Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo thế giới Wat Phou – ngôi đền di sản

Wat Phou – ngôi đền di sản

122
0

Quốc lộ giữa đại ngàn

Lào sẽ không hợp với bất kỳ ai có ham muốn chiêm bái các danh lam, thắng cảnh kỳ vĩ hay thỏa mãn thói quen mua sắm. Với một đất nước mà địa lý hơn 3/4 là rừng đại ngàn, chỉ có 3 di sản văn hoá thế giới và Phật giáo gần như là quốc giáo, thì nơi đây không có sự xô bồ hỗn tạp. Chỉ có sự bình yên, an lạc khuất sau những mái chùa cao vút hiện diện ở khắp nơi, hay những tấm áo cà sa vàng rực rỡ trong ánh chiều tà trên sông Mê Kông.

Wat Phou trầm mặc dưới chân ngọn Phou Khao.    Anh: Trung Hiếu
Wat Phou trầm mặc dưới chân ngọn Phou Khao. Ảnh: Trung Hiếu

Năm 1995, cũng với một chiếc ôtô và hai đồng nghiệp, tôi đã một lần “phiêu lưu” đến thủ đô nước Lào qua cửa khẩu Lao Bảo. Khi đó tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây còn gọi là tuyến xuyên Á A3 và đường 9 nối từ Lao Bảo đến thành phố Savanakhet bấy giờ vẫn còn là đường đất. Việc đi ra nước ngoài lúc đó rất nan giải, dù là với Lào, vốn là người huynh đệ, đồng sanh tử trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ. Lần này tôi chọn quốc lộ 18B nối cửa khẩu Bờ Y tỉnh Kon Tum – Việt Nam để đến tỉnh Chămpasak – CHDCND Lào. Quốc lộ này mới vừa khai thông sau hơn chục năm thi công và do Việt Nam giúp đỡ.

Cửa khẩu Bờ Y phía Việt Nam đã được xây dựng khá khang trang, có cả máy soi, quét hành lý… rất ra dáng cửa khẩu quốc tế, dù rằng hôm qua đây, vẻn vẹn chỉ có một chiếc xe khách chạy tuyến Gia Lai – Vientiane và phương tiện của chúng tôi. Còn phía bên kia là cửa khẩu Phù Cưa của tỉnh Attapư vắng tanh. Theo người đổi tiền ở cửa khẩu, thường chỉ có xe chở gỗ qua lại, dân buôn bán chỉ đi đường 9 Lao Bảo, đường 8 Cầu Treo.

Còn lãnh đạo tỉnh Kon Tum thì nói với chúng tôi trong bữa ăn điểm tâm trước khi lên đường rằng, trong tương lai khu vực này sẽ rất sầm uất, vì đây là ngã ba biên giới giữa Việt Nam với Attapư (Lào) và Rattanakiri (Campuchia). Hiện tỉnh đang xúc tiến và kêu gọi đầu tư xây dựng khu thương mại tự do và khu công nghiệp trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ tại đây. Trước khi điều đó thành hiện thực thì bây giờ, cán bộ biên giới Phù Cưa vẫn ngồi trong chiếc nhà gỗ ọp ẹp để nhận giấy tờ, thủ tục nhập khẩu của chúng tôi. Quá ít phương tiện và hàng hoá qua khẩu lúc này nên thủ tục nhanh chóng, dễ dàng đến mức, bước vào một đất nước khác, mà cứ như băng ngang đường trước nhà mình vậy. Chẳng bù với Lao Bảo, tuy cũng không khó lắm nhưng lượng khách xuất nhập cảnh đông hơn, nên khá hỗn độn, bát nháo vì đám “cò mồi” tung hoành “trấn” tiền khách đi lẻ qua biên giới bằng cách giành đóng dấu “giúp” visa nhập lẫn xuất cảnh ở cả hai bên cửa khẩu.

Đi qua cửa khẩu là đã bước ngay vào rừng. Con đường 18B xuyên giữa đại ngàn đẹp và kỳ vĩ đến ngẩn ngơ. Cổ thụ vài ba người ôm tầng tầng, lớp lớp bám sát mép lộ. Một cảm giác cô đơn, xen lẫn thích thú khi rong ruổi suốt vài trăm cây số mà hiếm thấy bóng phương tiện đồng hành, hoặc ngược chiều. Chỉ có những cánh rừng đại ngàn bất tận nối tiếp nhau; nhà cửa, dân bản lùi rất xa quốc lộ. Chính vì vậy mà lần đi trước, từ Savanakhet đi thủ đô Vientiane, chúng tôi suýt nữa “chết đói” dọc đường vì không tài nào tìm được hàng quán dọc đường thiên lý.

Từ kinh nghiệm này,  lương thực thiết yếu, nước uống đã được chuẩn bị đầy đủ nên chặng đường từ cửa khẩu Phù Cưa đến Champasak nhẹ nhàng và êm như một giấc mơ. Trên khắp đất nước Lào, bất kỳ ở đâu, bước ra khỏi đô thị là rừng nguyên sinh. Tài nguyên rừng đã được Chính phủ Lào bảo tồn tốt không chê vào đâu được, trong khi nước ta sát cạnh thì rừng nguyên sinh, cơ bản đã được khai thác sạch từ lâu. Thỉnh thoảng trên đường, khách bộ hành còn dễ dàng bắt gặp những đàn voi thong thả trên đường. Trong quá khứ CHCDND Lào còn có tên là Lan Xang tức là vùng đất Triệu Voi.

Đền thờ chính của Di sản Wat Phou.
Đền thờ chính của Di sản Wat Phou.

Ngôi đền di sản

Với một chiếc xe tốt, dân “phượt” gần như có thể đi bất cứ nơi nào trên đất Lào mà không gặp bất kỳ trở ngại gì. Giao thông đô thị hay trên quốc lộ trật tự đến ngạc nhiên, dù không thấy bóng cảnh sát giao thông. Vào các thành phố thì phương tiện lưu thông tốc độ chậm, người lái tự giác tuân thủ luật lệ, nhường đường và gần như tuyệt đối không có tiếng còi xe… Thế nhưng ra quốc lộ thì cứ đạp lút ga. Sáu trăm cây số, chúng tôi đi quá một buổi đã đến Paksé, thủ phủ tỉnh Champasak.

Thành phố nhỏ bé mang phong vị của thời thuộc Pháp, trầm mặc bên bờ Mê Kông. Cả thành phố đáng kể chỉ có một trung tâm thương nghiệp lớn do một Việt kiều mới xây dựng, sau ngày chợ cũ bị cháy, nhưng cũng không có gì để mua bán. Điều đặc biệt, dù du khách không biết nửa chữ bản xứ cũng không sao, vì cả chợ ai cũng có thể giao dịch bằng tiếng Việt… Hỏi ra tư thương ở đây hầu hết là Việt kiều gốc miền Trung. Duy nhất một thú tiêu khiển mà du khách nào đến đây cũng phải dùng, đó là uống bia Lào, ăn cá nướng, ngắm hoàng hôn trên sông Mê Kông. Và đây cũng là thời khắc tuyệt diệu nhất trong ngày. Trong chiều muộn, ánh tà dương lấp lánh dát vàng trên mặt sông, hòa vào bóng vàng của tà áo cà sa các tu sinh tan học tạo ra một không gian như nhuốm trong ánh đạo vàng.

Champasak còn có Di sản Văn hoá Thế giới Wat Phou, cách thủ phủ Paksé khoảng 6km. Đây là khu đền thờ được cho là do người Khmer xây dựng từ thế kỷ 5, cùng thời gian với Angkor Wat (Campuchia) và xấp xỉ niên đại hình thành Mỹ Sơn (Việt Nam). Khu vực di sản nằm dưới bóng núi Phou Khao. Bước qua cổng di tích là hai hàng trụ linga hơn trăm cái, dẫn du khách thẳng đến lối lên đền thờ chính. Cuối con đường là hai kiến trúc đá, phỏng theo lối nhà dài. Trong quá khứ hai ngôi tháp cổ này được sử dụng làm chỗ trú chân cho khách hành hương. Các công trình kiến trúc ở đây có cả đá, lẫn gạch, được chạm trổ hoa văn, tượng thần tinh xảo. Phía sau ngôi đền là vách núi, trên đó tạc nhiều các tượng thần, vật thường thấy trong thần thoại Ấn Độ rất sống động. Dù chỉ còn là phế tích, nhưng những gì còn lại cho thấy Wat Phou là một quần thể kiến trúc tôn giáo quan trọng của đế chế Khmer lúc bấy giờ.

Không xa đó là phế tích thành phố Shrestapura – kinh đô của  một vương quốc mà lịch sử nay chỉ còn lưu lại trong các bản văn. Cô Monali – cán bộ bảo tàng khu di tích – giới thiệu: Nhìn trên sa bàn toàn cảnh Wat Phou, núi Phou Kao như một linga đặt vào dòng sông Mê Kông, được hình dung là một yoni. Cả hai kết hợp trở thành biểu tượng phồn thực, được thờ cúng trong các đền thờ Ấn Độ giáo. Wat Phou là thánh địa được người xưa xây dựng để dâng cúng thần Siva. Cách diễn giải này làm tôi nhận ra một tương đồng thú vị giữa  Di sản thế giới Mỹ Sơn ở miền Trung Việt Nam với Wat Phou. Thánh địa Mỹ Sơn cũng được che chở bởi ngọn núi Chóp Chài, và cách đó không xa là dòng Thu Bồn uốn lượn đổ về xuôi.

Trong quá khứ, Mỹ Sơn cũng là thánh địa đặt bên cạnh kinh đô Trà Kiệu (Shimhapura) của Vương quốc Chămpa, thì ở đây, cùng một niên đại, Wat Phou cũng sát cạnh kinh đô Shrestapura của vương quốc Khmer cổ đại. Điểm chung ngẫu nhiên hay đã có một mối liên lạc nào trong quá khứ giữa hai vùng đất này? Kể cả cái tên giống nhau có nguồn gốc từ Phạn ngữ – Champasak (Lào) và Vương quốc Champa ở miền Trung Việt Nam trong quá khứ, cũng gợi lên một mối tương liên nào giữa hai vương quốc Ấn Độ giáo, dù cách nhau hơn ngàn dặm.

* * *

Đất nước Triệu Voi không có những công trình kỳ vĩ; không có sự vượt trội về kinh tế, văn hoá… so với các quốc gia trong khu vực. Dù vậy bạn sẽ muốn trở lại lần nữa khi nhận ra rằng kỳ quan của dân tộc này ẩn sâu trong tính cách hồn nhiên, chân chất từ thân tâm an lạc của người Phật tử thuần thành. Sự vận hành của cả xã hội Lào từ hoạt động mua bán, hành chính và cả lễ hội văn hoá… dường như chỉ muốn hướng đến một chữ nhàn. Xét cho cùng, đó cũng là thông điệp mà đạo Phật muốn gửi đến chúng sinh, và trong đời sống hiện đại, đó cũng chính là nỗi khát khao của hàng tỉ người hiện nay trên thế giới.

Theo Báo Lao Động

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here