Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Vũ khúc Lục cúng hoa đăng

Vũ khúc Lục cúng hoa đăng

313
0

Cũng sau những buổi thuyết pháp của Đức Phật, các kinh điển thường ghi lại những cảnh tượng diễm lệ, huy hoàng, thiêng liêng khi chư thiên khắp trời giăng lưới châu, rải tràng hoa, trỗi kỹ nhạc để xưng tán, ca ngợi Đức Phật, giáo pháp và thánh chúng. Trong quá trình hoằng pháp lợi sanh, lịch đại chư Tổ đều kế thừa, phát huy nguồn âm nhạc thiền vị ấy để tự thăng hoa đời sống tâm linh và lấy đó làm phương tiện quyền xảo để đưa mọi người trở về với kho tàng chánh pháp. Có thể nói, âm nhạc luôn là một tố chất không thể thiếu trong suốt lịch sử 2549 năm tồn tại và phát triển của Phật giáo.

Lục Cúng là một thể loại của âm nhạc Phật giáo. Khi đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, vũ khúc Lục Cúng là một loại hình âm nhạc đặc thù của Phật giáo xứ Huế.

ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA VŨ KHÚC LỤC CÚNG

Lục Cúng có nghĩa là sáu lần cúng. Tương ứng với mỗi lần cúng là một trong sáu lễ vật cúng dường: hoa, hương, đèn, trà, quả, nhạc. Mục đích của Lục Cúng là nhằm cúng dường chư Phật. Trước hết là tưởng nhớ ân sâu hóa độ của Đức Phật và qua đó, là thực hành hạnh phụng sự chúng sanh, truyền bá chánh pháp. Theo Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, vũ khúc Lục Cúng có từ thời cổ, do các vị sư Ấn Độ truyền vào nước ta. Hằng năm khi vụ mùa được bội thu, tại các chùa lớn thuộc các hạt Thuận Thành, Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Thường Tín – các nơi thờ Phật Tứ Pháp – những lúc có tổ chức các lễ lớn đều biểu diễn vũ khúc này để dâng hương, hoa đèn, trà, quả, thực lên Tam Bảo. Vũ khúc Lục Cúng có được truyền bá rộng rãi hay không và đã được du nhập vào xứ Đàng Trong trước đó và kinh đô Phú Xuân sau này như thế nào? Đến nay, chưa thấy tài liệu nào ghi lại. Các vị Tăng am tường và đã từng trình diễn về vũ khúc này hiện còn sống tại cố đô Huế cũng chỉ biết vũ khúc Lục Cúng là do chư Tổ truyền lại. Đồng thời, trong các thế hệ Thầy Tổ của Phật giáo xứ Huế đều có nhiều vị rất giỏi và điêu luyện về vũ khúc này.

Nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận. Trong nhã nhạc cung đình Huế, vũ khúc Lục Cúng chính được bắt nguồn từ âm nhạc Phật giáo. Tác phẩm “Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam” cho biết rằng, đến đời Minh Mệnh (1820 – 1839), vua sai viện Hàn Lâm học tập, tiếp nhận và sửa lại vũ khúc này. Cái tên Lục Cúng Hoa Đăng chính thức có từ thời ấy. Như vậy, Lục Cúng Hoa Đăng từ tính chất vốn có của nó là một loại hình âm nhạc tôn giáo có khi đã được tiếp thu và cải biên thành một loại hình âm nhạc cung đình. Ngoài chức năng cúng dường, truyền giáo, Lục Cúng còn có chức năng giải trí, thẩm mỹ. Trong suốt lịch sử tồn tại của nó, Lục Cúng luôn được thay đổi, bồi đắp và phát triển đến đỉnh cao nghệ thuật.

Lục Cúng Hoa Đăng là một đàn trong bộ ba của nghi thức Chạy Đàn: Lục Cúng – Khai Tịch – Bạt Độ. Môi trường diễn xướng của Lục Cúng Hoa Đăng trong Phật giáo và trong cung đình có sự khác nhau. Trong khi Lục Cúng Hoa Đăng trong cung đình thường chỉ được trình diễn trong các ngày lễ Thánh Thọ, Tiên Thọ, Vạn Thọ và Lễ cúng Mụ thì trong Phật giáo, vũ khúc này chỉ được trình diễn trong những hoàn cảnh đặc biệt. Trong các lễ Lạc Thành, An Vị hay Lễ Hội, Vía Phật, nếu có tổ chức Giải Oan Bạt Độ, Trai Đàn Chẩn Tế thì vũ khúc này mới được trình diễn. Khai Tịch – Bạt Độ được diễn trong đêm tổ chức Đàn Bạt Độ với ý nghĩa nguyện cầu cho những người đã khuất giải thoát oan khiên. Lục Cúng Hoa Đăng được diễn trong đêm có tổ chức Đàn Chẩn Tế với ý nghĩa hoàn mãn, vui mừng, chúc mọi người còn sống được thái bình, hạnh phúc, an lạc.

Giai đoạn đầu mới hình thành, Lục Cúng do hai vị tăng mặc áo Ca Sa vàng, đầu đội mũ Thất Phật biểu diễn, khi múa hai vị tăng này chỉ cử động cổ hai bàn tay để kiết ấn, xả ấn, hai bàn chân khẽ rê đi, dàn ra theo hình chữ ( ) nhật (lúc dâng hương), hình liên hoa bốn cánh (lúc dâng hoa) hình chữ (    ) á (lúc dâng đăng), hình chữ (    ) thuỷ (lúc dâng trà), hình chữ (     ) vạn (lúc dâng quả) và hình chữ (     ) điền (lúc dâng thực). Về sau, có khi các vị Tăng không múa mà lại cho 4 hoặc 8 em nhỏ hoá trang làm Kim Đồng – Ngọc Nữ múa thay. Các em này đầu đội mũ Trang Kim, mặc áo màu, chân có bít tất trắng, chỗ trên hai khuỷu tay có vắt một mảnh lụa màu vàng lạt. Ứng với 6 lần múa có 6 khúc hát, điệu hát ngân nga, du dương, trầm tĩnh. Dứt mỗi khúc hát, nhạc công gõ vào não bạt và đánh trống đỗ hồi. Thời điểm mà Vũ khúc Lục Cúng được du nhập vào nhã nhạc cung đình thì nó đã phát triển gần đến độ hoàn thiện về nghệ thuật của nó. Dưới thời các vua Nguyễn mà mốc giới là từ thời vua Minh Mệnh trở về sau, trong cung đình, Lục Cúng Hoa Đăng được trình diễn bởi 16, 32, 48, hoặc 64 vũ sinh vừa nam vừa nữ má phấn môi son cũng hoá trang làm Kim Đồng-Ngọc Nữ. Vũ sinh đội mũ hoa sen, thắt dây kết bông, trong mặc áo lót màu lục, tay đính vỏ lừa, ngoài mặc áo Mã Tiên, xiêm dài, quần giáp, giải quần màu hồng, chân quấn xà cạp, bít tất trắng, hai tay cầm hai chậu đèn hoa sen, vừa múa vừa hát.

Cách đây ba mươi năm về trước, khi Lục Cúng Hoa Đăng đang còn thịnh hành, mỗi khi trình diễn ở các đàn tràng, thường chỉ 10, 12 hoặc 20 vị Tăng trình diễn, hoá trang làm chư Tiên. Đại để cách phục sức cũng giống như cách phục sức mà nhã nhạc cung đình đã duy trì. Nhưng áo Mã Tiên được mặc kèm Xà Phu mặc rồng (Xà Cạp chỉ được mang kèm với áo Bá Nạp biểu diễn trong đàn Khai Tịch và Bạt Độ). Mọi người đều cầm Lam ba (đèn hoa sen), riêng hai vị thủ (hai người đứng trước có vai trò ra hiệu lệnh, dẫn đường) thì có khi cầm não bạt (xập xoã) bằng đồng để ra hiệu lệnh. Mọi người đều vừa múa vừa tán. Các động tác ký vạn thọ (là động tác một chân bước lùi một bước, chân còn lại gập xuống, hai tay một cao một thấp đưa đèn lên trong tư thế chào. Động tác này thường kèm theo động tác xoay tròn cả người hai vòng ngược – xuôi. Thuật ngữ Lục Cúng gọi là Làm Bông hai mặt phải trái), chạy đàn Song Lục (nghĩa là cặp sáu. Bởi vì ngày xưa, vũ khúc Lục Cúng thường được trình diễn bởi 12 người. Khi chia hai hàng thì mỗi hàng có 6 người, xếp song song với nhau cho nên gọi là Song Lục), đôn bình, nâng hoa v.v…có khi nhanh khi chậm nhưng đều rập ràng, uyển chuyển, hoa mỹ mang tính nghệ thuật cao. Phụ hoạ theo các bài tán và các điệu múa, điệu vấn, điệu chạy, điệu nhảy là một dàn nhạc giao hưởng gồm: tang, mõ, trống, kèn, đàn, sênh, phách v.v… Thời gian trình diễn thường vào ban đêm, kéo dài từ một đến hai tiếng đồng hồ. Địa điểm diễn xướng chính là nơi đã được thiết trí sẵn cho đàn Bạt Độ, Chẩn Tế.

VÀI NÉT VỀ NỘI DUNG VŨ KHÚC LỤC CÚNG HOA ĐĂNG

Lục Cúng Hoa Đăng là một loại hình nghệ thuật kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc và vũ đạo. Nội dung cụ thể và sinh động của nó chỉ được truyền đạt trọn vẹn qua sự trình diễn sinh động trong một môi trường cụ thể, phù hợp. Ở đây, chỉ giới thiệu những nội dung khái quát của vũ khúc này.

Lục Cúng Hoa Đăng của nhã nhạc cung đình Huế hiện chỉ có 6 khúc hát: Đăng Hoa, Hương Phù, Hoa Quả, Trí Đăng, Phật Diện, Khể Thủ và Tam Tự Quy. Biểu trưng của 6 khúc hát là 6 lễ phẩm: hoa, hương, đăng, trà, quả, nhạc. Trong qúa trình tiếp nhận có thêm bớt, về sau lại bổ sung thêm bài La Liệt.

Lục Cúng Hoa Đăng của Phật giáo bao gồm 3 nội dung chính: phần triệu thỉnh Tiên đồng, Thổ địa và chư Tiên – phần hành đàn Song Lục và chồng bình –  phần kết chữ và tự quy hồi đàn.

Mở màn, Tiên sứ giả triệu Tiên đồng: “thừa Như Lai chiếu chỉ, triệu Tiên đồng đáo lai đàn nội”. Khi Tiên đồng xuất hiện, chạy quan sát khắp đàn tràng, rồi đứng trước đàn Giác Hoa hát các bài hát theo các thể loại: kẻ, hường, tán, nam, khách, tấu mã, phú lục, xưng danh. Hát xong Tiên đồng triệu Thổ địa. Thổ địa ra đàn tràng lễ Phật, Tiên và biểu diễn những động tác, những điệu hát như Tiên đồng đã làm. Sau đó, Thổ địa triệu thỉnh chư Tiên trở ra đàn tràng bắt đầu phần Lục Cúng.

Theo tiếng nhạc, chư Tiên ra đàn tràng, ký vạn thọ, cử tán, đi theo hình chữ á, vừa đi vừa đồng thanh tán bài Hội Phật Tiền: “Hội Phật tiền, lạc văn kinh. Lục tiên mẫu hiến hoa đăng hề hiến hoa đăng. Minh minh cảnh cảnh chiếu tâm đăng hề chiếu tâm đăng. Hành trình hoàng lộ hiến hoa đăng hề hiến hoa đăng. Đức trạch quần sanh chư thiện đạo. Ân đàm cữu hữu phối linh quang. Phước đẳng hà sa vô số Phật. Hồi đầu vọng bái tại Phật tiền”. Chư Tiên lễ Phật xong, ký vạn thọ, giao diện rồi đồng hô – ứng: “vạn lý giang sơn” – “hề đáo bổn đàn”. Tiếp đó, vừa múa vừa tán bài: “Nhạn giới tân phân cảnh thượng liêu a thượng liêu. Vân cù lịch tận hải thiên nghiêu a thiên nghiêu. Hoàng kim bố địa tha thiên quốc. Bạch ngọc diêu đài thượng tuý tiêu a tuý tiêu”.

Trở về vị trí cũ, chư Tiên chia thành hai nhóm, làm hai bình Phù Diện trong tư thế hoa sen xếp tầng, cử tán, xẹt não bạt, nâng bình, giao diện, rồi đi theo hình chữ nhật, cùng tán bài: “Phù diện do như tịnh mãn nguyệt. Diệc như thiên nhật phóng quang minh. Viên quang phổ chiếu ư thập phương. Hỷ xả từ bi giai cụ túc”.

Từ từ hạ bình, ký vạn thọ, xẹt não bạt, giao diện, hành đàn Song Lục I, chạy chậm ba vòng rồi vấn Tứ Châu (bốn góc). Sau đó, trở về lại trước bàn Giác Hoa, tập trung cùng dựng bình Tam Bảo (hình dáng ba bông hoa, giữa cao hai bên thấp). Xẹt não bạt, nâng bình, múa đèn và cùng tán bài: “Hương phần tại thượng phương. Thoại ái kim lô phóng. Nội hữu liêu nhiễu thanh yên. Diệu Âm Vương. Phụng hiếu điều ngự tiền. Như lai phù thọ de, lưỡng túc tôn”.

Xả bình, xếp hai hàng, xẹt não bạt, ký vạn thọ, giao diện, hành đàn Song Lục II chạy thành vòng tròn rồi vấn Liên Đằng (sợi dây liên kết). Xẹt não bạt, trở về bàn Giác Hoa (Định Vương Như Lai), giao diện, đồng hô đồng đáp: “Vạn lý giang sơn – Hề đáo bổn đàn”. Sau đó tập trung hai nhóm làm bình Song Hạt Phi Lai (hình dáng hai con hạt đang bay). Xẹt não bạt, nâng bình, cùng tán và múa bông theo bài: “Nhân duyên tự tánh sở xuất xanh. Sở hữu chủng chủng vi diệu. Hoa hương đăng đồ quả nhạc. Phụng hiến thượng sư tam bảo tôn. Duy nguyện từ bi ai nạp thọ”.

Xẹt não bạt, trở về hai hàng dọc trước bàn Giác Hoa, ký vạn thọ, giao diện, xuất đàn Song Lục III, chạy chậm thành vòng tròn, giao diện, vấn Kết Thằng (dây thắt từng múi). Vừa chạy, vừa nhồi đèn rồi chia thành 4 nhóm tập trung ở bốn góc (đông tay nam bắc), làm Bát Cảnh Bái Bàn. Sau đó chạy thành vòng tròn, rẻ hai hàng trở về bàn Giác Hoa, cùng dựng bình Bảo Toạ (tương tự như hình dáng bình Phù Diện). Cử tán, xẹt bạt, nâng bình, vừa múa bông vừa tán bài: “La liệt hương hoa kiến bảo đàn. Trùng trùng phật cảnh nhất hào đoan – nhất hào đoan. Tâm dung diệu lý hư không tiểu. Đạo khế chân như pháp giới khoan – pháp giới khoan. Tướng hảo từ bi thu nguyệt mãn. Hoá thân đằng vận mộ vân phiền – mộ vân phiền. Hương yên đối lý chiêm ứng hiện. Vạn tượng sum la hải ấn hàm. Vạn tượng sum la hải ấn hàm”.

Hạ bình Bảo toạ, xếp lại hai hàng dọc, xẹt não bạt. Ký vạn thọ, rồi xuất đàn Song Lục IV. Sau đó chạy lại thành vòng tròn, cùng vấn Lồng Mốt (vấn xen kẻ hai người với nhau nhưng vấn một lần) rồi trở lên trước bàn Giác Hoa sắp hình các chữ thiên hạ thái bình:

Sau đó trở về vị trí hai hàng dọc, cùng nhồi đèn và tán bài Tam Tự Quy: mỗi lần tán một Tự Quy, từ hàng hai, xếp thành hàng tư cùng cúi xuống lạy, rút lại thành hàng hai, như thế ba lần cho đến: “Thống lý đại chúng, nhất thiết vô ngại”. Hai vị thủ dứt não bạt. Cả đại chúng đồng hoà hồi đàn: “Hoà nam thánh chúng”.

Trong trường hợp chỉ trình diễn một vũ khúc Lục Cúng, quý vị Tăng hoá trang làm chư Tiên có thể thêm các bài tán Diệu Hoa, Hoa Quả, Ngã Kim Y Giáo, v.v… và dựng thêm bình Lưỡng Long Tranh Châu, Tứ Thiên Vương, làm Hoa Khai Hoa Hạp, v.v… vốn là những tiết mục của Khai Tịch và Bạt Độ. Đặc biệt gần đây, trong khi phục hồi vũ khúc này, cố Hoà thượng Thích Từ Phương đã có công đưa điệu thức Thài và bốn khúc hát vào phần xếp bốn chữ Thiên Hạ Thái Bình đã làm cho tiết mục này thêm phần phong phú, nghệ thuật.

Trước đây Lục Cúng Hoa Đăng đã từng được lưu diễn tại Lễ Hội Quán Thế Âm tổ chức ở Động Huyền Không – Ngũ Hành Sơn (Quảng Nam Đà Nẵng), tại Đại lễ Bạt Độ Chấn Tế tổ chức ở Đại Lộ Kinh Hoàng (Quảng Trị). Riêng tại Huế, dưới thời Khải Định, vua đã mời vào biểu diễn tại cung An Định. Hầu hết các chùa Thiên Mụ, Diệu Đế, Quốc Ân, Châu Lâm, Phước Điền, Báo Ân, Dạ Lê v.v… đều đã từng là nơi có biểu diễn vũ khúc này. Sau 30 năm vắng bóng, đến năm 2003, vũ khúc này mới được phục hồi và đã trải qua bốn lần trình diễn tại: Đại lễ Phật Đản – chùa Diệu Đế (Phật lịch 2546), Lễ Hội Quán Thế Âm – Núi Tứ Tượng Huế (19/6/PL 2546). Lễ Hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng (19/2/PL 2548) và Đại Lễ Phật Đản – chùa Từ Đàm – Huế (Phật lịch 2548).

So với Lục Cúng Hoa Đăng của nhã nhạc cung đình Huế, Lục Cúng trong Phật giáo vẫn còn bảo lưu được sự phong phú về hình thức, sự đa dạng về nội dung. Đặc biệt, chức năng, tính chất, môi trường diễn xướng và mục đích của nó vẫn còn giữ gìn trọn vẹn. Trong khi Nhã nhạc cung đình Huế do môi trường diễn xướng không còn giữ nguyên như thời Phong Kiến cho nên Lục Cúng Hoa Đăng của cung đình đã không còn bảo lưu được chức năng nghi lễ của nó. Công việc phục hồi hiện tại cũng chỉ đạt đến 60%. Hơn nữa, do mục đích giới thiệu, du lịch là chủ yếu, vì vậy vũ khúc này chưa bao giờ được trình diễn có tính bài bản trọn vẹn. Trong khi ấy công việc phục hồi vũ khúc Lục Cúng Hoa Đăng này trong Phật giáo mặc dầu đã đạt được những thành quả nhất định song vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn về nhân sự, tài chính, sự tập luyện bền bỉ. Quan trọng hơn là những bậc am tường về loại hình nghệ thuật vũ nhạc đặc thù này lại quá hiếm như “sao buổi sớm” như “lá mùa thu”. Trước mắt vẫn còn nhiếu vấn đề cần phải giải quyết như việc kế thừa trọn vẹn, sau đó sửa đổi, phát huy. Bởi vì, Lục Cúng cũng là một loại hình nghệ thuật có tính lịch sử. Nếu không có sự tiếp nối, kế thừa và sáng tạo, phát triển thì chúng ta sẽ tự đánh mất một viên ngọc quý trong kho tàng Lễ Nhạc Phật giáo Huế – vốn được coi là đỉnh cao của Lễ Nhạc Phật giáo Việt Nam.

Tài liệu tham khảo chính
1. Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam, Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huế, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1992.
2. Giáo án Lục Cúng – Khai Tịch – Bạt Độ, tài liệu chép tay của Thượng Toạ Thích Thanh Liên, Chùa Từ Hóa, Huế.
chú thívh ảnh:
A1,2 múa Lục cúng tại chùa Từ Đàm Lễ Phật đản PL2548.(ảnh TLH)
 

Huệ Thiện | Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo 6

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here