Trang chủ Vấn đề hôm nay Xây dựng trường Mầm non chất lượng cao, một đột phá trong...

Xây dựng trường Mầm non chất lượng cao, một đột phá trong công tác hoằng pháp

138
0

Mục đích của các dự án này nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt của nhân dân nên cơ sở vật chất còn đơn giản, chủ yếu sau khi xây dựng xong trường lớp đã bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý. Đến nay Phật giáo Huế vẫn chưa có một trường mầm non chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu của đông đảo Phật tử và nhân dân. Ý tưởng đầu tư xây dựng trường Mầm non chất lượng cao HOA SEN ở chùa Tây Linh như một đột phá trong công tác hoằng pháp. Ở đây nhấn mạnh yếu tố giáo dục nhiều hơn là yếu tố từ thiện.

Đã từ lâu, xã hội Việt Nam chưa xem trọng công tác giáo dục lứa tuổi mầm non, mẫu giáo. Có thể nói đây là một sai lầm vô cùng quan trọng cần phải sớm điều chỉnh. Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào lứa tuổi mầm non, mẫu giáo luôn luôn có yêu cầu được chăm sóc một cách khoa học nhằm phát triển hài hòa 3 yếu tố: thể lực, trí lực và nhân cách. 
 
Muốn đạt được yêu cầu trên cần giải quyết 2 vấn đề cơ bản:
 
Xây dựng cơ sở phòng ốc và trang thiết bị.
Tổ chức bộ máy điều hành và đội ngũ giáo viên.
 
1/ Xây dựng và thiết bị: thông thường khi xây dựng một cơ sở mầm non các chủ đầu tư đặt hàng cho kiến trúc sư và rất ít tham gia tư vấn những yêu cầu thiết thân của việc chăm sóc và sinh hoạt của lứa tuổi. Ở Việt Nam không có kiến trúc sư chuyên sâu cho từng lãnh vực, do đó thiết kế theo cảm tính là chính. Hãy xem các cơ sở mầm non trên địa bàn Thừa Thiên Huế theo mô hình đạt chuẩn quốc gia thì thấy bộc lộ rất nhiều nhược điểm, vừa tốn kém lãng phí, vừa thiếu an toàn và đặc biệt không đáp ứng được yêu cầu quan trọng nhất là môi trường mầm non cần phải tổ chức phòng ốc như thế nào để đáp ứng được nội dung giáo dục trẻ. Các cô giáo mầm non có tâm lý mặc cảm, lâu nay không có phòng ốc để tổ chức lớp nay có gì thì tốt nấy chứ không có tâm lý phản biện. Một cơ sở mầm non phải giải quyết được 3 yêu cầu:
 
– Thứ nhất: “chơi mà học, học mà chơi” ở lứa tuổi này nhằm phát triển thể lực, phát triển các khả năng của giác quan và lý trí, và quan trọng nhất vẫn là giúp các cháu từng bước hình thành nhân cách: biết yêu thương, biết chia sẻ, phát triển cân bằng cá tính để tự tin. 
 
– Thứ hai: cơ sở vật chất phải bảo đảm an toàn. An toàn cho chính mổi thành viên nhỏ tuổi trong sinh hoạt và an toàn vì được các cô giáo quan sát đầy đủ mọi hành vi của trẻ.
 
– Thứ ba: xã hội càng ngày càng phát triển do đó các trang thiết bị để dạy và chơi phải đáp ứng được yêu cầu giúp trẻ làm quen với các mô hình thiết bị mà cuộc sống đang có nhu cầu.
 
Do vậy phòng học phải rộng, thoáng và có không gian mở để có thể thiết kế lớp học hoặc các sinh hoạt trong phòng một cách linh hoạt và an toàn. Không gian giáo dục trẻ không chỉ khép kín trong phòng mà được mở rộng khắp khuôn viên nhà trường. Việc thiết kế một trường mầm non bao gồm cả việc qui hoạch sân vườn, các trò chơi ngoài trời và các trò chơi dưới mái che. 
 
2/ Đội ngũ quản lý và giáo viên: hệ đào tạo giáo viên mầm non sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học hiện nay của Việt Nam vẫn đang trình độ “cởi ngựa xem hoa”. Có nhiều giáo viên giỏi, có kỷ năng nhờ làm việc lâu năm có kinh nghiệm cá nhân chứ chưa được đào tạo một cách có hệ thống, có lý luận. Về mặt xã hội yếu tố lương tiền và hệ thống quản lý (chuyên chính) đã ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tư duy, sáng tạo và cả tâm lý yêu nghề của giáo viên.
 
Việc xây dựng cơ sở vật chất đã khó nhưng việc xây dựng công tác tổ chức quản lý lại càng khó hơn vì ở đây có yếu tố đang xen của các thế lực và tình cảm. Do đó việc xây dựng một qui chế chặt chẽ kèm theo những giải pháp là vô cùng cần thiết. Ơ đây nhấn mạnh đến yếu tố giải pháp: thí dụ khi bị áp lực nhận một giáo viên không đạt tiêu chuẩn nhưng quá khó chối từ thì giải pháp tốt nhất là trợ cấp một khoản tài chính để cô đó tìm việc nơi khác.
 
Đối với Phật giáo phải xem công việc tổ chức hệ mầm non mẫu giáo như công việc hoằng pháp. Một môi trường giáo dục tốt sẽ ảnh hưởng tích cực trực tiếp đến trẻ, tạo sự tin yêu của bố mẹ, ông bà và cả bạn bè của người lớn. Do đó công tác tổ chức đội ngũ quản lý, giáo viên và nhân viên  vô cùng quan trọng. Có mấy vấn đề cần quan tâm:
 
-Thứ nhất:  làm quản lý thì phải được học hành, đào tạo về sư phạm hoặc công tác quản lý.  Đã kinh qua công tác quản lý, có kinh nghiệm thực tiễn.
 
-Thứ hai: hệ thống quản lý gồm 2 bộ phận: 
 
* Hội đồng Quản trị hoặc Chủ trường
* Ban Giám hiệu và bộ phận hành chánh.
 
Quí Tăng, Ni  tham gia trong Hội đồng Quản trị hoặc Chủ trường. Hiệu trưởng nên tuyển chọn một vị có kinh nghiệm và trong các Hiệu phó nên có một Ni hoặc Sư.
 
-Thứ ba: các giáo viên (trong hội đồng sư phạm): nên chọn các giáo sinh mới ra trường vì họ còn nhiều lý tưởng, không nặng gánh gia đình và đặc biệt ở lứa tuối đó rất năng động. Mỗi lớp có 2 giáo viên nên tổ chức cô giáo chính là một giáo viên Phật tử và bên cạnh có một Ni làm cô giáo phụ. Tăng cường một giáo viên lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm làm tư vấn để giúp các cô giáo trẻ xừ lý các tình huống khó khăn. Giáo viên tư vấn có thể là một Hiệu phó. 
 
-Thứ tư: trong thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất là giai đoạn đầu tư bồi dưỡng và đào tạo lại toàn bộ các thành viên tham gia vào hoạt động của nhà trường, kể cả nhân viên bảo vệ, người tùy dịch. Trong môi trường giáo dục không có chỗ cho người thiếu hiểu biết về sư phạm, kém về văn hóa ứng xử. 
 
Khi nhà trường đã đi vào hoạt động nên thường xuyên tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ để trao đổi kinh nghiệm, tổ chức giao lưu với các đơn vị bạn, mời các chuyên gia nói chuyện, tổ chức hội thảo. 
 
Toàn bộ thành viên tham gia vào bộ máy của nhà trường đều phải được tuyển chọn. Thành phần  Ban Giám hiệu nên tuyển chọn dưới hình thức đưa ra nội dung yêu cầu kèm theo những điều kiện hỗ trợ và yêu cầu người dự tuyển trình bày Dự án về quản lý nhà trường trước một Hội đồng tuyển chọn. Đối với các thành viên khác nên tổ chức phỏng vấn.
 
– Thứ năm: như trên đã trình bày  đây là một công tác hoằng pháp nên phải mạnh dạn đầu tư và đối tượng cần đầu tư trước tiên chính là đội ngũ giáo viên. Khi mỗi giáo viên cảm thấy yên tâm trong đời sống thì mới mong họ hết lòng với công việc chăm sóc trẻ. Do đó giáo viên phải được nhận một mức lương hợp lý so với những gì họ đã cống hiến. 
 
Tất cả mọi ý tưởng hay chỉ trở thành hiện thực khi có kinh phí hoạt động. Cần phải có một Hội đồng Quản trị giỏi, biết vạch ra chiến lược phát triển đúng đắn vừa bảo đảm chất lượng chăm sóc tốt nhất, đồng thời phải đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để thực hiện được điều đó cần một Ban Giám hiệu năng động nhằm tổ chức, quản lý và thực hiện thành công đường lối chiến lược.
 
Những ý tưởng chủ quan trên chỉ phát thảo đôi nét về công tác tổ chức và quản lý một cơ sở mầm non của Phật giáo. Cần nghiêm túc nghiên cứu và phản biện để góp phần xây dựng trường mầm non HOA SEN trở thành một trường điểm của Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế.
 
N.V.T
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here