Theo Cục Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh – cơ quan thường trực của hội thảo, ngày 21.4.2010, Bộ VH-TT-DL đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ biên soạn đề án quốc hoa VN, chứng tỏ nhu cầu cần có một quốc hoa cho các sinh hoạt văn hóa, đối nội, đối ngoại.
Cũng tại cuộc hội thảo, 9/10 ý kiến đều cho rằng nên có quốc hoa. Tiến sĩ (TS) Ngô Phương Lan – Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL), dẫn thông tin đã có 97 nước có quốc hoa và cho rằng việc có một loài hoa đặc trưng cho đất nước là cần thiết. Còn TS Phạm Thanh Hải – Phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh VN, nhận xét nếu có thì quốc hoa sẽ cùng vịnh Hạ Long, áo dài, nón lá góp phần tôn vinh hình ảnh đất nước. Ông Hải cho biết thêm, khảo sát ở một số trường đại học cho thấy 68% số người được hỏi bảo cần có quốc hoa để nâng cao niềm tự hào VN.
TS Lê Thị Minh Lý – Phó cục trưởng Cục Di sản, gây chú ý khi cho rằng thông tin 97 nước có quốc hoa trên mạng internet chỉ nên để tham khảo, việc tìm ra một quốc hoa cần có cơ sở khoa học và pháp lý; một số nước lớn và có nền văn hóa lâu đời như Trung Quốc, Nga cũng không có quốc hoa. “Bulgaria là một đất nước nổi tiếng về hoa hồng, nhưng họ vẫn chưa công nhận hoa hồng là quốc hoa. Tôi băn khoăn là quốc hoa của chúng ta có mang lại điều gì cho cộng đồng hay không, và liệu chúng ta có vai trò gì hơn trên trường quốc tế”, bà Lý phát biểu. Tuy nhiên, ông Phạm Sanh Châu – Tổng thư ký Ủy ban UNESCO VN, lên tiếng trấn an khi cho rằng quốc hoa cần thiết vì liên quan đến chính sách ngoại giao văn hóa. “Chúng ta đã nói nhiều đến vịnh Hạ Long, đến nem, đến phở rồi, thì nay có thể là một loài hoa nào đó, chẳng hạn sen, nếu được chọn là quốc hoa, thì trong các nghi lễ ngoại giao, cứ mang sen ra trang trí để tạo ra bản sắc VN”, ông Châu nói.
Trong khi đó, TS Đặng Văn Đông – Trưởng bộ môn Hoa và cây cảnh (Viện Nghiên cứu rau quả), cho hay mặc dù chưa có quy định nào về quốc hoa, nhưng nhiều người hiện vẫn lầm tưởng sen là quốc hoa của VN. Tham khảo trên một số website, trong khoảng 130.000 ý kiến, có 40,3% chọn hoa sen, 33,6% chọn hoa mai, 8,2% chọn đào… Tuy nhiên theo ông Đông, sen cũng đã được Ấn Độ, Sri Lanka chọn làm quốc hoa.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Tiến Thọ cho rằng cũng như quốc phục, việc có quốc hoa là cần thiết mặc dù để đạt được sự đồng thuận tuyệt đối là rất khó. Sau hội thảo này, Bộ VH-TT-DL sẽ còn tiếp tục tham khảo ý kiến các nhà khoa học, các nhà văn hóa để chọn ra một loại hoa chính thức để lấy ý kiến dư luận, trình Chính phủ, thậm chí cả Quốc hội để được thông qua một cách chính thức. Nếu mọi chuyện trôi chảy thì đề án này sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Tiêu chí để chọn quốc hoa, theo cơ quan thường trực của đề án, có 13 tiêu chí, gồm: có nguồn gốc hoặc được trồng lâu đời ở VN, thích nghi và được trồng ở nhiều nơi, nở hoa quanh năm, thể hiện bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc…
Tuy nhiên, theo họa sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, hệ thống tiêu chí này hơi rắc rối mà chỉ cần một số đặc điểm: trồng lâu đời ở VN, thể hiện bản sắc, tinh thần dân tộc, gần gũi trong đời sống và được đa số nhân dân yêu thích. Cụ thể, ông Chương đề nghị chọn hoa sen, bởi từ thời Lý, hoa sen đã được dùng nhiều, hơn nữa sen phổ biến, khỏe và đẹp. “Mặt khác, nếu chúng ta chọn hoa sen thì ẩn ý đằng sau hình tượng hoa sen là Bác Hồ, lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc”, ông Chương nói. GS-TS Trần Duy Quý nói về sức sống của loài cây này: hạt sen sau 500 năm vẫn có thể nảy mầm, mầm sen còn có thể xuyên qua đê sông Hồng. |
Theo TNO