Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Trở lại với chính mình

Trở lại với chính mình

125
0

“Người ta ai cũng nghĩ tới việc thay đổi thế giới, nhưng ít ai nghĩ tới việc thay đổi mình”. Đó là câu của đại văn hào Nga, Lev Tolstoi, tác giả của “Chiến tranh và hòa bình”. Quả thật, số đông người ấy có ta với những ước vọng cao siêu, thay đổi thế giới, thay đổi người này, người kia. Và, bằng cách nào đó, trong điều kiện cụ thể ta luôn luôn hành động và nghĩ là mình đang làm vì ai đó, vì những điều lớn lao trong suy tưởng…

Nhưng, càng “lún sâu” vào suy nghĩ như thế ta càng đánh mất mình, càng cống cao, ngã mạn, càng nhân danh những điều to tát và thấy mình đang hi sinh, đang là trung tâm vũ trụ.

Ta không tự chủ được chính mình thì làm sao thay đổi được ai? Chỉ cần một quán niệm nho nhỏ như thế đủ để biết kết quả của suy nghĩ “táo bạo” của của ta dễ dàng thất bại thê thảm rồi. Chính vì vậy, mà thiên tài, những bậc anh hùng, vĩ nhân trong cuộc đời vẫn hiếm hoi, khó tìm, khó thấy.

Ta nghĩ tới việc dạy người của Đức Phật, rằng, phải tự độ rồi mới độ tha. Tự độ nghĩa là, phải hóa độ những chúng sinh huân tập lâu ngày trong tâm mình (tập khí) mà nó vẫn thường biểu hiện hằng ngày trong ý-ngữ-thân, lúc nào cũng chứa đầy độc tố (tham-sân-si).

Bằng cách trở lại với chính mình, làm lắng dịu những tâm hành không tốt để “khai thông suối nguồn” thì tự khắc mình sẽ phục chúng, không cần phải nói nhiều, hay phải thể hiện gì cả. Nói cách khác, mọi sự thể hiện khi đó là thật tâm, là cốt cách mà không mảy may dụng công hay cố gắng gì cả.

Do đó, thay đổi chính mình chính là tu, tất nhiên là thay đổi ý-ngữ-thân dần theo hướng hiền thiện, thì cái chân, cái mỹ tự khắc phát lộ, cảnh và người xung quanh tự khắc cũng sẽ quay về nương tựa mà thay đổi theo.

Như vậy, khi ta thay đổi chính mình một cách rốt ráo, tốt đẹp thì cũng là đang thay đổi thế giới vậy. Cách “tu thân” rồi sẽ “bình thiên hạ” (theo nguyên tắc lấy đức phục chúng) là cách làm từ gốc mà những bậc đạo sư vĩ đại thường dùng. Còn kẻ tham lam, muốn nhanh bá chủ thì dùng uy quyền, lợi dưỡng để ép buộc, khuyến dụ, lấy ma mị để quy phục người thì cũng chỉ được chốc lát, ngắn ngủi, rồi họ cũng nhận ra mà bỏ đi, không thì cũng nổi loạn, quay lại chống phá mà thôi!

(Facebook Lưu Đình Long)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here