Tăng Nhất A-hàm, phẩm Đẳng thú tứ đế, ghi lại nhận xét của Thế tôn : « Tỳ-kheo Xá-lợi-lợi là cha mẹ sanh ra chúng sanh, tỳ-kheo Mục-kiền-liên là người nuôi dưỡng cho lớn khôn. Sở dĩ như vậy là vì tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đã vì mọi người nói pháp yếu, thành tựu tế đế ».
Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên là thần tượng của mọi thế hệ, về cả năng lực trí tuệ và phẩm chất đạo đức, nhất là gương hiếu hạnh. Một thời, các bà mẹ đều mong muốn con mình lớn lên đều được như Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Kinh Tăng-nhất A-hàm, phẩm Con một, ghi lại rằng, có những bà mẹ chỉ có một đứa con duy nhất, trong lòng bà tin tưởng, hằng nghĩ rằng phải dạy dỗ làm sao cho nó trở thành người, nếu sống đời tại gia, phải nuôi dạy nó thành người có khuôn phép mẫu mực như những đệ tử tại gia của Đức Phật đã chứng ngộ, nếu nó xuất gia tu học thì phải thành tựu như Xá-lợi-phất hay Mục-kiền-liên.
Mục-kiền-liên sinh quán tại thôn Câu-luật-đà, ngoại thành Vương-xá, nước Ma-kiệt-đà, trong một gia đình trí thức Bà-la-môn. Dung mạo hết sức đoan chính. Từ thuở ấu thơ đã kết thân với Xá-lợi-phất, cũng con nhà trí thức Bà-la-môn. Cả hai người đều sớm giác ngộ cuộc đời là vô thường nên cùng xuất gia với Sañjaya-vairaṭī, một trong sáu bậc tôn sư ngoại đạo thời bấy giờ. Chỉ sau bảy ngày tu học, Mục-kiền-liên đã thông đạt hết mọi nghĩa lý của tông sư. Không lâu sau đó, Sañjaya-vairaṭī giao cho Mục-kiền-liên làm giáo thọ sư, Xá-lợi-phất làm lãnh chúng hướng dẫn 250 đồ đệ. Tuy nhiên, cả hai người đều cảm thấy cảnh giới giác ngộ của mình chưa đạt tới chỗ cứu cánh, vì vậy họ đã đồng tâm lập thệ hễ ai giác ngộ trước thì phải chia sẻ cho người còn lại cùng giác ngộ.
Về sau, Xá-lợi-phất gặp Aśvajit, một trong năm đệ tử đầu tiên của Đức Phật, và ngài đã giác ngộ các pháp vô ngã, liền trở về thông báo cho Mục-kiền-liên biết. Mục-kiền-liên dẫn theo 250 đồ đệ đến khu vườn trúc yết kiến Đức Phật rồi xuất gia học đạo. Chỉ một tháng sau, Mục-liền-liên chứng đắc quả A-la-hán.
Kinh Trung A-hàm cũng như Trưởng lão kệ chú (Paramattha-dīpanī) ghi chép, sau khi xuất gia theo Phật, Mục-kiền-liên thường đến thôn Kallavālamutta (Thiện tri thức thôn) một đô ấp của vương quốc Ma-kiệt-đà, độc toạ tư duy, nhưng mới ngồi một chút thì liền nhập vào… giấc ngủ. Đức Thế tôn ở xa biết được liền dùng thần lực đến chỗ Mục-kiền-ngồi và trực tiếp chỉ dạy cho ngài phương pháp đánh đuổi con ma ngủ. Bậc thần thông đệ nhất của chúng ta đã từng vì con ma ngủ này mà phải leo lên cây ngồi thiền để chống ngủ gật, nhưng cũng không thành, bị bao phen rơi xuống đất ! Kinh nói, sau khi được Đức Phật chỉ dẫn phương pháp diệt trừ thuỵ miên, bảy ngày sau Tôn giả chứng quả A-la-hán. Cũng trong bản kinh này, Tôn giả Mục-kiền-liên đã hỏi Đức Thế tôn thế nào là một tỳ-kheo lý tưởng ? Đức Thế tôn đáp : « Là tỳ-kheo không chấp thủ bất cứ cái gì ở trên đời ».
Kinh Tạp A-hàm ghi chép, Mục-liên-từng tuyên bố với Đại chúng Tỳ-kheo rằng, ngài đích thực là « con của Phật, sanh từ miệng Phật, hoá sanh từ Pháp, thừa hưởng gia tài Phật pháp ; bằng chút phương tiện mà được thiền, giải thoát, tam-muội ». Còn gì hạnh phúc hơn khi biết mình đích thực là con của Đức Như lai, làm người thừa kế thừa hưởng gia tài Phật pháp ? Còn nhớ năm xưa, gã cùng tử, đứa con đích thực của ông trưởng giả sang giàu, nhưng vì bao năm lưu lạc tha hương, vì miếng cơm manh áo đoạ đày mà quên đi thân phận của mình ; cho đến khi về lại nhà, gặp lại người cha già mà vẫn không thể nhận ra nòi giống đích thực của mình. Vì vậy mà gã cùng tử chỉ đáng để làm người hốt phân, và gã cũng bằng lòng làm kẻ tôi tớ hèn mọn ! Cho đến khi, và chỉ cho đến khi nào gã cùng tử nhận diện được chính mình là đứa con duy nhất của ông trưởng giả sang giàu thì nó mới đủ tư cách thừa hưởng gia sản giàu có của ông cha.
Chừng nào chúng ta mới nhận ra rằng mình chính là « Như lai chân tử » ?
Mục-kiền-liên thật sự xứng danh Pháp vương tử, không những biết thừa kế gia sản Pháp bảo mà còn làm cho gia sản ngày càng thêm lớn bằng cách nuôi dưỡng, đào luyện thêm những tỳ-kheo thành Thánh. Tăng Nhất A-hàm, phẩm Đẳng thú tứ đế, ghi lại nhận xét của Thế tôn : « Tỳ-kheo Xá-lợi-lợi là cha mẹ sanh ra chúng sanh, tỳ-kheo Mục-kiền-liên là người nuôi dưỡng cho lớn khôn. Sở dĩ như vậy là vì tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đã vì mọi người nói pháp yếu, thành tựu tế đế ».
Trong số những đại đệ tử của Thế tôn, Mục-kiền-liên là người học trò thường hầu chuyện với Đức Phật bằng thiên nhãn và thiên nhĩ thanh tịnh trong khi Phật đang ở Kỳ viên, ngài ở vườn Trúc. Đức Phật thường khen ngợi : « Trong chúng Thanh văn của Ta, người có thật nhãn, thật trí, thật nghĩa, thật pháp, thì sẽ thấy chúng sanh nhất định không trở ngại, đó là Đại Mục-kiền-liên ».
Những điều mà Mục-kiền-liên nhìn thấy, đôi khi Phật khuyên đừng nên nói cho người khác nghe, vì họ sẽ không thể tin được.
Một thời, Phật trú tại Bạt-kì-sấu, trong núi Ngạc, rừng Bố, vườn Lộc dã. Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đang coi việc xây dựng thiền thất cho Phật.
Trong khi Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đang kinh hành thì Ma vương Ba-tuần hóa hình nhỏ xíu chui vào trong bụng Tôn giả. Tôn giả nhập định thấy và biết rõ tâm ý của Ba-tuần. Ngài gọi Ba-tuần hãy mau đi ra và khuyên chớ có xúc nhiễu Như lai, cũng chớ xúc nhiễu đệ tử của Như lai, đừng sống mãi trong sự vô nghĩa, vô ích mà phải tái sanh ác xứ, thọ vô lượng khổ.
Khi Ba-tuần đã ra khỏi bụng và đứng trước mặt Tôn giả, Đại Mục-kiền-liên nói cho Ba-tuần biết vai vế của mình vốn là cậu ruột của Ba-tuần vào thời Phật Câu-lưu-tôn.
Thuở ấy, Đại Mục-kiền-liên là một Ác ma, đã nghĩ mọi cách để chi phối một người đệ tử của Phật Câu-lưu-tôn là Tôn giả Tưởng; còn Ba-tuần là con trai của em gái ngài, tên là Hắc.
Lúc đầu, Ác ma xúi dục các Cư sĩ, Bà-la-môn mắng chửi, đập phá, rủa xả… Tôn giả, khiến Tôn giả đầu bị thương tích, y rách toạc, bình bát bể. Các Cư sĩ, Bà-la-môn nghe lời xúi dục của Ác ma sau khi mạng chung đều sanh vào địa ngục. Phật Câu-lưu-tôn thấy vậy liền dạy các Tỳ-kheo hãy phát khởi “tâm tương ưng với từ, không kết, không oán, không nhuế, không não hại, rộng lớn bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Tâm bi, hỷ, xả cũng vậy. Với tâm ấy khiến Ác ma không thể chi phối”.
Mắng chửi, đánh đập, rủa xả… không chi phối được Tôn giả Tưởng và các Tỳ-kheo tinh tấn, Ác ma liền xúi các Cư sĩ, Bà-la-môn phụng kính, cúng dường, lễ sự để lung lạc họ. Các Cư sĩ, Bà-la-môn nghe theo lời xúi dục của Ác ma phụng kính, cúng dường, lễ sự các Tỳ-kheo tinh tấn, sau khi mạng chung đều sanh lên cõi trời, sanh vào thiện xứ. Đức Phật Câu-lưu-tôn thấy vậy liền dạy các Tỳ-kheo: “Hãy quán các hành vô thường, quán các pháp hưng suy, quán vô dục, quán xả ly, quán diệt, quán đoạn, để cho bọn ác ma không thể chi phối”.
Bằng cách này, Ác ma cũng không lung lạc, chi phối được Tôn giả Tưởng, nên đã hiện thành đứa bé cầm gậy đánh vào đầu Tôn giả Âm. Đức Câu-lưu-tôn nhìn thấy người đệ tử của mình bị hại mà vẫn điềm tĩnh đi theo sau Phật như bóng không rời hình liền nói: ‘Ác ma thật là hung bạo này có đại oai lực, Ác ma này không biết vừa đủ’. Câu nói chưa dứt thì Ác ma đọa vào địa ngục, chịu vô lượng khổ.
Ma vương Ba-tuần nghe đến đây thì trong lòng hết sức rúng động, kinh sợ, khủng khiếp vô cùng, tóc lông dựng ngược, bèn hướng đến Tôn giả Đại Mục-kiền-liên xin kể cho nghe những cảnh khổ ở địa ngục. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên kể cho Ba-tuần nghe. Nghe xong Ba-tuần sầu não bỏ đi.
Nội hàm câu chuyện Tôn giả Đại Mục-kiền-liên hàng ma cho chúng ta thấy rõ bản chất hung bạo của các thế lực xấu ác, luôn tìm mọi cách để khủng bố, mưu hại, hoặc mua chuộc bằng tiền tài, danh lợi, địa vị… nhằm mục đích lung lạc chí hướng tu tập của những người xuất gia. Nếu không đề cao cảnh giác, không có bản lĩnh phi thường, người xuất gia sẽ dễ dàng bị rơi vào cạm bẫy của các thế lực xấu ác (Kinh Hàng ma, 131, Trung A-hàm).
Kinh Tạp A-hàm cũng khi lại những gì Mục-kiền-liên trông thấy trong đường ngạ quỷ thật vô cùng thảm khốc! Nhưng cái cảnh bi thảm nhất có thể nói là cảnh mẹ ngài đang bị đói, khát, bơ vơ trong đường ngạ quỷ. Làm sao có thể chịu nỗi khi thấy được, biết được mẹ mình, ba mình đang bị đoạ đày ở nơi cõi giới u minh nào đó ?
Mục-kiền-liên đã chứng đạt thần thông bậc nhất mà không thể làm sao cứu được mẹ mình thoát khỏi ngạ quỷ, thậm chí dâng một bát cơm cho mẹ đỡ lòng mà bà cũng không ăn được. Vậy thì chúng ta là những phàm phu, tu tập chưa được bao nhiêu, chưa thành tựu được pháp yếu… nếu không nương theo thần lực của chư Tăng và tu tập tinh tấn hơn nữa thì làm sao có thể cứu độ được cha mẹ mình?
Chuyện của ngài Mục-kiền-liên thật đáng để nhớ và suy ngẫm biết bao, nhất là trong mùa vu-lan này.
Nguồn:daophatngaynay.com