thể nào bước vào cõi đời này để tu Bồ-tát hạnh được.

 Và sau cùng, muốn đạt đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác, hành giả phải trang bị tâm xả. Hành giả đến với chúng sanh, trải rộng thế giới thương yêu hiểu biết cho họ, không chút lòng mong cầu báo đáp, không muốn người bị lệ thuộc. Hành giả chỉ theo đuổi mục tiêu duy nhất là giúp cho mình và người cùng được giải thoát. Chúng sanh vô tình hay cố ý gây khó khăn, phá hại, hành giả vẫn khoan dung, tha thứ cho họ.

Chẳng những xả bỏ việc xấu ác, ngay cả việc làm tốt của người, hay của chính mình, hành giả cũng không để vướng bận trong lòng, dù là nhỏ như một hạt bụi.

Tâm gương của hành giả hoàn toàn vắng lặng, trong ngần, dứt sạch mối manh đối đãi, sanh diệt, thể nhập vào Tỳ Lô Giá Na tánh. Hành giả tự trang nghiêm bốn tâm vô lượng Từ Bi Hỷ Xả đầy đủ, mới có thể tiếp tục thực hiện các Bồ-tát hạnh khác.

Trước thềm năm mới, mừng đón xuân về, mừng ngày Đản sanh Đức Phật Di Lặc, chúng ta cùng ôn lại hạnh nguyện Từ Bi Hỷ Xả của Đức Di Lặc. Và chúng ta cũng ghi nhớ, sống với bốn tâm vô lượng này, để chuyển đổi đời mình thành mùa xuân đầy hoa đạo, tỏa ngát hương thơm Từ Bi Hỷ Xả. Chúng ta cùng nhau dâng lên cúng dường Đức Từ Thị những đóa hoa đạo hạnh Từ Bi Hỷ Xả, kết thành mùa xuân bất diệt trên bước đường thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh, làm sáng đẹp cho đời trong hiện tại và mãi mãi muôn kiếp về sau.

HT.Thích Trí Quảng

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here