Những ký ức về ngày xuân ở Huế khi tôi còn là một đứa con gái nhỏ, thật không bao giờ phai nhòa. Tôi vẫn còn nhớ như in những hạt mưa bụi ngày xuân, không khí vui tươi của xóm làng, hình ảnh ấm êm hạnh phúc của gia đình, cho đến những món ăn thơm lừng, đẹp mắt mà mẹ nấu cúng tổ tiên trong những ngày đó.
Phong tục ở Huế từ buổi trưa ngày cuối năm, mọi sinh hoạt ngoài đường hầu như đều chấm dứt. Gia đình tôi cũng như bao gia đình khác đều trở về nhà để chuẩn bị đón xuân. Các anh em trai thì theo “phe” ba tôi lo chuyện lau dọn bàn thờ và bầy hoa quả. Tôi và các chị em gái theo “phe” mẹ lo chuyện bếp núc, sửa soạn cỗ bàn cúng rước tổ tiên. Mâm cơm mẹ tôi nấu cúng tổ tiên chiều 30 Tết thường là mâm cơm mặn.
Các món ăn thường được xếp đặt trên cái mâm ba tầng bằng đồng. Không phải kiểu cách chi, nhưng đây là kỷ vật của ông nội. Ba tôi kể rằng ngày xưa bà nội tôi thường dọn cơm cho ông nội trên bộ ván gõ, nên phải dùng cái mâm ba tầng mới hợp. Ngày nay để cúng ông bà thì mẹ tôi cũng xếp thức ăn trên cái mâm ấy.
Trên cái mâm thấp và lớn nhất mẹ tôi xếp các loại đồ mộc như măng khô xào thịt, vả trộn với tôm, giá xào nham. Mâm vừa thứ hai xếp các loại canh như giò heo hầm có buộc sợi lạt, tô canh cá ám và các loại nước chấm. Mâm nhỏ nhất trên cùng xếp đĩa thịt heo kho tàu, tôm rim, ram, nem chả, thịt phay xắt lát mỏng. Đĩa cơm, bánh chưng, bánh tét, và xôi chè thì xếp hẳn ra bàn thờ. Năm nào ba tôi cũng hài lòng sung sướng khi thấy mẹ chuẩn bị thật tươm tất cho mâm cơm cúng tổ tiên.
Lễ chùa. Ảnh minh họa: Theo phattuvietnam.net.vn
Nhưng riêng tôi thích nhất là cơm chay ngày đầu năm mà mẹ nấu cho gia đình. Tuy là cơm chay nhưng mẹ tôi phải chuẩn bị rất kỹ từ lâu. Đầu tháng Chạp mẹ tôi ủ chao, đem mứt rũ cho sạch cát (mứt là loại rong biển của làng Lăng Cô, giòn và thơm mùi vị của biển chứ không mềm xèo như rong biển được trồng đại trà của Trung Quốc bây giờ), kiếm mua cho được củ mài (còn gọi là hoài sơn, một loại củ hiếm, mọc ở dọc núi Trường Sơn), lên chùa Hồng Ân lựa chọn mua loại tương ngon không bị khét.
Tết còn là dịp để anh chị em tôi được phép mặc đồ đẹp suốt ngày, mẹ tôi cũng thế. Tôi không quên hình ảnh mẹ tôi quấn hai vạt áo dài lên, đi đi lại lại chuẩn bị bữa cơm chay, sau khi cả nhà tôi lên chùa về. Mẹ tôi xuất thân từ gia đình có gốc rễ sâu đậm với tín ngưỡng Phật giáo. Mẹ muốn anh chị em tôi cũng có niềm tin sâu sắc như vậy thông qua các món ăn chay, để chúng tôi dần có niềm tin đó.
Các món ăn chay là chao kho trong một cái âu bằng đất ăn kèm với các lọai rau sống tươi ngon, canh rong biển nấu với cải cay, đậu khuôn nguyên chất nên khi chiên phồng lên vàng rộm, chấm với nước tương đậu nành có dầm ớt đỏ chỉ thiên. Món tráng miệng là chè củ mài nấu với đường phèn. Vì củ mài thật quý, nên chúng tôi chỉ được mỗi người một chén nhỏ. Khi ăn phải ngậm để thấm cái vị ngọt thanh của đường phèn, cái dẻo, cái bùi mà thơm không diễn tả được của củ mài. Chúng tôi quây quần bên mâm cơm, ai nấy như mở lòng ra đón nhận hương hoa của tình thương gia đình, hương hoa của đất trời mùa xuân, có cả vị trên rừng và dưới biển…
Đến khi tôi lập gia đình thì việc sửa soạn mâm cơm cúng tổ tiên ngày tết còn quan trọng hơn. Vì gia đình chồng tôi có truyền thống Nho giáo thờ phụng tổ tiên. Mẹ chồng tôi là con dâu trưởng trong một gia đình quan lại ở Huế, từ khi về làm dâu lúc mới 17 tuổi đã lo tập tành vào khuôn khổ của việc bếp núc, cúng kỵ, gia nương.
Từ các vật liệu để nấu nướng cho đến cách sắp xếp đặt cỗ bàn đều có khác với nhà tôi. Chỉ với các nguyên liệu ít ỏi, nhưng phải cần kiệm vén khéo sao cho đầy đủ bộ lệ, kiểu cách. Vật liệu chính là một con gà mà mẹ chồng tôi đã pha chế ra thành một mâm cỗ đủ món. Đùi gà, một cái thì ram vàng còn một cái thì luộc xé phay. Cổ gà và chân gà thì hầm với hạt sen, ức gà thì xé làm gỏi, lòng gà thì xào với lơ-ghim…
Khi mới về nhà chồng tôi còn rất ngây thơ, nên công việc được giao cho tôi trong ngày lễ tết chỉ là đơm xôi và soạn lau chén bát. Công việc đơn giản vậy mà với tôi thì hết sức lạ lùng. Mẹ chồng đưa cho tôi nồi xôi cỡ chừng hai lon nếp và nói: “Con đơm xôi này ra cho được 30 đĩa”. Tôi hết sức thắc mắc nên cứ tần ngần đứng mãi. Dường như hiểu ý, mẹ chồng tôi vào tủ bưng ra cho tôi một chồng đĩa đúng 30 cái, nhưng cái nào cái nấy còn nhỏ thua cái chén trà.
Rồi đến việc lau soạn chén đĩa thì thấy hầu như cái nào cũng mẻ, cũng sứt… Nhưng cái nào mẻ ít thì bịt bạc, mẻ nhiều thì bịt vàng, tô chén thì nhiều kiểu dáng, nhiều chủng loại không thể nào gộp thành bộ được. Rồi đến đũa thì lạ hơn, ba đôi thì dài, năm đôi thì ngắn… Tuy được lau chùi rất bóng loáng, nhưng đã ngả màu với thời gian. Những bộ chén bát đó tuy đã sứt mẻ như vậy nhưng gia đình chồng tôi rất quý.
Huế qua bao cuộc chiến tranh binh biến vậy mà mỗi khi chạy loạn, mẹ chồng tôi lúc nào cũng gánh theo và cất giữ cho đến bây giờ. Đó là các loại chén bát nội phủ, còn các đôi đũa ngà thật dài thì của các cụ ông, cùng với các đôi đũa ngà nhỏ và mảnh mai thì của các cụ bà. Đó là những đồ vật gia bảo mà trải qua nhiều đời trong gia đình đã dùng đến nên chúng được giữ gìn rất kỹ lưỡng.
Món ăn chay. Ảnh minh họa: Theo sinhthuc.org
Mỗi năm “xuân thu nhị kỳ” gia đình chồng tôi mới đem ra sử dụng vào dịp lễ cúng tổ tiên. Khi sửa soạn mâm cơm cúng tổ tiên, mẹ chồng tôi bao giờ cũng hết sức thành kính, bà không chỉ mặc áo dài, mà còn đi cả chân đất. Dường như mẹ chồng tôi muốn tỏ lòng thành không những từ trong tâm mà còn từ chân lên đầu.
Sau này mâm cơm cúng tổ tiên trong gia đình chồng do tôi sửa soạn. Các món ăn cũng được xếp đặt vào các loại chén đĩa xưa cũ kỹ như vậy. Nhưng các món có khác hơn. Cũng là mâm cơm có đủ món, canh thì có ba oản, món xào thì có bào ngư xào với lơ-ghim, món nấu thì có vi cá nấu độn, món kho thì có thịt bò kho quế. Có cả xôi trắng và chè yến xào chưng với hạt sen.
Đây là những món ăn nghe có vẻ cao sang nhưng thật ra đó không phải là món Tây món Tàu chi cả, mà đó là những món ăn rất Huế đã có từ ngày xưa. Tôi không mặc áo dài để nấu ăn trong ngày Tết như mẹ ruột và mẹ chồng tôi mà chỉ mặc áo dài khi lên thắp hương bàn thờ Phật, tổ tiên và khi chăm sóc chơi đùa với con. Thường thì người ta mặc áo dài khi đi ra ngoài cho đẹp, còn tôi thì trái lại.
Tôi có hai cái áo dài mặc ở nhà, một cái khi lên thắp hương bàn thờ Phật để tỏ lòng thành kính và một cái để làm “thành trì” bảo vệ cho con. Áo dài mặc ở nhà không eo co, không “lồng lộng”, không “xô dạt trời chiều” chi cả. Mà đó là những cái áo dài bằng vải cotton mềm cho dễ giặt, dài và rộng thùng thình.
Khi con còn nhỏ, mỗi lần bồng ẵm cho con bú mớm, tôi chỉ cần quén hai vạt áo dài lên là có cái mền đắp ấm cho con, khi con khóc thì đã có ngay hai vạt áo dài biến thành khăn lau để quệt nước mắt, nước mũi. Khi con muốn nghe chuyện cổ tích, sẵn có áo dài tôi đã biến ngay thành kịch sĩ nhập vai bà ngoại trong câu chuyện “Cô bé quàng khăn đỏ”. Khi con lần đầu tiên cầm được cây bút thì hai vạt áo dài là nơi con tôi tha hồ vẽ vời những nét nguệch ngoạc đầu tiên. Cu Bờm và cu Xờm con tôi là hai đứa trẻ rất hiếu động, thường chui vào hai vạt áo để làm đuôi rồng, múa lân, đứa thì kéo lui, đứa nhảy tới…
Cu Bờm nay đã lớn và đi du học mấy năm rồi. Năm nào Tết đến cũng gọi điện về nói rằng: “Tết ở bên này có đủ bánh chưng, bánh tét, có cả hoa mai, hoa đào, có luôn cả bầu-cua-tôm-cá… Nhưng không có được không khí như bên quê nhà. Con thèm nhớ những món ăn mà mẹ nấu, con nhớ không khí gia đình mình trong những ngày Tết… À nữa, mẹ ơi, con nhớ lắm hai cái vạt áo dài mặc ở nhà của mẹ…” rồi khóc rưng rức. Cúp máy rồi tôi ngồi nhớ con cũng khóc thút thít.
Ai đó nói rằng: “Tình yêu quê hương là sự thương nhớ thèm thuồng các món ăn mà cha mẹ cho ta ăn từ thời thơ ấu”. Và nữa, biết yêu mẹ là biết yêu Tổ quốc thì tôi có thể sung sướng mà nói rằng, các con tôi sẽ là những “chàng trai nước Việt” biết yêu quê hương, yêu Tổ quốc thiết tha.
Hôm nay là những ngày đầu xuân mới, tôi khoác áo dài lên thắp hương bàn thờ Phật, rồi ra chăm sóc mảnh vườn con. Đã thấy các cây mai đồng loạt trổ hoa, bất giác nhớ tới cảm xúc “Vũ trụ choàng thay áo” của thiền sư Mãn Giác:
“Ô hay xuân đến bao giờ nhỉ
Nghe tiếng hoa khai bỗng giật mình
Sáng nay thức dậy choàng thay áo
Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh”.
Hồ Thị Hoàng Anh (vietnamnet)