Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Vùng toả sáng của ngọn lửa từ bi

Vùng toả sáng của ngọn lửa từ bi

132
0

Bởi thế, từ mấy chục năm qua tôi đã có một sưu tập tài liệu trong nước cũng như ở nước ngoài về Hoà thượng Thích Quảng Đức. Năm 2005, tôi được mời vào TP HCM dự họp mặt của sinh viên học sinh trong Phong trào đô thị đồng thời chuẩn bị thủ tục để đi nước ngoài thì được thông báo HỘI THẢO BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC VỊ PHÁP THIÊU THÂN sẽ diễn ra vào cuối tháng 5/2005 tại TP HCM, tôi mừng vui vô cùng. Thu xếp việc riêng xong, tôi quay về Huế ngay để viết tham luận gởi đến hội thảo.

1.Chắp tay nguyện cầu cho 5 nguyện vọng

Cuộc vận động của Phật giáo đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi 5 nguyện vọng bắt đầu từ sau cuộc chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp đẫm máu Phật tử trong khuôn viên đài Phát thanh Huế đêm 7.5.1963 (Rằm tháng tư Phật lịch 2508). Các sự kiện đã diễn ra như sau: 

– Ngày 10.5.1963 Tuyên ngôn của tăng tín đồ PGVN, nêu 5 nguyện vọng: 1. Tự do treo cờ Phât giáo,2. Bình đẳng tôn giáo, 3. Ngưng bắt bớ Phật tử; 4. Tự do tìn ngưỡng, 5. Bồi thường cho những nạn nhân bị giết ngày 7.5.1963 và trừng trị những người có trách nhiệm;

Để lãnh đạo cuộc vận động, ngày 25.5.1963, Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo được thành lập, do TT Tâm Châu đứng đầu dưới quyền lãnh đạo tối cao của HT Thích Tịnh Khiết.

Tranh đấu cho 5 nguyện vọng ghi trong Bản Tuyên ngôn của Phật giáo Việt Nam (PGVN), Hoà thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết đã ra chỉ thị các cấp lãnh đạo 6 tập đoàn PGVN tuyệt thực trong 48 tiếng đồng hồ (2 ngày 2 đêm) kể từ lúc 14 giờ ngày 30.5.1963. Đoàn SVPT chúng tôi tham gia cuộc tuyệt thực nầy. Trước khi bước vào tuyệt thực Đoàn chúng tôi gởi thư kêu gọi Sinh viên học sinh (SVHS) toàn quốc ủng hộ cuộc vận động của PGVN cho tự do tín ngưỡng và gửi một bản Kiến nghị 4 điểm lên Tổng thống Ngô Đình Diệm, mà trong đó điểm 1 là Yêu cầu Chính phủ giải quyết 5 nguyện vọng của PGVN, và điểm 2 là  Thực thi dân chủ và bình đẳng thực sự đúng với lý tưởng của sinh viên. Ký tên vào Bản kiến nghị có đại diện các trường ĐH Y khoa, Sư phạm, Văn khoa, Luật khoa, Khoa học, Cán sự Y tế, Cao đẳng Mỹ thuật, Quốc gia Âm nhạc và Viện Hán học.

Cuộc tuyệt thực có khoảng 400 người dự trong số 3000 người có mặt tại chùa Từ Đàm diễn ra trong tiếng kinh cầu nguyện cho 5 nguyện vọng của Phật giáo sớm được giải quyết. Chính quyền Ngô Đình Diệm ở Huế đã đối phó với cuộc tuyệt thực bằng các hình thức: Cho xe thông tin đến đậu trước chùa Từ Đàm, phát ra những tin tức bịa đặt, những bài bình luận vu khống trắng trợn ví dụ như họ nói “cuộc thảm sát ở đài Phát thanh Huế đêm 7.5.1963 do Plát-tít của Việt Cộng chứ không phải lựu đạn và xe tăng của chính quyền”. Họ vu khồng các vị lãnh đạo cuộc vận động của Phật giáo là “V.C. nằm vùng”. Họ buộc các công chức có con em đang tham gia tuyệt thực phải đến trước chùa Từ Đàm kêu gọi con em về. Họ cho giấy kẽm gai rào chung quanh chùa, hạ lệnh “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Tất cả bà con Phật tử đem lương thực đến tiếp tế cho chùa đều bị nghiêm cấm. Họ lại công bố lệnh soát chùa: “Nếu 24 tiếng đồng hồ nữa, những người trong chùa không về thì nhà chức trách sẽ soát chùa, nếu ai không có tên trong tờ khai ở lại chùa thì chính quyền sẽ đưa biện lý đến bắt”.v.v.

Ngày ngày 3.6.1963, Phật tử Huế lo lắng cho sức khoẻ của các thầy và những người tham gia tuyệt thực đã bất chấp sự ngăn cấm của công an cảnh sát của chính quyền Diệm, họ liều mình vượt dốc Bến Ngự hướng về chùa Từ Đàm. Một cuộc đàn áp bằng dùi cui, lưỡi lê, lựu đạn a-xít diễn ra hết sức dã man. Hàng trăm thanh niên Phật tử bị đánh đập, bị hít phải chất độc a-xít mê man bất tỉnh nằm sóng soài trên đường phố Bến Ngự. (Nhiều người về sau bị tâm thần không chữa được). Cũng trong ngày 3.6.1963, hơn 500 sinh viên học sinh Huế biểu tình và ngồi tuyệt thực trước cổng chính Toà đại biểu chính phủ tại 5 Lê Lợi Huế. Chính quyền cho cảnh sát dã chiến đến ném lựu đạn cay và cho xe chữa lửa kéo vòi rồng đến xịt nước giải tán, làm cho nhiều người ngất xỉu và bị thương.

Ngày 4.6.1963 lại diễn ra một cuộc đàn áp khốc liệt khác chung quanh chùa Từ Đàm. Ngoài lực lượng công an cảnh sát còn có cảnh sát dã chiến, lính dù và cả chó bẹc-rê. Tình hình trở nên hết sức căng thẳng. 

Nhưng tất cả những biện pháp trấn áp của chính quyền đều vô nghĩa đối với cuộc tuyệt thực tại chùa Từ Đàm. Các đợt tuyệt thực cứ nối tiếp nhau. Nhiều người ngất xỉu vẫn không rời nơi tuyệt thực. Cả thành phố Huế sôi sục hờn căm. Cuối cùng chính quyền Diệm ra lệnh cắt hết điện nước để cho hàng ngàn người tuyệt thực và phục vụ tuyệt thực phải chết khát chết đói trong tối tăm. Biện pháp cắt hết điện nước chùa Từ Đàm của chính quyền  Diệm đã làm cho dư luận hết sức phẫn uất. Phật tử cũng như dư luận trong và ngoài nước rất quan tâm đến sức khoẻ của Hoà thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết và TT Thích Trí Quang – linh hồn của cuộc vận động, quan tâm đến sức khoẻ của các đoàn viên SVPT – thành phần thanh niên ưu tú trong cuộc vận động. Lịch sử thế giới chưa từng có một chế độ nào lại đối xử tàn nhẫn đối với những người đấu tranh bất bạo động đến như chế độ Diệm.

Sau nầy tôi được biết: “Hai hôm trước, có tin từ Huế đưa vào Sài Gòn báo cho biết sinh viên học sinh và Phật tử đã bị đàn áp cực kỳ tàn bạo trong khi kéo đến chùa Từ Đàm để thăm Chư Tăng tuyệt thực. Chính quyền đã thả chó Berger của quân đội cắn Phật tử và dùng lựu đạn axit làm hơn 60 người bị thương. Ba chùa Từ Đàm, Linh Quang và Bảo Quốc bị quân đội và cảnh sát vây chặt, lương thực bị thiếu và điện nước cũng bị cắt.

 Tin này khiến Thượng toạ Chủ tịch Uỷ ban Liên Phái phải thỉnh Thượng toạ Thích Quảng Đức hy sinh tấm thân ngũ uẩn để bảo vệ chánh pháp, một nguyện vọng cao cả mà Hoà thượng vẫn hoài bảo, chỉ đợi dịp thuận tiện để thực hiện tâm nguyện” (1).

Chiều tối ngày 11.6.1963, qua các đài Phát thanh ngoại quốc BBC, VOA, Úc Đại Lợi và điện thoại đường dài, tin Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ra đến Huế, làm sửng sốt những người đang dự tuyệt thực tại chùa Từ Đàm. Tiếng cầu kinh hoà lẫn tiếng khóc, tiếng nấc vang dội. Cả thề giới đều kinh ngạc và khâm phục sự tỉnh táo kiên nhẫn đến tuyệt vời của Hoà thượng Quảng Đức. Lúc ấy chúng tôi chưa biết cuộc vận động sẽ tiếp bước như thế nào, nhưng qua ngọn lửa Thích Quảng Đức mở ra cho chúng tôi một chân trời mới. Phật tử Việt Nam theo bước chân của Ngài rồi sẽ tự lấy thân mình làm đuốc soi sáng cõi u minh đang bao trùm lấy chế độ nhà họ Ngô. Và, đúng như thế, 6 ngọn đưốc khác là Thanh Tuệ, Tiêu Diêu, Diệu Quang, Nguyên Hương, Quảng Hương, Thiện Mỹ cũng đã thắp sáng lên cho đến ngày chế độ nhà Ngô cáo chung (1.11.1963). 

2. Sự bạo tàn trước lửa từ bi

Về tiểu sử và tường thuật ngọn lửa Thích Quảng Đức sáng lên ngày 11.6.1963 ở ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng đã có hàng chục cuốn sách của Phật giáo, của thầy Nhất Hạnh, của các cụ Vũ Văn Mẫu, Hoàng Linh Đỗ Mậu…. ghi chép đầy đủ. Tôi không trích lại ở đây vì sợ làm mất thời gian của hội thảo. Tôi dành thời gian hội thảo cho phép còn lại để trích dẫn một số tư liệu từ nhiều phía viết vế tác động của Ngọn lửa Quảng Đức.

Trước hết, đề cập đến ngọn lửa Thích Quảng Đức đã tác động đến Tổng thống Diệm như thế nào.

Có lẽ nhiều người đã đọc cuốn Làm thế nào để giết một Tổng Thống của hai tác giả bảo vệ chế độ Diệm là Lương Khải Minh và Cao Vị Hoàng tức Cao Thế Dung. Đây là một cuốn sách xuyên tạc lịch sử, nhưng về Tổng thống Diệm, hai tác giả có những “thông tin riêng”. Hai tác giả viết:

Cũng vào giờ nầy (giờ TT Quảng Đức tự thiêu.NĐX), Tổng thống Ngô Đình Diệm đang dự lễ Cầu hồn cho Đức Giáo hoàng Gioan XXIII tại Vương Cung Thánh đường do Đức Cha Nguyễn Văn Bình chủ lễ đại triều. Tham dự lễ có đông đủ bá quan văn võ từ Phó Tổng thống Thơ đến Chủ tịch Quốc Hội, Bộ trưởng. Ngoại giao đoàn và đặc biệt giới Ngoại giao Pháp cũng có mặt đông đủ.

Khi vừa tan lễ thì Bộ trưởng Nội vụ Bùi Văn Lương đến bên Tổng thống Ngô Đình Diệm báo cho ông biết về vụ tự thiêu tại đường Phan Đình Phùng. Tổng thống Diệm đứng khựng lại mặt đỏ bừng rồi biến sắc. Ông nói “có gì mà phải làm như vậy” Tổng thống Diệm lật đật về dinh” (2)

Một con người cứng rắn, thủ đoạn, chỉ tin vào đức tin của mình như Tổng thống Diệm mà mới nghe qua thông tin tự thiêu của ngài Quảng Đức sắc mặt của ông cũng phải “đỏ bừng rồi biến sắc”. Tôi tin là chuyện nầy có thật. Bởi lẽ, sau khi về dinh Gia Long, ông Diệm “ngồi lì trong văn phòng” . Khi tiếp ông Nguyễn Ngọc Thơ (Phó Tổng thống) và ông Vũ Văn Mẫu (Bộ trưởng Ngoại giao), ông Diệm đã nói những lời chí tình “mà suốt từ năm 1955” đến năm 1963 ông Mẫu chưa hề nghe thấy. Ông Diệm nói:

Toàn dân bầu tôi làm Tổng thống. Tôi đâu phải chỉ có là Tổng thống của các người Công giáo. Lúc còn nhỏ, mẹ tôi vẫn dẫn tôi đến chùa Diệu Đế” (xem chú thích 3)  

Nghe câu đó ông Vũ Văn Mẫu nhận định: “Ngọn lửa Bồ tát quả có hiệu lực soi sáng tâm hồn Tổng thống Ngô Đình Diệm”. (Xem chú thích 3).  Nhờ được ngọn lửa Quảng Đức soi sáng, ông Diệm đã thấy được việc gì mình phải làm. Ông chỉ thị cho UB Liên bộ (do Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ đứng đầu) vốn được thành lập trước đó ít lâu để để tiếp xúc với phái đoàn của UB Liên phái do TT Thích Thiện Minh đứng đầu. Hai bên đã họp liên tiếp từ ngày thứ sáu 14.6.1963 đến 1 giờ 30 ngày Chủ nhật 16.6.1963 mới thoả thuận ký kết bản Thông Cáo Chung chấp nhận giải quyết năm nguyện vọng của Phật giáo.

Nếu Bản Thông Cáo Chung được thực thi thì cuộc vận động của Phật giáo chỉ dừng lại ở đó và số phận của chính quyền Ngô Đình Diệm không kết thúc như lịch sử đã diễn ra. Nhưng không. 

Bà Trần Thị Lệ Xuân – vợ Cố vấn Ngô Đình Nhu, em dâu của Tổng thống Diệm, người đứng đầu các tổ chức phụ nữ của VNCH, có quan điểm ngược lại với việc ông Diệm chỉ thị cho ông Phó tổng thống vừa ký kết. Bà Lệ Xuân tức bà Nhu “tuyên bố với báo chí tất cả các nhà sư đều là cộng sản và những người biểu tình “phải bị đánh mạnh hơn mười lần” bởi cảnh sát. Bà nói thêm:“Lần tự thiêu sau tôi sẽ vỗ cả hai tay”(3).

Và, “Trong một buổi phỏng vấn có thu hình, bà tuyên bố một cách lố bịch rằng sự hy sinh đầu tiên lẽ ra đã hiệu quả hơn nếu các tín đồ Phật giáo dùng dầu hoả trong nước thay vì dầu hoả nhập khẩu, về sau bà còn phát biểu về những vụ tự thiêu tiếp theo như “Món thầy chùa nướng” và “Cứ để họ tự thiêu, chúng ta sẽ vỗ tay.” (4)

Thái độ và ngôn ngữ thiếu văn hoá, phạm thượng, thách đố của bà Ngô Đình Nhu đã phản ảnh quan điểm chính trị của những người thực sự nắm quyền lực của chế độ Ngô Đình Diệm lúc ấy. Quan điểm đó là cái rào cản của việc thực thi nội dung Bản Thông Cáo Chung vừa được đại diện hai bên ký kết. Ông bà  Hòang Ngọc Thành & Thân Thị Nhân Đức, là những người đi đầu trong việc viết sách bênh vực cho chế độ Diệm, nhưng trong cuốn sách Những ngày cuối cùng của Tổng thống Ngô Đình Diệm họ cũng không những biện hộ cho thái độ của bà Nhu mà ngược lại phải hạ bút phê phán thái độ “tàn bạo và thiếu nhân tính” của bà Nhu. Hai tác giả viết: 

Rồi đến vụ thượng toạ Thích Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, Sàigòn, ngày 11-6-1963. Phóng viên Mỹ Malcolm Browne của hãng Associated Press được Phật giáo báo tin trước đến chụp hình và phổ biến khắp thế giới. Hình ảnh tự thiêu gây ra cảm tưởng khắp nơi, nhất là tại Hoa Kỳ, rằng chính quyền Diệm đàn áp Phật giáo nên họ mới tự thiêu như vậy (…) Bà Ngô Đình Nhu, em dâu Tổng thống dùng chữ nướng thịt “barbecue” để nói về vụ tự thiêu, chứng tỏ sự tàn bạo và thiếu nhân tính. Hình ảnh tự thiêu và lời tuyên bố “nướng sư” của bà Nhu đã gây ra một hình ảnh rất xấu xa cho chính quyền Ngô Đình Diệm, làm cho người ta ghê tởm. Đây là một điều vô cùng bất lợi về đối ngoại trong công luận Mỹ và thế giới nói chung.” (5)

Ngọn lửa Thích Quảng Đức đã bất chợt soi sáng được tâm hồn ông Diệm trong phút chốc. Cái phút sáng ra đó đã giúp cho ông lệnh cho chính phủ của ông cùng với Phái đoàn UB Liên phái hình thành được Bản Thông Cáo Chung ngày 16.6.1963. Nhưng cái màn u minh bên cạnh ông vẫn còn đó, cho nên nó đã phủ tắt ngay chút áng sáng vừa loé lên trong tâm hồn ông. Tập đoàn gia đình trị họ Ngô không thấy được sự huyền diệu, phi thường, uy lực của ngọn lửa Quảng Đức. Trong lúc đó những người chung quanh ông tùy mức độ cao thấp khác nhau đều thấy được Ngọn lửa Quảng Đức là một biến cố đối với chế độ Diệm.

Trong hồi ký Gọng Kìm Lịch Sử, ông Bùi Diễm – một nhà ngoại giao kỳ cựu của chính quyền Ngô Đình Diệm, viết:

“Cử chỉ hy sinh  của một nhà tu hành, Thượng Toạ Thích Quảng Đức, để phản đối chính sách đàn áp của chính phủ Diệm, đã làm chấn động dư luận trong và ngoài nước, và đẩy cuộc xung đột vào giai đoạn quyết liệt.” (6)

 Ông Trần Văn Đôn, một vị tướng Tây học, bị mang tiếng là tình nhân của bà Ngô Đình Nhu, được Tổng thống Diệm tin cẩn, thế nhưng trước sự tàn bạo của anh em nhà họ Ngô, ông cũng phải quay mặt và tính đến chuyện chấm dứt quyền hành của anh em nhà họ Ngô. Trong hồi ký Việt Nam Nhân Chứng, ông Trân Văn Đôn cho biết:

Vào đầu tháng 6 năm 1963, ông Dương Văn Minh và tôi được cử đi Thái Lan quan sát cuộc thao dượt của khối SEATO. Trong thời gian này chúng tôi đọc báo chí ngoại quốc, tờ nào cũng đăng tin tức và hình ảnh Hoà Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu giữa ban ngày tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt Sài gòn. Tờ báo ngoại ngữ nào cũng lên án gắt gao chánh phủ Ngô Đình Diệm, nhưng Bà Nhu lại mỉa mai chuyện tự thiêu nói đó là “màn trình diễn thịt sư nướng” (monk barbecue show). Phật tử căm hận, thế giới xúc động…

 Trở về nước vào cuối tháng 6 năm 1963, chúng tôi thấy tình hình càng trở nên nghiêm trọng. Những vụ tự thiêu tiếp theo ở nhiều nơi, những cuộc biểu tình bị đàn áp mạnh hơn. Đứng trước tình cảnh đau thương nầy, Dương Văn Minh, Lê Văn Kim và tôi quyết định đáp lại ý muốn của toàn dân, và tôi nghĩ đó cũng là ý muốn của đa số quân nhân. Từ đó, chúng tôi thảo kế hoạch đảo chánh.” (7)

3. Lửa từ bi toả sáng

Đúng như ông Bùi Diễm viết và được trích lại ở trên, ngọn lửa Thích Quảng Đức “đã làm chấn động dư luận trong và ngoài nước, và đẩy cuộc xung đột vào giai đoạn quyết liệt”. Đối với các tướng lãnh quân đội VNCH, họ tính đến chuyện đảo chính để đáp lại “ý muốn của toàn dân”.  Đối với chính phủ Mỹ đỡ đầu cho chế độ Diệm thì sao ?

Hai ông Bradley S. O’Leary & Edward Lee, đồng tác giả sách The Deaths of The Cold War Kings: The Assassinations of Diem & JFK, (Cái chết của những ông vua thời chiến tranh lạnh: Vụ ám sát Ngô Đình Diệm & J.F.Kennedy) đã trả lời câu hỏi nầy một cách cặn kẽ như sau:

Cho đến ngày 11 tháng 6, khi một chức sắc Phật giáo tên là Thích Quảng Đức ngồi điềm tĩnh trên một đường phố Sài Gòn, tự đổ dầu hoả ướt hết người, và châm lửa. Thân thể người tu hành bùng cháy thành một đống lửa nhưng ông không hề động đậy, không hề rên rỉ hay gào thét, thậm chí không hề nhăn nhó. Ông chỉ ngồi xếp bằng theo tư thế hoa sen, cầu nguyện, trong khi đống lửa thiêu cháy ông. Cuối cùng ông khẽ nghiêng người qua một bên, chết.

Vụ tự hiến tế này thực chất là một hình thức phản kháng truyền thống của Phật giáo; các vị cao tăng, trong suốt lịch sử tín ngưỡng Phật giáo, đã tự đốt cháy mình thành một hành động tượng trưng – họ sẽ trở thành những ngọn đuốc tự nguyện để soi ánh sáng vào bóng đêm áp bức. Tin tức về vụ tự thiêu của Thích Quảng Đức lan nhanh khắp Nam Việt Nam, nhưng có một chuyện khác không được dự đoán trước đã xảy ra.

Tin tức cũng đã lan nhanh khắp thế giới.

Vào những ngày này, Nam Việt Nam là mảnh đất béo bở của các nhà báo, phóng viên ảnh, nhân viên điện tín. Đối với nghề báo, đây quả là một tin sốt dẻo. Ngay sau ngày Thích Quảng Đức tự thiêu, những bức hình về sự kiện này xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo lớn trên khắp thế giới, bên cạnh những bài viết lý giải nguyên nhân của thảm kịch. Cả thế giới bị sốc, và Tổng thống John Kennedy cũng vậy. Trước khi xảy ra vụ tự sát của Thích Quảng Đức, thế giới gần như không hay biết gì về những vụ ngược đãi tín đồ Phật giáo của Diệm, và mặc dù Kennedy cùng với Bộ Ngoại giao của ông –  thông qua những kênh thông tin ngoại giao bí mật – đã lên tiếng chỉ trích Diệm, những Diệm vẫn coi đó là chuyện vặt vãnh.

Nhưng rõ ràng, vào ngày 12.6.1963, đó không phải là chuyện vặt vãnh đối với JFKennedy. Chỉ qua một đêm, nước Mỹ và cả phần còn lại của thế giới biết hết sự thật về “Winston Churchill” của Châu Á, và chính phủ Kennedy không thể để bị lúng túng thêm nữa.

Với những thông tin bộc lộ toàn bộ sự tàn bạo của Diệm đối với tín đồ Phật giáo, Mỹ lập tức tự đặt ra những câu hỏi và suy đoán lôgic nhất: Tại sao chúng ta lại ủng hộ một chính phủ nước ngoài chủ trương bách hại tôn giáo? Tín đồ Phật giáo là những người ôn hoà, họ không phải là cộng sản; tôi tưởng những đồng đô la đóng thuế của chúng ta đổ vào Nam Việt Nam là để góp sức chiến đấu chống chủ nghĩa cộng sản. Tại sao Tổng thống Kennedy gửi chuyên viên quân sự Mỹ sang giúp đỡ chính phủ của một người luôn tìm cách đẩy dân chúng của mình vào trại tập trung?

Cho tới lúc đó, nước Mỹ vẫn nghĩ rằng số lượng người Mỹ, nam và nữ, không ngừng tăng lên được đưa tới Nam Việt Nam (xấp xỉ 15.000 người vào tháng 6.1963) cùng với khoản viện trợ 1,2 triệu đô la mỗi ngày là để giúp Nam Việt Nam chống lại kẻ thù Việt Cộng không đội trời chung. Nhưng giờ đây dường như Diệm quan tâm nhiều hơn đến việc chống lại các vị sư sãi mặc áo choàng vàng không có vũ khí.

Quả thật chỉ qua một đêm cả thế giới nhận ra Mỹ chỉ là kẻ vô tích sự, đã chọn đúng một bạo chúa để hà hơi tiếp sức. Kennedy tức điên.(…);  Đương nhiên, Kennedy lập tức chỉ thị cho Bộ Ngoại giao khiển trách Diệm, và yêu cầu ngừng tay lại. Chỉ riêng vụ tự thiêu ngày 11 tháng 6 này thôi đã gây cho J.F.Kennedy nhiều rắc rối nhất kể từ vụ Khủng hoảng tên lửa Cuba, vì vậy ông cương quyết sửa chữa”. (8)

Chính sách của chính phủ Mỹ đối với chế độ Ngô Đình Diệm chống Cộng lần đầu tiên được ngọn lửa Thích Quảng Đức rọi chiếu cho thấy những sai lầm. Sự sai lầm đó làm cho Tổng thống Kennedy “tức điên” lên. Chỉ một vụ tự thiêu của một nhà sư Việt Nam thôi mà đã làm cho Tổng thống Mỹ bối rối giống như “vụ Khủng hoảng tên lửa Cuba” đe doạ cho cả nền hoà bình thế giới trước đó mấy năm. Vì thế mà Tổng thống Kennedy quyết tâm sửa chữa để thoát khỏi bối rối. Phải chăng quyết tâm “sửa chữa” sai lầm của Tổng thống Mỹ Kennedy đối với chế độ Diệm đã gặp gỡ “kế hoạch đảo chánh” Diệm của nhóm tướng lãnh VNCH Dương Văn Minh-Trần Văn Đôn-Lê Văn Kim vừa dẫn trên ? Quyết tâm sửa chữa của Tổng thống Kennedy và “kế hoạch đảo chánh” của nhóm tướng lãnh quân đội VNCH có gặp gỡ hay không, câu trả lời dành cho một tham luận khác trong một hội thảo khác. Nhưng qua thực tế lịch sử và tài liệu trong và ngoài nước hiện có ta có thể khẳng định rằng quyết tâm “sửa chữa” sai lầm của Tổng thống Mỹ Kennedy và “kế hoạch đảo chánh” chấm dứt chế độ Ngô Đình Diệm của nhóm tướng lãnh quân đội VNCH đã được thiết kế trong vùng toả sáng bởi ngọn lửa Quảng Đức.

Ngọn lửa Quảng Đức là một cái mốc lịch sử đặc biệt trong tiến trình đấu tranh bảo vệ dân tộc của Việt Nam. Không gươm giáo, không súng ống, không đạn bom, không tiền bạc, chỉ với một tấm lòng sắt son với dân tộc, với con người mà chinh phục được lòng người để họ đấu tranh cho lẽ phải.  

Với cái nhìn lịch sử, HT Thích Trí Quang đã trân trọng viết trong hồi ký rằng:

Dân tộc Việt Nam có lắm vĩ nhân. Nhưng Bồ tát Quảng Đức là vĩ nhân mà siêu nhân.” (9)  

Tự hào thay siêu nhân Việt Nam  Thích Quảng Đức.

Tâm Hằng NĐX

Chú thích

[1] Vũ Văn Mẫu, Sáu Tháng Pháp Nạn 1963, Nxb Giao Điểm (CA).2003, tr.261)
[2] Lương Khải Minh và Cao Vị Hoàng tức Cao Thế Dung, Làm thế nào để giết một Tổng Thống, SG 1970, tr. 437)
[3] Neil Sheehan, A Bright Shining Lie (Vintage 1989), Bản dịch Sự lừa dối hào nhoáng, Nxb CAND, HN.2003,  tr.408)
[4] Bradley S. O’Leary & Edward Lee, The Deaths of The Cold War Kings: The Assassinations of Diem  & JFK, Cemetery Dance Publications, Baltimore.2000, Bản dịch của Phạm Viêm Phương & Mai Sơn Cái chết của những ông vua thời chiến tranh lạnhVụ ám sát Ngô Đình Diệm & J.F.Kennedy,  Nxb Công An Nhân Dân, Hà Nội 2003, tr. 44)
[5] Hòang Ngọc Thành & Thân Thị Nhân Đức, Những ngày cuối cùng của Tổng thống Ngô Đình Diệm, Xuất bản in lần thứ tư, 2001, tr.224-225)
[6] Bùi Diễm, Gọng Kìm Lịch Sử, Cơ sở XB Phạm Quang Khai, Paris.2000, tr.169
[7] Trần Văn Đôn, Việt Nam Nhân Chứng, Nxb Xuân Thu, Los Alamitos CA (USA) 1989, tr.166-167
[8] Bradley S. O’Leary & Edward Lee, The Deaths of The Cold War Kings: The Assassinations of Diem  & JFK, Cemetery Dance Publications, Baltimore.2000, Bản dịch của Phạm Viêm Phương & Mai Sơn Cái chết của những ông vua thời chiến tranh lạnhVụ ám sát Ngô Đình Diệm & J.F.Kennedy,  Nxb Công An Nhân Dân, HN. 2003, tr.42-44)
[9] Trích hồi ký của HT Thích Trí Quang trong sách Kỷ niệm 40 năm Phong trào Phật giáo, do chùa Khuông Việt,  Paris 2003 ấn hành, tr.9

Sách và tài liệu tham khảo

Bùi Diễm, Gọng Kìm Lịch Sử,  Cơ sở XB Phạm Quang Khai, Paris.2000
Bradley S. O’Leary & Edward Lee, The Deaths of The Cold War Kings: The Assassinations of Diem  & JFK, Cemetery Dance Publications, Baltimore.2000 
Bản dịch của Phạm Viêm Phương & Mai Sơn Cái chết của những ông vua thời chiến tranh lạnhVụ ám sát Ngô Đình Diệm & J.F.Kennedy,  Nxb Công An Nhân Dân, Hà Nội 2003                                    
Denis Warner, The Last Confucian, Macmillan Co. (USA) 1963
Đòan Thêm, Hai mươi Nam Qua (1945-1965), việc từng ngày, Nam Chi Tùng Thư, SG.1966
Đỗ Đức Thái, Thảm họa Việt Nam (Chính trường và chiến trường Việt Nam 1945-1975), Chicago, Illinois 1985
Đỗ Mậu, Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, Nxb Văn Nghệ, tái bản lần 3, California 1993
Đỗ Thọ, Nhật ký, Nxb Đồng nai, SG. 1970, (Đỗ Vinh cho xb)
Ellen J. Hammer, A death in November-American in VietNam, 1963, E.P./New York, 1987
Harry G. Summers, Jr (Đại tá của Jufantry) Vietnam war Almanac, Facts on File Publications, New York New York – Oxford, England, 1985
Hilaire Du Berrier, L’ échec américain au Viet-Nam vu par unAméricain, L’ Ordre du Jour. Édit de La Table Ronde, Paris 1965 
Khuông Việt, Kỷ niệm 40 năm Phong trào Phật giáo, Paris 2003,
Lê Cung, Phong trào Phật giáo miền nam Việt Nam năm 1963, Nxb Thuận Hóa, Huế 2003
Lương Khải Minh và Cao Vị Hòang tức Cao Thế Dung, Làm thế nào để giết một Tổng Thống, SG 1970
M. Sivaram, Pourquoi Le Vietnam ? (Traduit de l’Anglais), Édit. France-Empire, Paris 1966                                         
Neil Sheehan, A Bright Shining Lie (Vintage 1989),
(Đòan Dõan dịch), Sự Lừa Dối Hào Nhóang, Nxb Công An Nhân Dân, Hà Nội 2003                       
New York Times Staff for The Pentagon Papers, A Bantam Book, July 1971 Nguyên Vũ, Ngàn Năm Soi Mặt,  Nxb Văn Hóa,  Houston TX (USA), 2002
Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập III, Nxb Văn Học, HN.1994,
Nhiều tác giả, 1963-2003 Bốn Mươi Năm Nhìn Lại, Giao Điểm, 2003,
Quốc Đại, Ai Giết Anh Em Ngô Đình Diệm ?, Nxb Thanh Niên, HN.2003                                                                  
Quốc Oai, Phật Giáo Tranh Đấu, Nxb Tân Sanh, SaiGòn 1963
Quốc Tuệ, Công cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam, SG.PL.25008                                                                                     
Trần Tam Tỉnh (Linh muc), Dieu et Cesar: Les Catholiques dans  L’ Histoire du Vietnam, Sudestasie, Paris France, bản tiếng Việt Thập giá và Lưỡi gươm, Nxb Trẻ TP HCM. 1988,  
Trần Văn Đôn, Our Endless War Inside Vietnam, (Cuộc chiến không có kết thúc của chúng ta)                                 
Trần Văn Đôn, Việt Nam Nhân Chứng, Nxb Xuân Thu, Los Alamitos CA (USA) 1989
Thạch Phương-Lê Trung Hoa (chủ biên), Từ điển Thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, TP HCM.2001
Võ Đình Cường (dịch), Báo cáo của Phái đoàn Điều tra LHQ về vụ đàn áp Phật giáo 1963,  Vi phạm nhân quyền tại Miền Nam Việt Nam Sài Gòn 1964
Vũ Văn Mẫu, Sáu Tháng Pháp Nạn 1963, Nxb Giao Điểm (CA).2003,tr.258-263

Một số tạp chí, sách của Phật giáo:
Liên Hoa Nguyệt San , Số đặc biệt tái ngộ, 30.11.1963.  
Lửa thiêng đạo mầu (Lược sử Phật Giáo Đồ đấu tranh chống Kỳ thị tôn giáo), PL: 2508
Ban Hướng Dẫn, GĐPT Trung phần, Trước cơn sóng gió,  Phật lịch 2508 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here