Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Xây dựng Yên Tử thành Trung tâm Phật giáo- Thiền phái Trúc...

Xây dựng Yên Tử thành Trung tâm Phật giáo- Thiền phái Trúc lâm Việt Nam

153
0
Đây là một trong những mục tiêu của Đề án mở rộng và phát triển Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, Đề án này còn nhằm xây dựng Yên Tử thành một trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử cấp quốc gia; là điểm du lịch quan trọng trên tuyến Hà Nội – Hạ Long.

Các mục tiêu cụ thể của Đề án là: Bảo vệ, gìn giữ, phát hiện và làm sáng tỏ, phong phú thêm các giá trị văn hóa vật thể (chùa, am, tháp…) và các giá trị văn hóa phi vật thể của Khu di tích; tôn vinh giá trị bản sắc của Phật giáo Việt Nam, trong đó có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm. Điều chỉnh khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II các di tích theo quy định của Luật di sản văn hóa, mở rộng phạm vi ranh giới, không gian Khu di tích để bảo vệ di tích, bảo vệ cảnh quan – môi trường.

Đề án cũng sẽ phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Khu di tích đảm bảo đồng bộ và thuận tiện. Phát triển hệ thống dịch vụ đa dạng, phong phú, chất lượng cao nhằm thu hút và đáp ứng nhu cầu của du khách…

Tổng diện tích tự nhiên khu di tích là 9.252 ha. Riêng Vùng bảo vệ di tích có khu vực bảo vệ I diện tích 213,5 ha (gồm các điển di tích chính dọc trục Bắc Nam như chùa Giải Oan, Hòn Ngọc, vườn Tháp, khu tháp Tổ, chùa Hoa Yên, chùa Vân Tiêu…). Khu vực bảo vệ II diện tích 708 ha (gồm các tuyến đường hành hương nối vào các điểm di tích, vùng rừng tự nhiên xung quanh di tích) và vùng bảo vệ riêng biệt 1.825,5 ha (gồm vùng cảnh quan xung quanh các điểm di tích…).

Chùa Đồng ở Khu di tích Yên Tử (Ảnh: Hà An)

Được xác định trên cơ sở cảnh quan không gian vùng di tích Yên Tử có sự kết nối với Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều.

Khu di tích Yên Tử được phân thành 5 khu chức năng: khu vực di tích, công trình dịch vụ, công trình hạ tầng xã hội, công trình quản lý, các khu nhà ở.

Trong đó, khu vực di tích được phân theo 2 cụm. Cụ thể, cụm di tích dọc theo tuyến đường chính từ Dốc Đỏ đến bến xe Giải Oan, bao gồm các chùa: Chùa Trình, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực, chùa Lân (Thiền viện Trúc lâm).

Cụm di tích trung tâm bao gồm các di tích từ chùa Giải Oan đến chùa Đồng, gồm các di tích chính: Chùa Giải Oan, Hòn Ngọc, Tháp Tổ, chùa Hoa Yên, chùa Một mái, am Hoa, am Dược, am Thiền Định, am Ngọa Vân, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, tượng An Kỳ Sinh, bia Phật, chùa Đồng và các am, thất chưa phát lộ… các tuyến đường hành hương, các cảnh quan danh thắng gắn với các di tích.

Nội dung quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích bao gồm: Công tác trùng tu, tôn tạo và khôi phục hệ thống di tích phải tuân thủ tính nguyên gốc, bảo vệ cảnh quan môi trường. Xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp cải tạo không gian bảo vệ di tích theo quy định của Luật di sản văn hóa; Các di tích có  tiềm năng khảo cổ cần được nghiên cứu, xác định ranh giới khu vực bảo vệ, lập hồ sơ bảo vệ di tích, lập dự án nghiên cứu khai quật và phương án trưng bày các di vật khảo cổ; Di sản văn hóa phi vật thể cần được tổng điều tra nghiên cứu, sưu tầm, đánh giá làm rõ và làm phong phú thêm; trên cơ sở đó lập hồ sơ khoa học, phân loại văn hóa phi vật thể để bảo vệ và phát huy; Các di tích phục hồi và công trình xây mới cần được nghiên cứu phù hợp với hệ thống di tích hiện có và cảnh quan chung của toàn khu di tích.

Đề án được thực hiện theo 3 giai đoạn từ năm 2013 – 2025. Nguồn vốn đầu tư được lấy từ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương theo kế hoạch hàng năm, ngân sách địa phương và các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn  vốn thu từ hoạt động du lịch./.

 

(Toquoc)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here