Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Xả thịt thú rừng ở Yên Tử: Đôi điều suy ngẫm

Xả thịt thú rừng ở Yên Tử: Đôi điều suy ngẫm

137
0

Nhiều người giật mình khi kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam phát đi hình ảnh những con thú hoang bị xẻ thịt ngay trước cổng vào đất Phật Trúc Lâm – Yên Tử. Không giật mình sao được, trong khi có những nhà khoa học nước ngoài tự nguyện từ bỏ cuộc sống đầy đủ tiện nghi, lặn lội vào nơi rừng sâu, núi thẳm, chấp nhận cuộc sống "nếm mật nằm gai" để bảo vệ những hoang thú nước ta đang có nguy cơ tuyệt diệt. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và công bố kết quả trong một buổi phát hình gần đây, thì nhiều người, trong đó có một người bạn tôi (trong ngành kiểm lâm), đã thở phào: "Thế chứ! Sức mấy mà họ dám nghênh ngang làm liều như thế".

Vâng, quả nhiên là các Ba Toa tiên sinh, chủ những phản thịt nơi đất Phật, chưa dám to gan đến mức công khai xẻ thịt, bày bán những hoang thú, nằm trong diện được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Điều này tự nhiên đã bao hàm ý nghĩa tích cực về hiệu năng pháp chế XHCN chăng? Và có thể đó cũng chính là lí do để một số người "thở phào nhẹ nhõm" mà quên đi cái "giật mình" lúc trước.

Tuy nhiên, tôi đồ rằng bên cạnh những người "thở phào" kia, cũng có không ít những người lại phải giật mình lần hai trước "hiện thực 2" vừa hé lộ. Hiện thực mà chuyên mục "hình ảnh và bình luận" của đài truyền hình trung ương gọi tên là "treo đầu dê bán thịt chó". Đó là một hiện thực cũng không kém phần kinh hãi so với hiện thực thứ nhất. Bởi lẽ, nếu hiện thực thứ nhất khiến người ta phải giật mình vì con người, loài sinh vật ưu việt nhất trong sinh giới, đang ứng xử với thiên nhiên bằng cách đang dần dà xơi tiệt những gì có thể xơi được và xả thải tùm lum khiến môi trường bị mất cân bằng nghiêm trọng thì ở hiện thực hai này, chúng ta lại kinh hãi về một vấn đề thuộc phạm trù hoàn toàn khác, phạm trù đạo đức. Cũng vì cái sự "treo đầu dê, bán thịt chó" ở cổng vào Yên Tử kia, dường như chỉ là một giọt nước nhỏ trong chiếc li gian dối đang ngày càng đầy lên trong đời sống của chúng ta.

Chúng ta đã được nghe đến nhàm tai về chuyện các bà buôn nhồi bánh đúc cho gà, vịt, nhồi cám cho lợn trước khi đem ra chợ. Thậm chí mới đây, tôi còn được một người trong cuộc mô tả cách thức anh ta và những đồng nghiệp của mình bơm nước vào những con rắn như thế nào trước khi họ đem chúng ra bán cho những quán đặc sản.

Chúng ta đã nghe và thường cười xòa coi đó như những câu chuyện phúng dụ điển hình về một xã hội thị dân. "Đi chợ nói ngay, đi cày nói dối" mà, đến dân gian cũng ngầm coi đó như một sự dĩ nhiên. Chính vì thế, nên những chốn sơn lâm, những miền thôn dã vẫn luôn được coi là "khoảng lặng" là "chốn bình yên" so với những giao đãi, lừa lọc nơi thị thành. Câu chuyện "bán mèo", vẫn được coi như điển hình cho tính thật thà của những người dân tộc thiểu số. Ai lại, đi bán mèo vậy mà khi khách hỏi: "Mèo có hay chuột không?" lại thật thà trả lời: "Hay gì mà hay, hay thì mang ra chợ làm gì, huột thì không bắt, Gà cứ pắp một, pắp một thôi!".

 

Minh họa:  blog.360.yahoo.com

Có lẽ sự thật thà cũng chỉ đến thế là cùng. Song, hãy khoan, bởi câu chuyện còn tồn tại một phần nối dài (có thể mãi sau này mới có). Mà sau khi nghe xong chắc sẽ khiến cho người ta không khỏi phải ngẫm ngợi. Đó là khi khách bỏ qua con mèo và quay sang hỏi mua mấy chai mật ong nút lá chuối khô xếp bên cạnh thì người bán hàng reo lên: "Mật ong rừng đấy, thằng bố nó vừa gõ được mấy đõ hôm qua đấy". Giữa thời buổi cây cối khắp nơi đều bị phun thuốc bảo vệ thực vật thì mật ong rừng quả là của quí. Xúm xít vào, mỗi người làm vài chai. Khúc vĩ thanh, có lẽ mọi người đều đoán được, chỉ sau vài tuần, chai mật "thằng bố nó vừa gõ về" ấy đã hiện nguyên hình là mật đường với 1/3 cặn lắng là đường đỏ.

Ở một diễn biến khác thì những vụ việc như các "Cotylua" Cololy Anver, một số cú lừa bằng hình thức "bán hàng đa cấp" cho đến những vụ "rút ruột" công trình, chạy đua thành tích, báo điểm ảo của ngành giáo dục… từng ồn ĩ dư luận vừa qua. Có thể khác về hình thức, cách thức tiến hành, nhưng bản chất chỉ là một. Diễn đạt bằng ngôn ngữ triết học thì đó là biểu hiện bất xứng trong quan hệ giữa lượng và chất. Điều nguy hại ở đây chính là tần suất dày đặc và mức độ phổ biến của những trò lừa lọc này, dường như đã khiến chúng ta chai sạn với chúng. Chúng ta mất đi sự phẫn nộ cần thiết để loại trừ chúng ra khỏi đời sống xã hội, khiến chúng càng có cơ tung tác, xâm hại đạo đức xã hội.

Trong gia đình và ở nhà trường, chúng ta thường dạy dỗ con trẻ là phải thật thà, trong những bậc phụ huynh đó có thể có cả những ông bà bán thịt ở Yên Tử và những đối tượng trong các vụ lừa lọc nêu trên. Vậy thì chúng ta sẽ lí giải sao trước hiện thực "treo đầu dê bán thịt chó" mà có thể chính chúng ta từng là tác giả. Khi sự xảo biện của ngôn ngữ buộc phải lên tiếng để bào chữa, cũng là lúc nền tảng đạo đức xã hội đã trở nên quá ốm yếu, khiến nó phải núp sau chiếc mặt nạ đạo đức giả.

Những tấm biển các-tông viết bằng bút dạ, đề chữ: nai rừng, lợn rừng, cầy vòi… kia có thể đã bị buộc phải cất đi. Song nếu như ý nghĩ bất lương vẫn còn nguyên đó thì sự thể quả là đã trầm trọng. Bởi cũng giống như phản ứng của người chồng trong đêm tân hôn trong một câu chuyện hài, khi thấy vị hôn thê lần lượt gỡ ra khỏi người nào là tóc giả, răng giả, mi giả, ngực giả, mông giả… anh chồng bất hạnh đó đã bỏ vợ nằm trơ khấc và ôm đống đồ giả đó mà ngủ. Sự thất vọng sâu sắc đó hoàn toàn có thể đến với chúng ta, trong một xã hội hội nhập, khi mà sự xác lập cũng như đánh đổ một giá trị hoàn toàn không phụ thuộc vào những động thái, tự huyễn, tự xưng; khi mà sự "giả hóa" kia còn chưa bị coi là một hiện thực kinh hãi và chưa bị kiên quyết loại trừ ra khỏi đời sống xã hội.

T.S (VNN)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here