Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Xem bốn bức tranh Quán Thế Âm nhớ Sư bà Diệu Không

Xem bốn bức tranh Quán Thế Âm nhớ Sư bà Diệu Không

139
0

Nhân kỉ niệm húy nhật Sư bà (23/8 âm lịch), website Liễu Quán trận trọng giới thiệu đến quý độc giả một bài viết của GS. Thái Kim Lan, tưởng nhớ đến một người mẹ lớn của lịch sử Phật giáo Việt Nam đã vắng bóng cách đây 12 mùa lá rụng.

Trong Tây Du Ký, có một đoạn ngắn tôi rất thích, trong đó không gian bỗng nhiên tĩnh mặc, êm ả so với những đại náo hỗn loạn diễn ra trên đường Tây Du: đoạn Tôn Hành Giả bị thua lũ yêu quái tơi bời, phải đằng vân lên Đâu Suất  thỉnh Quan Thế Âm xuống cứu Đường Tăng sắp bị làm thịt. Lúc ấy Ngài Quán Thế Âm đang ngồi đan giỏ, Tôn Ngộ Không kêu xin cứu nạn. Việc cứu nạn gấp rút đến nỗi Ngài không kịp khoác áo choàng, vội đằng vân, hạ giáng xuống trần, phất phơ trong bạch y bằng lụa, tóc xoả, tay cầm giỏ nơm cá. Một kẻ trần đã thấy hình ảnh ngài giáng trần như thế nên có bức vẽ “Quan Âm ngư lam” ghi lại bóng dáng của vị Đại Bồ Tát cứu khổ cứu nạn. Bức vẽ là một bài thơ ca ngợi không lời. Tôi ngưỡng mộ hình ảnh mà tôi cho có một không hai trong số những hình ảnh Quan Thê Âm Bồ Tát mà chúng ta có được.

Khi được tin Sư Bà Diệu Không viên tịch, ở nước Đức xa xôi, tôi nhìn bốn bức thêu tứ đại cảnh của cô Huệ Nhẫn theo lệnh sư bà thêu tặng treo trong phòng, nhớ Sư Bà xót xa, muốn đặt bút viết lời cảm niệm, mà viết không nỗi, tôi bỗng ước ao nếu mình vẽ dược như người trong truyện Tây Du, tôi sẽ phóng bút ghi lại hình ảnh Sư Bà mà tôi đã khắc trong tâm từ thuở mới gặp Sư Bà cho đến hôm nay, mà tôi gọi thầm là bốn nét quán thế, để treo trên tường.

Mà vẽ không được, tôi đành mang theo những hình ảnh Sư Bà trong tâm như Kiều Nguyệt Nga trong truyện Lục Vân Tiên mang bức vẽ người ân nhân đã cứu nàng…hẹn có một ngày tôi viết mà như vẽ được những nét đan thanh của vị Sư tôn kính…

1. Vô ngã đại từ bi:

Một lần trong thời Pháp nạn, chúng tôi ngồi tuyệt thực giữa sân chùa trong cơn nóng rát lưng tháng 5 ở Huế. Nóng, khát làm tê dại châu thân. Lại thêm mặt trời buổi trưa chói lói đến phải nhắm nghiền mắt, hào hễn thở, gục mặt trong nón lá, cơ hồ ngất lịm. Bỗng có ai sờ lưng với cái vuốt êm mát của một bàn tay thật dịu dàng, tôi nhìn lên, thấy một cái nón rộng vành hầu như che hết cả thân mình, sau giải nón màu lam, có một nét cười mỉm, rất hiền, một tay đưa cho tôi bát nước trong. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp, sau này mới biết vị  Sư ấy là Sư Bà Diệu Không. Trước đó tôi chưa lên chùa thường xuyên nên chẳng biết rõ ai là ai. Chỉ biết từ lúc cái nhìn ngước lên, có hiện hữu “một người”, mà “một người ấy” xuất hiện vô cùng nhẹ nhàng, như một cái bóng phất phơ. Hầu như cái bóng ấy “vô ngã” đến nỗi chỉ có cái nón duy nhất chuyển động, giữa triệu triệu con người, từ hiên bất cứ một mái chùa nào, ra đến sân chùa, xuống thang cấp hay đi trên đường đất, cái nón chuyển động, xa rồi gần, mà đi đến đâu thì kẻ khát được uống, kẻ đói được lo cho no, kẻ âu lo được chút an bình, kẻ đang khóc được chặm nước mắt, kẻ không nhà có nơi trú ẩn…

Chiếc nón chuyển động là nét KHÔNG huyền điệu giữa muôn triệu cái có vô thường,  hiện hữu bằng từ bi và hạnh nguyện cứu độ chúng sanh, bất cứ ở đâu trên khắp Việt Nam.

Cho đến ngày cuối cùng, người ấy vẫn muốn mình là vô ngã huyền diệu với lời nguyện: sẽ trở lại thế gian để hành thâm cứu độ bao lâu còn đau khổ trên thế gian.

Có ai đạt được giác ngộ đại thừa như Sư Bà Diệu Không với hành thâm vô ngã QUÁN THẾ ấy?

 2. Đại ngã hoan hỉ:

Có một lần tôi trở lại thăm chùa Hống Ân vào dịp đầu xuân. Cây hồng đơn sơ đang trĩu trái trước hiên chùa, hoa tím


Sư bà Diệu Không (1905-1997)

lẳng lặn nhẹ đùa trong gió, hương trầm toả ấm không gian. Tôi bước vào nhà ni, thấy Sư Bà đang nằm nơi ghế xếp, giản dị trong chiếc áo lam độc bình, chung quanh sư bà là các sư cô trẻ ngồi xúm xít dưới đất, cười vui nghe Sư bà kể chuyện, người thì cầm quạt phe phẩy, người nắm tay vuốt ve, người xoa chân, người vuốt má, người xoa bụng Tự nhiên tôi nhớ đến bức tranh quê vẽ một đàn heo con xoắn xuýt bên heo mẹ, hay một đàn gà con núp dưới đôi cánh chở che của gà mẹ. Nhưng nghệ sĩ phải giảm bớt hết gam màu sặc sở của đời thường mà pha nhẹ đến cùng tận đến như không màu, tương tự như trong giấc mơ về hạnh phúc, giấc mơ không có màu, chỉ mờ như sương khói. Hạnh phúc không phải là khái niệm trừu tượng mà là một cảm giác an lạc, vui trong an bình. Nếu vẽ được hạnh phúc thì cảnh chùa hôm ấy là nét đan thanh siêu thoát nhất của hạnh lạc. Huyển ảo mà chân tình biết bao. Khi tôi từ giã ra về, ngoái lại thấy Sư Bà Diệu Không còn đứng tiễn nơi hiên, màu lam hoà với bông hoa tím nhạt, chung cùng với các ni sư trẻ, đẹp thanh thoát, tôi tưởng như đang rời một bức tranh có thật là Niết Bàn chốn ấy để trở lại lạc loài ảo ảnh cát bụi trần ai bên này.

3. Đại trí tuệ vô ngôn: 

Những năm 80, 90 tôi đẫn một nhà hảo tâm người Đức, ông tiến sĩ Boehme về giúp một số dự án phát triển tại Huế. Tôi đưa ông lên thăm Sư Bà. Ông ngạc nhiên mừng rỡ gặp một vị Sư biết nói tiếng Pháp, bởi vì trong lúc suốt thời gian ở Huế, những cuộc trao đổi gặp không ít trở ngại vì ngôn ngữ bất đồng. Nhưng ngạc nhiên lớn nhất của ông, ngạc nhiên chan hoà vui sướng như khi “ngộ cố tri”là lúc nghe Sư Bà, trong cuộc đàm thoại chăm chú lắng nghe, nhìn ông và bảo: “Nhìn cử chỉ, nghe giọng nói của Ngài, tôi biết Mẹ Ngài là ai, tôi đang gặp Người Phụ nữ đáng kính ấy trước mắt”.

Không thể diễn tả hết nỗi cảm động của ngưới khách ngoại quốc đến từ nghìn dặm xa xôi. được nghe một thứ tâm ngữ cảm thông chiếu soi bốn cõi, mười phương như thế. Với cái nhìn “Quán Thế” Sư Bà đã xóa sạch mọi khoảng cách và ngăn cách giữa người và người, để cùng nhau chung “một căn nhà thể tính bà con”. Người khách ngoại quốc ấy từ đó không bao giờ quên người đã biết mẹ ông đã quá cố từ lâu mà ông hằng thương nhớ rơi nước mắt mỗi khi nhắc đến. Hầu như ông đã tìm ra một trong muôn một người tri kỷ với mẹ của ông. Và từ đó mỗi khi về Huế, ông đều lên thăm Sư Bà để được nghe những Phật từ.

Tôi còn nhớ một lần, hai người đàm đạo về khái niệm “Tính Không” trong Đại Trí Độ Luận, về “hữu thể và hư vô” của J. P. Sartre,  một người Việt một người Đức bằng tiếng Pháp. Cuộc đàm thoại sôi nổi đến nỗi họ không biết tôi – người trung gian, thông dịch – đã lẳng lặng chuồn vào bếp với các sư cô trẻ đang nấu khoai sắn đãi khách, vì nghe nói tôi thích khoai sắn. Bữa ấy tôi đã được hưởng một bụng khoai sắn ngon nhất trên đời.

Đến nay tôi vẫn còn tự hỏi không biết cuộc đàm thoại siêu hình ấy ai hiểu ai. Chỉ nhớ lần sau khi trở lại Huế, người bạn Đức của Sư Bà đã đem một món quà kỳ lạ: một cái gối rất êm. Tôi nghĩ mình thấy không lầm, mắt vị Sư Bà già nhoà lệ khi ôm cái gối ấy vào ngực.

4. Vô lượng Cung kính Trang Nghiêm:

Lần cuối tôi được gặp Sư Bà năm 1996, Sư Bà đã yếu trên giường bệnh. Tuy bệnh mà  minh mẫn vô cùng, còn trái tim thì vẫn nóng hổi chuyện Phật sự trọn thành. Mong ước cuối cùng của Sư Bà cũng như của quí Sư Bà Diệu Trí, SB Cát Tường đau đáu làm sao xây dựng đuợc Học Viện Phật Học tại Huế. Chúng tôi đang tìm cơ sở để mong Ôn Từ Đàm thuận ý.

Sư Bà nằm yếu lã trên giường, nhưng không biết bằng một ý chí dũng mãnh nào mà Sư Bà bảo các Sư Cô đỡ ngồi đậy ngay ngắn, rồi nói với tôi bằng một giọng quả quyết: “Nhờ chi Kim Lan làm chứng cho hạnh nguyện của tôi để truyền đạt lại cho ông Boehme, tôi xin tặng cơ sở Hồng Đức (do sự tài trợ của hội người Đức) để xây dựng Học Viện PH cho tăng ni trẻ, xin ông Boehme chấp nhận ước nguyện cuối cùng của tôi” Nói xong Sư Bà ngồi thật ngay ngắn và chấp tay hướng về phía Tây vái mấy vái như gửi trong gió sự kính trọng đến người phương xa, tạ ơn tri ngộ và mong thông cảm..

Đức hạnh trang nghiêm tương kính như tân ấy đã gây chấn động trong tim tôi từ ấy, như sóng của tứ vô lượng tâm dào dạt không ngừng mỗi khi nhớ đến Sư Bà Diệu Không huyền diệu vô cùng.

Viết nhân ngày giỗ Sư Bà, Huế 09. 10. 2009
Phật tử T.K.L.   

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here