Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Xanh mãi cội Bồ Đề

Xanh mãi cội Bồ Đề

130
0

Thường ngày… thầy vẫn đốt trầm và pha trà uống vào buổi sáng. Còn hôm nay mãi bận rộn cho buổi lễ đại tường của sư đệ Nhật Phương, nên lúc này dù mỏi mệt, thầy vẫn thích được ngồi đối ẩm một mình trong căn phòng tràn đầy kỷ niệm. Một cơn gió thổi hắt vào làm thầy khẻ rùng mình. Tuổi già dường như làm cho người ta e sợ trước mọi thay đổi bất thường của thời tiết. Hai năm trước thầy Nhật Phương đã xả bỏ xác thân nơi cõi hồng trần này cũng vào một đêm trời nổi cơn dông bão. Nước mưa hòa quyện theo dòng nước mắt thương tiếc của hàng ngàn Tăng Ni Phật tử càng làm cho bầu trời hôm ấy trở nên trầm lắng hơn mọi ngày.

“Người sẽ đến và người sẽ về,

Còn lại chăng là tiếng cười khóc giữa cuộc đời”.

Ngày tháng thắm thoắt rồi cũng qua nhanh. Những gì mà người ở lại làm được trong khoảng thời gian ấy là lo chu toàn trong ngày đại lễ… để gọi là tưởng nhớ đến công đức của người đã vĩnh viễn đi vào chốn vĩnh hằng.

– Bạch thầy! Lúc nãy cơn gió mạnh quá đã làm gãy mất một nhánh bồ đề lớn rồi.

Thầy bước lại mở cánh cửa sổ nhìn ra sân, rồi bảo với chú thị giả:

– À! Chú nói với mấy huynh đệ ra chặt bỏ nhánh đó đi. Nhớ dọn dẹp cho sạch sẽ xung quanh gốc cây.

Thầy ngồi xuống rót trà ra hai tách nhỏ, rồi nhẹ nhàng đặt một chung cạnh mép bàn bên kia như ngầm ý mời khi nhìn lên bức di ảnh của sư đệ được phóng lớn treo ở trên tường. Mấy chục năm qua, hai huynh đệ vẫn ngồi đây uống trà vào buổi sáng; khi thì cùng trao đổi tâm tình về chuyện thế đạo nhân tình; khi thì chỉ ngồi yên hằng giờ bên tách trà đạo mà thấu suốt tận cùng tâm tư nhau qua ánh mắt cảm thông chia sẻ. Từ ngày sư đệ mất, thầy vẫn ngồi uống trà một mình… lặng lẽ trong gian phòng im ắng. Chén trà đối diện cứ được châm thêm rồi nguội dần; thế nhưng thầy vẫn cảm thấy lòng mình không hề đơn lẽ. Sư đệ vẫn đang cùng thầy thưởng thức hương vị chén trà sen vào các buổi sáng sớm khi sương mai còn lãng đãng, hay những đêm trăng thanh gió lặng cùng thao thức đàm đạo. Ánh mắt trong khung ảnh vẫn luôn giữ nguyên nụ cười hiền từ bao dung hoà nhã. Nụ cười ấy giờ đây đã thản nhiên ngoài vòng thế sự. Chung trà vẫn đầy ấp hương vị thân tình của ngày xưa; hai năm qua cũng đủ cho hương vị kia thắm sâu vào lòng đất, lòng người. Sau ngày lễ đại tường, dường như ai cũng đã mãn nguyện trước những gì mình làm được để gọi là nêu cao công trạng cho người ra đi. Còn Thầy Nhật Phương ắt cũng ấm lòng mà thanh thản giữa chốn đi về. Những gì mà thầy Nhật Phương đã làm cho đạo pháp dân Tộc, cho sự nghiệp đào tạo tăng tài, cho công cuộc hoằng dương chánh pháp đã trở thành một dấu ấn khó phai mờ trong tâm trí của những người thời nay… và cả muôn thế hệ đời sau.

Tư ø thuở xuất gia còn để chỏm ở quê nhà, thầy và sư đệ được thầy gởi lên thành phố học. Sau đó cùng hành đạo bên nhau suốt mấy mươi năm nơi bổn viện này, tình nghĩa huynh đệ vẫn keo sơn gắn bó. Vị sư đệ tài hoa xuất chúng đã ra đi sớm để lại biết bao nhiêu hoài bảo còn dang dở. Là người thẳng thắn nhiệt tình, năng động trong mọi công việc, có tâm huyết và đầy chí khí, sau khi rời khỏi chiếc ghế Tăng sinh, thầy tham gia vào công việc Giáo hội, đảm trách việc giảng dạy ở các trường Phật học, trường hạ. Công tác Phật sự đa đoan, sự khó khăn cũng không phải là ít. Biết bao đêm Thầy thao thức trăn trở.  Những lúc ngồi uống trà với Sư huynh, thầy đã tỏ bày những nỗi ưu tư  trong lòng:

– Nhớ lại ngày xưa đời sống tu hành thật là kham khổ, nhưng tâm cầu đạo thiết thành, chí xuất trần dõng mãnh. Người xả thân cầu đạo đã thực sự buông bỏ hết mọi hư danh tranh chấp giữa đời thường, hạnh đức thanh cao nên đâu dễ bị hoen mờ trước mọi cám dỗ của vật chất phù hoa. Bây giờ trong bối cảnh xã hội nhân sinh phát triển, thì Phật giáo cũng bước sang một vai trò lịch sử mới. Tăng Ni sinh ngày nay được sống trong môi trường thoải mái về sinh hoạt, các phương tiện học tập cũng tương đối đầy đủ. Bên cạnh sự tiện dụng  đó, đời sống nội tâm ít nhiều bị chi phối, đôi khi chúng ta làm mất đi giá trị và bổn nguyện của mình. Vì vậy mà đệ ước mong sao những người có tâm chí vì đạo pháp ngày mai thì nên cùng nhau chung sức hòa hợp. Chúng ta sẽ đứng ra tổ chức chấn chỉnh lại những ngôi trường phật học nội trú. Bên cạnh sự học tập nghiên tầm giáo điển, cũng cần có những thời khóa tĩnh tọa riêng để mọi người trở về với cuộc sống nội tâm, giúp Tăng Ni sinh ý thức về việc học hạnh kiêm ưu, trao dồi phẩm hạnh đạo đức của một bực mô phạm xuất thế gian. Môi trường bên ngoài đầy dẫy những cám dỗ vật chất. Tăng Ni sinh chúng ta dù cắt ái ly gia, nhưng để hướng đến mục đích cao hơn thì cần phải có sự sách tấn của bao người đi trước.

Thầy Nhật Minh cũng đã từng thao thức về vấn đề này. Dù Thầy chỉ chuyên tu ít nghĩ đến mọi biến động bên ngoài. Nhưng những lần lên lớp dạy luật cho các trường cơ bản sơ cấp, thầy cũng đã nhận thấy Tăng Ni sinh bây giờ chỉ lo hướng ngoại, tìm cầu mọi tiện nghi danh lợi cho cuộc sống riêng tư, việc học việc tu đôi khi chỉ xem như  là chuyện cưỡi ngựa xem hoa. Nhưng muốn thực hiện những gì mà vị sư đệ đã nghĩ đã nói cần phải có sự hoà hợp trợ lực từ mọi phía. Một người dù tâm hạnh có cao siêu cũng không thể làm nổi chuyện vá trời lấp biển. Thầy Nhật Phương hiểu rõ điều đó nên đã hết lòng vận động …..

Vậy mà… sự việc vẫn chưa tới đâu thì sư đệ đã vội vã ra đi chỉ sau một cơn bạo bệnh. Mọi dự định vẫn còn nằm nguyên đó, như để thách thức với bao người ở lại. Khi biết mình sắp đi xa, Thầy Nhật Phương đã đem hết tâm nguyện cuối cùng nói hết với vị sư huynh đáng kính :

– “Em đi rồi… sư huynh sẽ gặp khó khăn trong các công việc Phật sự. Nhưng người có tâm hộ trì Phật Pháp thì chư Phật, Long Thiên sẽ gia hộ. Tre già thì măng mọc. Những vị trẻ tuổi tài cao lại có tâm huyết vì đạo ngày nay cũng không thiếu. Đạo pháp rồi đây sẽ vươn xa hơn những gì mà em và sư huynh từng trông đợi.

Thầy Nhật Minh đưa mắt ra phía ao sen, nơi có gốc bồ đề to lớn mà mấy mươi năm trước khi mới nhập chúng, thầy Nhật Phương tìm đâu được một cây con đem về trồng. Khi ấy mấy huynh đệ đồng liêu sáng chiều cùng ra chăm bón tưới tắm cho cây. Ai cũng mong cây bồ đề mau lớn che bóng mát cho sân chùa. Hòa thượng trụ trì thấy vậy thì nói:

– “Rễ bồ đề một khi đã ăn sâu vào lòng đất thì nó sẽ sống và phát triển nhanh chóng. Các ông gieo trồng hạt giống bồ đề tâm cũng vậy. Cần lấy giới định huệ để chăm bón nó. Nơi mảnh đất lành tâm bồ đề sẽ tăng trưởng.”

Thầy Nhật Phương luôn ghi nhớ lời dạy của Hòa thượng. Về sau khi đi giảng pháp, dạy học thầy đều nêu câu nói ấy ra để nhắc nhở học trò. Cây Bồ đề ngày nào giờ đã cao to. Hạt giống thiện tâm thầy gieo trồng nơi mảnh đất này được bao thế hệ người đi qua cùng vun đắp cho cây thêm nhiều sức sống. Hoa tâm nở rộ trên khắp nẻo đường, mà người gieo mầm không hề muốn lưu bóng lại. Người đã ra đi nhưng niềm tin vào chánh đạo vẫn còn đó, ước vọng của người đi trước rồi đây sẽ hun đúc thêm chí nguyện cho kẻ hậu sinh. Đó là điều mà mọi người đều kỳ vọng… rất kỳ vọng.

Bầu trời sau cơn mưa bỗng quang đãng hẳn lên. Vài tia nắng cuối ngày vẫn toả nhẹ chút ánh vàng tươi lấp lánh. Nền trời trong xanh không gợn chút mây mù, thầy Nhật Minh chợt nhìn thấy mọi sức sống mới đang không ngừng vươn lên. Cảnh vật tưởng chừng như  bình lặng vô vị, nhưng lại ẩn chứa biết bao nhiêu sự diệu kỳ sâu xa. Bên góc sân chùa, cây bồ đề vẫn xanh tươi soi bóng xuống lòng hồ, mặc cho mưa gió chập chùng, mặc cho dòng thác cuộc đời cứ tuôn trào bất định.

Trải qua năm tháng, gốc bồ đề càng to lớn, cành lá càng sum suê… như để khơi dậy bao niềm tin trong sáng luôn hiện hữu trong lòng người. Một chứng tích bất sanh bất diệt ở ngay trong cảnh đời sanh diệt vô thường.

L.K
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here