Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Viết cho người con gái mới lớn

Viết cho người con gái mới lớn

126
0

Đức Như Lai – Người đã đến bên con vào những ngày con còn thơ ấu. Con được ngủ vùi trong lòng ngoại, trong vòng tay mẹ mà không cần một cố gắng nào. Sung sướng và thanh bình, trong giấc mơ, con thấy những chú vẹt màu xanh, những tia nắng lung linh, những bông hoa nhiều màu rực rỡ… Như Lai đang đến bên con, còn con cứ mải chơi đùa, đuổi theo đàn bướm trong tiếng cười giòn khúc khích. Nhưng con vẫn không quên ngoái lại để nhìn Người, một Người lạ nhất nhưng không làm con e sợ.

Người nhìn con mỉm cười. Nụ cười ấy như được nở ra trên toàn thân Như Lai. Và mỗi bước người đi là một bông hoa nở… Con cảm thấy rất hiếu kỳ, nhưng con còn mải đuổi theo những chú bướm, quanh quẩn một hồi, con chạy đụng cả đầu vào Người. Người đỡ con lên, nhìn con âu yếm, gật đầu thật nhẹ, rồi đưa cho con một chiếc lá và nói: “Con hãy viết những điều nguyện cầu của con lên đây, bất kể khi nào, ta sẽ lắng nghe điều nguyện cầu của con…”. Có lẽ đây là điều diệu kỳ nhất mà một đứa trẻ như con có được… Hôm đó, con đã viết nắn nót tên Người bằng chữ hoa đẹp nhất.

Sau giấc mơ đó, con thường hay viết những điều tâm sự, nhiều hơn là những điều nguyện cầu, có lúc con viết kín chiếc lá bằng những chữ nhỏ li ti, bởi con tin dù viết nhỏ thế nào Người cũng đọc được. Con viết mong cho nội ngoại được khỏe mạnh, ba mẹ thương yêu nhau và thương con nhiều hơn. Con viết cho bạn bè và con viết cho con, rằng mọi người sẽ dễ dàng tha thứ cho nhau, rằng lớn lên con sẽ làm cô giáo… Mỗi khi viết xong, con thả chiếc lá xuống dòng nước và mê mải nhìn nó trôi đi…

Một ngày kia con trở thành thiếu nữ, và những điều con viết trên lá mỗi lúc một nhiều tâm sự, mỗi lúc một cô đơn, trống vắng, xen lẫn những buồn bã, đôi khi là thất vọng… Có lúc con vừa khóc vừa viết để hỏi Người rằng tại sao ngoại con lại mất!? Tại sao ba mẹ con không còn thương yêu nhau nhiều như trước nữa!? Tại sao con cứ phải lớn lên và buồn phiền với những chuyện quanh mình!?…

Những chiếc lá cứ trôi đi và chìm xuống ở đâu đó, nhưng con tin Người vẫn lắng nghe và không bỏ quên một lời nào của con.

Như Lai chưa một lần phân tích, chứng minh và không than phiền với con một điều nào, rằng thế này mới là đúng, thế kia là sai. Như Lai không bao giờ làm xáo trộn những dòng chữ cô đơn trong facebook của con. Như Lai để dành sự cô đơn cho chính con trả lời. Những cú điện thoại và những câu chuyện vui buồn tiếp nối nhau trong cuộc sống của con, Như Lai cũng không can thiệp gì. Người vẫn yên lặng nhận những điều con viết trên lá. Mười mấy năm nay, con và Người vẫn cứ truyền tin cho nhau như thế mà không có bất kỳ một thông dịch nào, ngay cả khi con lỡ viết một từ tiếng Anh vào đó. Con chỉ biết rằng, lúc nào con yên lặng thì con thấy mình lắng nghe được nhiều hơn. Con không thích người ta bắt chước lời của Như Lai mà không có một trải nghiệm sống nào.

Một buổi sáng, con thấy hai đứa trẻ đang nghịch cát, con đến gần, chúng nhìn con ngần ngại, nhưng khi con không còn cảm giác nghịch cát là bẩn thì chúng chơi với con rất tự nhiên. Bất ngờ có một cánh tay lôi mạnh một đứa trẻ về: “Sao lại nghịch bẩn thế này. Mẹ cấm con không được bắt chước nó nữa nha”. Đứa trẻ còn lại vẫn yên lặng nghịch cát, sự yên lặng đến lầm lì của nó khiến con phân vân. Con nói với nó: “Chị chơi với em nha!”. Đứa trẻ chỉ khẽ gật đầu. Có lẽ con không phải là đối tượng để nó có thể hòa mình vui chơi, bởi một nửa sự sống động và thích thú của nó đã bị kéo đi. 

Nó chỉ chơi với con một lúc và phủi tay đứng dậy đi về, bỏ lại sự yên ắng quá đột ngột với con, mặc dù đường phố vẫn đông đúc người xe qua lại. Khi về đến nhà, con nghĩ, tất cả mọi năng lực của đứa trẻ và kể cả của con dồn cho một trò chơi hay một niềm tin đều là vì tình yêu với điều đó, không dơ sạch, và con không thể cố chứng minh điều đó là đúng hay sai được… Mười mấy năm qua, sự yên lặng của Đức Như Lai đã dạy con như thế. 

Có lần, con đọc một đoạn kinh: “Vào mỗi buổi sáng sớm, Người mặc trang phục, khoác áo cà sa, cầm bình bát đi vào thành khất thực. Khi trở về, thọ trai xong, Người tự tay xếp dọn y bát, rửa chân và ngồi lên chiếc bồ đoàn, hai chân xếp chéo, thân ngay thẳng, mắt chăm chú nhìn về phía trước…”. Đọc xong, con hình dung thấy Người ôm bình bát, đôi chân trần bước đi trong nắng mai ấm áp, với những tiếng chim hót líu lo quanh mình…, và dĩ nhiên có cả con chạy theo để ngắm nhìn Người nữa. Hình ảnh của Người đẹp quá đỗi bình dị như vậy, nhưng sao con kìm lòng không được. Đêm hôm đó, con đã chọn chiếc lá lành nhất và đẹp nhất mà con có được để viết về Người, viết về tình yêu và lòng trong sáng. Nhưng hôm sau, con lại ép nó vào trong tập và chỉ gửi đi một chiếc lá bình thường với đúng một từ “con” với ba chấm bỏ lửng… Con rất muốn khoe với Người rằng con đã biết yêu, nhưng con nghĩ rằng con vẫn chưa đủ đảm đang, thùy mị và dịu dàng như một người con gái.

Đức Như Lai chưa từng nói một điều gì. Phải chăng đó mới đích thực là tụng ca của tình yêu? Nếu Đức Như Lai không nói vậy, sẽ có người bắt chước lời nói của Người, cử chỉ của Người… Đức Như Lai không muốn thấy mọi người mất tự do. Không biết con hiểu như vậy có sai không, nhưng những khi trong con mọi mục đích đều trống rỗng, con lại thấy hình ảnh Đức Như Lai qua lời kinh: “Vào mỗi buổi sáng, Người mặc trang phục, khoác áo cà sa, cầm bình đi vào thành khất thực…”…

Vào một ngày đẹp trời, con lại gửi đến Người một chiếc lá, con kể rằng, ba mẹ con đã lại thương nhau, đã hiểu lòng con, và chỉ khi ba mẹ con thương nhau, con mới đủ can đảm để nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình. 

Nhìn những bước chân hoa của Người, con hiểu: hãy biết yêu thương dù chỉ một người… Rằng trong tình yêu, Đức Như Lai đã đến…

T.T.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here