Không chỉ trên phương diện liên hệ duyên sanh, trong mối liên hệ, tác động giữa nghiệp chung (cộng nghiệp) của nhiều người và nghiệp riêng (biệt nghiệp) của từng người, đã góp phần tạo ra những nỗi bất hạnh hoặc cái xấu, cái ác. Vì lẽ, do nhân như vậy, duyên như vậy nên ta đã gặp nhau trên cõi đời này, trong cuộc sống này, tại không gian này, với bối cảnh xã hội như vậy. Không thể đơn phương trách đời, trách người, trách nhà chức trách theo dạng thức Chí Phèo thời nay. Ở đây, cần phải thấy rằng, tập tính sinh hoạt, không gian và bối cảnh xã hội có sự liên hệ sâu xa đến phước báo cũng như dẫn nghiệp, hành động của mỗi con người. Ngành khoa học nghiên cứu về tâm lý tội phạm cho thấy, có sự ảnh hưởng và liên hệ sâu xa về dấu ấn tuổi thơ, không gian gia đình, bối cảnh giáo dục, môi trường sống… có tác động rất lớn đến hành vi phạm tội của một cá nhân. Thấy rõ mối liên hệ và bối cảnh sống cụ thể, để chúng ta nỗ lực nhằm hoàn thiện mình, góp phần hoàn thiện xã hội và đặc biệt trước mắt, là luôn giữ tâm rung cảm, trước những khổ đau cụ thể của mỗi con người.
Sự rung cảm trước khổ đau
Lòng thương được xem là thuộc tính cơ bản của con người. Ở đâu có con người, nơi ấy có tình thương. Làm người đúng nghĩa, yêu cầu bắt buộc là phải có tình yêu thương đồng loại. Không có tình yêu thương đồng loại và không rung cảm trước nỗi khổ đau của tha nhân, thì chưa phải là một con người đúng chuẩn và đúng nghĩa.
Đạo Phật là tôn giáo tiêu biểu cho tình thương. Là một người Phật tử, lẽ tất nhiên tình thương dành cho con người bao giờ cũng lớn hơn người bình thường. Vì lẽ, tình thương của một người Phật tử đúng nghĩa không chỉ dừng lại ở tình thương đồng loại, mà còn mở rộng thương cả vạn loại sinh linh. Trước những bất hạnh, khổ đau của tha nhân, cũng như khi đối diện với cái xấu, cái ác đã và đang len lỏi xuất hiện trong hiện thực sống này, người con Phật cần phải giữ tâm rung cảm như là chuyện của chính bản thân mình. Mắt thương nhìn cuộc đời là hạnh nguyện của mười phương chư Phật mà tiêu biểu là hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm. Hạnh nguyện đó, đã là người Phật tử thì phải nỗ lực noi theo và thực hiện.
Trước mắt, phải giữ tâm rung cảm, không xơ cứng, chai lỳ trước nỗi khổ đau của đồng loại, tha nhân. Dẫu biết rằng, chỉ giữ được tâm rung cảm như thế thôi cũng đã là một điều rất khó, trong dòng chảy phức tạp của đời sống này. Bởi lẽ, một khi năng lực bảo hộ và quản lý của nhà chức trách vẫn tồn tại những giới hạn, một khi tham dục lên ngôi và thói quen thụ hưởng tăng dần, một khi cái xấu, cái ác luôn đoanh vây và xuất hiện hàng ngày, một khi sự mưu mô, lừa lọc hiện diện khắp nẻo và niềm tin giữa con người và con người đang tụt hạng ngay cả trong những mối liên hệ, quan hệ với người thân… thì thái độ vô cảm sẽ lặng lẽ, âm thầm xuất hiện và tạo nên những hệ lụy kéo theo trong cuộc sống này.
Ở đây, theo quan điểm xuyên suốt của Phật giáo, không rung cảm trước nỗi khổ đau của đồng loại, tha nhân thì chưa phải là người Phật tử đúng nghĩa. Vì lẽ, không rung cảm trước đau khổ của con người, đó chính là tội ác. Do đó, với cái nhìn tích cực và chủ động, người Phật tử phải xem việc giữ con tim rung cảm trước nỗi khổ đau và bất hạnh của con người là một hạnh tu. Một khi hạnh tu này thuần thục, khi nhân duyên chín muồi và hoàn cảnh sống đủ điều kiện, người Phật tử dễ dàng biến lý tưởng sống cao đẹp của hạnh tu trở thành hành động hiện thực, góp phần giải quyết từng nổi khổ đau cụ thể trong đời.
Phụng sự và dấn thân, hạnh tu ở mọi thời đại
Với Phật giáo, phụng sự tha nhân được xem là hạnh tu của mọi thời đại. Ngay bản thân Đức Phật là cả một bài học sáng ngời về hạnh phụng sự, dấn thân. Đọc lại trang sử Phật hào hùng qua các thời đại, có thể thấy rõ hạnh nguyện cứu người, giúp đời của các thế hệ tiền nhân trong Phật giáo luôn được hậu thế ngưỡng vọng và tôn xưng.
Trong tư duy Tục đế, lẽ tất nhiên, chúng ta còn rất lâu mới thành Phật và con đường cao tột đó, ta chưa thể bước vào chặng cuối của hành trình. Mặc dù vậy, đã là con Phật, ít nhiều chúng ta cũng hội tụ những tố chất như Phật, và một trong những tố chất đó, chính là tinh thần tự nguyện phụng sự và nỗ lực, dấn thân. Ở đây, điều cần phải minh định trước tiên là sự phụng sự và dấn thân trên cơ sở hoàn cảnh sống và nghiệp lực của riêng mỗi con người.
Tùy theo điều kiện của mình mà ta có thể lựa chọn một sự phụng sự, dấn thân thích hợp. Thái độ đó cần phải hành xử như việc cứu người đuối nước. Phải ý thức rằng năng lực của mình ra sao và sức nặng của kẻ kia thế nào để cả hai không bị chìm xuống nước. Nói rõ hơn, phụng sự tha nhân phải có sự quán sát của trí tuệ. Bởi lẽ, với hoàn cảnh sống của một người Phật tử bình thường, có những rủi ro và hạn chế nhất định, trong sự dấn thân và phụng sự tha nhân.
Tư duy rõ ràng về điều này để có thể lựa chọn cho mình một phương cách sống dấn thân và phụng sự phù hợp. Đừng e ngại việc nhỏ hay việc to. Nhặt một cây đinh có khả năng phá hỏng ruột xe trên quốc lộ, gọi một cú điện thoại khi thấy ai đó cần cấp cứu trên đường, ra tay chở che và hỗ trợ trong những tình huống phù hợp ở đời thường… là những việc cần làm, thể hiện cho hạnh tu thiết thực của một người cư sĩ trong thời đại hôm nay. Hơn đâu hết, đã là một cư sĩ trong đời, phải sống làm sao để sự hiện hữu của mình ngoài ý nghĩa với người thân, vợ con, còn phải có ý nghĩa với những hoàn cảnh thương tâm khác.
Với một đất nước có trên 45 triệu người theo đạo Phật như đất nước Việt nam
[ii], nếu như mỗi người cư sĩ Phật tử đều ý thức và rung cảm trước khổ đau của đồng loại, tha nhân và nỗ lực dấn thân, phụng sự, thì đó là một tín hiệu đáng mừng cho đạo đức xã hội hôm nay. Trong khuôn khổ những nỗ lực trước mắt, người cư sĩ phải sống làm sao đừng bao giờ để xảy ra tình trạng, ngày đến chùa tụng kinh đều đặn, nhưng khi gặp chuyện bất hạnh của người thì ngoảnh mặt, quay lưng. Kinh Phật, ta có thể bắt gặp ở thực tế đời thường và bản kinh đó có ý nghĩa không những cho bạn, cho tôi và cho tất cả những ai đang cầu mong vơi khổ.
Theo GNO
(i) Xem clip trên youtube tại đây: http://www.youtube.com/watch?v=JDO8MhAifig (ii) Theo, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Báo cáo của Ban thường trực Hội đồng trự sự trung ương giáo hội Phật giáo Việt nam, mục Hướng dẫn Phật tử, năm 2007.