Trang chủ Phật học Xuân, thời tính và không tính

Xuân, thời tính và không tính

251
0

Sau những cơn mưa và giá rét của mùa Đông đánh dấu sự chấm dứt trạng thái già cỗi của một chu kỳ tuần hoàn của vũ trụ và khai sinh một lộ trình mới, tươi, trẻ và đầy sức sống của mùa xuân. Ở đó, vạn vật thay đổi toàn diện từ trong ra ngoài. Những cành khô trụi lá được thay thế bằng lộc non xanh tươi. Màu u ám của bầu trời nhường chỗ cho ánh dương quang rực rỡ. Lòng người cũng vui theo với cuộc đời đổi thay sắc diện. Hy vọng và ước nguyện được gửi trao vào cõi thời không như dường mới mở ra một vận đồ kỳ diệu, mà thời điểm thiêng liêng nhất là phút giây gặp gỡ mầu nhiệm của đất và trời, của thời và không, của tâm và cảnh ở thời khắc giao thừa.

Năm cũ đi qua. Năm mới vừa đến. Lòng người cũng biến dịch không cùng chỉ trong sát na từ con người năm cũ thành con người năm mới, tuổi mới, thân tâm mới, đời sống mới, và môi trường xung quanh cũng mới. Khi tâm người đổi thay thì chánh báo và y báo cũng thay đổi theo. Đúng là, như Thiền Sư Vô Ngôn Thông (759-826) đã từng nói, “Tất cả các pháp đều từ tâm sinh, nếu tâm không sinh thì pháp cũng không nương đâu mà có.” (一切諸法皆從心生, 心無所生法無所住 – Nhứt thiết chư pháp giai tùng tâm sinh, tâm vô sở sinh pháp vô sở trú).

Vậy thì cái khoảnh khắc ngắn ngủi của xuân trong chu kỳ biến dịch không ngừng của vũ trụ là gi? Cái thời khắc xuân ấy có phải do tâm sinh, hay tự nó có? Có thể nào xuân là mặt biến dịch của một thời tính nào đó? Hay xuân chỉ là một cái duyên nhỏ bé mong manh trong dòng duyên sinh bất tận của vũ trụ mà tận cùng chỉ là không tính rỗng lặng? Hay một cách trực diện hơn, thời gian là gì?.

Nhà bác học Albert Einstein từng nói trong lá thư gửi cho gia đình sau cái chết của người bạn Michele Besso vào năm 1955, rằng: “Những người như chúng ta tin vào vật lý biết rằng sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng dai dẳng.” (People like us who believe in physics know that the distinction between the past, the present and the future is only a stubbonrnly persistent illusion). Như thế, đối với Albert Einstein thì thời gian là ảo tưởng, không thật.

Nhà vật lý học hàng đầu của thế giới hiện nay là Stephen Hawking thì cho rằng thời gian chỉ xuất hiện sau vụ nổ khai sinh ra vũ trụ gọi là “big bang”, cách nay khoảng 14 tỉ năm. Đối với Stephen Hawking trước vụ nổ “big bang” thì không có thời gian, vì không có gì cả, nghĩa là thời gian là quá trình hiện hữu của vật chất, của vũ trụ. 

Nhưng có một vấn nạn mà có lẽ cho đến nay khoa học vẫn chưa có câu trả lời xác đáng đó là trước vụ nổ “big bang” thì thế gian này là gì? Từ đâu mà có vụ nổ “big bang”? Nếu vụ nổ “big bang” là sự kiện khai sinh ra vũ trụ vật chất, vậy thì trước đó nguồn cội của không gian và thời gian ở đâu? Vậy có thể nào vụ nổ “big bang” là sự kiện tự sinh? 

Trên cõi đời này có cái gì có thể tự sinh mà không cần tối thiểu một yếu tố, một điều kiện, một cái duyên khác? Chính tự thân của thời gian, theo Stephen Hawking, cũng từ vụ nổ “big bang” mà có, tức là thời gian cũng do duyên mà thành. Bản chất của thời gian chì là nhận thức của con người khi đối chiếu sự hiện hữu của một vật, một sự kiện từ điểm này kéo sang điểm khác, mà tự nó không thể tự có và cũng không là gì cả.

Giáo lý nhà Phật nói gì về thời gian? Đức Phật dạy tất cả các pháp, gồm thời gian và không gian, đều vô thường, nghĩa là không dừng lại bất cứ thời điểm nào, cũng đồng nghĩa là không có thời điểm nào tồn tại. Nhưng đến thời kỳ Bộ Phái sau đức Phật nhập niết bàn thì có nhiều chủ trương khác nhau về thời gian. Chẳng hạn, Hóa Địa Bộ (Mahisasaka) thì cho rằng quá khứ và vị lai đều không thật, chỉ có pháp vô vi trong hiện tại là thật có (Quá khứ vị lai vô, hiện tại vô vi hữu). Ngược lại, Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivada) thì chủ trương ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai đều có thật, và bản thể các pháp tồn tại mãi mãi (Tam thế thật hữu, pháp thể hằng tồn).

Phật Giáo nói chung còn có hai quan điểm về thời gian được thừa nhận một cách rộng rãi bởi các trường phái, đó là quan điểm về sát na (ksana) và kiếp (kalpa). Kiếp là khoảng thời gian dài vô tận, còn sát na là thời gian cực kỳ ngắn, hay thời lượng ngắn nhất mà con người có thể nhận thức được. Tuy nhiên, xét cho cùng, thì thời gian của kiếp cũng chỉ là sự nối dài vô tận của sát na. Nhưng chính sát na lại gặp phải sự bế tắc khó vượt qua. Đó là, nếu sát na là sinh diệt, mà tất yếu phải là sinh diệt thì mới có sự nối tiếp liên tục của thời gian, thì trong một sát na ắt phải có sự kinh qua của sinh, trụ và diệt, tức là quá khứ, hiện tại và vị lai. Nhưng, nếu một sát na gồm có 3 thời thì nó tuyệt đối không là điểm thời gian ngắn nhất. Cứ thế, hễ khi nào còn thời gian thì còn có sinh, trụ và diệt, và như vậy thì đến một lúc nào đó nó sẽ đối mặt với 2 giả thiết xảy ra hoặc là trở thành vô cùng, hoặc là chấm dứt. Nhưng nếu vô cùng thì không là thời gian, và ngược lại nếu chấm dứt thì cũng không là thời gian nốt.

Chính vì vậy mà ngài Long Thọ đã phân tích đến chỗ kỳ cùng ý nghĩa của thời gian trong phẩm “Quán Về Thời Gian Thứ 19” của Trung Luận, để cho thấy quá khứ, hiện tại và vị lai đều không thật có, đều không, và có là do tâm phân biệt vọng chấp của chúng sinh mà thành. Xin trích một đoạn trong phẩm “Quán Về Thời Gian” của Trung Luận qua bản dịch Việt của Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, như sau:

Hỏi: Phải có thời gian, vì nhân đối đãi mà thành. Nhân có thời quá khứ, mà có thời vị lai, hiện tại; nhân thời hiện tại mà có thời quá khứ vị lai; nhân thời vị lai mà có thời quá khứ hiện tại. Các pháp trên, giữa, dưới, một và khác cũng nhân đối đãi với nhau nên có?

Đáp: 1. Nếu nhân thời quá khứ mà có thời vị lai và hiện tại. Vậy thời vị lai và hiện tại phải có ở trong thời quá khứ.

Nếu nhân thời quá khứ mà có thời vị lai hiện tại, thời ở trong thời quá khứ phải có thời vị lai hiện tại, vì sao? Vì tùy theo chỗ sở nhân mà có pháp hiện thành. Chỗ ấy phải có pháp ấy, như nhân nơi đèn mà có ánh sáng, tùy chỗ có đèn phải có ánh sáng. Như vậy nhân nơi thời quá khứ mà có thời vị lai hiện tại, thì ngay trong thời quá khứ phải có thời vị lai hiện tại. Nếu trong thời quá khứ đã có thời vị lai hiện tại, thì cả ba thời đều gọi là thời quá khứ, vì sao? Vì thời vị lai hiện tại có ở trong thời quá khứ. Nếu tất cả thời đều quá khứ cả, thì không có thời vị lai hiện tại, vì đều là quá khứ. Nếu không có thời vị lai hiện tại, thì cũng không có thời quá khứ, vì sao? Vì thời quá khứ nhân nơi thời vị lai hiện tại mà có, nên gọi là thời quá khứ. Như nhân nơi thời quá khứ mà thành thời vị lai hiện tại, như vậy cũng có thể nhân nơi thời vị lai hiện tại mà thành thời quá khứ. Nay đây vì không có thời vị lai hiện tại, nên thời quá khứ cũng không có.”
(Nguồn: http://thuvienhoasen.org/p19a15714/2/pham-19-quan-ve-thoi

Ngài Long Thọ cũng đưa ra một thí dụ cụ thể để giải thích rõ hơn về bản chất không thật của thời gian qua hành động đi đến trong phẩm “Quán Sát Về Đi Đến Thứ 2” của Trung Luận. Xin trích một đoạn trong bản dịch Việt của Hòa thượng Thích Thiện Siêu, như sau:

Hỏi: Thế gian chính mắt thấy ba thời có động tác. Thời đã đi, thời chưa đi, thời đang đi. Vì có tác nghiệp nên biết thật có vật thể?

Đáp: 1. Lúc đã đi thì không có đi, lúc chưa đi thì cũng không có đi, lìa ngoài đã đi và chưa đi, lúc đang đi cũng không có đi.

Đã đi không có đi, vì đã đi rồi. Nếu lìa ngoài đã đi có động tác đi, việc ấy cũng không đúng. Chưa đi cũng không có đi, vì chưa có động tác đi. Còn lúc đang đi là một nửa đi một nửa chưa đi, vì không lìa khỏi đã đi và chưa đi vậy.
(Nguồn: http://thuvienhoasen.org/p19a15714/2/pham-19-quan-ve-thoi

Nhưng nếu thời gian và không gian, hay tất cả các pháp đều không thật thì cái gì tạo nghiệp, thọ khổ và ai giải thoát sinh tử để chứng đắc niết bàn?

Để giải thích về vấn đề trên, các nhà Duy Thức đưa ra quan điểm về chủng tử (bija) là năng lượng đượcgiải thoát. Các nhà Duy Thức đưa ra 6 đặc tính của chủng tử, mà trong  phát sinh từ hành động chủ ý của thân và khẩu để duy trì nhân quả, nghiệp lực, và thắng duyên thành tựu đạo quả giác ngộ đó đặc tính đầu tiên là sát na diệt, nghĩa là “Thể của nó vừa sinh tức thì diệt ngay không gián cách, có công lực đặc thù mới có thể thành chủng tử. Đặc tính này loại ra những gì là pháp thường hằng. Cái gì thường hằng không biến chuyển thì không thể nói có khả năng phát sinh tác dụng.” (Thích Tuệ Sỹ dịch và chú, Luận Thành Duy Thức, Thư Quán Hương Tích, 2009, trang 181)

Như thế các pháp không có thực thể nhưng chẳng phải là hư vô tuyệt diệt. Con người cũng vậy, không có tự ngã thường hằng, nhưng chẳng phải không có năng lực duy trì việc tạo nghiệp và thọ quả. Đó chính là chỗ vi diệu của nhị đế – tục đế và chân đế, chân lý ước lệ và thực tại tuyệt đối, hay thế gian và niết bàn – mà ngài Long Thọ xưng tán. Theo ngài Long Thọ thì người nào chưa hiểu được nhị đế sẽ không nắm vững được giáo nghĩa thâm sâu của đức Phật.

Chính nương vào nhị đế mới có thể thi thiết phương tiện thiện xảo để độ mình, độ người và xiển dương Chánh Pháp.

Hiểu được bản chất chân lý ước lệ của thế gian, người con Phật sẽ cảm nhận ngày xuân diễm ảo và huy hoàng hơn trong tâm thức an lạc.
Nguồn: phatgiao.org.vn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here